Kết Cục Bi Thảm Của điệp Viên Denis Donaldson - Tiền Phong

Kết cục bi thảm của điệp viên Denis Donaldson ảnh 1
Cảnh sát Ireland kiểm tra khu vực gần nơi Donaldson bị giết. Ảnh: AP

Ngôi nhà nhỏ nằm ở một góc heo hút gần làng Glenties thuộc hạt Donegal, Cộng hòa Ireland, nhiều năm trước là nơi nghỉ mát của gia đình Denis Donaldson.

Từ tháng 12/2005, sau khi bị khai trừ khỏi đảng Sinn Fein vì tội làm nội gián cho Cơ quan tình báo Anh (MI5) và Văn phòng tình báo của cảnh sát Bắc Ireland (PSNI), Donaldson có lẽ đã tới đây để nương náu.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 19/3/2006, phóng viên Hugh Jordan của báo Sunday World mới phát hiện ra Donaldson sống tại nơi này. Jordan miêu tả ngôi nhà nơi Donaldson ở rất tồi tàn, không có cả điện và nước sinh hoạt.

Cựu quan chức Sinn Fein hằng ngày làm việc như một lão nông. Ông tự chẻ củi và nấu nướng.

Khi Hugh Jordan đến, Donaldson nói rằng mình muốn được yên thân, muốn sống phần còn lại của cuộc đời ở chốn heo hút này.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát quốc gia Cộng hòa Ireland (Gardaí) cảnh báo tính mạng của cựu điệp viên 55 tuổi này có thể bị đe dọa. Họ đề nghị được bảo vệ Donaldson và đã cho ông ta số điện thoại. Tuy nhiên, khi Gardaí chưa kịp triển khai phương án bảo vệ thì bi kịch đã xảy ra.

Trưa ngày 4/4/2006, những người láng giềng còn thấy Donaldson thấp thoáng trong ngôi nhà. Cựu điệp viên đã làm công việc của một ngày bình thường: chẻ củi, nấu nướng và sửa sang một vài thứ gì đó.

Tuy nhiên, vào buổi chiều thì người ta cảm thấy dường như có điều gì khác thường đã xảy ra trong ngôi nhà. Một vài người láng giềng tiến lại gần và nhận thấy cửa sổ cũng như cửa chính của ngôi nhà bị vỡ. Bóng dáng Donaldson thì không thấy đâu.

Những người láng giềng này đã báo với Gardaí và điều mà người ta phát hiện sau đó là một xác chết đã nguội lạnh. Hai viên đạn shotgun đã làm vỡ lồng ngực và nát cánh tay phải của Donaldson. Trước khi bị giết, ông này dường như đã bị tra tấn hết sức dã man.

Trong lòng IRA

Kết cục bi thảm của điệp viên Denis Donaldson ảnh 2

Denis Donaldson. Ảnh: AP

Sinh năm 1950 tại Belfast, Bắc Ireland, Donaldson gia nhập IRA vào năm 1970 và sớm trở thành người hùng của lực lượng vũ trang này sau khi tham gia bảo vệ nhà thờ St.Matthew. Đây là giai đoạn mà IRA bắt đầu chủ trương bạo lực nhằm mục đích tách Bắc Ireland ra khỏi Vương quốc Anh.

Vào giữa thập niên 70, Donaldson bị bắt vì liên quan tới một âm mưu đánh bom và bị giam chung phòng với Bobby Strand, một trụ cột của IRA. Sau khi Strand chết cùng với 10 tù nhân trong cuộc tuyệt thực vào năm 1981, ông này đã được IRA tôn vinh và Donaldson, một bạn tù của Strand, cũng nghiễm nhiên trở thành người hùng.

Ông ta được nhiều nhân vật cộm cán của Sinn Fein và IRA như Gerry Adams và nhà thương thuyết Martin McGuinness sủng ái.

