Kéo đẩy Xe Trên đường: Nguy Hiểm Chực Chờ - VOV Giao Thông
Có thể bạn quan tâm
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Kéo đẩy xe trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông - Ảnh minh họa
“Mình vì mọi người, hay mọi người vì mình?” – Đó là một câu hỏi chúng ta ít nhất một lần tự vấn bản thân về hai từ “trách nhiệm”. Trong việc xây dựng nét đẹp trong văn hóa giao thông thì 2 từ ấy luôn được đặt lên hàng đầu. Dẫu vậy, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta vẫn đang phải thở dài trước những “cái tôi” thượng tôn, chỉ biết nghĩ cho mình để rồi mang đến nỗi ám ảnh cho rất nhiều người khác.
Một số người dân chia sẻ ý kiến: “Việc kéo đẩy xe trên đường rất nguy hiểm. Lỡ 2 xe trật một nhịp là ngã liền vì người đằng sau không xử lý kịp. Nhất là tại các ngã tư lớn, bệnh viện, trường học thì còn nguy hiểm hơn nữa”. Một người khác cho biết: “Có nhiều cách để khắc phục, ví dụ như đẩy bộ. Chứ kéo đẩy nhau trên đường thì vô tình gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến những người khác…” .
Nghe các ý kiến tại đây:
Lo sợ, bực mình, bức xúc... rất nhiều những cảm xúc mà chúng ta sẽ đối diện khi chứng kiến hình ảnh một phương tiện kéo, đẩy một phương tiện khác trên đường.
Không khó để bắt gặp một bộ phận người tham gia giao thông dùng xe mô tô, xe gắn máy để “kè” một phương tiện khác có thể là xe đạp, xe máy,... đang gặp sự cố bất kì như chết máy, hết xăng hay đơn giản là... kè nhau để đi cho nhanh. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp các phương tiện tự chế như xe ba gác, xe xích lô....được kéo, đẩy để chuyên chở đủ thứ hàng hóa và vật liệu cồng kềnh từ tôn, sắt, gỗ, ván,... cho đến đồ gia dụng, các loại hàng hóa khác mà phần nhiều, chủ phương tiện thực hiện hành vi trên với tâm lý... tiết kiệm thời gian, “công sức”, tiền bạc khi di chuyển thật nhanh. Còn một trường hợp nữa phải kế đến là các phương tiện này được thuê chở hàng cho các cửa tiệm dịch vụ, kinh doanh.
Như phản ánh từ người dân, ám ảnh nhất là khi hành vi này diễn ra tại các ngã tư lớn, cổng bệnh viện, trường học... Bởi lẽ, những địa điểm trên vốn đã có mật độ lưu thông dày đặc vào các khung giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao khi các phương tiện đẩy, kéo nhau thản nhiên dàn thành hàng 2, thậm chí hàng 3. Trong tíc tắc xảy ra va quẹt, các phương tiện đều không xử lý kịp là điều hiển nhiên không thể chối cãi.
Chắc chắn, không có một thống kê nào có thể đưa ra số liệu chính xác về những vụ kéo, đẩy xe trên đường vì hành vi này diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đường. Tuy vậy, do mức độ “cơ động”, khi phát hiện lực lượng tuần tra, các đối tượng thực hiện hành vi kéo đẩy dễ ràng tách ra, tấp vào lề đường dẫn bộ để tránh bị xử phạt. Ngay sau đó, khi qua khỏi khu vực có mặt cơ quan chức năng thì các đối tượng lại tiếp tục vô tư thực hiện hành vi nguy hiểm trên...
Là một người làm công tác giáo dục, trực tiếp chứng kiến rất nhiều trường hợp các phương tiện kéo, đẩy nhau trên đường, trong số đó có cả những học sinh, phụ huynh học sinh, nhà văn, nhà giáo Đỗ Đức Anh - Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ về những nỗ lực tuyên truyền an toàn giao thông từ phía nhà trường: “Vấn đề này là vấn đề tự ý thức của mỗi một người dân, trong đó có rất nhiều phụ huynh, đây là một vấn đề nan giải và bản thân mình có đi ngang qua các trường học vào giờ tan tầm, mình cũng thấy tình trạng này rất phổ biến. Tuy nhiên vấn đề này thật ra rất là khó vì nó thuộc về vấn đề ý thức. Còn Nhà trường làm động thái, về phía các em học sinh vận động các em học sinh. Về phía phụ huynh trong những buổi hợp cũng có những buổi chia sẻ như vậy. Trường cũng đã tiến hành các buổi ATGT, nói với các em về việc chia sẻ thêm với phụ huynh của mình.”
Nhà văn, nhà giáo Đỗ Đức Anh nói:
Tuy nhiên, trước những hành vi vô ý thức, trực tiếp đe dọa tính mạng người những người điều khiển phương tiện khác, GS - TS Vũ Gia Hiền – chuyên gia tâm lý Hội tâm lý giáo dục TP HCM – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa du lịch lại nhấn mạnh: “Họ hiểu đấy, không phải họ không hiểu đâu nhưng giữa hiểu và làm khác nhau nhưng những người đó về ý thức là họ hiểu được hết, nhưng về hành vi thì họ vẫn theo thói quen của mình. Đối với họ, họ chỉ nghĩ thuận lợi cho họ thôi, họ không có nghĩ cho người khác”.
