Khái Niệm 5C áp Dụng Vào Việc Dạy Tiếng Việt | 123VIETNAMESE
Có thể bạn quan tâm
Người dạy ngôn ngữ đương nhiên biết rằng trách nhiệm của mình giúp học viên phát triển được 4 kĩ năng về ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.
Tuy nhiên, người nghe, nói, đọc viết được một ngôn ngữ không có nghĩa là người ấy đã nhuần nhuyễn sử dụng ngôn ngữ ấy. Để giúp học viên dần dần “làm chủ” được ngôn ngữ đích, người dạy cần nắm vững khái niệm 5C:
- Ngôn ngữ là phương tiện tốt nhất để TRUYỀN ĐẠT.
- Ngôn ngữ chuyên chở VĂN HÓA.
- Ngôn ngữ không phải là một ốc đảo độc lập, nhưng nó KẾT NỐI, hòa nhập và được sử dụng trong những môn học cũng như những môi trường khác nhau.
- Để hiểu rõ về một ngôn ngữ, cần phải có sự ĐỐI CHIẾU giữa ngôn ngữ ấy với các ngôn ngữ khác, nhất là giữ ngôn ngữ đích và ngôn ngữ gốc.
- Ngôn ngữ mang tính CỘNG ĐỒNG, là phương tiện truyền đạt của cộng đồng và trong cộng đồng. Cộng đồng đây là cộng đồng những người sử dụng ngôn ngữ đích.
Chính vì thế người dạy ngôn ngữ phải dạy học viên thứ ngôn ngữ nào, từ vựng nào hội đủ được tính chất của khái niệm 5C thì kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học viên mới thực sự là trọn vẹn.
Nguồn gốc khái niệm 5C
Khái niệm này xuất phát từ các nhà giáo dạy ngôn ngữ tại Hoa Kỳ.
Năm 1993, liên minh bốn tổ chức ngôn ngữ toàn quốc đã nhận một ngân khoản để khai triển những tiêu chuẩn cho việc dạy ngoại ngữ. Bốn tổ chức ấy là: the American Council on the Teaching of Foreign Languages, the American Association of Teachers of French, the American Association of Teachers of German, và the American Association of Teachers of Spanish and Portuguese. Công trình này sau đó được chính quyền Bush tài trợ, bắt đầu từ năm 2000 và tiếp tục được tài trợ dưới thời chính quyền Clinton. Mười một thành viên đã được chọn để định ra nội dung của các tiêu chuẩn dạy ngoại ngữ . Họ đại diện cho nhiều ngôn ngữ, nhiều cấp độ giảng dạy,nhiều mô thức cũng như nhiều miền địa lý. Khi định ra các tiêu chuẩn này,nhóm phụ trách không chỉ nhìn vào tình trạng hiện tại của việc dạy và học ngoaị ngữ,họ còn dựa vào viễn cảnh việc dạy và học ngoại ngữ trong nhiều năm ké tiếp. Chính vì thế, khái niệm 5C được mệnh danh là “Tiêu chuẩn của việc học ngôn ngữ – chuẩn bị cho thế kỷ 21.”
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, bọn khủng bố lao máy bay vào Trung tâm Thượng mại Thế giới (WTC) ở New York làm 2.996 người thiệt mạng (tính cả 19 tên khủng bố) và 24 người mất tích (xem như đã chết), tổn hại vật chất ít nhất 10 tỷ Mỹ kim giá trị nhà đất và cơ sở hạ tầng, và 3.000 tỉ Mỹ kim tổng kết thiệt hại. Quân khủng bố đương nhiên không phải là người Mỹ.
