Khai ấm Tử Sa - Thích Trà

Đặc tính của ấm tử sa là thành ấm có rất nhiều khổng khí, khi các khổng khí nay được mở đúng cách thì có tác dụng giúp ấm pha trà ngon hơn, trà để cả ngày trong ấm cũng không bị thiu trà… Do vậy, sau khi lựa chọn được một chiếc ấm trà Tử Sa mới, cần phải thực hiện một số bước (còn gọi là khai ấm tử sa) như sau để bắt đầu sử dụng chiếc ấm quý:

Khai ấm tử sa 1

Bước 1: Rửa sạch ấm bằng nước (lạnh hoặc ấm nóng) với cọ mềm hoặc rửa bằng vòi nước để làm sạch bụi bẩn.

Bước 2: Đây là bước cần thiết trong quy trình “Khai ấm tử sa”. Bỏ ấm trà và nắp vào một cái nồi sạch, đổ ngập nước rồi đun nhỏ lửa khoảng 60 phút. Bước thứ 2 này giúp khử mùi đất, tẩy sạch các bụi bẩn mà bước 1 chưa làm sạch, và khử trùng cho ấm. Sau khi đun xong, để ráo và lau khô bằng khăn sạch. Ấm tử sa đã có thể sử dụng. Bước thứ hai này còn gọi là “Dung hòa ấm”

Bước 3:  Tiếp tục bỏ ấm trà và nắp vào một cái nồi sạch, đổ ngập nước, cho thêm một miếng đậu phụ vào rồi đun nhỏ lửa khoảng 90 phút. Mục đích của việc phân giải ấm chính là phân giải các chất còn lại tồn dư trong ấm. Trong đậu phụ có chất thạch cao nhưng rất lành tính.có thể thực hiện nhiệm vụ phân giải. Bước này gọi là bước “Phân giải ấm”.

Bước 4: Sau bước “Phân giải ấm”, tiếp tục đun ấm cùng với vài que mía trong một khoảng thời gian. Chất đường thiên nhiên của mía sẽ từ từ thấm vào trong thành ấm và có thể tư nhuận ấm. Bước này gọi là “Tư nhuận ấm”.

Bước 5: Nếu bạn là người thích thưởng trà “công phu” hơn, cần thực hiện tiếp bước thứ 5: Luyện ấm bằng trà. Bước này dành cho người muốn mỗi ấm trà của mình chỉ pha một loại trà duy nhất.

Tiếp tục cho ấm tử sa vào một cái nồi nước cùng với loại trà mà bạn muốn dùng riêng cho ấm đó, đun trong 90 phút. Mục đích của bước này là sau khi luyện là giúp cho ấm trà ngấm hương trà, chiếc ấm tử sa đó chỉ dùng để pha một loại trà duy nhất. Sau khi đun xong, để ráo và lau khô bằng khăn mềm sạch để bắt đầu sử dụng. Bước cuối cùng của quá trình khai ấm này gọi là “Tái sinh ấm”

Khai ấm tử sa

Lưu ý: Nên dùng nước sạch như nước lọc để đun. Chỉ đun nhỏ lửa trong các bước để tránh làm ấm di chuyển làm sứt mẻ ấm và nắp ấm. Không dùng các hóa chất tẩy rửa khi làm sạch ấm. Không dùng các loại lưới rửa bằng kim loại hay giấy nhám, vật cứng để chà rửa ấm.

Sau khi khai ấm, bạn có thể bắt đầu sử dụng ấm tử sa để pha trà và thưởng trà.

Nguồn bài viết từ website Ngự Trà

Từ khóa » Khai ấm