Khắc Phục Chủ Nghĩa Chủ Quan, Duy ý Chí :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Xem thêm:

  • Kết luận về các bài học phát triển đất nước
  • Phép biện chứng duy vật với việc khắc phục những sai lầm trong tư duy ở ta
  • Muốn vươn lên, chúng ta phải vượt qua đại dương trí tuệ
  • Đất nước đang trông chờ những người cầm lái...
  • Câu hỏi lớn về vận nước

Để thực hiện sự nghiệp đổi mới, một nguyên tắc hết sức quan trọng - nguyên tắc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích "xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan".

Trên nguyên tắc đó, Đại hội VI của Đảng đã phân tích, đánh giá những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Những sai lầm, khuyết điểm ấy bắt nguồn từ những sai lầm trong quan điểm và lý luận cơ bản về CNXH, về thời kì quá độ của chúng ta. "Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan".

Tại Đại hội VII và trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH", Đảng ta đã chỉ rõ: "Trong cách mạng XHCN, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng XHCN. Nhưng Đảng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan: nóng vội trong cải tạo XHCN, xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần, có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp…". Nhận định đó cho thấy chủ nghĩa chủ quan và duy ý chí là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm trong việc hoạch định đường lối, chính sách, trong hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta suốt một thời gian dài.

Cách đây hơn một thế kỷ, C. Mác đã khẳng định: “Trong tiến trình phát triển của mình, con người trước hết cần phải tạo ra những điều kiện vật chất của một xã hội mới và không một nỗ lực mạnh mẽ nào của tư tưởng hay ý chí lại có thể giải thoát họ khỏi số phận ấy". Trong quá trình xây dựng một chế độ xã hội mới, việc hoạch định đường lối chiến lược lâu dài và định ra đường lối sách lược, chính sách cụ thể cho từng giai đoạn là hết sức quan trọng. Song, như V.I. Lê nin đã từng cảnh tỉnh chúng ta: "Đối với một chính Đảng vô sản, không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định ra sách lược của mình theo ý muốn chủ quan... Định ra một sách lược vô sản trên cơ sở đó có nghĩa là làm cho sách lược đó bị thất bại. Thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng sự can thiệp một cách duy ý chí vào các qúa trình kinh tế, văn hoá và khoa học – kỹ thuật, việc áp đặt ý muốn chủ quan vào việc hoạch định đường lối, chính sách vào hoạt động thực tiễn đã dẫn đến những biến dạng, "tha hóa" trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài. Bởi vậy, việc khắc phục chủ nghĩa chủ quan duy ý chí trong việc hoạch định đường lối, chính sách và trong hoạt động thực tiễn luôn là một vấn đề mang tính thời sự cấp bách.

Lịch sử đã chứng minh rằng cơ sở khách quan cho việc hoạch định bất kỳ một đường lối, chính sách nào bao giờ cũng là lợi ích của giai cấp thống trị và những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Chính lợi ích (đặc biệt là lợi ích kinh tế) của chủ thể chính trị là cái tạo ra đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Và, chính lợi ích kinh tế ấy đã quy định tính đặc thù của công cuộc cải tạo xã hội, quy định sự lựa chọn các biện pháp và phương tiện để đạt được mục đích đã đề ra. Lênin đã nhấn mạnh: "Những cội rễ sâu xa nhất của chính sách đối nội cũng như chính sách đối ngoại... đều do những lợi ích kinh tế, địa vị kinh tế của các giai cấp thống trị... quyết định". Ông đã coi đó là cơ sở của toàn bộ thế giới quan mácxít và những người cộng sản thường một giây phút nào được lãng quên" điều đó. Như vậy, theo Lênin, bất cứ đường lối, chính sách nào cũng thể hiện lợi ích và ý chí của giai cấp thống trị, nó cho thấy rõ lực lượng nào, bằng biện pháp phương tiện nào để thực hiện nó trong thực tiễn. Vấn đề quan trọng ở đây là:

- Thứ nhất, lợi ích của giai cấp thống trị có phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển xã hội không?

