Khái Niệm, đặc điểm Của Hệ Thống Chính Trị Của Nước Cộng Hòa Xã ...

Mục lục bài viết

Toggle
  • Khái niệm hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam
  • Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị 
  • Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị 
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị 

Khái niệm hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong các quan hệ xã hội tồn tại trong xã hội ta, quan hệ chính trị giữ vị trí rất quan trọng. Quan hệ chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các tầng | lớp nhân dân trong xã hội, phản ánh nhu cầu của các giai cấp, các tầng lớp đó. Quan hệ chính trị được thực hiện bởi các chủ thể nhất định. Đó là các chủ thể mang quyền lực, các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội vv… Tất cả các tổ chức do các giai cấp, các tầng lớp nhân dân thành lập nên nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị hợp thành hệ thống chính trị của xã hội. Hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổng thể các thiết chế chính trị tồn tại và hoạt động trong mối liên hệ hữu cơ với nhau nhằm tạo ra một cơ chế thực hiện quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

CO Hệ thống chính trị của nước ta bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam

Hệ thống chính trị của nước ta có những đặc điểm cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, là một hệ thống tổ chức chặt chẽ, khoa học trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Tính tổ chức cao của hệ thống chính trị nước ta được bảo đảm bởi các nguyên tắc chỉ đạo thống nhất, như nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tập trung dân chủ, pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Thứ hai, có sự thống nhất cao về lợi ích lâu dài cũng như mục tiêu hoạt động. Sự thống nhất đó được quy định bởi sự thống nhất về kinh tế, chính trị, tư tưởng trong xã hội ta dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất. Các thiết chế của hệ thống chính trị của nước ta tuy có mục tiêu hoạt động cụ thể riêng, có vị trí, chức năng khác nhau nhưng đều nhằm phục vụ cho lợi ích của nhân dân lao động.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị 

Nhà nước là thiết chế trung tâm trong hệ thống chính trị, là biểu hiện tập trung quyền lực của nhân dân và là công cụ hữu hiệu nhất để nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình. Vai trò, vị trí đó của Nhà nước là do Nhà nước có những đặc điểm sau đây: 

– Nhà nước là người đại diện chính thức của mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó cho phép Nhà nước thực hiện triệt để các quyết định, chính sách của mình đối với xã hội. 

– Nhà nước là chủ thể của quyền lực chính trị. Nhà nước có một bộ máy chuyên làm chức năng quản lý, có hệ thống lực lượng vũ trang và bộ máy cưỡng chế để duy trì trật tự xã hội mà không một tổ chức nào có được. Nhà nước sử dụng pháp luật trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, bảo đảm cho các chủ trương, chính sách đó được triển khai rộng rãi và thống nhất trên quy mô toàn xã hội. 

– Nhà nước có chủ quyền quốc gia. Đó là quyền tối cao của nhà nước trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại của nhà nước. Điều này giúp cho Nhà nước kết hợp các quan hệ trong nước và quan hệ quốc tế một cách thống nhất. 

– Nhà nước là chủ sở hữu lớn nhất đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu và quan trọng của đất nước. Với tư cách đó, Nhà nước có sức mạnh vật chất để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự vận hành của bộ máy nhà nước và bảo đảm cho các tổ chức xã hội hoạt động.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị 

Hệ thống chính trị của mỗi nước đều có các đảng chính trị và các tổ chức xã hội hoạt động nhưng thường có một chính đảng cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo. Hệ thống chính trị nước ta chỉ tồn tại một chính đảng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội. Đây là điều khác biệt với hệ thống chính trị của nhiều nước trên thế giới, nơi tồn tại chế độ đa đảng. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của hệ thống chính trị, là hạt nhân bảo đảm sự thống nhất của hệ thống đó.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam là một tất yếu lịch sử do: vũ trang bằng lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với những tri thức khoa học đó, Đảng đề ra những đường lối, chính sách phát triển xã hội phù hợp với quy luật và có đầy đủ khả năng để tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách đó. 

Bằng thực tiễn đấu tranh kiên cường trong hơn ba phần tư thế kỷ qua, với những hy sinh và những cống hiến lớn lao cho dân tộc, Đảng ta đã củng cố được lòng tin của tuyệt đại đa số nhân dân. Do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có cơ sở vững chắc về tình cảm và tinh thần mà các tổ chức khác không thể nào có được.

Là một chính đáng kiên trì đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, Đảng Cộng sản Việt nam đã có uy tín quốc tế lớn và được sự đoàn kết, giúp đỡ của các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Điều đó có tác dụng quan trọng trong việc khẳng định vai trò của Đảng đối với hệ thống chính trị nước ta. 

Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở các hình thức chủ yếu sau đây: 

– Định ra chiến lược, mục tiêu cơ bản, đường lối chính sách phát triển xã hội, làm cơ sở định hướng cho các hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; 

– Bồi dưỡng cán bộ có phẩm chất, đạo đức và năng lực để giới thiệu vào các cương vị quan trọng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. 

– Đảng tiến hành kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Thông qua công tác kiểm tra mà phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý nhà nước để đề ra các biện pháp khắc phục. 

– Cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là hình thức hữu hiệu để bảo đảm cho cán bộ, công chức nhà nước thực hiện tốt chức trách của mình trong quản lý nhà nước. Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với Nhà nước bằng phương pháp giáo dục, thuyết phục. Thông qua phương pháp đó, Đảng tạo cho cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị 

– Trong hệ thống chính trị nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội có vị trí rất quan trọng. 

Là tổ chức liên minh chính trị tự nguyện của các tổ chức và cá nhân tiêu biểu trong xã hội, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Quốc hội thông qua ngày 12/6/1999). 

Các tổ chức chính trị – xã hội khác như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là những tổ chức tập hợp rộng rãi những thành viên trên cơ sở sự đồng nhất về những phương diện nhất định (giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp v.v…) có vai trò quan trọng trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục các thành viên của tổ chức mình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

Trong mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị – xã hội với Nhà nước thì các tổ chức chính trị – xã hội là chỗ dựa của Nhà nước, là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” (Điều 9 Hiến pháp năm 1992). Nhà nước phải tạo cơ sở pháp lý, điều kiện tài chính vv… cho các tổ chức chính trị – xã hội hoạt động, định ra những hình thức và phương pháp để các tổ chức chính trị – xã hội tham gia quản lý nhà nước. Về phía mình, các tổ chức chính trị – xã hội phải giáo dục thành viên của tổ chức mình nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tham gia vào các lĩnh vực xây dựng và hoạt động của bộ máy nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ và công chức nhà nước.

Từ khóa » đặc Trưng Của Hệ Thống Chính Trị ở Việt Nam