Khái Niệm, Vị Trí, Vai Trò Của Quy Tắc đạo đức Và ứng Xử Nghề Nghiệp ...

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Khái niệm về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

- Cho đến nay, về mặt khoa học pháp lý, chưa có một định nghĩa chính thức mang tính chất kinh điển về khái niệm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Trong nhiều bài viết, tham luận về vấn đề đạo đức nghề nghiệp luật sư, mỗi tác giả cũng đưa ra quan niệm của mình về vấn đề này bằng cách tiếp cận dưới các góc độ khác nhau.

- Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua cũng không đưa ra một định nghĩa về quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của Quy tắc, có thể đưa ra một định nghĩa chung về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như sau :“Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là những quy tắc xử sự được thể hiện dưới hình thức văn bản chứa đựng những quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành để điều chỉnh hành vi của các thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội.”

- Trong đời sống thường nhật, luật sư tham gia vào các quan hệ xã hội, các quan hệ nghề nghiệp, trong đó có các quan hệ tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động, hành chính. Trong các quan hệ tố tụng nêu trên lại diễn ra nhiều loại quan hệ giữa các chủ thể khác như : quan hệ giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng qua các giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; quan hệ với khách hàng, với những người tham gia tố tụng khác, quan hệ với đồng nghiệp, v.v.. Với tư cách một chủ thể tham gia trong các quan hệ tố tụng, luật sư có những quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định theo quy định của pháp luật. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý luật sư phải tuân thủ và nếu vi phạm sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo các chế tài đã được luật hóa.

Tuy nhiên, trong các quan hệ nêu trên, vẫn còn có những trường hợp, tình huống nảy sinh trong thực tiễn giao tiếp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật mà thuộc phạm trù đạo đức và ứng xử nghề nghiệp phải được điều chỉnh bằng các quy định đạo đức tương ứng. Đó là các quy định về căn cứ, chuẩn mực đã được xác định trong bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Các quy định này cũng hàm chứa các nghĩa vụ đạo đức mang tính chất cấm đoán hay bắt buộc luật sư phải tuân thủ hoặc các quy phạm mang tính chất khuyến khích luật sư áp dụng trong quá trình hành nghề cũng như trong lối sống, giao tiếp khi tham gia các quan hệ xã hội khác.

Vị trí, vai trò của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư

- Nghề luật sư là một nghề có truyền thống cao quý, gắn liền với số phận pháp lý của con người. Thông qua hoạt động của mình, luật sư thực hiện chức năng xã hội cao cả : Bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Cũng như sông có nguồn, cây có gốc, nhà có nền, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa là nguồn, là gốc, là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Không có đạo đức nghề nghiệp, nghề luật sư không thể tồn tại, phát triển. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình, với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ một nền tảng đạo đức. Nếu không xuất phát từ nền tảng này thì luật sư khó có thể có ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật khi hành nghề.

- Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư có giá trị là các chuẩn mực đạo đức của giới luật sư, tạo cơ sở để luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong sinh hoạt và hành nghề; là thước đó giúp luật sư giữ gìn phẩm chất, uy tín của mỗi cá nhân; từ đó khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp của giới luật sư trong xã hội. Đây cũng chính là một văn bản mang tính quy phạm nội bộ thể hiện rõ nét nhất cơ chế quản lý theo phương thức “tự quản kết hợp với quản lý nhà nước” của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Từ khóa » đạo đức Nghề Nghiệp Luật Sư Là Gì