Biến cố này vô hình chung giúp đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ ở Hoa Kỳ. Lý do: các nhà lãnh đạo và giáo dục Hoa Kỳ nhận thức rõ rằng người Mỹ, nhất là giới trẻ Mỹ rất kém ngoại ngữ và sự hiểu biết về văn hóa các dân tộc khác. Đó là một trong những lý do khiến quân khủng bố dễ dàng hành động. Người trẻ thuộc các nước khác, kể cả các nước đang phát triển, sử dụng được hai ngôn ngữ là chuyện bình thường, sử dụng được bốn hay năm ngôn ngữ cũng không khó kiếm. Thế những người trẻ Mỹ chỉ sử dụng được tiếng Anh. Tìm được người sử dụng song ngữ đã hiếm. Tìm được người thông thạo ba ngôn ngữ trở lên khó lăm. Nước Mỹ muốn là quốc gia số 1 về kinh tế, chính trị, xã hội, v.v. mà người Mỹ không hiểu ngôn ngữ, không biết văn hóa các dân tộc khác thì sẽ rất khó đạt được mục đích. Chính vì thế mà các chương trình hỗ trợ học ngoại ngữ không những tồn tại qua các đợt khủng hoảng kinh tế mà còn phát triển thêm. Trong bối cảnh ấy, khái niệm 5C lại càng được chú trọng; đến độ có nhiều học khu xem việc áp dụng khái niệm 5C vào môn dạy ngôn ngữ, nhất là ngoại ngữ, là điều bắt buộc.
Khái niệm 5C là gì?
Tương tự dấu hiệu của Thế vận hội, dấu hiệu của khái niệm 5C là năm vòng tròn đan và nhau. Năm vòng tròn đan vào nhau này vừa tượng trưng cho sức mạnh, vừa tượng trưng cho sự gắn bó và toàn vẹn, luôn luôn phải có nhau, không thể bỏ đi một vòng nào. Trong việc dạy ngoại ngữ, năm khái niệm Truyền Đạt, Văn Hóa, Nối Kết, So Sánh, Cộng Đồng gắn bó chặt chẽ với nhau sẽ tạo thành sức mạnh: kết quả tốt đẹp của việc giảng dạy.
TRUYỀN ĐẠT
“Khái niệm Truyền Đạt nhấn mạnh việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp trong các tính huống “thực tế”. Nó nhấn mạnh “những gì học sinh có thể làm với ngôn ngữ” hơn là “những gì họ biết về ngôn ngữ”. Học viên được yêu cầu giao tiếp bằng lời nói và văn bản. Chuyển dịch các thông điệp bằng lời nói và văn bản, thể hiện sự hiểu biết văn hóa khi giao tiếp, đưa ra những thông tin bằng lời nói và chữ viết cho nhiều đối tượng, với nhiều mục đích khác nhau”.
Học ngoại ngữ là để truyển đạt ý tưởng và tình cảm của mình bằng ngôn ngữ ấy trong hoàn cảnh thực tế. Học ngoại ngữ mà chỉ học được lý thuyết chứ không đem ra dùng kho hữu sự thì việc học ấy vô ích.
Bởi vậy, người ta xem “Truyền Đạt” là trung tâm điểm của việc dạy và học ngoại ngữ. Học viên cần phải được thực tập sử dụng ngôn ngữ đích bằng cách chuyện trò giáp mặt, viết trên giấy, hoặc đón nhận sự truyền đạt xuyên thế kỷ bằng cách đọc các văn bản, các tác phẩm văn học.
Học viên đến lớp học ngoại ngữ, mục đích là để tập giao tiếp, truyền đạt bằng ngôn ngữ đích; bằng không, họ có thể ở nhà, học lý thuyết trong sách vở và với các chương trình điện tử. Học viên cũng mong muốn mỗi khi đi du lịch và viếng thăm các danh lam thắng cảnh, được giao tiếp với người địa phương bằng ngôn ngữ đích. Đây cũng là một trong những mục đích chính của các chương trình “Study Abroad: Đi học ở nước ngoài” mà bây giờ nhiều đại học lớn của Hoa Kỳ tạo điều kiện cho sinh viên của họ.
VĂN HÓA
“Sự hiểu biết về văn hóa là một phần quan trọng trong việc dạy ngoại ngữ. Trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau sẽ giúp phát triển sự hiểu biết và đánh giá cao hơn về mối quan hệ giữa các ngôn ngữ và các nền văn hóa khác nhau cũng như nền văn hóa bản địa của học viên. Học sinh có khả năng hiểu được quan điểm, cách sống và sự đóng góp của người khác đối với thế giới”.
