Kết Nối Chuỗi Sản Xuất: Vá Lỗ Hổng Cung ứng Hàng Hóa | Kinh Doanh
Có thể bạn quan tâm
Trong dòng chảy chung của chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu, các ngành sản xuất tại Việt Nam đang chuyển mình trước vận hội mới.
Mặc dù vẫn còn đó những thách thức đối với nền kinh tế hậu COVID-19, nhưng nền kinh tế không tiếp xúc cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, đón nhận đa dạng nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là dòng vốn chảy vào nhiều ngành sản xuất, kinh doanh... Điều này mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Yêu cầu toàn cầu hóa
So với đa số các nền kinh tế khác, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là rất tích cực nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, Việt Nam đang cho thấy hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và khả năng tranh thủ thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.
Bên cạnh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong các nước ASEAN-5 trong năm 2020, tại Việt Nam làn sóng toàn cầu hóa doanh nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, đồng thời đây được xem là chìa khóa để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công trong thời gian tới.
Theo phân tích của ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, không chỉ doanh nghiệp mà các quốc gia cần đáp ứng nhu cầu thị trường về năng lực cốt lõi và công nghệ trong dòng chảy mới của chuỗi cung ứng toàn cầu ở mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Đơn cử, kết quả nhiều khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy nếu các nhà máy sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc, dự báo sẽ chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Mexico và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn bị cạnh tranh bởi nhiều quốc gia trong khu vực.
Điều này cho thấy cùng với việc hình thành khu chế xuất-khu công nghiệp đón dòng vốn đầu tư, nhà đầu tư, Việt Nam phải kèm theo việc đáp ứng những yêu cầu về đảm bảo cơ sở hạ tầng, giao thông... Còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nội địa phải nhanh chóng toàn cầu hóa doanh nghiệp từ quản trị công ty cho đến tăng gia trị gia tăng sản phẩm để tiếp cận chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.
[Thiết lập chuỗi sản xuất và kết nối thị trường Việt Nam-Hoa Kỳ]
Ở góc độ tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Reed Tradex Vietnam LLC cho hay làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết dưới tác động của dịch COVID-19 và Việt Nam đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu về địa điểm đầu tư. Điều này đến từ nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam luôn vận động không ngừng, với nhiều cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng với đa dạng Hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực trong thời gian gần đây.
Dự báo trong giai đoạn năm 2020-2021, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn trong trạng thái bình thường mới, với nhiều xu hướng xuất hiện đan xen, nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi đòi hỏi tư duy và quản trị sản xuất, kinh doanh thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, khủng hoảng và rủi ro.
Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh và cần tập trung vào thế mạnh đó, đồng thời tùy theo ngành nghề, lĩnh vực, quy mô... doanh nghiệp có thể chọn lựa chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp với sự chuyển động của thị trường và đón cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song đó, khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi và mang tính chiến lược dài hơi.
Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết hầu hết công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh. Đây có thể là yêu cầu khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, nhưng nếu không vượt qua thách thức này hay phát triển bền vững theo xu hướng thị trường doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát thực tế, nhu cầu hợp tác với nhà cung cấp trong nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng ngày càng tăng. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước còn hạn chế trong tính cam kết cải tiến liên tục hoạt động sản xuất và cung ứng phát triển dài hạn.
Điển hình, doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phổ biến chỉ đủ năng lực cung ứng những đơn hàng lẻ, trong khi nhu cầu của tập đoàn đa quốc gia là đơn hàng lớn và yêu cầu quy mô sản xuất hàng loạt. Cùng với đó, đối tác đa quốc gia luôn đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn cung ứng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn chất lượng, trách nhiệm xã hội, an toàn nhà máy, an toàn lao động…
Trong năm 2020, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng đón nhận hàng loạt nhà đầu tư, nhà sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối quốc tế như Panasonic, Bosch, TTI, Samsung, Klaus... đang có nhu cầu tìm thêm nhà cung cấp, tăng tỷ lệ nội địa hóa để chủ động hơn và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Công ty Techtronic Industries Co. Ltd. (TTI) chuyên sản xuất thiết bị không dây mong muốn tìm đến 200 nhà cung cấp trong nước để phục vụ cho dự án nhà máy 650 triệu USD đang được triển khai ở khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)Theo bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng Bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, hiện doanh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của tập đoàn rất đa dạng như tủ lạnh, máy lạnh, tivi, đồ điện gia dụng… nên nhu cầu phát triển nhà cung cấp phụ kiện tại chỗ là rất lớn. Đặc biệt, Panasonic Việt Nam dành cơ hội cho các nhà cung cấp như nhau, kể cả doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước.
