Khai Phím đầu Năm: Tổng Hợp Hiểu Biết Về Bàn Phím Cơ
Có thể bạn quan tâm
Bàn phím butterfly của MacBook (đời 2017 – do khách hàng cung cấp) thực sự là quá chán, đúng như những gì người ta vẫn kêu ca bấy lâu nay. Thậm chí nó còn chán hơn cả bàn phím Chiclet của chiếc MacBook Pro đời Tống tôi mua cách đây đã 10 năm. Vì vậy tôi có nhu cầu mua một chiếc bàn phím rời. Dòng đời xô đẩy đưa tôi đến với khái niệm “bàn phím cơ”. Để tránh mất tiền ngu thì tôi nghĩ trước khi mua gì cũng nên tìm hiểu kỹ càng.
Mục lụcĐây là một bài tổng hợp rất dài 😅 và thỉnh thoảng sẽ được cập nhật.
- Tại sao nên dùng bàn phím rời?
- Giúp tốc độ gõ phím nhanh và chính xác hơn
- Tách bạn khỏi màn hình laptop
- Tránh được tản nhiệt từ máy tính
- Các công nghệ switch
- Membrane
- Rubber dome
- Scissor-switch
- Phím điện dung
- Phím cơ
- Buckling-spring
- Bàn phím cơ hơn gì bàn phím khác?
- Lợi ích của bàn phím cơ
- Cảm giác gõ phím tốt hơn
- Phím cơ đa dạng
- Phím cơ rất bền
- Phím cơ… đẹp
- Phím cơ có thể dễ dàng cá tính hóa
- Nhược điểm của bàn phím cơ
- Lợi ích của bàn phím cơ
- Cấu tạo bàn phím cơ
- Form factor & layout
- Form factor
- Full size / Full-size
- TKL / Tenkeyless / 80%
- 75%
- 60%
- Layout
- Form factor
- Switch
- Các loại switch
- Linear
- Tactile
- Clicky
- Topre
- Low-Profile
- Silent
- Các hãng sản xuất switch
- Franken switch
- Vật liệu của switch
- Âm thanh
- Các yếu tố khác về switch
- Độ bền
- Độ cứng lò xo
- Hành trình phím
- Lựa chọn switch
- Các loại switch
- Keycap
- Chất liệu của Keycap
- Công nghệ xử lý ký tự
- Profile của Keycap
- Profile keycap là gì?
- Khác biệt giữa spherical vs cylindrical vs flat
- Sculpted vs uniform
- Chiều cao của các phím
- Các profile phổ biến
- Profile keycap là gì?
- Các yếu tố khác về keycap
- Các hãng sản xuất keycap
- Artisan Keycap
- Kết nối
- Có dây
- Không dây (Bluetooth)
- Không dây dùng receiver
- Chất liệu case
- Case nhựa
- Case nhôm
- Case thép
- Case acrylic
- Case gỗ
- Có thể đổi case bàn phím được không?
- Mạch (PCB) và plate
- PCB-mounted và plate-mounted
- Hot swap hay không
- Mạch xuôi hay ngược
- Các chất liệu của plate
- Tray mount, Sandwich mount, Gasket mount, v.v
- LED
- Bàn phím custom
- Khái niệm
- Các bước thực hiện
- Chọn kit
- Chọn switch và keycap
- Mod
- Chọn vật liệu làm plate
- Lắp ráp
- Bàn phím custom pre-built
- Các cấp độ chơi bàn phím cơ custom
- “Chiếu mới”
- Chuyên sâu
- DIY
- Các trường phái chơi bàn phím cơ custom
- Người chơi hệ gõ
- Người chơi hệ nhìn
- Người chơi hệ tổng thể
- Mod (độ bàn phím)
- Thay keycap
- Thay switch
- Lube switch
- Dán film
- Stabilizer Mod (Clipping, Cân wire, Band aid)
- Sử dụng Desk Pad
- Tape Mod
- O-ring
- Foam tiêu âm
- Sử dụng USB Cable custom
- Các thương hiệu bàn phím cơ
- Realforce
- Leopold
- Mistel
- Filco
- Varmilo
- Akko
- Logitech
- Steelseries
- Corsair
- Keychron
- Fuhlen
- Tôi đã mua bàn phím nào
- Filco Majestouch Ninja (Blue switch)
- Filco Majestouch 2 (Black switch)
- Ngoài lề: Cherry MX Black
- Khái quát
- Các loại Cherry MX Black
- Vintage Black
- Old Black
- Trash Black
- Retooled Black
- Hyperglide Black
- Các biến thể khác
- Nixie
- Clear-Top
- Hirose
- Cherry MX Super Black
Tại sao nên dùng bàn phím rời?
Giúp tốc độ gõ phím nhanh và chính xác hơn
Do phụ thuộc vào kích thước của màn hình nên bàn phím laptop được thiết kế có kích thước khá nhỏ khiến cho người dùng cảm thấy bất tiện khi thao tác gõ phím. Chưa kể nhiều laptop có bàn phím được cho là không thể dùng nổi (như bàn phím butterfly có rất nhiều lỗi). Thay vào đó, khi trang bị bàn phím rời với các phím được bố trí với kích thước và khoảng cách “chuẩn” sẽ giúp thao tác gõ phím nhanh và chính xác hơn rất nhiều.