Học viên không thể nào đạt được mức thành thạo ngôn ngữ đích nếu không trải qua kinh nghiệm văn hóa của dân tộc đang nói ngôn ngữ ấy. Ngôn ngữ là thuyền chuyên chở văn hóa. Chỉ học ngôn ngữ mà không biết về văn hóa là chỉ biết chiếc thuyền mà không gặp gỡ con người ở trên thuyền.
Dạy học viên học ngoại ngữ thông qua sự trải nghiệm văn hóa, không cách nào tốt hơn là đưa học viên đến quốc gia hay địa phương mà người dân nói ngôn ngữ ấy, đồng thời sống với văn hóa của họ. Rất tiếc là ít giảng viên có kinh nghiệm du lịch nước ngoài, nói chi đến việc đưa sinh viên đi học nước ngoài qua các chương trình “study abroad”. Cũng có giảng viên mười, mười lăm năm đi du lịch nước ngoài một lần và thu lượm được một ít kinh nghiệm văn hóa của dân tộc sống trên đất nước ấy. Nhưng thế giới bây giờ thay đổi rất nhanh. Kinh nghiệm văn hóa về một dân tộc nào đó cách đây mười lăm năm rất có thể đã trở nên lỗi thời trong cuộc sống hôm nay.
Để bù lại những thiếu sót này, giảng viên nên cho học viên là những “project” (đề án) về văn hóa, như xem phim, nghe nhạc, xem những “clip” (đoạn phim ngắn) về văn hóa trên Youtube và trình bày lại trong lớp. Cách này tốt hơn là dạy một bài lý thuyết về văn hóa.
KẾT NỐI
“Việc dạy ngôn ngữ cần phải được kết nối với các môn học khác. Nội dung của các môn học khác được kết hợp với việc giảng dạy ngôn ngữ thông qua các bài học được phát triển xung quanh các chủ đề chung”.
Khi học các môn học, học viên đón nhận một kiến thức tổng hợp do những môn học ấy cung cấp. Ngôn ngữ cũng là một phần trong kiến thức tổng hợp ấy, nó không đứng độc lập những hòa hợp với các môn học khác. Vì thế, bài học ngôn ngữ cần có những ý niệm và từ vựng liên quan đến toán, khoa học, lịch sử, địa lý, v.v.
Có những lớp học có hai giảng viên. Giảng viên A dạy bằng tiếng Anh các môn toán và khoa học chẳng hạn. Giảng viên B dạy tiếng Việt. Hai giảng viên bàn thảo với nhau để biết bài giảng của nhau. Khi học viên học lớp giảng bằng tiếng Anh rồi sẽ sang lớp học tiếng Việt. Dựa vào bài giảng về toán hay khoa học mà học viên vừa học bằng tiếng Anh xong, giảng viên B sẽ dạy một bài tiếng Việt, trong đó có những ý niệm và từ vựng liên quan đến bài học về toán hay khoa học và học viên vừa học xong bằng tiếng Anh.
Khái niệm “Kết Nối” này cũng không bỏ qua sự “kết nối” giữa bài học trong lớp với các môi trường sinh hoạt ngoài xã hội. Học ngoại ngữ trong lớp mà sau đó ra bên ngoài để giao tiếp mà không giao tiếp được vì chưa được trang bị từ vựng, mẫu câu đối thoại của môi trường mình bước vào (ngân hàng, tiệm ăn, công sở,…) thì coi như việc dạy và học này thất bại.
SO SÁNH
“Học viên được khuyến khích so sánh và đối chiếu các ngôn ngữ và các nền văn hóa. Họ khám phá ra các khuôn mẫu đưa ra những tiên đoán, phân tích sự tương đồng và sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và các nền văn hóa. Học viên thường hiểu được ngôn ngữ và văn hóa bản xứ thông quan những sự so sánh như vậy”.
Mỗi ngôn ngữ và mỗi nền văn hóa đều có những đặc điểm riêng. Những đặc điểm này có thể tương đồng hay khác biệt với đặc điểm của các ngôn ngữ, văn hóa khác. Sự so sánh như vậy sẽ giúp một số vấn đề nổi bật lên và học viên biết cần phải học những gì để trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc dùng ngôn ngữ đích.
