Kết Quả 10 Năm Thi Hành Luật Hợp Tác Xã Trên địa Bàn Tỉnh Nghệ An

Tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chính sách thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh và chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An hoạt động khá ổn định. Tính đến 31/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 793 HTX (chiếm 3,04% cả nước); dự kiến đến 31/12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 822 HTX, tăng 265 HTX (tăng 1,5 lần) so với năm 2013; đến nay 100% số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tính đến 31/12/2020, tổng số thành viên HTX là 267.125 thành viên; số lao động thường xuyên là 60.321 thành viên; tổng số cán bộ quản lý HTX là 3.296 người. So với thời điểm 31/12/2013 tăng 2.488 thành viên (tăng 0,94%); số lao động thường xuyên tăng 8.685 thành viên (tăng 1,17 lần). Sau khi được tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, việc tuân thủ điều lệ HTX đã của các thành viên được chú trọng; đa số thành viên tham gia vào HTX sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã góp vốn vào HTX. Tổng số HTX hoạt động hiệu quả là 419 HTX, chiếm 52,8% (tỷ lệ này của cả nước là 57%). Dự kiến đến 31/12/2021, tổng số HTX hoạt động hiệu quả là 435 HTX (chiếm 52,92%), so với thời điểm 31/12/2001, tăng 353 HTX (tăng 5,3 lần); tổng số vốn hoạt động của HTX là 5.300 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản của HTX là 3.800 tỷ đồng; doanh thu bình quân hàng năm của một HTX là 2,1 tỷ đồng; lãi bình quân hàng năm một HTX là 160 triệu đồng; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 4,5 triệu đồng/tháng. So với thời điểm 31/12/2013, tổng số vốn hoạt động của HTX tăng 2.613,21 tỷ đồng (tăng 1,97 lần); tổng giá trị tài sản tăng 1.149,33 tỷ đồng (tăng 1,43 lần); doanh thu bình quân hàng năm của một HTX tăng 850 triệu đồng (tăng 1,68 lần); lãi bình quân hàng năm một HTX tăng 74 triệu đồng (tăng 1,86 lần); thu nhập bình quân một tháng của một lao động thường xuyên tăng 2,38 triệu đồng (tăng 2,08 lần). Các HTX đã có những chuyển biến về phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nhiều HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã được hình thành; vai trò của HTX trong phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo việc làm, an sinh xã hội ngày càng được thể hiện rõ. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; đến nay 100% các HTX đã chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật HTX năm 2012. Kinh tế hợp tác tăng về số lượng, đa dạng về loại hình hoạt động, các loại hình HTX kiêu mới được hình thành, củng cố toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, rộng khắp trên địa bàn của tỉnh. Đã xuất hiện các mô hình HTX kiểu mới theo hướng liên kết các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết lập mô hình kinh tế và quan hệ sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 trên địa bàn tỉnh Nghệ An là:

Một là, Nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng đầu tiên để phát triển kinh tế tập thể. Thực tế cho thấy, những địa phương trên địa bàn tỉnh có các HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được mô hình HTX kiểu mới đều xuất phát từ việc nhận thức đúng, thống nhất và rõ về vị trí, vai trò bản chất, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, HTX, bắt đầu từ việc quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; để từ đó xây dựng được kế hoạch thực hiện toàn diện, cụ thể phù hợp nhu cầu hợp tác thực sự của các thành viên để thành lập tổ hợp tác, HTX.

Hai là, Vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu của địa phương là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển thông qua việc đề ra các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ,... phù hợp.

Ba là, Đề cao vị trí, vai trò của Ban quản lý, nhất là vai trò người đứng đầu HTX. Trình độ cán bộ quản lý, điều hành HTX có vai trò quyết định đến sự phát triển hợp tác xã, do đó cần tập trung củng cố, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ giám đốc, kế toán và cán bộ kỹ thuật của HTX đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, cần bảo đảm hài hòa lợi ích đa dạng của các thành viên; quản trị dân chủ, minh bạch; thực hiện đổi mới, sáng tạo và đầu tư công nghệ vào sản xuất.

Bốn là, Bộ máy quản lý nhà nước cần được quan tâm củng cố đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới. Cán bộ quản lý nhà nước cần được bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật thường xuyên các kiến thức, kinh nghiệm quản lý HTX trong và ngoài nước; bảo đảm có trình độ năng lực, khả năng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác định hướng, phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Năm là, Việc ban hành cơ chế, chính sách của Nhà nước cần phải tập trung, sát với nhu cầu của HTX và phát huy được nhiều nguồn lực hỗ trợ HTX (ngân sách nhà nước, vốn góp của thành viên, tín dụng ngân hàng và nguồn lực xã hội), bảo đảm cân đối đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành; trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho công tác tuyên truyền thành lập HTX; hỗ trợ nhân lực quản trị HTX, đào tạo nghề cho người lao động của HTX.

Quang Minh

Từ khóa » Các Hợp Tác Xã ở Nghệ An