Kể Về Lễ Hội đua Thuyền - Văn Mẫu Lớp 3

Đề bài

Em hãy kể về lễ hội đua thuyền của quê hương em hoặc ở nơi mà em đã có dịp được ghé qua

Những bài văn hay kể về lễ hội đua thuyền

Lễ hội đua thuyền của quê hương em

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, đâu đâu cũng diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc. Nơi em sinh ra thì có lễ hội đua thuyền, là văn hóa và bản sắc riêng của quê hương em.

Lễ hội đua thuyền là lễ hội cổ truyền, đã có từ lâu đời và đã thấm sau vào hồn mỗi người dân đất Việt. Mùa xuân vừa rồi, làng em đã tổ chức lễ hội đua thuyền. Trước khi lễ hội bắt đầu, ai ai cũng náo nức, hồi hộp mong chờ xem năm nay đội nào sẽ trở thành nhà vô địch. Và rồi, khi lễ hội diễn ra, em nhìn thấy ở dưới sông, có rất nhiều những chiếc thuyền với đủ màu sắc. Còn những người chèo thuyền thì khoác trên mình những trang phục thi đấu cũng rất đẹp, rất bắt mắt: có những trang phục màu nâu viền vàng nhạt, có trang phục màu xanh viền đỏ,...Lúc ấy, lễ hội cứ như một bức tranh tràn đầy những sắc màu.

Khi bắt đầu bước vào cuộc thi đấu, đội nào cũng ra sức, cố gắng chèo thuyền và hi vọng mình sẽ trở thành người chiến thắng. Lúc ấy, gương mặt ai cũng rất tập trung. Còn những người đứng trên bờ thì reo hò, cổ vũ cùng tiếng trống kêu rộn rã cứ như một bản nhạc về mùa xuân. Thế rồi, sau đó người ta cũng tìm ra được người vô địch. Nhưng dù ai là người chiến thắng thì tất cả mọi người đều rất vui vẻ vì họ được tham gia một lễ hội vui, bổ và đặc biệt là lễ hội ấy lại diễn ra trong không khí mùa xuân về. Lễ hội đua thuyền không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt, là tâm hồn dân tộc mà nó còn trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của bao nghệ sĩ.

Em rất thích lễ hội đua thuyền và mong khi lớn lên, em cũng sẽ trở thành người vô địch!

(Trích trong tuyển tập các bài văn kể về một ngày lễ hội trên quê em của học sinh giỏi năm 2018)

Lễ hội đua thuyền trong dịp giỗ tổ Hùng Vương

Lễ hội đua thuyền là lễ hội truyền thống của nước ta vào giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. Thật may mắn khi em đã có cơ hội chiêm ngưỡng lễ hội náo nhiệt này vào một lần đi chơi cùng với gia đình.

Hôm lễ hội bắt đầu là một ngày nắng đẹp. Hội đua được tổ chức tại một khúc sông tương đối dài, đủ để cho cuộc đua diễn ra thuận lợi nhất. Có rất nhiều chiếc thuyền cùng tham gia, có những chiếc màu vàng, có những chiếc màu đỏ, màu xanh. Mỗi đội có 12 người, và tùy theo sở thích họ lại mặc những bộ quần áo màu sắc khác nhau để khán giả cũng như trọng tài dễ dàng phân biệt. Chưa đến lúc thi đấu mà khán giả đã đứng kín hai bên bờ sông. Mọi người reo hò cổ vũ cho đội thi mình thích nhất. Không khí vô cùng náo nhiệt. Khi tiếng còi của trọng tài vang lên, lá cờ đỏ tung bay, báo hiệu cho các đội chơi, cuộc thi bắt đầu, các đội đều ra sức chèo lái con thuyền của mình đi nhanh nhất có thể. các chàng trai khỏe mạnh, cường tráng dốc hết sức mình, chèo chống con thuyền chạy phăng phăng trên mặt nước trong tiếng cổ vũ reo hò của mọi người.

Các đội bám sát nhau không rời, không ai nhường ai, ai cũng muốn giành được thắng lợi cho đội mình. Em cảm thấy rất phấn khích khi nhìn các đội sôi nổi, cố gắng từng giây từng phút để vượt lên và chiến thắng. Không khí xung quanh rất náo nhiệt, tiếng reo hò ở khắp mọi nơi. Hội đua kết thúc bằng sự chiến thắng đầy nỗ lực của đội đỏ. Tuy các đội kia thua nhưng cũng tự an ủi bản thân và chúc mừng chiến thắng của đội. Quả là một tinh thần chiến đấu cao đẹp, không ganh ghét đố kị. Bởi vì có lẽ họ biết họ đã làm hết sức rồi. Sự hết sức này tuy không khiến giành chiến thắng cuộc đua, nhưng nó đã khiến giành chiến thắng chính bản thân mỗi con người trên chiếc thuyền.