- Thứ hai đường lối, chính sách có phản ánh một cách đúng đắn và kịp thời quy luật khách quan và lợi ích của đông đảo quản chúng lao động không?

- Thứ ba, các biện pháp và phương tiện thực hiện đường lối, chính sách đó trong thực tiễn có đem lại hiệu quả không?

Rõ ràng là, trong bất cứ đường lối, chính sách nào ngoài cơ sở khách quan còn có mặt chủ quan. Mặt khách quan của đường lối, chính sách là hoàn cảnh kinh tế, chính trị - xã hội, mối quan hệ giữa các giai cấp và lợi ích của chủ thể đường lối, chính sách. Mặt chủ quan của đường lối, chính sách thể hiện trong ý chí, nguyện vọng của chủ thể, trong việc lựa chọn các biện pháp, phương tiện thực hiện nó trong thực tiễn. Bởi vậy, ngay trong những điều kiện hết sức thuận lợi (lợi ích và ý muốn của chủ thể phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển xã hội) thì trong bất cứ đường lối, chính sách nào và việc thực hiện nó trong thực tiễn vẫn cứ tồn tại nguy cơ của chủ nghĩa chủ quan, của ý chí luận. Nguy cơ đó là ở chỗ coi thường quy luật khách quan và lợi ích của quần chúng lao động, xuyên tạc tư tưởng và mục đích của công cuộc cải tạo xã hội, xem nhẹ kinh nghiệm lịch sử. Nó biểu hiện ở những điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, vi phạm nguyên tắc phân tích và đánh giá một cách khách quan khoa học các hiện tượng xã hội, hiểu không đúng mối liên hệ giữa quy luật phát triển của xã hội và lợi ích, nhu cầu của quần chúng.

Thứ hai, áp dụng biện pháp hành chính mệnh lệnh (thậm chí cả biện pháp bạo lực) trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, bất chấp quy luật khách quan của sự phát triển xã hội.

Thứ ba, từ bỏ nguyên tắc dân chủ, say mê quyền lực, sùng bái cá nhân và coi thường quần chúng lao động.

Trong lịch sử, chủ nghĩa chủ quan và duy ý chí thường gắn liền với "lý luận bạo lực". Cơ sở của lý luận này là tuyệt đối hóa "phương pháp chiến tranh", sùng bái bạo lực và vai trò của cá nhân trong lịch sử. C. Mác và F. Engen đã chứng minh tính vô căn cứ của lý luận này và khẳng định sự phá sản tất yếu của nó.

Khi vạch ra phép biện chứng của nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan, khắc phục chủ nghĩa ... trong lịch sử, các ông đã đưa ra luận cứ về khả năng và giới hạn của bạo lực trong đời sống xã hội. Và, khi phê phán quan niệm duy ý chí về những tiền đề của cách mạng xã hội, các ông đã chỉ rõ bạo lực không thể tạo ra một chế độ xã hội mới, sức mạnh và vai trò của nó thể hiện ở chỗ, "bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới". Bạo lực là "bà đỡ” chứ không phải là "người mẹ", là "điều kiện" chứ không phải là "nguyên nhân" sinh ra "đứa trẻ” - xã hội mới. Bởi vậy, việc sử dụng bạo lực đòi hỏi phải có điều kiện nhất định, phải có nghệ thuật để không làm chết "đứa trẻ” mới sinh ra, để xã hội mới ra đời một cách khỏe mạnh và phát triển một cách bình thường. Khi vận dụng và phát triển lý luận bạo lực XHCN, Lênin cũng đã chỉ rõ bạo lực cần để đập tan Nhà nước tư sản và trấn áp bọn phản động, ăn bám, bóc lột, nhưng "thật là ngu xuẩn nếu tưởng tượng rằng chỉ dùng bạo lực cũng có thể giải quyết được vấn đề tổ chức khoa học và kỹ thuật mới trong công cuộc xây dựng xã hội cộng sản".