Tách bạn khỏi màn hình laptop
Khi sử dụng bàn phím laptop thì mặc định bạn sẽ cần phải vươn dài tay ra để gõ, nhằm giữ khoảng cách thích hợp giữa mắt và màn hình. Còn nếu không muốn vươn tay thì việc kéo cái máy tính lại là việc đương nhiên. Khi đó khoảng cách giữa mắt và màn hình cũng giảm, đồng thời cơ thể cũng cần phải cúi xuống để nhìn màn hình.
Hơn nữa, với những người làm nghề lập trình như tôi thì việc sử dụng màn hình ngoài gần như là đương nhiên (có người thậm chí dùng 2-3 màn hình ngoài) nên việc sử dụng một chiếc bàn phím rời là tốt hơn cả (vì dùng màn hình ngoài thì laptop được đặt lệch đi, thậm chí gập màn hình dùng như máy bàn luôn).
Tránh được tản nhiệt từ máy tính
Việc để tay trên bàn phím laptop một thời gian dài cũng khiến cho đôi tay của bạn nhận vào lượng nhiệt phát ra từ phần thân máy. Đặc biệt những chiếc MacBook gần đây có thiết kế tản nhiệt tương đối kém, hầu hết nhiệt được tỏa trực tiếp ra thân máy (bằng nhôm) chưa kể máy yếu thì mỗi lần compile code quạt gió lại chạy vù vù.
Tuy nhiên, một vấn đề đi kèm với lợi ích này là bạn bắt buộc phải dùng chuột ngoài. Đây là điều tôi nghiệm ra sau khi mua bàn phím rời. Nguyên nhân là bởi bàn phím rời giúp tách tay ra xa khỏi laptop, đồng thời cũng tách tay tôi ra khỏi trackpad của laptop luôn. Lúc này, vì vướng bàn phím ở giữa nên việc dùng trackpad là rất khó khăn, nên dùng chuột ngoài là điều gần như bắt buộc.
Các công nghệ switch
Membrane
Tên tiếng việt là bàn phím màng cao su. Bàn phím membrane có hai tấm cao su (tấm membrane có mạch điện tử ở trên) và khi người dùng bấm phím, hai tấm cao su này sẽ tiếp xúc nhau (tại vị trí bấm phím) và dòng điện được đóng, nhờ đó bàn phím ghi nhận phím bấm.
Cơ chế này không thực sự phổ biến để làm keyboard, mà nó hay được sử dụng trong các máy móc không có nhiều nút bấm cũng như tần suất không cao (ví dụ máy in hay các thiết bị điện gia dụng). Công nghệ này thường được kết hợp với các công nghệ khác để chế tạo bàn phím máy tính. Loại bàn phím cao su thực sự phổ biến là loại dưới đây.
Rubber dome
Tên chính xác là rubber dome over membrane. Đây là một dạng nâng cấp hơn của bàn phím màng cao su nhưng nó vẫn được gọi là bàn phím membrane có thể do nhầm lẫn hoặc cơ chế tương tự nhau nên gom chung. Thông thường, khi nói đến bàn phím membrane hay rubber dome, hầu như ai cũng hiểu rằng đó đều là cùng một loại.
Các switch rubber dome có hình vòm, dạng bong bóng, phía trong được phủ than chì. Khi người dùng gõ phím, vòm cao su này sẽ lún xuống và chạm vào bảng mạch bên dưới. Nhược điểm lớn nhất là phím bấm cần phải chạm đáy thì phím đó mới được ghi nhận. Điều này gây ra phiền toái khi cần gõ nhanh và chính xác.
Tuy nhiên, dù cùng một cơ chế nhưng các hãng khác nhau cho ra chất lượng cũng rất khác nhau. Ngoài ra, cao su thường bị lão hóa dần theo thời gian nên loại bàn phím này không bền. Tuổi thọ của vòm cao su cũng không cao. Điều này khiến cho các nút nhấn bị chai và phải dùng lực ngày càng mạnh hơn. Xét về mặt kinh tế thì vẫn không phải là khuyết điểm quá lớn vì thay một bàn phím này không tốn bao nhiêu.
Scissor-switch
Đây có thể xem là một phân loại nhỏ của bàn phím dome switch ở trên. Các phím được gắn trên bàn phím thông qua hai miếng nhựa lồng vào nhau kiểu “cắt kéo”, sau đó gắn chặt và phím và bàn phím. Dạng bàn phím này vẫn dùng switch rubber dome nhưng kết hợp với một cơ chế “kéo” đặc biệt liên kết keycap giúp hạ thấp vòm cao su cho hành trình phím ngắn hơn nhiều so với bàn phím thông thường.
Bàn phím dạng này thường có hành trình ngắn (low profile), và được sử dụng phổ biến nhất là trong các bàn phím laptop. Ưu điểm của loại phím này hành trình phím ngắn, lực ấn nhẹ, không ồn và quan trọng nhất là rất dễ sản xuất nên cũng được ứng dụng rất nhiều trong các bàn phím rời (các loại phím văn phòng giá rẻ).