Tuy nhiên, muốn đáp ứng những yêu cầu trong dòng chảy chung của chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu, doanh nghiệp cần đầu tư chuyên sâu, định hướng và chọn lựa một vài mắt xích phù hợp trong chuỗi cung ứng để tham gia. Trước khi đặt mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp nội địa, hiệp hội ngành hàng với nhau... để cùng nhau hợp tác phát triển và cải thiện năng lực cốt lõi.
Để doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai, Ủy ban Nhân dân Hồ Chí Minh đã ban hành đồng loạt cơ chế chính sách kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới... Trong đó, có thể kể đến một số chương trình, gồm dự án phát triển nhà cung cấp trong nước do nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ; dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp đầu-cuối, doanh nghiệp FDI...
Bà Lê Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ thuộc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nghị quyết về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020 và đang xây dựng nghị quyết mới giai đoạn năm 2021-2025 để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2021 sẽ có những đổi mới để chính sách này tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tiếp cận tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cam kết hỗ trợ nhà cung cấp nội địa tại Việt Nam thực hiện sản xuất tinh gọn, cải tiến quy trình kiểm soát. Đồng thời, doanh nghiệp FDI hợp tác bộ, ngành đưa ra giải pháp đánh giá nhà cung cấp, thiết kế và triển khai hệ thống quản lý chất lượng, thiết kế hệ thống tự động, phát triển nhà cung cấp...
Thống kê từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp nhiều đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, đã hỗ trợ khoảng 60 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tại Thành phố và các địa phương như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... hợp tác cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI.
Qua hơn hai năm triển khai kích cầu, đã có 1.500 lượt doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là tiền đề quan trọng cho doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Kết nối chuỗi sản xuất - Động lực tăng trưởng mới của doanh nghiệp
(TTXVN/Vietnam+)Từ khóa » Chuỗi Sản Xuất Fdi Là Gì
-
[Công Ty FDI Là Gì?] Những điều Bạn Nên Biết Về Hình Thức FDI
-
Vốn FDI Là Gì? Phân Loại Và Tác động Của Nguồn Vốn FDI
-
FDI Là Gì? Tất Tần Tật Về đầu Tư FDI
-
Doanh Nghiệp FDI ở Việt Nam Và Chuỗi Giá Trị Toàn Cầu
-
Doanh Nghiệp Nhỏ Tham Gia Chuỗi Cung ứng Toàn Cầu - Chi Tiết Tin
-
Doanh Nghiệp Việt Bao Giờ Tham Gia Chuỗi Cung ứng Toàn Cầu?
-
Phát Huy Hiệu Quả Nguồn Vốn FDI Trong Lĩnh Vực Cơ Khí
-
Doanh Nghiệp FDI Lo đứt Gãy Chuỗi Sản Xuất - Hải Quan Online
-
Tăng Cường Cơ Chế Hợp Tác Kinh Doanh Giữa Doanh Nghiệp FDI Với ...
-
Thay đổi Tư Duy, Năng Lực để Bắt Nhịp Với Doanh Nghiệp FDI
-
Chủ động Thu Hút FDI Có Chọn Lọc - Detail
-
30 Năm Thu Hút FDI - Cổng Thông Tin điện Tử Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư
-
Việt Nam Cần Làm Gì để Tiếp Tục Dẫn đầu Trong Cuộc đua Giành FDI?