Trong cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại mưu toan "chỉ huy" nền kinh tế bằng mệnh lệnh, "kìm kẹp" đời sống chính trị - xã hội, sử dụng biện pháp quân sự trong quản lý tác động đến quần chúng bằng phương tiện cưỡng bức, Lênin đã vạch rõ sự phát triển của lực lượng sản xuất - đó là một quá trình mang tính khách quan. Bởi vậy, theo ông, trong lĩnh vực kinh tế chúng ta "không thể đi bằng những cơn lốc và bằng những bước nhảy vọt". Đường lối kinh tế không thể xây dựng trên sự coi thường quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, không thể tách ra khỏi thực trạng của nền kinh tế. Một đường lối như vậy chỉ có thể dẫn đến một kết quả duy nhất - sự phá sản hoàn toàn công cuộc xây dựng kinh tế. Thực tiễn của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta thời gian qua cũng đã khẳng định điều đó.

Trong quá trình xây dựng CNXH, chúng ta đã phạm phải sai lầm giáo điều, cứng nhắc và chủ quan duy ý chí khi áp đặt một mô hình CNXH được thiết kế không xuất phát từ thực tiễn nước ta. Đó là mô hình CNXH thuần khiết với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chỉ hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể được phép tồn tại với sự thống nhất tuyệt đối về chính trị và tinh thần. Do nhận thức mang tính chủ quan duy ý chí, xa rời thực tiễn, không tôn trọng quy luật khách quan nên đường lối, chính sách nhằm xây dựng mô hình đó và các biện pháp, phương tiện để thực hiện đường lối, chính sách này không có tác dụng cài tạo thực tiễn, làm cho thực tiễn kinh tế - xã hội của nước ta phát triển theo chiều hướng tiến lên mà ngược lại còn kìm hãm sự phát triển đó.

Chủ nghĩa chủ quan duy ý chí đã đưa chúng ta tới ảo tưởng có thể đưa ngay nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên CNXH. Do muốn "tiến thẳng", muốn quá độ trực tiếp lên CNXH, chúng ta đã bỏ qua chỉ dẫn của Lênin về hình thức quá độ gián tiếp để một nước mà nền kinh tế còn là sản xuất nhỏ đi lên CNXH. Chúng ta đã quên rằng chính Lênin đã khẳng định: "Nếu phân tích tình hình chính trị hiện nay, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang ở vào một thời kỳ quá độ trong thời kỳ quá độ. Toàn bộ nền chuyên chính vô sản là một thời kỳ quá độ, nhưng hiện nay có thể nói rằng chúng ta có cả một loạt thời kỳ quá độ mới". Do chủ quan duy ý chí, do áo tưởng, chúng ta đã không nhận thức đúng vị trí và vai trò của các bước quá độ gián tiếp và do đó chúng ta đã bỏ qua các hình thức kinh tế trung gian quá độ của một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH. Biểu hiện rõ nét nhất của sai lầm đó là đường lối xây dựng CNXH với bốn mục tiêu chủ yếu mà Đại hội IV đã đề ra, là kế hoạch hoàn thành thời kỳ quá độ trong vòng 20 năm, là mong muốn giải quyết mọi vấn đề kinh tế - xã hội cả bề rộng lẫn chiều sâu trong một khoảng thời gian ngắn, là sự phủ nhận nền sản xuất hàng hóa và thành kiến với quy luật giá trị, với mối quan hệ hàng - tiền, với cạnh tranh… "Chúng ta đã có những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thực sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hóa đang tồn tại khách quan, do đó không chú ý vận dụng chúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế.

