Kết Quả Triển Khai Quyết định 217, 218-QĐ/TW Trên địa Bàn Huyện ...

        Xác định công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng nên ngay từ đầu năm, Thường trực Huyện ủy Như Xuân đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện xây dựng kế hoạch trình Thường trực Huyện ủy phê duyệt để triển khai thực hiện.

        Nếu như trước đây, việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế do chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Từ khi thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thì việc giám sát và phản biện xã hội trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội như: Việc tổ chức cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, góp ý với đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.Trong năm 5 đã đóng góp trên 1.300 lượt ý kiến tham gia vào các dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, gần 900 lượt ý kiến đóng góp cho cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; 3.015 ý kiến tham gia các dự thảo luật như: Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

        Việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được triển khai cụ thể hơn. Người dân ngày càng có điều kiện để tham gia góp ý trực tiếp vào trong các dự thảo Luật, các nghị quyết của Đảng, chính quyền trong xây dựng và phát triển huyện. Hoạt động giám sát đã giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân dân; phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở, góp phần vào sự phát triển chung của huyện; đồng thời, giúp cho hệ thống Mặt trận huyện tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm góp phần vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Kết quả giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: từ năm 2013 đến nay đã tổ chức kiểm tra giám sát được 11 cuộc tại 77 đơn vị cơ sở và 54 thôn. Qua các cuộc kiển tra giám sát đã có hàng ngìn lượt ý kiến được giải quyết tại cơ sở, trên 200 ý kiến được các cấp, ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn tiếp thu, giải quyết.

        Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; Huyện ủy cũng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã huyện triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức. Trong đó, tập trung góp ý việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức;... việc góp ý thông qua hình thức góp ý trực tiếp vào văn bản hoặc qua các buổi tọa đàm, tiếp xúc cử tri. Xác định một trong những nội dung quan trọng của việc tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đó là việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong năm 5 MTTQ từ huyện đến các xã, thị trấn đã tổ chức 256 hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với cử tri trong huyện; tổ chức 177 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trước và sau các kỳ họp. Kết quả đã có 367 lượt ý kiến của cử tri tham gia; năm 2017 có 16/18 xã, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND xã, thị trấn với nhân dân, có 1.157 người tham dự với 220 ý kiến, trong đó có 188 ý kiến được giải quyết trực tiếp tại hội nghị.

        Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn huyện Như Xuân, quá trình triển khai thực hiện các Quyết định trên nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ đó là: Việc tổ chức triển khai và ban hành các văn bản liên quan đến thực hiện Quyết định 217, 218 ở một số xã còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân. Việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội bước đầu triển khai thực hiện nên chỉ mới triển khai ở những nội dung đơn giản và các vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn có mặt hạn chế. 

        Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) trong thời gian tới, huyện Như Xuân xác định triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: 

        Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn huyện; tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt nội dung theo Quyết định, Quy chế, Quy định, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác giám sát và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nhân dân biết và thực hiện.

        Hai là, Định kỳ hằng năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và điều kiện thực tế ở địa phương, kịp thời bổ sung nội dung phản biện xã hội (khi có yêu cầu). MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội hằng năm trình cấp ủy cùng cấp phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức đối thoại mỗi năm 1 lần đối với cấp huyện, 2 năm/lần đối với xã, thị trấn giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp với nhân dân.

        Ba là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở báo cáo kịp thời kết quả giám sát và phản biện xã hội, các nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân cho cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở.

        Bốn là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, kiến nghị đề xuất sau giám sát; gắn việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, kiến nghị, đề xuất sau giám sát với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với việc sơ kết, tổng kết công tác MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội hằng năm.

        Năm là, UBND các cấp bố trí kinh phí để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị hằng năm.

        Sáu là, Ban Dân vận Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Huyện ủy và các ngành liên quan tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy ./.

Từ khóa » Kế Hoạch 217 218 Của Bộ Chính Trị