Kèn Vuvuzela: Tác Hại Của Kèn Vuvuzela Khiến Cả Thế Giới Xua đuổi

Mùa hè 2010, lần đầu tiên trong lịch sử có một kì World Cup được tổ chức tại châu Phi. Những hình ảnh về sự nồng nhiệt của người dân Nam Phi cùng một giải đấu hấp dẫn đã để lại nhiều ấn tượng cho cộng đồng hâm mộ bóng đá quốc tế. Nhưng đi kèm với những ấn tượng tốt đẹp là những tranh cãi về chất lượng trọng tài, sự khó nhìn của trái bóng Jabulani, và đặc biệt là tiếng kèn vuvuzela.

Là một thứ "đặc sản" trong cổ vũ của người Nam Phi, chiếc kèn vuvuzela bắt đầu trở nên phổ biến trên khắp các sân bóng tại đây vào cuối những năm 1980. Rồi phải đến World Cup 2010, chúng mới xuất hiện rộng rãi trên các màn hình TV khắp thế giới.

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 1.

Vuvuzela bắt đầu trở nên phổ biến toàn thế giới kể từ kì World Cup 2010 tại Nam Phi.

Đa dạng về màu sắc, nhỏ bé về kích thước nhưng có thể phát ra âm lượng khủng, rất dễ hiểu khi vuvuzela trở thành một món quà lưu niệm gây sốt dành cho các fan bóng đá vào sân cổ vũ. Cách nửa vòng trái đất, tại Trung Quốc xa xôi, những chiếc vuvuzela nhái theo được bán ra. Tại Mỹ - một đất nước không quá chuộng túc cầu, vuvuzela trở thành món hàng thời thượng. Ở thời điểm đó, nhà sản xuất Masincedane Sport làm ra hàng triệu chiếc kèn "chính hãng" nhưng vẫn không đủ nguồn cung cấp cho nhu cầu của các fan hâm mộ.

8 năm sau, khi ĐT U23 Việt Nam làm nên kỳ tích lọt vào trận chung kết tại giải U23 châu Á tổ chức tại Thường Châu, Trung Quốc, hình ảnh người dân cả nước đổ ra đường ăn mừng trở nên phổ biến khắp các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Trong cơn hân hoan đi bão của hàng triệu đồng bào, chiếc kèn vuvuzela lại "gây sốt", xuất hiện và vang lên khắp mọi nẻo đường như một món đồ cổ vũ phổ thông bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng.

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 2.

Vuvuzela giờ đã gắn liền với những màn đi bão của NHM Việt Nam.

Nhưng cũng như pháo sáng, vuvuzela là món đồ gây nhiều tranh cãi. FIFA đã cấm vuvuzela được mang vào sân ở World Cup. UEFA cũng có động thái tương tự và hệ quả là những chiếc kèn bình dân đang được bán với cái giá khoảng 30.000 đồng trên các đường phố Hà Nội và TP.HCM sạch bóng ở Champions League, Europa League hay Nations League.

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 3.

Kèn Vuvuzela đã bị FIFA và UEFA cấm mang vào sân ở những giải đấu danh giá nhất.

Rõ ràng, chiếc kèn này đi cùng sự náo nhiệt. Sân Mỹ Đình đã lập kỷ lục về độ ồn tại AFF Cup cũng nhờ vuvuzela. Nhưng ở cấp độ đại chúng, rất nhiều người hâm mộ đang phàn nàn về những phiền toái mà chúng đem lại. Cổ vũ bằng vuvuzela – nên hay không nên? Hãy cùng điểm qua một số điểm trừ đi kèm sự sôi động mà món đồ bình dân này mang lại.

Nguy hiểm đến thính giác

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 4.

Theo trang Live Science, nghiên cứu của Đại học Pretoria (Nam Phi) vào năm 2010 cho thấy, một chiếc kèn vuvuzela có khả năng gây ra tiếng ồn lên đến 113 dB, cao hơn còi xe, trống cơ và thậm chí cả máy cưa. Đây là mức âm được liệt vào hàng nguy hiểm, có thể gây mất thính lực tạm thời cho người đứng gần ở khoảng cách 2m.