Một biểu hiện nữa của sai lầm do mắc bệnh chủ quan duy ý chí là đường lối tiến hành công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp. Từ chỗ không đánh giá đầy đủ những đặc thù của một nước nghèo nàn và kém phát triển, nền kinh tế vẫn ở tình trạng nông nghiệp lạc hậu, trang bị kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, chúng ta đã vội vàng tiến hành công nghiệp hóa XHCN, hơn nữa lại tập trung ngay vào công nghiệp nặng với vốn đầu tư lớn song hiệu quả chẳng thu được là bao. Đặc biệt, khi tiến hành tập thể hóa nông nghiệp chúng ta đã cứng nhắc, rập khuôn theo nước ngoài, không tính đến một cách đầy đủ sự lạc hậu, nặng tính tự cấp, tự túc và phân tán của nền nông nghiệp nước ta. Khi đó chúng ta đã quên rằng chính F. Engen đã chỉ rõ: "Bất cứ ở đâu, bản thân những biện pháp quá độ cũng sẽ phải thích ứng với những điều kiện sẽ có trong thời gian đó, những biện pháp quá độ đó, trong các nước có chế độ chiếm hữu ít ruộng đất, sẽ căn bản khác với những biện pháp quá độ trong các nước có chế độ chiếm hữu nhiều ruộng đất". Sai lầm đó đã được lặp lại sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đó, với khí thế của một dân tộc vừa chiến thắng lại cộng thêm nhiệt tình mang nặng tính tiểu tư sản, chúng ta chỉ thấy một mầu hồng mà không lường hết khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp.

Chủ nghĩa chủ quan duy ý chí đã dẫn chúng ta đến chỗ tạo ra chế độ hành chính mệnh lệnh, tạo ra cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đến lượt mình, chế độ hành chính mệnh lệnh, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp lại trở thành "mảnh đất mầu mỡ" để chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí phát triển. Bởi lẽ, ở chúng luôn có cội nguồn kinh tế - xã hội, tâm lý và tư tưởng, có những tiền đề triết học và cơ sở phương pháp luận làm nảy sinh và nuôi dưỡng chủ nghĩa chủ quan duy ý chí.

Chế độ hành chính mệnh lệnh, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thể hiện dưới những hình thức hết sức đa dạng, bắt đầu từ thói độc đoán, gia trưởng đến bệnh hình thức, tệ quan liêu giấy tờ. Nguy cơ của căn bệnh trầm trọng này trong việc hoạch định đường lối, chính sách, trong hoạt động thực tiễn là ở chỗ:

Thứ nhất, nó dẫn đến chỗ tách đường lối, chính sách ra khỏi đời sống kinh tế - xã hội. Nó làm cho đường lối, chính sách không phản ánh đúng lợi ích sống còn và ý chí của quần chúng lao động mà thể hiện lợi ích, ý chí, ý muốn chủ quan của một nhóm người. Bởi vậy, nguy cơ mà nó dẫn đến không chỉ đơn giản là việc quản lý thiếu hiệu quả, tệ quan liêu giấy tờ, bệnh hình thức, sự thờ ơ... mà đó còn là nguy cơ của việc quan liêu hóa đời sống xã hội, là hiểm họa của việc tách các cơ quan nhà nước ở mọi góc độ ra khỏi lực lượng sáng tạo chân chính - quần chúng lao động.

Thứ hai, nó dẫn đến chỗ tuyệt đối hóa biện pháp hành chính, cưỡng bức trong việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa - xã hội, bất chấp những quy luật khách quan của đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ ba, nó tạo ra thái độ bàng quan, thờ ơ, lãnh đạm ở những người lãnh đạo trước yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng. Nó dẫn đến hiện tượng lạm dụng chức quyền để mưu đồ lợi ích cá nhân. Nó khiến cho phê bình và tự phê bình trở thành khẩu hiệu suông.

Và, thứ tư, nó dẫn đến chỗ coi thường ý kiến và khả năng sáng tạo của quần chúng lao động. Nó hạn chế tính công khai, dân chủ, hạn chế quyền tự do và các quyền công dân khác của quần chúng lao động.

Khi thực tiễn đã thay đổi, chế độ hành chính mệnh lệnh, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trở thành cung cách, phương pháp hoàn toàn xa lạ với bản chất đích thực của CNXH, của công cuộc đổi mới đất nước, của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu theo định hướng XHCN. Bởi lẽ, như Lênin đã khẳng định: Tính sáng tạo sinh động của quần chúng, đó là nhân tố cơ bản của xã hội mới... CNXH không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống. Tính chất máy móc hành chính và quan liêu không dung hợp được với tinh thần của CNXH, CNXH sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân.