GS - TS Vũ Gia Hiền nói:
Để khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông như trên, GS - TS Vũ Gia Hiền cho rằng chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền: “Một mặt tức là vừa đánh vừa xoa, một mặt là phải quay lại phim rồi phạt nặng lên. Một mặt tuyên truyền, một mặt phạt nặng để người ta xót tiền đã và tuyên truyền để làm cho người ta hiểu biết. Hai việc phạt nặng và tuyên truyền cùng lúc là chìa khóa giải quyết vấn đề này”.
GS - TS Vũ Gia Hiền nói:
Ảnh minh họa
Chứng kiến hoặc thậm chí gặp tai nạn va quẹt với những phương tiện đang kéo, đẩy nhau trên đường nhưng bởi vụ tai nạn không nghiêm trọng, không bị tổn hại quá mức, nhiều người ngao ngán, tặc lưỡi đã chấp nhận bỏ qua, cho rằng mình...xui vì không muốn phát sinh thêm chuyện rắc rối. Chính vì thế, các chủ phương tiện ấy tiếp tục tiếp diễn tình trạng kéo đẩy nhau trên đường và mang hiểm họa theo bánh xe chực chờ qua các cung đường khác....
Khung hình phạt quá nhẹ, đó là điều nhiều người đã thốt lên trong sự bức xúc. Đây chính là một trong những lý do khiến người ta ngang nhiên thực hiện hành vi này. Phải ghi nhận, việc xử phạt các lỗi kéo, đẩy xe cũng khiến lực lượng chuyên ngành... đau đầu. Khi trông thấy lực lượng tuần tra, các chủ phương tiện vi phạm lập tức tấp xe vào lề, ngừng hành động đẩy, kéo gây bất lợi cho việc xử phạt, lập biên bản. Tiếp đó, ngay sau khi vượt qua khu vực trên, các đối tượng lại tiếp diễn hành vi sai trái của mình. Dẫu có bị xử lý, nhưng việc lập biên bản xử phạt hành chính, hay tạm giữ phương tiện thì với lý do “vì cuộc sống mưu sinh”, nhiều người lại cố chấp tái phạm.
Ngoài ra, chính sự dễ dãi, thở ơ của chúng ta cũng đã “góp phần” tạo điều kiện cho những sai phạm này cứ lặp đi, lặp lại. “Lùi bước cho cái xấu cũng là một tội ác”, tâm lý thờ ơ, chủ quan cho rằng những hành vi trên chẳng gây ảnh hưởng đến mình, chúng ta dễ dàng lướt qua và không bận tâm lên án người vi phạm. Cho đến khi, chúng ta trực tiếp trở thành nạn nhân của những vụ kéo, đẩy xe như thế thì chắc chắn là đã muộn....
Tòa án công tâm nhất, không phải là mức phạt nào, đó chính là ý thức của mỗi chúng ta. Biết rằng, nhọc nhằng bươn chải vì cuộc sống là điều có thể thông cảm, nhưng xem đây là lý do xem thường đặt cuộc tính mạng, an toàn của mình và người khác thì vạn lần không thể chấp nhận được. Vấn đề phải giải quyết từ gốc rễ, bên cạnh việc tăng cường xử lý, nâng cao khung hình phạt để tuyên truyền, răn đe từ phía cơ quan chức năng, thì mỗi người dẫn rất cần trang bị cho mình kỹ năng, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật. Vì ai? Vì mọi người! Nhưng tiên quyết, chính là vì sự an toàn cho chính chúng ta và những người thân yêu!
“Mình vì mọi người hay mọi người vì mình”, chúng ta sẽ không phải băn khoăn vì câu hỏi này, bởi lẽ, xây dựng nét đẹp trong Văn hóa giao thông là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi lẽ, mỗi người sẽ được hưởng lợi từ sự trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, trên hết, đó là sự an toàn cho bản thân mình. Có điều gì trong cuộc sống này quý giá hơn sinh mạng của con không? Tuyệt nhiên không có! Chính vì lẽ đó, hãy cảm thông – san sẻ, lùi một bước để cùng nắm tay nhau gầy dựng những giá trị cốt lõi cho một xã hội giàu đẹp – văn minh và nghĩa tình.... “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”.
Từ khóa » Hình ảnh Con Kéo đẩy
-
Con Keo Day – Pushmi-Pullyu | Thịt Kho
-
Bộ Đồ Chơi Kéo Đẩy Hình Con Kéo Đẩy - Web5s
-
Hình ảnh “cắt Container” đẩy Nhanh Thông Quan Hàng Hoá ở Cửa ...
-
Quy định Về Xe Kéo, đẩy Xe Khác Không đúng Quy định
-
Cục đẩy Công Suất Là Gì? Công Dụng Và Lưu ý Khi Dùng Cục đẩy Công ...
-
(PDF) Ảnh Hưởng Của Nhân Tố đẩy Và Kéo đến Lòng Trung Thành Của ...
-
Tính Năng Chỉnh Sửa Ảnh Online Canva
-
Di Chuyển Hoặc Sao Chép ô, Hàng Và Cột - Microsoft Support
-
Máy Bay – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bệnh Sa Trực Tràng: Hình ảnh, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị | Tâm Anh
-
Thúc đẩy Tiêu Thụ Nông Sản Nội địa Vì Khó Khăn Xuất Khẩu Còn Kéo Dài
-
Dịch Covid-19 'bộc Lộ Cả điểm Mạnh Và điểm Yếu Của Việt Nam' - BBC
-
Chèn, Di Chuyển Hoặc Xóa Các Dấu Ngắt Trang Trong Trang Tính