Cũng năm 1981, Donaldson cùng một thành viên khác của IRA bị nhà chức trách Pháp bắt giữ tại sân bay Orly vì tội sử dụng hộ chiếu giả. Khi đó, cả hai đang trên đường trở về từ một trại huấn luyện ở Li-băng. Hai năm sau đó, Donaldson là ứng cử viên của Sinn Fein tham gia tranh cử tại vùng Đông Belfast.

Vào cuối những năm 80, ông này trở lại Li-băng để đàm phán với tổ chức Hezbollah và phong trào du kích Amal trong một nỗ lực nhằm giải thoát con tin người Ireland B.Keenan.

Trong giai đoạn này, khi mà Chủ tịch Gerry Adams chủ trương "mềm hóa" Sinn Fein, Donaldson là một trong những nhân vật trụ cột hăng hái nhất. Khi được cử làm đại diện cho Sinn Fein tại Mỹ, ông ta đã thực hiện chiến dịch cô lập vị chưởng lý Martin Galvin, một người Mỹ gốc Ireland ủng hộ chủ trương cứng rắn.

Sau này, Galvin nói rằng mình từng cảnh báo với các thủ lĩnh của IRA và Sinn Fein việc Donaldson làm nội gián.

Năm 1998, thỏa thuận hòa bình Bắc Ireland 1998 được ký, Sinn Fein giành được chỗ đứng trong chính quyền theo kế hoạch chia sẻ quyền lực và Donaldson trở thành người đứng đầu cơ quan hành chính của đảng này.

Ở cương vị mới, ông ta có quyền tham khảo các tài liệu liên quan đến quyền lợi của hai phía: Sinn Fein và Vương quốc Anh.

Đến năm 2000, vị thế của Donaldson trong lòng IRA và Sinn Fein vẫn vững như bàn thạch. Tuy nhiên, sự việc đã bắt đầu trở nên tồi tệ vào tháng 10/2002, khi cảnh sát tấn công các văn phòng của Sinn Fein tại Stormont ở Bắc Ireland.

Trong cuộc truy quét này, Donaldson bị bắt cùng 3 người khác với cáo buộc đã chuyển hàng ngàn bộ hồ sơ mật của Anh cho IRA và Sinn Fein. Vụ "Stormontgate" này đã khiến kế hoạch chia sẻ quyền lực sụp đổ và sau đó 1 tuần, Vương quốc Anh phục hồi lại quyền điều hành trực tiếp đối với Bắc Ireland.

Cuối năm 2005, khi mà IRA đã tuyên bố từ bỏ chủ trương bạo lực, Cơ quan công tố Bắc Ireland thông báo ngưng vụ "Stormontgate" vì "lợi ích chung".

Tuy nhiên, trái ngược với cáo buộc ban đầu rằng Donaldson đã chuyển hồ sơ cho Sinn Fein và IRA, chính ông này nhiều năm qua lại là nội gián của MI5 và PSNI. Sinn Fein và IRA biết được điều đó sau vụ "Stormontgate". Kết quả là đến cuối tháng 12/2005, Chủ tịch Sinn Fein G.Adams thông báo rằng Donaldson là gián điệp của MI5 và PSNI.

Làm gián điệp

Kết cục bi thảm của điệp viên Denis Donaldson ảnh 3

Toàn cảnh ngôi nhà nơi Donaldson bị giết. Ảnh: AP

Sau thông báo trên, Donaldson bị khai trừ khỏi Sinn Fein. Sau đó, chính ông này cũng đã thừa nhận: "Tôi được (MI5 và PSNI) tuyển vào giữa thập niên 80, trong giai đoạn mà tôi có một vài khó khăn trong cuộc sống.

Kể từ đó, tôi làm gián điệp cho tình báo Anh và Phòng cảnh sát Bắc Ireland. Và tôi đã được trả tiền... Tôi không hề tham gia vào mạng lưới gián điệp của Cộng hòa Ireland tại Stormont. Tôi thật sự hối tiếc việc đã cộng tác với tình báo Anh và cảnh sát Bắc Ireland".