Chủ nghĩa chủ quan duy ý chí còn dẫn đến chỗ cường điệu hóa vai trò của nhân tố chủ quan, của yếu tố chính trị trong việc hoạch định đường lối, chính sách và trong hoạt động thực tiễn. Biểu hiện cụ thể của nó là ở chỗ chúng ta đã quá đề cao nhiệt tình của quần chúng. Chúng ta đã ảo tưởng khi cho rằng dựa vào nhiệt tình của quần chúng, vào ý chí và nguyện vọng chủ quan. Chúng ta sẽ đạt được tất cả những gì mong muốn, vượt lên trên cả những đòi hỏi của thực tiên, của những quy luật khách quan đang tác động trong đời sống kinh tế - xã hội. Đó là thứ ảo tưởng mà V.I. Lênin đã từng phê phán khi ông chỉ ra rằng nhiệt tình cách mạng chỉ là một trong những yếu tố chứ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự ra đời một chế độ xã hội mới, nó chỉ có thể phá vỡ được cái cũ chứ không thể xây dựng cái mới. Còn khi xem xét mối quan hệ giữa yếu tố chính trị và yếu tố kinh tế, chúng ta thường dành quyền ưu tiên cho yếu tố chính trị. Chính việc vi phạm mối quan hệ này, việc tuyệt đối hóa yếu tố chính trị đã dẫn chúng ta đến chỗ tuyệt đối hóa chuyên chính vô sản, coi nó là tất cả, có nó sẽ có tất cả và không thấy ràng nó chỉ là công cụ, là phương tiện cho sự ra đời một chế độ xã hội mới.

Có thể khẳng định rằng công cuộc đổi mới mà chúng ta đang tiến hành sẽ không thể thành công nếu chúng ta không kiên quyết khắc phục chủ nghĩa chủ quan duy ý chí. Chúng ta phải làm cho nó không còn là một căn bệnh trầm trọng như nó đã từng là như vậy. Nhưng khi khắc phục nó, xóa bỏ nó chúng ta phải đề phòng chủ nghĩa chủ quan mới, duy ý chí mới - sự bảo thủ, trì trệ, đổi mới nửa vời.

Đáng tiếc là việc khắc phục để đi đến chỗ xóa bỏ chủ nghĩa chủ quan duy ý chí trong việc hoạch định đường lối, chính sách, trong hoạt động thực tiễn luôn vấp phải những khó khăn, trở ngại khách quan của quá trình nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội. Khó khán là ở chỗ, một mặt, trong hiện thực lịch sử luôn "ẩn dấu” những mầm mống, khả năng, khuynh hướng khác nhau, mặt khác, lịch sử lại được thực hiện thông qua hoạt động của con người, mà hoạt động này lại có giới hạn nhất định và do đó con người không thể hiểu thấu và bao quát được tất cả các khả năng, khuynh hướng của quá trình phát triển. Bởi vậy việc lựa chọn khả năng khuynh hướng của sự phát triển, lựa chọn phương án cải tạo xã hội, hoạch định đường lối, chính sách cho phương án cải tạo đó và đưa nó vào thực tiễn là một công việc hết sức phức tạp, một quá trình lâu dài với sự tham gia của đông đảo quần chúng, nhân dân lao động. Công việc này không những đòi hỏi "học cách đánh giá khoa học" các sự kiện của đời sống xã hội, như Lênin đã khẳng định, mà còn phải biết khảo sát, những lợi ích của con người, nhóm người, tập đoàn người, giai cấp trong xã hội. Bởi lợi ích luôn chi phối, điều chỉnh và thúc đẩy hoạt động của con người. Vì thế mọi đường lối, chisnh sách được đưa ra phải phản ánh được quy luật khách quan và lợi ích của quần chúng, phải đúc kết được kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng thực thi trong thực tiễn.

Từ khóa » Khắc Phục Bệnh Chủ Quan Duy ý Chí