Khách Hàng Quốc Tế đang 'săn' Nông Sản Việt - PLO

Theo dữ liệu nghiên cứu của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com, từ tháng 10-2021 đến hết tháng 1-2022, ngành hàng nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có chỉ số cơ hội kinh doanh tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, tốc độ tăng nhu cầu của các nhóm hàng này lớn gấp ba lần tốc độ tăng nguồn cung.

Cùng với đó, lưu lượng người mua đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 50%. Đây là tín hiệu vui đối với nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Nông sản Việt Nam được tìm kiếm nhiều

Nhiều năm tham gia xuất khẩu mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW, nhận định nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.

“Ước tính doanh thu nửa tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm.

Việc tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới đã giúp công ty tôi nâng doanh thu xuất khẩu từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD, chỉ trong một năm sau đó” - bà Yến Phi dẫn chứng.

Nông sản tươi Việt Nam đangđược công nhân đóng gói để xuất bán sang nước ngoài thông qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: THU HÀ

Nông sản tươi Việt Nam đangđược công nhân đóng gói để xuất bán sang nước ngoài thông qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: THU HÀ

Điều này cũng được ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam, xác nhận. Ông cho biết hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản.

“Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị… có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.

Điều này cho thấy thị trường nông sản, thực phẩm, nước uống vô cùng tiềm năng và đầy dư địa phát triển. Các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực này có cơ hội rõ ràng để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới” - ông Tùng phân tích.

Không chỉ Alibaba, báo cáo mới nhất của Amazon cho thấy tính riêng trong 12 tháng (từ tháng 9-2020 đến tháng 8-2021), có tới gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam được bán cho các khách hàng khắp thế giới. Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm Việt Nam được bán ra trên sàn này.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá ngoài đồ gia dụng, nhà bếp, sản phẩm dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe thì các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp Việt cũng bán chạy trên sàn. Đơn cử như gạo, bánh tráng, hạt điều, cà phê hoặc các sản phẩm sấy khô, rong nho.

Không sợ bị tắc ở cửa khẩu

Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi khẳng định: Trong những năm gần đây, thị trường nông sản Việt Nam gặp khó, nhất là khi xuất khẩu sang Trung Quốc do vấp phải chính sách “zero COVID”. Tuy nhiên, việc kinh doanh các mặt hàng nông sản trên sàn TMĐT xuyên biên giới vẫn diễn ra xuyên suốt, do việc xuất khẩu hàng hóa không phải thông qua các cửa khẩu. Chẳng hạn từ đầu năm nay, công ty đã xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản qua thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.

“Mặc dù trên các sàn TMĐT xuyên biên giới có nhiều công ty nước ngoài khác cũng bán các sản phẩm nông sản tương tự như Việt Nam, song cơ hội tìm kiếm các đối tác sỉ và lẻ luôn phong phú, bởi mỗi quốc gia đều có một lợi thế sản phẩm khác nhau và thị trường hướng tới khác nhau” - bà Phi nhấn mạnh.

Bà Lê Tú Uyên, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Love Natutal, đơn vị có sáu năm kinh nghiệm kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới B2B, cũng đánh giá: Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh còn non trẻ, vừa và nhỏ thì việc bán hàng trên sàn là cách thức để giảm thiểu tối đa mọi chi phí mà hình thức kinh doanh truyền thống đang phải gánh vác. Đồng thời kinh doanh qua sàn còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường mới thế giới một cách chuyên nghiệp hơn.

Người kinh doanh cần sự chuyên nghiệp

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu hàng hóa qua sàn TMĐT xuyên biên giới, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN &PTNN, cho rằng xuất khẩu nông sản qua kênh trực tuyến rất phù hợp với xu hướng xuất khẩu hiện nay, đặc biệt với thị trường Trung Quốc đang có sự dịch chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Phương thức này sẽ giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc biên giới đường bộ.

“TMĐT cũng là một cách góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản Việt, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh đối với các nước khác để Việt Nam không lỡ nhịp với tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu” - ông Toản nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới không phải dễ dàng, nhất là rào cản ngôn ngữ. Vì vậy, ông Toản khuyến nghị mỗi nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ thuật như cách đưa sản phẩm lên mạng, bảo quản vòng đời sản phẩm, hay kỹ năng trao đổi hỗ trợ người mua hàng.

“Chúng tôi đang phối hợp với các sàn xuyên biên giới để tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ người muốn kinh doanh để họ có thể tiến tới xuất khẩu hàng hóa qua nước ngoài. Trong dài hạn, cần có sự tham gia của các tổ chức tài chính, bảo hiểm, đồng hành với nông sản không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu qua kênh TMĐT” - ông Toản nói.

Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năng lực sản xuất nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, sản phẩm trồng trọt đạt 80 triệu tấn; thịt, sữa đạt 6,5 triệu tấn, trứng đạt 13,8 tỉ quả; thủy sản đạt 8,4 triệu tấn; gỗ đạt 20,5 triệu m3.

Riêng năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 48,65 tỉ USD và dự kiến cán mốc 50 tỉ USD năm nay. Trong đó các mặt hàng nông sản chính, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu có thể kể đến như gạo, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, quế, hồi.

Đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản.

Hiện nay, không gian xuất khẩu hàng hóa qua TMĐT toàn cầu lên tới 10 tỉ USD trong khi tỉ lệ hàng nông sản xuất khẩu chỉ chiếm 5%. Đây là dư địa rất lớn đối với nông sản Việt Nam.

THU HÀ Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Các Hàng Nông Sản Việt Nam