Kết Nối Optical Trong âm Thanh - Dùng Khi Nào, Dùng Như Thế Nào?
Sẽ không có cái bài này nếu như mình không vác em Streamer Cambridge Audio CXN về để nghe Spotify, bình thường thì nguồn phát nhạc số của mình là music server Roon Nucleus qua DAC Chord DAVE, tuy nhiên Roon nó chỉ hỗ trợ Tidal và Quobuz chứ không có Spotify, mà mấy cái album nhạc Remix, nhạc Hàn, Vpop mới trên Spotify nhiều lắm nên mình phải đi mua em Cambridge CXN về. Kết nối mà mình sử dụng là CXN đưa tín hiệu Optical vào Chord DAVE để giải mã Nhân đây mình viết vài dòng về cái cổng này vì thấy anh em, dân tình thiên hạ hay xem thường, hắt hủi nó.
Kết nối Optical truyền tải được tín hiệu 24bit/192kHz, và nó có mặt trên khá nhiều các thiết bị âm thanh, nghe nhìn như máy tính, HDTV, đầu thu… nhưng chẳng được mấy ai sử dụng, kể cả mình cũng ít khi đụng tới, nhưng trong một số trường hợp thì không thể thiếu nó được, như mình, trường hợp là con Chord DAVE nó có 2 Optical Input và 4 cái Coaxial BNC Input trong khi CXN Cambridge chỉ có Coaxial RCA output, muốn xaì được kết nối Coaxial BNC trên DAVE thì phải đi mua dây hoặc đầu chuyển, cũng hết từ 800k-vài triệu, dây optical 200k cho rẻ .
Một phần người ta hắt hủi dây optical, vì trông nó khá là èo uột, mảnh khảnh và không có mấy cái giải pháp chống nhiễu làm dây dày lên nhìn cho hầm hố. Và nếu anh em đầu tư một cọng optical xịn xịn tý dùng lõi dẫn là sợi thủy tinh y tế như mấy cọng Belkin 300k 400k là quá đủ, dây càng mắc nó cũng không có ý nghĩa gì mấy. So với dây coaxial hay dây usb, các hãng có thể thay đổi chất liệu dây dẫn như đồng/bạc/đồng mạ bạc, thay đổi các phương pháp bọc nhiễu, cách điện lõi dẫn, để tạo ra các màu âm khác nhau thì với dây Optical, ta không có quá nhiều kiểu tùy biến.
Hầu như tất cả những dây kết nối bạn sử dụng trong hệ thống của mình đều là dây truyền tín hiệu điện, dù là analog hay digital đi chăng nữa. Bên trong bất cứ chiếc cable tiêu chuẩn nào cả đời cũ hoặc mới đều có những lõi dây kim loại để truyền tín hiệu điện. Dây optical thì khác, nó sử dụng các sợi quang học để truyền tải tín hiệu âm thanh bằng tia laser giữa các thiết bị trong hệ thống. Tiêu chuẩn quang học được giới thiệu vào năm 1983 bởi Toshiba với ý tưởng dùng cho các đầu CD của hãng (đây là lý do vì sao cable optical còn được gọi là Toshiba-Link, hay ngắn gọn hơn là TOSLINK).
Anh em có thể kiểm tra xem thiết bị của mình có hỗ trợ Optical hay không bằng cách nhìn vào panel cổng cắm phía sau máy. Cổng cắm này thường được ký hiệu rõ ràng là “Optical Audio” hay “TOSLINK” hoặc “Digital Audio Out (Optical)”, và thường thì bạn sẽ có thể nhận ra nó ngay lập tức. Một cách khác dễ nhận biết hơn nữa là khi mở máy lên, cổng Optical sẽ phát ra 1 tia laser mở mở đỏ đỏ xung quanh chân cắm.
Dù tiêu chuẩn này đã có mặt hơn 30 năm tuy nhiên gần đây nó đã được tinh chỉnh lại để hữu dụng hơn đối với những hệ thống đời mới. Thế thì vì sao lại ít ai dùng nó? Điều này là do lúc cổng Optical ra đời, công nghệ của nó hầu như vượt quá nhu cầu của đại đa số người dùng. Còn khi thị trường đã bắt đầu bão hòa và nhiều người sở hữu các hệ thống home theater hơn, dây optical lại bị che phủ bởi cái bóng của tiêu chuẩn mới là HDMI. HDMI không chỉ dễ sử dụng hơn (truyền tải cả tín hiệu âm thanh lẫn hình ảnh) mà còn hỗ trợ các định dạng mới như Dolby TrueHD hay DTS HD Master Audio, trong khi Optical thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Tuy cũ, nhưng nó vẫn hỗ trợ truyền tải lên đến chất lượng 7.1, nghĩa là vẫn rất tốt so với nhu cầu của người dùng đại trà hiện nay. Khi sử dụng trong 1 hệ thống gia đình, Optical và HDMI cho chất lượng âm thanh gần như tương đồng, đôi khi còn có thể nhỉnh hơn 1 chút so với mấy cọng HDMI được tặng kèm theo máy. Khoan, mấy ông đừng vội tháo ngay dây HDMI đang sử dụng và chạy đi mua dây optical mà hãy cứ đọc tiếp đã.
Nếu hệ thống của bạn sử dụng đang chạy tốt thì không cần phải chỉnh sửa gì hết. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp cần thiết, cổng quang rất có tác dụng, ví dụ như một vài trường hợp mà mình có thể nghĩ đến sau đây.
