Kết Luận Phiên Giải Trình Về Thực Hiện Chính Sách, Pháp Luật Về Trợ ...

Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại phiên họp các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các Bộ liên quan giải trình các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật. Phiên giải trình diễn ra công khai, dân chủ, trách nhiệm, tập trung làm rõ những nội dung yêu cầu.

Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban đánh giá cao Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi, người khuyết tật và các Bộ, ngành hữu quan đã có nhiều nỗ lực ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa chính sách trợ giúp xã hội, tích cực thực hiện các giải pháp, đổi mới quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, giao thông, xây dựng, văn hóa, công nghệ, bảo trợ xã hội. Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cá nhân, đoàn thể tạo điều kiện thúc đẩy xã hội trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật dựa vào cộng đồng. Tích cực chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật, người cao tuổi, đặc biệt là những người thuộc diện bảo trợ xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban ghi nhận một số địa phương đã ban hành chính sách riêng để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, mở rộng đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội…Các hoạt động trợ giúp xã hội khẳng định quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển từ các tiếp cận nhân đạo thực hiện sang trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng của người cao tuổi, người khuyết tật.

Còn bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật

Bên cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng chỉ ra một số bất cập. Cụ thể:

Một số chính sách, pháp luật chưa được thực hiện có hiệu quả, có chính sách chưa đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn và có sự chênh lệch giữa các vùng miền.

Công tác thông tin tuyên truyền chưa được thực hiện tốt, còn tình trạng kì thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Một số nơi nhận thức của chính quyền địa phương còn hạn chế, coi công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là nhiệm vụ riêng của ngành lao động, thương binh và xã hội và các tổ chức hội; thiếu sâu sát trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kế hoạch, chương trình, mục tiêu trợ giúp người cao tuổi, khuyết tật.

Mức trợ cấp hàng thành dành cho người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội chậm được điều chỉnh, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, chưa tương quan với chuẩn nghèo. Mức hỗ trợ đối với người thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí và huy động nguồn lực xã hội một số địa phương còn hạn chế. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đời sống người cao tuổi, người khuyết tật và gia đình còn khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày dự thảo Kết luận của Phiên giải trình

Việc thực hiện giảm giá vé, giá dịch vụ chưa được thực hiện nhất quán đồng bộ trong khu vực tư nhân, còn nhiều rào đối với người khuyết tật còn khả năng học tập, làm việc, tiếp cận với giáo dục, y tế, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi. Việc thực hiện chính sách bảo đảm tiếp cận việc nhà chung cư, công trình công cộng đối với người khuyết tật chưa được quan tâm chỉ đạo sát sao.

Công tác xã hội hóa, huy động, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn hạn chế, chưa có chính sách đột phá thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người khuyết tật.

Công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật chưa thường xuyên, nghiêm túc chưa bảo đảm quyền tiếp cận của người cao tuổi người khuyết tật một cách đầy đủ, triệt để, có nơi còn xảy ra tình trạng vi phạm trục lợi chính sách.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, các hạn chế bất cập chủ yếu là do một số Bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước nhất là công tác tham mưu đề xuất chính sách, thanh tra, kiểm tra, chậm giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các bất cập, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành, căn cứ quy định tại Điều 37, Điều 59 của Hiến pháp 2013, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, từ thực tiễn giám sát và kiến nghị của cử tri, cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết quả phiên giải trình, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị một số nội dung.

Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật nhằm đáp ứng thực trạng già hóa dân số, gia tăng số lượng người khuyết tật và xuất hiện các dạng, thể mới. Quan tâm trong việc quyết định phân bổ ngân sách hàng năm dành cho việc thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật người cao tuổi, người khuyết tật.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát văn bản, bổ sung các quy định còn thiếu, sửa đổi các quy định bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Sớm chỉ đạo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật để kịp thời kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, bất cập; đề xuất giảm độ tuổi người hưởng trợ cấp người cao tuổi phù hợp với tình hình ngân sách Nhà nước.

Chỉ đạo đánh giá, tổng kết khách quan, thực chất các kết quả thực hiện các chương trình, đề án trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật để nghiên cứu xây dựng chương trình trợ giúp trong giai đoạn tới theo hướng tích hợp, có tính khả thi phù hợp với khả năng ngân sách và tiềm lực kinh tế đất nước.

Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng mức trợ cấp xã hội tương quan với chuẩn nghèo, đồng bộ với quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Sớm nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước, đời sống của đối tượng công bằng nhưng không cào bằng.

Tăng cường chỉ đạo, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong xây dựng, cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng, bảo đảm khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật.

Nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức hội của người cao tuổi, người khuyết tật phát huy vai trò trong trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật.

Biểu quyết thông qua dự thảo Kết luận phiên giải trình

Kết luận của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông – Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ trong việc rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung văn bản khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập; chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật. Chú trọng việc bảo đảm thực hiện quyền của người cao tuổi, người khuyết tật, đặc biệt việc tiếp cận các công trình công cộng đối với người khuyết tật.

Kết luận được tất cả các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp.

Theo quochoi.vn

Từ khóa » Giải Pháp Cứu Trợ Xã Hội