Khái Niệm Về Tổ Quốc - Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Nhà văn Ilya Ehrenburg (Nga) có câu nói nổi tiếng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”…

Nhà thơ Ngô Đức Hành

“Quê hương là gì hở mẹ?”, đó là câu đầu tiên trong bài thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Phải cảm ơn nhà thơ đã sáng tác bài thơ tuyệt hay trong số những bài thơ hay về quê hương, đất nước. Quê hương thật giản dị, là chùm khế ngọt, con diều biếc, cầu tre nhỏ, giàn hoa bí… và mỗi người chỉ một!

Quê hương ấy, có thể là làng, nơi mỗi người sinh ra, cũng có thể đồng nghĩa với đất nước. Cảm ơn nhạc sỹ Giáp Văn Thạch, từ năm 1984 đã phổ nhạc thành ca khúc “Quê hương” làm cho bài thơ “Bài học đầu cho con” bay lên. Cảm ơn nhiều thế hệ ca sỹ đã hát ca khúc thành công, lan tỏa tình yêu quê hương trong hơn 35 năm qua.

Tôi nghe lại ca khúc “Quê hương” sau khi xem xong bộ phim phóng sự tài liệu “Ranh giới” của Đài Truyền hình Việt Nam. Không riêng tôi, rất đông người đã xem, dẫu ai đó có trái tim “sắt đá”, cũng đều bị sốc. Những thước phim về ranh giới sinh tử, giữa sự sống và cái chết ở Khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương, điều trị sản phụ mắc Covid-19, thực sự ám ảnh.

“Ranh giới” khiến khán giả khó cầm nước mắt với những điều đang xảy ra với bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ. Các thầy thuốc đang từng giây, từng phút vượt khó, hy sinh quên mình vì sự sống của các thai phụ và thai nhi. Trong khi đất nước đang gồng mình chống chọi với đại dịch khủng khiếp Covid-19, “Ranh giới” cho người xem góc nhìn chân thực về sự khốc liệt. Bài học của “Ranh giới” là bài học thức tỉnh nhiều mặt. Trước hết, đó là tri ân sự hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ ở tuyến đầu và lực lượng quân đội, công an…  đang ngày đêm căng mình chống dịch; thứ đến là biết quý trọng bản thân và những gì đang có; và nữa là sự tử tế, yêu thương con người (vốn đã và đang thiếu thốn trong cuộc sống thực dụng hôm nay).

Sau những câu nói “Việc của em là thở thôi. Hãy cố thở cho mình và thở cho con”, “Em còn được ngồi, chị có được ngồi đâu. Bây giờ là 2 giờ sáng rồi”, “Ráng thở đi”… là niềm vui của y bác sỹ đang chống lại “tử thần” giành được sự sống cho bệnh nhân. Ngược lại là ánh mắt thất thần của họ khi một bệnh nhân tử vong… Tôi nhận ra một thông điệp khác. Tôi không cố ép suy nghĩ “vào khuôn”, nhưng những thầy thuốc đang chiến đấu với “tử thần” Sars-CoV-2, thực sự họ yêu thương các sản phụ, yêu những mầm sống trong cơ thể người mẹ bị nhiễm Sars-CoV-2. Đối với họ, đó là tình yêu đồng bào, yêu Tổ quốc mình.

***

Từ khi “làn sóng thứ nhất” Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, tôi theo dõi thường xuyên các sự kiện. Trước hết, do phận sự của người làm báo, viết mảng thời luận. Giai đoạn đó, không ai yên được khi hàng ngày thấy báo chí đưa tin các vụ việc về những kẻ hám lợi “cõng rắn cắn gà nhà”, đưa rước người vượt biên trái phép ở các tuyến biên giới trên bộ. Giai đoạn đó và cho đến bây giờ vẫn còn những kẻ trốn tránh khai bao y tế, lợi dụng “luồng xanh” để chở người trái phép… Thậm chí, chống người thi hành công vụ. Chính họ, có thể làm đổ vỡ cố gắng của cộng đồng trước hiểm họa Covid-19. Họ chưa được giác ngộ về “chung sức đồng lòng”.

Nguy hiểm không kém trên không gian mạng là tin giả (fake news). Theo tổng kết của nhà văn Trịnh Đình Nghi, fake news trong bốn giai đoạn chống dịch có hai nhóm. Nhóm một, tỏ ra tinh hoa, cấp tiến hăng say “chém”. Hàng ngày “lướt Fb”, tôi nhận ra, đúng là có loại này. Họ viết stt (dòng trạng thái) như đúng rồi, nhân danh “hiểu biết” phán phải thế nọ, thế kia từ khoanh vùng, truy vết, “Chiến lược Vaccine” đến “đi chợ hộ”. Vừa lập lờ, vừa công khai tấn công vào sự điều hành của Chính phủ. Họ lợi dụng nhiều hoàn cảnh, từ người về quê tự phát, từ thực hiện giãn cách, từ “giấy đi đường”, “vùng đỏ, vùng da cam, vùng xanh”… để “dạy dỗ”. Nhóm thứ hai là “bồ tát mạng” dạy “đạo đức” nhưng thực tế giả nhân, giả nghĩa. Tôi đồng ý với “tổng kết” của nhà văn Trịnh Đình Nghi.

