Khai Phá “mỏ Vàng” Gỗ Lũa Giữa đại Ngàn - Tiền Phong

Khai phá “mỏ vàng” gỗ lũa giữa đại ngàn ảnh 1
Hòn non bộ đang được hoàn thiện từ gốc tre

Từ đây, có thể mở ra nghề mới cho người dân Tây Nguyên, nơi có cả kho gốc cây đang hoang phí trong rừng…

Gần đây, tại Đà Lạt xuất hiện nhiều bộ bàn ghế, những tác phẩm nghệ thuật được chế tác bằng gốc và rễ nhiều loại cây cổ thụ (đã chết) do nghệ nhân Dũng tạo ra như:

Non bộ Ngũ hành sơn; Mộc hóa lưỡng long tượng trưng cho sức mạnh hoang dã; Thuyền và biển có mũi thuyền hình con chim hải âu; Hoài bão với đôi cánh đại bàng thể hiện khát vọng chinh phục vũ trụ; Cám dỗ (rắn cuộn mình bên thiếu nữ) là sự cảnh tỉnh con người trước cạm bẫy.

Các bộ bàn ghế cũng được đặt những cái tên khá ấn tượng như Thu vàng, Thiên sơn, Vết thời gian…

Nguyên tắc của nghệ nhân Dũng là tôn trọng dáng vẻ tự nhiên và nét đẹp hoang sơ, nên ông chỉ làm thủ công, chỉnh sửa đôi chút về dáng, thế của gốc và rễ cây chứ không cưa cắt, lắp ghép hay dùng máy móc để sản xuất hàng loạt như các loại đồ gỗ thông thường khác.

Do đó, “vấn đề sống còn của nghề này là tìm cho được những gốc hoặc rễ cây “độc”, càng “kỳ hình dị tướng” thì càng có giá trị” - Nghệ nhân Dũng tiết lộ.

Ông cho biết, để có được phôi lũa quý phải lặn lội chốn rừng sâu, núi thẳm nhiều ngày liền. Thông thường phải mất từ 6 tháng đến 1 – 2 năm mới “săn” được 5 - 6 gốc hoặc rễ cây cùng chủng loại và có những nét tương đồng nhất định để chế tác một bộ bàn ghế. Bởi thế, mỗi chiếc ghế có dáng vẻ riêng, không cái nào giống cái nào.

Hàng chế từ gỗ lũa rất được giá, thấp nhất cũng vài ba triệu đồng một sản phẩm. Nhiều tác phẩm được bán từ 20 - 60 triệu như Thuyền và biển, Vết thời gian (2 tác phẩm này đạt giải tại các hội thi nghệ thuật sinh vật cảnh năm 2005)…

Người chế tác gỗ lũa xứ cao nguyên từng bán bộ bàn ghế bằng gỗ nu mật ong sang Mỹ với giá 60 triệu đồng (chưa kể gần 20 triệu phí vận chuyển).

Khi hướng dẫn chúng tôi tham quan non bộ lũa gốc tre, ông tiết lộ vừa “săn” được phôi lũa độc đáo này tại thác Gougar và mặc dù tác phẩm chưa hoàn thành nhưng nhiều đại gia và doanh nghiệp đã đến đặt giá tới 40 triệu đồng.

Sản phẩm gỗ lũa là loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, ngày càng được những người thích sưu tầm hàng “độc” trong và ngoài nước ưa chuộng. Chủ doanh nghiệp Liên Hoa (Đà Lạt) vừa mua 4 tác phẩm Mộc hóa lưỡng long, Lộc hóa long, Vượt vũ môn và non bộ gỗ với giá 30 triệu đồng để trang trí nội thất.

Chủ nhân của nhiều dinh thự bề thế, biệt thự sang trọng, các nhà hàng, khách sạn cao cấp tìm đến đặt hàng nhưng nghệ nhân Dũng không dám nhận vì sợ bể hợp đồng.

Ông tâm sự giọng tiếc rẻ: Nguồn phôi lũa ở Lâm Đồng còn nhiều lắm, đặc biệt tại các cánh rừng nguyên sinh Cổng trời, Yahoa, Ma Nơi, Đưng K’nớ, Lang Biang… hoặc dưới các tầng thác (Đatanla, Pongour, Gougar…), lòng hồ (Tuyền Lâm, Đa Nhim, Suối Vàng...) với nhiều loại gỗ quý (từ nhóm 1 – 3) như gõ, nu, đinh, trai, huỳnh đàn hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, xá xị… Tuy nhiên, việc tìm kiếm, lựa chọn các loại phôi phù hợp với đơn đặt hàng mất rất nhiều thời gian, một mình tôi không làm xuể.

Hiện Tây Nguyên là nơi có nguồn phôi lũa phong phú, quý giá nhất nước ta. Những gốc, rễ cây tưởng như vứt đi ấy chính là các “mỏ vàng” cần được khám phá, chế tác thành các sản phẩm trang trí nội thất cao cấp vừa tiêu thụ ở thị trường nội địa vừa có thể xuất khẩu, hứa hẹn mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn.

Kim Anh

Từ khóa » Gỗ Lũa Trai Vàng