Hội đua thuyền là một lễ hội vô cùng vui vẻ. Em mong rằng lễ hội này sẽ được giữ mãi cho đến tận mai sau.

Tham khảo thêm: Bài văn mẫu lớp 3 Kể về lễ hội đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ hội đua thuyền trong tuổi thơ em

Quê hương nơi em sống có biết bao nhiêu lễ hội diễn ra, mỗi lễ hội có một đặc trưng riêng mà em cảm nhận được. Mùa của lễ hội thường xảy ra trong tháng giêng và tháng hai của năm. Bà bảo em rằng tháng một là tháng ăn chơi, tháng ba lễ Hùng Vương sau đó xong xuôi người nông dân mới ra đồng cấy lúa. Biết bao nhiêu lễ hội như thế diễn ra và biết bao trò chơi cũng được mở ra rất náo nhiệt nhưng em thấy vui nhất là lễ hội đua thuyền.

Lễ hội đua thuyền quê em diễn ra vào ngày hội của làng từ bé em đã được bà dẫn đi xem lễ hội đó. Nó là một lễ hội lớn nhất sau cái tết nguyên đán ở quê em. Vì nó là hội làng chứ không phải ngày hội của cả nước. Sở dĩ em thích xem đua thuyền không phải vì em thích môn thể thao ấy mà là anh trai em cũng tham gia vào cuộc đua thuyền ấy. Trong làng chia ra là các đội mỗi đội trên một chiếc thuyền. Đội nào thắng cuộc thì sẽ không những được trưởng thôn cấp cho bằng khen mà còn mang lại sự tự hào cho xóm đội của mình. Chính vì sự tự hào cũng như sự ganh đua phân cao thấp giữa các đội nên thấy rất thích nó.

Ngày lễ hội đến mọi người ăn uống chúc tụng nhau say sưa đến trưa thì bắt đầu từ hai giờ chiều mọi người tập trung tại đình của làng. Dưới đình là một cái ao làng rất to, những chiếc thuyền rồng dài đã sẵn sàng đợi những chàng trai ở đó. Con trai làng em nhìn thế mà đứa nào đứa này khỏe ra trò nhưng có một anh ở đội một lại có thân hình to béo và anh đã từng tập tạ, thể hình cho nên là một đối thủ đáng gờm cho đội của xóm em. Bắt đầu khoảng hai rưỡi khi mọi người đã có mặt đầy đủ trên những sân đình trưởng thôn ra hiệu bắt đầu cuộc đua. Người làng em đổ dồn ra xem náo nhiệt. Những đứa con nít nhỏ hơn em được bố hay anh trai cung kiêng lên tận đỉnh đầu để xem đua thuyền. Những cô gái thì cười đùa nhau, có những chị có cả người thương người nhớ ở trên thuyền đùa thì đưa mắt cười tít hô anh cố lên.

Tất cả mọi người đều mang tâm trạng háo hức cho cuộc thi đấu chuẩn bị bắt đầu. Nhiều ông cụ có tuổi vẫn đi xem, không phải vẫn ham chơi mà đây là nét truyền thống của dân làng nên hễ vẫn còn đi được thì các cụ chẳng bỏ những truyền thống tốt đẹp ấy. Họ được dân làng ưu tiên cho ghế ngồi xem đàng hoàng. Hăng nhất là mấy anh thanh niên trèo tường, đứng thẳng lên để xem và hò hét.

Trước tâm trạng hồ hởi của mọi người cuộc đua bắt đầu được diễn ra. Trưởng thôn chính là người chỉ huy cuộc đua ấy. Ông có chiếc còi trong tay, một hồi còi vang lên các trai tráng thanh niên vững tay chèo chống chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước. những cánh tay lái thuyền đều tăm tắp như đang rẽ sóng để vượt đến đích một cách nhanh nhất. Trong sự khẩn trương và nhanh nhẹn ấy là những tiếng hò la vang động cả một vùng trời. Ôi em thấy hạnh phúc khi thấy dân làng em hạnh phúc bên nhau như thế này. Những tiếng hét “ cố lên” vang lên như những khúc ca vang khích lệ tinh thân của người đang đua. Ngày hôm ấy em cũng hét khản hết cả cổ.

Kết quả là đội của anh to béo kia thắng, chiến thắng ấy kết thúc cuộc đua năm ấy, có những tiếng hò hét vui mừng của những người cùng đội với anh ấy, và cũng có những tiếng tiếc nuối “ trời ơi!!!”. Dù sao em cũng cảm thấy rất vui về lễ hội đua thuyền quê em. Nó như sợi dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân trong làng.

----HẾT----

Các em vừa tham khảo top 3 bài văn mẫu kể về lễ hội đua thuyền hay nhất được Đọc Tài Liệu biên soạn. Hy vọng với những tài liệu này sẽ giúp các em học tốt hơn môn tap lam van lop 3.

Chúc các em học tốt.

Từ khóa » Bài Văn Ngắn Kể Về Lễ Hội đua Thuyền