Từ điển Tiếng Việt"kép"
Anh-Việt Việt-Anh Nga-Việt Việt-Nga Lào-Việt Việt-Lào Trung-Việt Việt-Trung Pháp-Việt Việt-Pháp Hàn-Việt Nhật-Việt Italia-Việt Séc-Việt Tây Ban Nha-Việt Bồ Đào Nha-Việt Đức-Việt Na Uy-Việt Khmer-Việt Việt-Khmer Việt-Việt
Tìm
(cg. kép hát), tên gọi nam diễn viên trong các ngành kịch hát dân tộc. Năm 1025, vua nhà Lý đặt ra chức quản giáp để quản lí những người ca hát "theo tục gọi, ca nhi nam là "giáp", ca nhi nữ là "đào"". "Giáp" theo âm cổ đọc là K. Vì vậy, quản giáp đọc là quản K, dần dà người ta gọi tắt là K. K lúc đầu dùng để gọi người quản lí, về sau dùng để gọi nghệ nhân nam.
Trong sân khấu tuồng truyền thống, có nhiều loại vai K khác nhau: 1) K chính, thường là K văn, K võ thuộc loại các nhân vật trung nghĩa, cương trực. Vd. vai Đào Phi Phụng trong vở cùng tên, vv. 2) K con là loại vai nam nhỏ tuổi, vd. vai Quách Hải Thọ trong vở "Bao Công tra án Quách Hoè". 3) K diễu, loại vai nam gây cười. 4) K đen, loại vai nam, trên mặt hoá trang hai màu đen và trắng, màu đen đậm hơn, nét vẽ rằn ri, tính cách nóng nảy, vd. vai Châu Thương trong một vở tuồng trích trong truyện "Tam Quốc". 5) K đỏ, loại vai nam, bôi mặt màu đỏ, nói chung chỉ tính cách trung trực. Màu đỏ được sử dụng ở nhiều sắc độ khác nhau, từ đỏ nhạt đến đỏ đậm để thể hiện các mức độ trong tính cách nhân vật; vd. Quan Công mặt đỏ thẫm, đôi mắt xếch. Cũng có loại mặt đỏ nhưng gian ác, loại mặt này có đôi lông mày mũi dùi và chân mày xếch ngược như vai Thái Ngạn trong vở "Lý Phụng Đình". 6) K nịnh, loại vai nam, có tính cách thâm hiểm, gian nịnh, không ngay thẳng, hay làm hại người trung lương. Loại vai này đều có trong mỗi vở tuồng. Vd. vai Trương Vô Khiếp trong vở "Giác oan". Nghệ sĩ Nguyễn Lai là người diễn vai nịnh có nhiều sáng tạo, xuất sắc, trở thành một trong ngũ mĩ (năm người diễn tuồng hay nhất) ở tỉnh Quảng Nam (x. Nguyễn Lai). 7) K núi, loại vai nam, thể hiện các nhân vật sống ở miền núi. Có mặt vẽ tròng xéo đen, nền xanh, nếu thêm nét đỏ thì thể hiện tính cách vũ dũng, thanh niên. Vd. vai Tòng Luông trong vở "Lý Phụng Đình". 8) K nước, loại vai nam, chuyên thể hiện các nhân vật sinh sống bằng nghề chài lưới, sông nước. Vd. vai Thuỷ Định Minh trong vở "Phụng Kính Văn". 9) K pha, loại vai nam, vừa có tài văn, vừa có tài võ, trên mặt thường hoá trang hai màu đỏ và trắng, tính cách hiền lành, nhưng chững chạc, khôn khéo, vd. Văn Quân trong vở "Giáo giới". 10) K rằn, loại vai nam, mặt hoá trang gồm các nét vẽ rằn ri, vòng quanh dưới mắt có nền màu đỏ nhạt, tính cách cương trực, dũng mãnh; vd. Tiết Cương trong vở "Hộ sinh đàn". 11) K trắng, loại vai nam, mặt bôi màu trắng, được chia ra nhiều loại vai khác nhau, căn cứ vào những đường nét kẻ trên mặt. K trắng có chân mày kẻ ngang, khăn rằn trên trán thấp gần chân mày thể hiện nhân vật hiền lành, đôn hậu. K trắng có đuôi lông mày mũi dùi và chân lông mày xếch ngược lên, thể hiện tính cách gian ác (như vai Lã Bố). K trắng hai bên má có thoa đỏ, lông mày xếch ngược là mặt của loại vai có tính cách tàn bạo. K trắng nhưng trắng mốc là mặt của nhân vật gian nịnh. Cũng có loại mặt trắng có tính cách dũng cảm, như vai Đào Phi Phụng. 12) K văn, loại vai nam, giỏi văn chương, không biết chiến trận nhưng nhiều mưu trí, có tính cách bình thản, thâm thuý. Thường là quan văn trong triều, như Lý Khắc Minh, Triệu Khắc Thường trong vở "Tam nữ đồ vương". 13) K võ, loại vai nam, giỏi nghề chiến trận, tính cách thường bộc trực, dữ dằn, nóng nảy, vd. Tạ Ôn Đình trong vở "Sơn Hậu". 14) K xanh, loại vai nam, mặt hoá trang nhiều màu, quanh mắt vẽ vòng tròn xếch lên phía trên, màu xám xanh, có hai chấm xanh ở hai bên thái dương, tính cách anh dũng, nhiệt tình, vd. Lưu Khánh trong vở "Ngũ Hổ bình Tây".
Tra câu | Đọc báo tiếng Anh