Kết Quả Thực Hiện Phương Châm “dân Biết, Dân Bàn, Dân Làm, Dân ...

Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Công văn số 193-CV/TU, ngày 10/5/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc thực hiện Kết luận số 120-KL/TW. Để thực hiện tốt QCDC theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bằng nhiều hình thức (qua hệ thống truyền thanh, các buổi họp dân hoặc niêm yết tại trụ sở xã, phường, thị trấn; thông qua họp lệ định kỳ các đoàn thể chính trị - xã hộ) các địa phương đã thực hiện việc công khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân như: bình xét hộ nghèo được vay vốn sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); các loại phí, lệ phí, các quy định về thủ tục hành chính (Luật đất đai, Luật hôn nhân gia đình, Luật cư trú và các quy định của địa phương…), đặc biệt là công khai các chế độ chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số và trong chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Đến cuối năm 2021 đã có 66/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,37% và 01/08 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Bình Minh); Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát huy tốt vai trò trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là giám sát việc thi hành nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức và công dân theo cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", thu chi ngân sách, công khai tài chính của địa phương, việc thu và chi các loại quỹ, các công trình có vốn do Nhân dân đóng góp,....

Năm 2019, Tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Trong quá trình thực hiện sắp xếp tỉnh luôn tuân thủ các quy định về quy chế dân chủ. UBND tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn biên soạn Đề án và các tài liệu có liên quan đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, công khai trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, hệ thống truyền thanh của cấp huyện, cấp xã và gửi đến Trưởng ấp, khóm để thông báo đến nhân dân trong phạm vi tác động; phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã lấy ý kiến cử tri trong khu vực tác động đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định. Nhờ công tác tuyên truyền tốt, thực hiện đầy đủ các nội dung công khai và lấy ý kiến nhân dân đúng theo quy chế dân chủ, việc sắp sếp đơn vị hành chính cấp xã đã được sự ủng hộ và tham gia tích cực của cán bộ, công chức và nhân dân ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Tất cả 07 đơn vị hành chính bị tác động của Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cử tri tham gia ý kiến đối với đề án đạt từ 92,44% trở lên so với tổng số cử tri. Kết quả lấy ý kiến cử tri ở khu vực có liên quan đạt được sự đồng thuận cao (thấp nhất là 80,99%, cao nhất là 100%). Đây chính là cơ sở để UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Việc thực hiện Pháp lệnh số 34 cũng được HĐND, UBND các cấp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến QCDC ở cơ sở thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, phê duyệt các hương ước, quy ước tại khu dân cư, hiện có 107/107 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ với nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.Ngoài ra, Nhân dân còn tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long.

Những nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tạo điều kiện, bằng nhiều hình thức để Nhân dân tham gia ý kiến như tổ chức họp và tiếp xúc cử tri để đưa ra lấy ý kiến công khai trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, Trưởng ấp, khóm, khu, tổ dân phố và thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Quyết định số 3727/QĐ-BVHTTDL ngày 04/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, cơ quan đơn vị trong tỉnh xây dựng hương ước, quy ước theo các chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của địa phương, đảm bảo 05 nguyên tắc như phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bảo đảm tính tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư; không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới và không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương khi xây dựng hương ước, quy ước cần quan tâm lồng ghép những nội dung quan trọng khác vào hương ước, quy ước để Nhân dân bàn, thảo luận, biểu quyết như: Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới; không hát nhạc sống, karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư từ 11 giờ đến 13 giờ trưa và từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa còn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với 04 mục tiêu chính nội dung Nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định ban hành hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố như 100% hương ước, quy ước được rà soát, đánh giá, từng bước hoàn thiện về nội dung theo quy định của pháp luật; nâng cao hiểu biết pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong quản lý xã hội; 100% công chức, viên chức, người lao động theo dõi, phụ trách công tác thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; 100% trưởng ấp, khóm, khu được tham dự lớp tập huấn về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Thông qua hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thống nhất khi có trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận hương ước, quy ước. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 746/752 ấp, khóm, khu ban hành hương ước, quy ước theo quy định, tỷ lệ 99,2%. Trong đó, có 654 hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung.

Để góp phần thực hiện tốt phương châm trong hoạt động của lực lượng vũ trang, hằng năm thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, việc thực hiện đăng ký, xét duyệt, sơ tuyển sức khỏe đúng trình tự, thủ tục và tổ chức bình nghị ra dân để “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”. Kết quả giao quân hằng năm của tỉnh Vĩnh Long đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao và chất lượng được nâng cao về mọi mặt. Bên cạnh đó, còn tăng cường, cũng cố xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ) để phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương, huy động Nhân dân trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 413 mô hình đã có sự đóng góp tích cực của Nhân dân như: mô hình “Cổng an ninh trật tự”, mô hình “Phát huy vai trò của đồng bào Phật giáo Hòa Hảo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, mô hình “Câu lạc bộ xe Honda khách phòng, chống tội phạm”, mô hình “Nhà trọ, nhà cho thuê phòng, chống tội phạm”, mô hình “Quán cà phê tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội”,… góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

Nhìn chung, việc thi hành Pháp lệnh số 34 đã giúp cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) từ tỉnh đến cơ sở nhận thức đúng đắn về công tác dân vận của chính quyền, vận động quần chúng Nhân dân từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong phục vụ Nhân dân, làm cho Nhân dân hiểu rõ về những quy định của pháp luật, nhiệt tình tham gia các phong trào, chương trình hành động do cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp phát động. Từ đó, công tác dân vận của chính quyền các cấp đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và nâng cao đạo đức tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC, nhất là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt, góp phần xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, xây dựng lề lối làm việc, thái độ, tác phong theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

N.H.N- Báo cáo số:141/BC-UBND

Từ khóa » Dân Biết Dân Bàn Dân Làm Dân Kiểm Tra Nói Về