KHÁI NIỆM BÁN BUÔN / BÁN LẺ THEO LUẬT THƯƠNG MẠI VIỆT ...

Nghị định 9/2018 đưa ra một cách tiếp cận mới về các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) tại Việt Nam. Cụ thể, việc bán buôn hầu hết các mặt hàng không phải tuân thủ yêu cầu về Giấy Phép Kinh Doanh. Tuy nhiên, Nghị định 9/2018 vẫn không rõ ràng trong việc phân loại hoạt động bán buôn và bán lẻ. Việc định nghĩa rõ ràng hơn các khái niệm này là quan trọng bởi lẽ một FIE thực hiện các hoạt động bán lẻ phải xin cấp Giấy Phép Kinh Doanh từ Bộ Công Thương (BCT).

Theo Nghị định 9/2018,

· “Bán buôn” là hoạt động bán hàng hóa cho (a) người bán buôn, (b) người bán lẻ và (c) các thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm các hoạt động bán lẻ;

· “Bán lẻ” là hoạt động bán hàng hóa cho (a) cá nhân, (b) hộ gia đình, và (c) các tổ chức khác nhằm mục đích tiêu dùng.

Có một số vấn đề phát sinh từ các định nghĩa trên theo Nghị định 9/2018:

· Không thể phân biệt bán buôn và bán lẻ bằng việc dựa vào năng lực pháp lý của người mua (tức là cá nhân hoặc tổ chức) bởi vì tổ chức có thể là khách hàng của người bán buôn hoặc bán lẻ;

· Rất khó để xác định thế nào được coi là "tiêu dùng" do không có quy định nào của pháp luật định nghĩa về "tiêu dùng". Theo Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng, “người tiêu dùng” là người mua hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng và sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức; và

· Người bán gần như không thể xác định được liệu khách hàng có sử dụng hàng hóa đã mua cho mục đích tiêu dùng hay không.

BCT gần đây đã đưa ra một số hướng dẫn giúp các doanh nghiệp trong việc xác định các hoạt động bán buôn hoặc bán lẻ ở một mức độ nhất định. Ví dụ, trong Công văn 6219 ngày 7/8/2018 (CV 6219), BCT cho rằng “các tổ chức có thể mua hàng hóa cho mục đích tiêu dùng” và “bán hàng cho các tổ chức vì mục đích tiêu dùng của các tổ chức đó (ví dụ, doanh nghiệp mua thực phẩm, đồ uống, văn phòng phẩm, v.v. để phục vụ việc tiêu dùng thường xuyên của nhân viên của mình) nhưng không sử dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất hoặc triển khai dịch vụ theo mục tiêu đầu tư hoặc ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, được coi là hoạt động bán lẻ ”. Tuy nhiên, cũng theo CV 6219, “việc bán hàng hoá cho các thương nhân, tổ chức khác không phải là người bán buôn hoặc bán lẻ hoặc không vì mục đích tiêu dùng được coi là hoạt động bán buôn (tức là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mua hàng để sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ theo hoạt động đầu tư, ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Ví dụ, các hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh sản xuất hàng may mặc mua máy may, vải, nguyên liệu để sản xuất hàng may mặc để bán)”, theo ý kiến ​​của BCT.

Mặc dù hướng dẫn của BCT vẫn chưa làm rõ các định nghĩa về bán buôn / bán lẻ theo Nghị Định 9/2018 và về cơ bản đây không phải là một văn bản pháp lý, tuy nhiên có thể hiểu rằng:

· Nếu doanh nghiệp mua hàng hóa làm nguyên liệu để sản xuất thì việc này sẽ được coi là hoạt động bán buôn; và

· Nếu một doanh nghiệp mua hàng hóa để sử dụng cho cá nhân mà không đưa các hàng hóa đó vào bất kỳ quy trình sản xuất nào thì việc này sẽ được coi là hoạt động bán lẻ.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Bích Ngọc, luật sư cộng sự tại Venture North Law.

Từ khóa » định Nghĩa Từ Bán Hàng