Sự so sánh cần thiết nhất và tốt nhất và so sánh ngôn ngữ, văn hóa đích với ngôn ngữ, văn hóa gốc
CỘNG ĐỒNG
“Sự mở rộng kinh nghiệm học tập từ lớp học ngoại ngữ đến gia đình và cộng đồng đa ngôn ngữ và đa văn hóa nhấn mạnh đến việc sống trong một xã hội toàn cầu. Các hoạt động có thể bao gồm: đi du ngoạn và thăm viếng, sử dụng e-mail và mạng lưới điện tử toán toàn cầu, câu lạc bộ, chương trình trao đổi và các hoạt động văn hóa, cơ hội học hành, cơ hội nghe người nói các ngôn ngữ khác trong trường và lớp học”.
Thế giới càng ngày càng mở rộng sự giao tiếp và càng ngày càng thu ngắn khoảng cách. Ngôn ngữ học trong lớp ngoại ngữ phải trở thành khí cụ giao tiếp của học viên khi bước vào các cộng đồng liên quan đến cuộc sống của họ.
Cộng đồng này cũng bao gồm cả tập thể đang nói ngôn ngữ đích mà học viên muốn hòa nhập.
Điều xem có vẻ đương nhiên này, thực tế lại khó thực hiện hay ngại thực hiện đối với nhiều giảng viên dạy ngoại ngữ. Khi hơn 7.100 nhà giáo dạy ngôn ngữ tập họp trong Đại hội thường niên năm 2010 của tổ chức ACTFL (the American Council on the Teaching of Foreign Languages) họp tại Boston, Hoa Kỳ, có nhiều vị đã tham gia buổi hội thảo với chủ đề: “Chữ C bị lạc mất: Cộng đồng.”
Thực tế, nhiều khi người dạy ngoại ngữ không theo kịp bước chân kỹ thuật tân tiến. Ngày nay, người ta có những cộng đồng rất khác với các cộng đồng truyền thống trước đây: cộng đồng mạng, cộng đồng Facebook, cộng đồng Skype, cộng đồng Instagram, cộng đồng Twitter,… Học viên cần được khuyến khích tham gia các “cộng đồng” này và dùng ngôn ngữ đích để trao đổi.
Cần lưu ý là những “cộng đồng mạng” này là con dao hai lưỡi. Ở đây chúng ta không đề cập đến những vấn đề thuộc lãnh vực luân lý, đạo đức, an toàn,.. mà nói về ngôn ngữ. Ngôn ngữ trên các “cộng đồng mạng” nhiều khi giết chết ngôn ngữ chính thống học trong lớp ngoại ngữ!
Áp dụng khái niệm 5C vào việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ
Để dễ nhớ, chúng tôi đặt 5C trong tiếng Việt là CÁ (thay cho Communication), CƠM (thay cho Cultures), nước CHẤM (thay cho Connections), CANH (thay cho Comparisons) và CHÉN (thay cho Communities).
Nói chuyện về Khái niệm 5C giống như chúng ta mời nhau dùng một bữa ăn, có cơm (đựng trong chén), cá, canh và cả nước chấm.
Về mỗi chữ C, chúng tôi đưa ra một vài thí dụ để gợi ý thôi. Khi áp dụng, giảng viên có thể dùng những thí dụ khác, thích hợp hơn và thú vị hơn không biết chừng.
COMMUNICATION (CÁ)
Có hai thí dụ khá đặc biệt khi TRUYỀN ĐẠT bằng tiếng Việt: MÌNH và NHỈ.
MÌNH là một nhân xưng đại từ, MÌNH có thể là ngôi thứ nhất số ít (Bạn cho mình mượn quyển sách này mấy hôm nhé.) MÌNH có thể là ngôi thứ nhất số nhiều. Đây là cách nói tắt của “chúng mình” (Nhanh lên! Mình không có nhiều thì giờ đâu.) MÌNH cũng có thể là ngồi thứ hai số ít (Mình ơi, tôi yêu mình lắm!).
