Khắc Phục Triệu Chứng Tim Mạch Hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, người bệnh cần điều trị dứt điểm các triệu chứng tim mạch như mệt mỏi, khó thở, tức ngực, rối loạn nhịp tim… để tránh di chứng sau này.

Bệnh nhân khám tim mạch hậu Covid-19 tăng cao

Mỗi tuần, tại Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM, các bác sĩ thăm khám cho nhiều bệnh nhân có các triệu chứng tim mạch hậu Covid-19. Anh Thanh Hải (32 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận) đã khỏi Covid-19 một tuần nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh nhất là khi gắng sức. Sau khi đo điện tim, siêu âm tim, bác sĩ chẩn đoán anh bị rung nhĩ, viêm ngoài màng tim – di chứng do Covid-19 để lại.

 chứng liên quan đến tim mạch
Đau ngực, khó thở là triệu chứng liên quan đến tim mạch thường gặp sau khi khỏi Covid-19

Tương tự anh Hải, chị Vân An (26 tuổi, ngụ Quận 12) luôn có cảm giác đánh trống ngực, thỉnh thoảng đau nhói ngực trái kèm phù mắt cá chân. Chị không có tiền sử bệnh tim mạch nên khi nghe bác sĩ thông báo mình bị hội chứng “trái tim tan vỡ” (bệnh Takotsubo), chị không khỏi bất ngờ. Rất may mắn khi đây là một tình trạng bệnh tim tạm thời, xảy ra do bệnh nhân quá căng thẳng, lo lắng khi nhiễm Covid-19. Sau một tháng điều trị và kiểm soát stress, chị An đã khỏi bệnh và hết hoàn toàn triệu chứng.

Nghiên cứu cho thấy có đến 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục Covid-19 cấp. Trong đó, các con số thống kê về tổn thương Tim mạch “hậu Covid-19” khiến nhiều người giật mình: 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp các bất thường về tim ở thời điểm 2 tháng sau khi nhiễm Covid-19. Và 6 tháng sau khi nhiễm, số trường hợp bị tổn thương tim vẫn còn khoảng 5-9%.

Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể gây nên tình trạng viêm, hệ miễn dịch phải “gồng lên” để chống lại virus. Trong quá trình đó, một số mô khỏe mạnh, bao gồm cả mô tim, bị virus “đánh gục”, làm tổn thương tim và có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Không chỉ vậy, trong những trường hợp nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với nhiễm trùng, giải phóng vào máu các phân tử gây viêm gọi là cytokine. Khi lượng cytokine bị giải phóng không kiểm soát sẽ tạo nên “cơn bão cytokine”, là tác nhân làm tổn thương nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả tim.

Nhiễm SARS-CoV-2 cũng có khả năng gây viêm trong lòng các động mạch. Khi động mạch bị tổn thương, bề mặt của động mạch sẽ thu hút tiểu cầu trong máu kết dính vào vị trí tổn thương. Từ đây, các yếu tố đông máu và thrombin – các loại protein giúp máu đông – tích tụ lại, khiến hình thành “cục máu đông”, làm tắc nghẽn các mạch máu đó. Y khoa gọi đây là huyết khối. ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Covid-19 có nguy cơ để lại di chứng là cục máu đông. Đây là căn nguyên của một loạt vấn đề nghiêm trọng như khó thở (do cục máu đông trong phổi), đau tim (do cục máu đông trong tim) và đột quỵ (do động mạch đến não bị tắc nghẽn)”.

Nguy cơ hình thành cục máu đông ở các bệnh nhân hậu Covid-19
Nguy cơ hình thành cục máu đông ở các bệnh nhân hậu Covid-19

Cũng theo bác sĩ Thanh Kiều, một số vấn đề tim mạch mà người mắc Covid-19 thường gặp sau khi khỏi bệnh gồm:

  • Rung nhĩ: là tình trạng tim đập không đều, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ.
  • Viêm cơ tim: có tình trạng viêm và hoại tử cơ tim, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến chức năng tim và dẫn đến suy tim.
  • Viêm màng ngoài tim: lớp bao quanh tim bị viêm có thể gây tràn dịch màng tim hoặc viêm cơ tim bên dưới. Bất thường nhịp tim: nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Bệnh cơ tim do căng thẳng, còn gọi là hội chứng trái tim tan vỡ: Điều này xảy ra khi bệnh nhân căng thẳng quá mức, khiến tim không hoạt động được như bình thường. Các triệu chứng của bệnh cũng tương tự như nhồi máu cơ tim cấp.