Bạn muốn sử dụng các thiết bị cũ mà hay
Các cơ CD Transport, đầu MD xưa có optical out có thể sử dụng optical output vào một DAC hiện đại vẫn ngon lành, và đừng xem thường các đầu CD hay MD cổ này vì thời hoàng kim của CD, các cơ quay được thiết kế rất gấu, mang lại nền âm tĩnh và êm ái.
Ngoài ra, thì nếu ta đang có các đầu giải mã DAC thế hệ cũ như Theta Cobalt Gen 5, Audio Alchemy hay California Labs hay thậm chí, là dCS Elgar Plus chẳng hạn, chúng sẽ có optical input và coaxial input chứ không có USB.
Thế thì thay vì cho các em “gác kiếm”, bạn vẫn có thể sử dụng dây optical và một bộ chuyển tín hiệu USB sang Optical để dùng, lưu ý là cục chuyển này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh nên nếu anh em may mắn sở hữu dCS Elgar Plus hay PS Audio Reference DAC thì nên đầu tư hẳn 1 converter ngon như Peachtree X1, Gustard U12, ăn chơi hơn, mua Audiobyte Hydra Z hoặc Berkeley Alpha USB thì nghe sẽ hay hơn. Các sản phẩm transport/converter này khi càng đắt, mạch nguồn của chúng thiết kế tốt hơn, bộ tạo xung xài độ xịn, độ trễ thấp như của Crystek chẳng hạn, các chip USB Receiver mạnh, ít nhiễu, để cho hiệu suất cao, ngoài cổng optical ta vẫn tận dụng được cả Coaxial nữa.
Cách ly tín hiệu âm thanh
Anh em có thể cách ly dòng tín hiệu âm thanh từ cổng HDMI tuy nhiên phương pháp này khá rắc rối và đòi hỏi phải có thêm các cục giải mã, adapter hoặc những thứ linh tinh khác. Thế thì vì 1 lý do nào đó mà bạn muốn (hay cần) cách ly dòng tín hiệu âm thanh từ cổng HDMI, Optical luôn là lựa chọn hàng đầu do nó có khả năng cung cấp chất lượng âm thanh tốt hơn.
Lấy ví dụ bạn muốn sử dụng đầu Blu-ray của mình như 1 đầu CD, tuy nhiên không muốn phải bật TV mỗi khi nghe CD. Nếu đầu Blu-ray đó có cổng optical, bạn có thể cắm trực tiếp cable optical sang DAC, hay AV Receiver để nghe nhạc mà không cần mở TV.
Loại bỏ tiếng ù do ground loop
Dăm ba cái Ground loop này nó rất là phiền vì tìm nguyên nhân gây ra ground loop trong một hệ thống chằng chịt không phải là dễ, nhiều khi tất cả các thiết bị đều ko hư, đo ra thấy ổn, nhưng khi gắn vào với nhau thì nó u huyền ùuuuuuuuuu
Vấn đề thường gây ra lặp tiếp đất nhất trong 1 hệ thống âm thanh gia đình, nhất là ở Việt Nam là dây không được nối đất tốt. Trong trường hợp này, ổ cắm điện và thiết bị bạn đang cắm vào đó được nối đất chung trong khi dây coaxial lại được nối đất riêng, hoặc bạn bố trí 1 điểm ground riêng cho thiết bị DAC hay Tivi chẳng hạn. Chính sự khác biệt về vị trí, lượng tải và mức năng lượng ở mỗi điểm nối đất đã làm “nghẽn” hệ thống điện. Bạn sẽ khó có thể nhận ra sự khác biệt nào tuy nhiên các thiết bị âm thanh thì sẽ nhạy hơn, gây ra hiện tượng ù trên loa hoặc tệ hơn nữa là làm hư hỏng các máy móc đắt tiền.
Bạn có thể triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng lặp tiếp đất bằng cách sử dụng kết nối Optical để cách ly thiết bị gây ra lỗi. Dây hoàn toàn là sợi quang học với thành phần là nhựa hay kính, vì thế sẽ không dẫn điện hay có thể tạo ra groundloop.
Theo: Tinh tế
Từ khóa » đầu Cd Có Cổng Quang
-
Hướng Dẫn Kết Nối đầu CD Với Tivi Bằng đường Quang Học - TL Audio
-
Đầu Chia 1 Ra 2 Cổng Quang âm Thanh Cho CD/DVD/X-Box360
-
[CHI TIẾT] Amply Có Cổng Quang Là Gì, ưu Nhược điểm, Công Dụng
-
Những đầu CD Nào Có Ngõ Digital Input? | VNAV
-
Top 15 đầu Nghe Nhạc Chính Hãng Cực Hay, Tốt Nhất 2022
-
TOP 10+ Đầu CD, đầu đĩa Nghe Nhạc Giá Tốt 2020 Dưới 10 Triệu
-
Mua Bán, Thanh Lý Đầu CD Cũ & Mới Chính Hãng Giá Rẻ - Chợ Tốt
-
Đầu CD Nào Nghe Nhạc Vàng Hay: Marantz Hay Sony?
-
Những điều Cần Biết Về Cổng âm Thanh Audio Optical - CatThanh
-
Hướng Dẫn Kết Nối âm Thanh Quang Optical Sang Loa Có Kết Nối RCA
-
Hướng Dẫn Tối ưu Chất Lượng âm Thanh đầu đĩa CD
-
Các Cổng Kết Nối Phổ Biến Trên đầu đĩa Hiện Nay