Theo tôi, còn có nhóm thứ ba, đông hơn, là số người vô cảm. Tôi nhận diện ra họ qua các stt (dòng trạng thái), cmt (bình luận) như người “ngoài cuộc”, coi việc chống dịch là việc của ai, không liên quan đến mình? Họ không muốn hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Để góp phần chống Covid-19, chúng ta từng chứng kiến nhiều bà mẹ dẫu nghèo vẫn vét từng đồng xu mình có được trao gửi các Trung tâm cách ly ở các địa phương. Nhiều em bé từng chân đất theo cha, theo anh vào rừng đào măng, đẵn chuối… về làm thực phẩm chế biến gửi vào cho bà con TP. Hồ Chí Minh những ngày giãn cách. Chắc chắn, đó là Bài học đầu cho con, là tình yêu đồng loại. Đó là khái niệm về Tổ quốc, cụ thể, gần gũi.

 ***

Là người quan sát thời cuộc, tôi để ý đến cả kinh nghiệm chống Covid-19 của quốc tế. Tôi ấn tượng với cách làm của Đan Mạch. Đầu tháng 3.2020, khi Covid-19 lây lan ra toàn thế giới, Đan Mạch xác định đây là “căn bệnh đe dọa xã hội nghiêm trọng”, nên là một trong những nước châu Âu đầu tiên ban lệnh phong tỏa, áp đặt các biện pháp hạn chế vào cùng ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Ngoài việc Đan Mạch là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm nCoV trên đầu người cao nhất toàn cầu, công tác tiêm chủng Covid-19 được tiến hành vô cùng nhanh chóng, tôi để ý yếu tố chủ chốt giúp Đan Mạch ứng phó đại dịch, triển khai các chính sách một cách hiệu quả là lòng tin vào Chính phủ. Các “thuyết âm mưu” về Covid-19, hoặc tâm lý bất an vì cách xử lý khủng hoảng, fake news… không tồn tại ở quốc gia Bắc Âu này.

Khi đại dịch mới bùng phát, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Đan Mạch, bà Frederiksen, ban hành lệnh đóng cửa toàn bộ trường học, tất cả các trường đều không còn bóng người, dù 4 ngày sau quy định mới có hiệu lực. Người Đan Mạch rất tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Có nghĩa sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Đây là một trong những nguyên nhân giúp Đan Mạch dỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng chống Covid-19 vào ngày 10.9, tuyên bố đại dịch “không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội”.

Mọi sự việc trên đời này cần độ lùi của thời gian để đánh giá nhưng tôi dám chắc rằng, lịch sử loài người sẽ xem “cuộc chiến” chống Covid-19 làm cho thế giới xác xơ trong hai năm qua, không khác gì chiến tranh thế giới từng xảy ra. Đã từ lâu thế giới đã đặt ra những thách thức “phi truyền thống”. Đó chính là thiên tai, dịch bệnh…như Covid-19 mà loài người đang chứng kiến.

***

Phải thừa nhận rằng khác với tất cả các “thảm họa” do dịch bệnh gây ra trong lịch sử, những thông tin, tri thức khoa học của nhân loại nói chung về dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra còn rất hạn chế. Dù là nhà tiên tri cũng không thể dự báo được đầy đủ, chính xác về diễn tiến của dịch bệnh. Điều ấy đồng nghĩa với việc rất khó có thể xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh “từ đầu chí cuối”, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khác nhau trong việc vừa tổ chức phòng chống dịch bệnh, vừa đưa cuộc sống dần đi vào trạng thái ổn định mới. Cuộc chiến chống Covid-19 hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhìn rộng ra toàn cầu sẽ thấy, cả thế giới bị động, lúng túng chứ không riêng quốc gia nào.

Để thắng từng trận, tiến tới thắng toàn cuộc với “kẻ thù chung” là Sars-CoV-2, nhân loại phải có lòng tin, kiên trì và đoàn kết. Trong mỗi quốc gia cũng phải như vậy.

Nhà văn Ilya Ehrenburg (Nga) có câu nói nổi tiếng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đó chính là khái niệm về Tổ quốc. Vì tình yêu ấy, biết bao thế hệ người Việt đã dâng hiến cả cuộc đời mình. Đó là động lực tạo nên sức mạnh cho những thầy thuốc đang ngày đêm căng mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 mà những gương mặt trong phim phóng sự tư liệu “Ranh giới” là đại diện.

Tổ quốc đối với họ là từng sản phụ vượt qua “cửa tử”, được nghe tiếng khóc của các các cháu chào đời, dẫu người mẹ tiếp tục phải điều trị Covid-19. Đó là tiếng khóc của hy vọng, của an bình và phồn sinh đất nước, trong những ngày tháng cam go, thử thách.

NGÔ ĐỨC HÀNH

Văn Nghệ số 13 bộ mới

Xem thêm:
  • Tọa đàm tại Ngày thơ Việt Nam: Lo ngại thơ ca chất lượng thấp tràn lan
  • Đất nước Myanmar: Một thực tại kỳ lạ
  • Thế lực đồng tiền – Truyện ngắn của Trần Thị Hiếu Thảo – Kỳ 2
  • Tình người trong bão lũ qua tranh
  • Chùm thơ Bùi Thu Hằng: Dẫn niềm tin từ câu thơ

Từ khóa » định Nghĩa Tổ Quốc Là Gì