Cũng cần lưu ý, khi dùng MÌNH là ngôi thứ nhất số ít, người nói chỉ có thể xưng “mình” với người ngang bằng không xưng “mình” với người ở thứ bậc trên, như cha mẹ, thầy/cô giáo. Học viên nước ngoài hay mặc phải lỗi này.
NHỈ. Có hai trường hợp dùng NHỈ. Trường hợp thứ nhất, dùng NHỈ để chia sẻ một cảm xúc, cảm giác và nghĩ răng người kia cũng có cảm xúc, cảm giác giống như thế (Hôm nay trời lạnh nhỉ!). Trường hợp thứ hai, dùng NHỈ ở cuối một câu hỏi để biểu lộ sự thân tình (Này, mấy giờ rồi nhỉ?).
Dùng tiếng Việt để TRUYỀN ĐẠT ý nghĩ và tình cảm của mình qua những tiếng MÌNH, NHỈ… xem ra không phải đơn giản đổi với người nước ngoài học tiếng Việt.
CULTURES (CƠM)
Một trong những nét văn hóa cổ truyền của người Việt là khiêm tốn. Nét văn hóa này được thể hiện trong ngôn ngữ qua tiếng XIN.
“XIN” trong trường hợp này không phải là cầu khẩn người ta cho mình cái gì. Ở đây XIN là mong người khác cho phép mình làm điều này hay nói điều nọ.
– Chúng tôi XIN hân hạnh giới thiệu: đây là ông đại sứ.
– Cho tôi XIN lỗi (nói sau khi đã làm lỗi).
– Cho tôi XIN phép (nói trước khi làm một điều thất lễ mà vì bắt buộc phải làm).
– Chúng tôi XIN vô phép (nói trước khi làm một điều thất lễ, bất lịch sự).
– Người miền Bắc còn có các nói “Cho em XIN!” trong trường hợp yêu cầu người kia đừng làm hay đừng nói những lời khen ngợi, tâng bốc mình vì mình không xứng đáng.
Văn hóa “khiêm tốn” được thể hiện quả tiếng Việt rất tinh tế, giảng viên không phân tích cho học viên hiểu, học viên kho mà áp dụng trong cách nói, các viết được.
CONNECTION (Nước CHẤM)
Có thể KẾT NỐI giữa hai bài học trong lớp tiếng Việt với cách nói chuyện trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó hai đại từ nhân xưng “CHÚNG TÔI” và “CHÚNG TA” được dùng rất nhiều.
Khi dùng “CHÚNG TÔI”, người nói thay mặt một người hay một số người để nói với những người khác về một việc mà mình và người/những người mình thay mặt đã làm hay sắp làm: “Chúng tôi vừa đến đây hôm qua.” Hoặc: “Sau cuộc hợp này chúng tôi lên đường ngay.”
Khi dùng “CHÚNG TA” người nói thay mặt tất cả mọi người đang nghe mình nói để nói về một việc mà tất cả mọi người đã làm hay sắp làm: “Chung ta đã cố gắng. Chúng ta sẽ còn cố gắng hơn nữa, cho tới khi đạt được mục đích mới thôi”. “CHÚNG TA” cũng được dùng khi người nói yêu cầu/ra lệnh cho tất cả mọi người phải làm điều gì đó: “Nhanh lên! Chung ta không có nhiều thì giờ đâu.”
Để đạt được sự KẾT NỐI này, học viên cần được học những đại từ nhân xưng CHÚNG TÔI và CHÚNG TA trong lớp để hiểu yêu nghĩa và sự khác biệt; sau đó lại cần có cơ hội để dùng đến chúng khi tiếp xúc với những con người thật ngoài xã hội trong những hoàn cảnh thực tế.
SO SÁNH (CANH)
Thí dụ “CHÚNG TÔI – CHÚNG TA” ở trên cũng là thí dụ rất tốt để so sánh cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều trong tiếng Việt và tiếng Anh. Người Mỹ chỉ dùng “WE” trong tất cả mọi trường hợp, vì thế nhiều khi gây ra ngộ nhận. Người Việt phân biệt rất rõ các dùng” CHÚNG TÔI” và “CHÚNG TA” để sử dụng trong những trường hợp khác nhau.