Các triệu chứng tim mạch thường gặp hậu Covid-19

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều cho biết, bạn có thể mắc phải hội chứng tim mạch hậu Covid-19 nếu gặp các triệu chứng dưới đây:

  • Nhịp tim thay đổi bất thường: tim đập nhanh hoặc chậm hơn trước;
  • Đau thắt ngực;
  • Khó thở;
  • Thường xuyên chóng mặt;
  • Thỉnh thoảng ngất xỉu;
  • Cảm thấy tim đập loạn nhịp như thể bạn sắp ngất khi thay đổi tư thế;
  • Cảm thấy mệt mỏi hơn;
  • Sưng mắt cá chân;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng – POTS (nhịp tim tăng đột ngột khi thay đổi tư thế như từ nằm, ngồi sang đứng dậy).

Điều trị các vấn đề tim mạch hậu Covid-19

Tại BVĐK Tâm Anh, để chẩn đoán chính xác các triệu chứng tim mạch ở bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như đo điện tim, đo huyết áp và nhịp tim tư thế (ngồi/nằm và đứng), gắn máy theo dõi nhịp tim 24 giờ (Holter ECG); siêu âm tim, chụp CT động mạch vành, đo men tim nếu có dấu hiệu của hội chứng mạch vành cấp…

Hình ảnh siêu âm tim
Siêu âm tim giúp phát hiện tổn thương tim do hội chứng hậu Covid-19. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

“Việc điều trị tổn thương tim mạch hậu Covid-19 sẽ phụ thuộc vào triệu chứng gặp phải. Chẳng hạn, nếu bạn có nhịp tim nhanh, đau thắt ngực hoặc hội chứng mạch vành cấp, bác sĩ có thể kê một loại thuốc gọi là thuốc chẹn beta. Đối với tình trạng viêm màng ngoài tim, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm giúp giảm sưng và viêm bao màng ngoài tim hiệu quả”, bác sĩ Kiều cho biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Kiều cũng chia sẻ một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng tim mạch hậu Covid-19. Đó là:

Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất rất tốt cho tim, nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về hình thức vận động phù hợp với mình. Tập thể dục gắng sức ngay sau khi khỏi Covid-19 có thể gây căng thẳng cho tim và các cơ quan khác của cơ thể như phổi, gan. Hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau đó từ từ tăng cường độ tập lên như lúc chưa mắc bệnh.

Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý, đừng để tăng hoặc giảm cân quá nhiều. Đây là nền tảng của một trái tim khỏe mạnh.

Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: tăng cường rau củ quả, protein tốt, chất béo tốt; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối và thực phẩm nhiều đường.

Nhận biết triệu chứng nghiêm trọng để đến bệnh viện kịp thời: Đừng bỏ qua các dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Hội chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và phòng khám tiện nghi, là địa chỉ thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch uy tín. Trung tâm thường xuyên cập nhật những phác đồ, kỹ thuật mới theo Hướng dẫn và Khuyến cáo của Hiệp hội Tim Mạch Châu Âu và Hội tim mạch Hoa Kỳ trong chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp người bệnh nhận được sự điều trị tối ưu nhất.

Ngoài ra, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh còn phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác như Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, khoa Ngoại tổng quát, Nội soi tiêu hóa, Sản phụ khoa, Nội tổng quát (Hô hấp, Huyết học, Tiêu hóa…), Nhi khoa, Tai Mũi Họng và Răng hàm mặt, Chấn thương chỉnh hình, Niệu học và Thận học… giúp điều trị toàn diện cho người bệnh có nhiều bệnh lý đi kèm.

Từ khóa » ép Tim Bị Bệnh Gì