Vì đâu mà một nhân vật luôn chủ trương cứng rắn như Donaldson lại dễ dàng bị MI5 và PSNI mua chuộc? Theo các nhà phân tích, có thể MI5 đã sử dụng "mỹ nhân kế" để khuất phục Donaldson, một người rất háo sắc. Đây cũng là suy luận dễ hiểu bởi MI5 từng rất nhiều lần dùng phụ nữ để dụ các thành viên Sinn Fein và IRA.

Sau khi Donaldson bị giết, cũng có ý kiến cho rằng ông này là điệp viên nhị trùng, vừa phục vụ cho MI5 lẫn IRA. "Tại sao ông ấy cộng tác với Anh? Ông ta có toàn tâm toàn ý phục vụ Anh hay không? Hay ông ta là một điệp viên nhị trùng, vừa làm cho Anh lẫn IRA?".

Brian Feeney, một chuyên gia nghiên cứu lịch Sinn Fein - IRA, đã đặt ra loạt câu hỏi này và ông cho rằng câu trả lời chính xác nhất đã chết theo Donaldson.

Cái chết của cựu điệp viên 55 tuổi đã khiến bầu không khí nghi kỵ lan tỏa. Sau vụ án mạng, mọi ánh mắt nghi ngờ đã đổ dồn về phía Sinn Fein, đảng phái mà Donaldson từng là một quan chức cấp cao nhưng sau đó đã phản bội.

Thủ lĩnh Gerry Adams của Sinn Fein phủ nhận mọi cáo buộc. Ông nói đảng mình không liên quan đến cái chết của Donaldson nhưng tuyên bố đó chẳng thể xua tan đi những dị nghị.

Để xác định được thủ phạm giết chết Donaldson, cần phải xem lại mối quan hệ của ông này với Sinn Fein, IRA và một số sự kiện trong quá khứ.

Trước khi thân phận thực bị bại lộ, Donaldson từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Sinn Fein và cánh vũ trang IRA. Ông ta có quan hệ rất gần gũi với thủ lĩnh Gerry Adams cũng như nhiều nhân vật cốt cán của Sinn Fein, trong đó có cả Bobby Sands, người mà IRA và Sinn Fein coi là một biểu tượng.

Sau khi bị phát hiện làm nội gián, Donaldson đã bị khai trừ khỏi Sinn Fein và bị căm ghét tại đảng phái này. Nhiều người cho rằng ông này đã thông báo cho MI5 một số âm mưu đánh bom của IRA hồi cuối thập niên 80. Và có thể Donaldson đã phải trả giá cho việc làm đó.

Các nhân viên điều tra tại Cộng hòa Ireland nghi ngờ rằng những người thân thiết với Jim Lynagh đã trả thù Donaldson. Jim Lynagh là một trong những thành viên IRA bị lực lượng đặc nhiệm Anh tiêu diệt khi đang chuẩn bị đánh bom một đồn cảnh sát ở làng Loughgall, Bắc Ireland hồi tháng 5/1987.

"Có tới 80% khả năng Donaldson bị một số người thân thiết với Lynagh ám sát. Khoảng 10% khả năng vụ này do vài thành viên cứng rắn của IRA thực hiện; 10% còn lại là do những kẻ tội phạm ủng hộ chủ trương cộng hòa", một nguồn tin an ninh tại Cộng hòa Ireland cho biết.

Còn Sean O'Callaghan, cựu Tư lệnh IRA và sau đó đã làm nội gián cho MI5, thì khẳng định rõ hơn: "Đây rõ ràng là hành động trả thù của những người Ireland ủng hộ chủ trương tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh".

Trong khi kẻ đã bắn gục Donaldson vẫn còn ở trong bóng tối, giới phân tích cho rằng vụ ám sát này sẽ khiến không khí đối nghịch giữa phe ủng hộ chủ trương cộng hòa và phe thân Anh tăng lên. Khi đó, tiến trình chính trị Bắc Ireland sẽ đối mặt với nguy cơ mới.

Theo Thanh Niên

Từ khóa » điệp Viên Ira