Tổ chức Hear the World thì cảnh báo, một âm thanh trên 100 dB nếu kéo dài hơn 15 phút sẽ khiến người nghe mất hẳn thính lực. Nhẹ hơn thì người tiếp xúc với những âm thanh từ kèn sẽ bị ù tai, tùy vào mức độ sẽ kéo dài từ một đến vài ngày. Có thể thấy, việc dùng kèn vuvuzela cổ động sẽ đi kèm với tác hại kinh khủng dành cho người khác.

Gây mất tập trung

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 5.

Hãy tưởng tượng một sân Mỹ Đình với 40.000 khán giả cùng nhau thổi vài nghìn chiếc vuvuzela một lúc. Điều đó sẽ gây ra nhiều phiền toái, như cầu thủ không thể tập trung thi đấu trên sân để làm theo đúng đấu pháp của BHL và không thể nghe được tiếng còi của trọng tài.

Ngoài ra, tiếng thông báo từ chiếc loa của sân vận động cũng sẽ trở thành thứ âm thanh vô nghĩa khi không thể đến được tai của người hâm mộ. Trong điều kiện khẩn cấp, đây là điều rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng ngàn người.

Khó tạo nên một văn hóa cổ vũ

Nói không với kèn vuvuzela: Những tác hại khi cổ vũ bằng chiếc kèn bị cả thế giới xua đuổi - Ảnh 6.

Hãy nhìn những cổ động viên và các nhóm ultra của Malaysia trên sân Bukit Jalil cùng hai trận đấu làm khách tại Mỹ Đình. Họ hòa mình vào những bài hát, hò hét nhiều thông điệp một cách bài bản trong suốt 90 phút. Khi thi đấu trước 80.000 CĐV Malaysia tại Bukit Jalil dưới điều kiện như vậy, không ít thì nhiều, các cầu thủ của chúng ta có phần bị cóng. Bằng chứng là lợi thế dẫn trước hai bàn đã bị san lấp trong hiệp 2 của trận chung kết lượt đi.

Để tạo nên văn hóa cổ động như vậy không phải là điều dễ dàng. Chúng ta có Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam (VFS) được thành lập từ năm 2014, nhưng khó có thể nói sự tồn tại của một nhóm ultra là đủ để tạo ra một bản sắc cổ động cho người hâm mộ Việt Nam. Điển hình nhất là ý tưởng rất hay của VFS: nhuộm đỏ khán đài D của sân Mỹ Đình trong trận bán kết gặp Philippines thành một lá cờ Việt Nam cực đại nhưng không thành vì sự phức tạp đến từ khâu tổ chức.

Tuy vậy, để bắt đầu một văn hóa thì cần một điểm khởi đầu. Sự lạm dụng vuvuzela trong cổ vũ vô hình chung sẽ dập tắt đi những ý tưởng đầy sức sáng tạo như của VFS nói trên. Có thể với một bộ phận cổ động viên, bản sắc cổ vũ là điều không cần thiết. Nhưng nếu có thể cổ vũ theo cách có tổ chức và quy củ, đây hoàn toàn có thể trở thành một thứ vũ khí tinh thần trên sân nhà cho tuyển Việt Nam, giống như cách người Malaysia đang làm trên các sân bóng của họ.

Sau cùng, có thể nói rằng sức lan tỏa của tiếng kèn vuvuzela đi cùng với niềm tin ngày một đi lên của người hâm mộ vào bóng đá Việt Nam. Nhưng về lâu dài, sự tồn tại của những chiếc kèn này đem lại nhiều hệ lụy cho người hâm mộ và cả nền bóng đá hơn những lợi ích mà chúng đem lại.

Từ khóa » Kèn Vuvuzela Nguồn Gốc