Cách lập từ trong tiếng Việt cũng khác trong tiếng Anh trong nhiều trường hợp. Người Việt dùng tập hợp “danh từ + tính từ” trong khi người nói tiếng Anh dùng tập hợp “tính từ + danh từ”. Người Việt nói “Nhà Trắng” mà người Mỹ nói “White House”. Trong trường hợp này, người Việt giống như người Pháp: “Maison Blanche” còn người Mỹ giống người Hoa: “Bạch Ốc”.
CỘNG ĐỒNG (CHÉN)
Hệ thống xưng hô trong tiếng Việt khá rắc rối. Người dùng tiếng Việt cần xưng hô cho đúng trong những trường hợp khác nhau.
Điểm lý thu là người Việt gọi những người mình gặp gỡ ngoài xã hội bằng những danh xưng giống như gọi những người trong gia đình mình, nhưng thường là tôn người ấy lên một thế hệ. Gặp người ngang tuổi CHA MẸ mình thì mình gọi là ÔNG BÀ. Gặp người ngang tuổi ÔNG BÀ thi mình gọi là CỤ. Gặp người ngang tuổi mình thì mình gọi là ANH, CHỊ. Bạn bè đứng tuổi chơi với nhau, người này gọi người kia là BÁC.
Trường hợp dùng tiếng Việt trong cộng đồng mạng, người ta cần lưu ý đến một số cách viết sai chính tả, để hiểu và để tránh dùng, thí dụ BÙN (BUỒN), RÙI (RỒI).
Đánh máy tiếng Việt không có dấu thanh cũng là một thói quen nên tránh.
KẾT LUẬN
Khái niệm 5C đem lại sự hữu hiệu trong khi giảng viên dạy ngoại ngữ. Tại Việt Nam ngày nay, số người ngoại quốc học tiếng Việt càng ngày càng đông, tìm ra và áp dụng những khái niệm, phương pháp mới, hay và đúng là điều cần thiết và xem như là bắt buộc đối với các giảng viên. Trong đó, Khái niệm 5C không thể không được chú ý tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- A collaborative project of ACTFL, AATF, AATI, AATSP, ACL/APA, ACTR, CLASS/CLTA, & NCSTJ/ATJ.
- Standards for Foreign Language Learning in the 21st Century, 1999.
- Standards for Foreign Language Learning: Preparing for the 21st Century, 1996.
- Sandy Cutshall, More Than a Decate of Standards: Intergrating “Communication” in Your Language Instruction.
- Sandy Cutshall, More Than a Decate of Standards: Intergrating “Cultures” in Your Language Instruction.
Tác giả: Quyên Di Chúc Bùi – Nguyễn Hoài Thu Ba
Từ khóa » Nguyên Tắc 5c Trong Thuyết Trình
-
Idoc Vn Bai-giang-cac-nguyen-tac-trong-giao-tiep
-
Nguyên Tắc 5c Trong Kỹ Năng Thuyết Trình - 123doc
-
Quy Tắc 5C Trong Giao Tiếp Hiện Đại | Corporate Training Solutions
-
Bài Giảng CÁC NGUYÊN TẮC TRONG GIAO TIẾP - TaiLieu.VN
-
[PDF] Nguyên Tắc 5c Trong Kỹ Năng Thuyết Trình - 5pdf
-
[DOC] Nguyên Tắc 5c Trong Thuyết Trình - 5pdf
-
NguyêN TẮC GIAO TIẾP ABC 5C 7C - Quản Trị Kinh Doanh - StuDocu
-
[Top Bình Chọn] - Nguyên Tắc 5c Trong Giao Tiếp - Vinh Ất
-
Kỹ Năng 5C Và Cách Phát Triển Các Kỹ Năng Trong Bộ Kỹ Năng 5C
-
[Top Bình Chọn] - Quy Tắc 5c Trong Giao Tiếp - Trần Gia Hưng
-
[PDF] Kỹ Năng Hiệu Quả