Phím điện dung
Switch Topre sử dụng trên các bàn phím RealForce và HHKB sử dụng loại switch này (dù nhiều người vẫn coi dây là bàn phím cơ, số khác thì gọi là bàn phím cao su cao cấp). Thời gian gần đây đã xuất hiện một số loại clone của Topre. Cơ chế của bàn phím này tôi không thực sự hiểu lắm. Sơ sơ thì mỗi khi bấn phím sẽ làm thay đổi điện dung (mỗi phím của một số tụ điện trên bảng mạch), nhờ đó là ghi nhận được phím nào được bấm.
Cơ chế này có ưu điểm nổi bật nhất là switch hoạt động mà không có sự va chạm, do đó hoàn toàn không phát ra tiếng ồn (vẫn có thể có tiếng do một số va chạm khác từ keycap và plate nhưng không đáng kể) trong khi cảm giác gõ không khác gì phím cơ, đồng thời hoạt động bằng tụ điện khiến nó rất bền. Các hãng sản xuất switch này thường cho thêm lò xo để tăng phản hồi của các phím.
Phím cơ
Mỗi phím loại này có một switch (công tắc) ở dưới. Công tắc này cấu tạo bao gồm housing, lò xo, stem, các miếng đồng và nhiều phần khác (tùy vào loại switch). Mỗi khi phím được gõ, sự hoạt động của stem của làm đóng/mở các lá đồng, nhờ đó mà ghi nhận được phím bấm. Sự hoạt động này hoàn toàn là cơ khí nên nó được gọi là switch cơ. Phím cơ thường có tuổi thọ cao hơn rất nhiều khi so với các bàn phím membrane hoặc scissor-switch.
Buckling-spring
IBM model M là bàn phím thuộc dạng này. Cơ chế này bao gồm một lò xo oằn (buckling) để nhận và phản hồi lực ấn của người dùng. Khi người dùng nhấn phím, nó sẽ tác động một cái búa gõ vào tấm membrane ở dưới (nên tên gọi đúng phải là buckling spring over membrane) để đóng mạch. Cơ chế này hiện tại đã không còn được sử dụng (những mẫu cuối cùng được sản xuất từ những năm 9x), tuy nhiên người dùng vẫn có thể tìm mua các bàn phím cũ (IBM model M có giá hơn 1 triệu đồng – thông tin vỉa hè không kiểm chứng) bởi chúng còn hoạt động rất tốt.
Bàn phím cơ hơn gì bàn phím khác?
Thành thật mà nói, bạn không nhất thiết phải sử hữu một chiếc bàn phím cơ. Nhưng không có nghĩa là không có lý do nào để chọn nó. Với cách làm tốn kém hơn, đương nhiên người dùng sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn cho bàn phím cơ. Vậy lợi ích của nó là gì?
Lợi ích của bàn phím cơ
Cảm giác gõ phím tốt hơn
Cảm giác gõ phím cơ sẽ hoàn toàn khác so với gõ bàn phím thông thường. Đơn giản nhất đối với những người lần đầu tiên tiếp xúc với bàn phím cơ đó là âm thanh phát ra khi gõ phím, khác với bàn phím membrane có âm thanh khi gõ phím tương đối nhỏ thì các mẫu phím cơ thường thường có âm thanh phát ra tương đối lớn tùy vào loại switch được trang bị (đặc biệt là các mẫu phím cơ sử dụng Blue hay Black switch có tiếng ồn lớn khi sử dụng).
Phím cơ đa dạng
Đối với từng mục đích sử dụng sẽ có những loại switch phù hợp tương ứng. Ví dụ nếu bạn là game thủ thì những mẫu bàn phím cơ sử dụng switch Black/Red sẽ rất phù hợp trong khi đó những người có nhu cầu gõ bàn phím nhiều như coder (lập trình viên) thì Blue là lựa chọn phù hợp…
Phím cơ rất bền
Với tuổi thọ của mỗi switch lên tới hàng chục triệu lần nhấn (50 triệu lần với switch thông thường, 100 triệu lần với công nghệ Hyperglide của Cherry MX) thì người dùng có thể yên tâm sử dụng chiếc bàn phím cơ trong một thời gian rất dài. (Nhưng không có nghĩa là phím cơ là bền nhất, vì có những chiếc IBM model M ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước và đến thời điểm bài viết này chiếc bàn phím này vẫn hoạt động ngon lành.)
Phím cơ… đẹp
Không thể phủ nhận yếu tố này khi càng ngày các chiếc bàn phím cơ càng được các nhà sản xuất “chăm lo” kỹ lưỡng về ngoại hình, bên cạnh đó là các hiệu ứng đèn LED bắt mắt.
Phím cơ có thể dễ dàng cá tính hóa
Chỉ đơn giản bằng việc thay đổi những keycap (nút bấm), người dùng hoàn toàn có thể biến chiếc phím cơ nguyên bản trở nên độc đáo, không sợ “đụng hàng”.
Nhược điểm của bàn phím cơ
Trên đời không có thứ gì hoàn hảo, nói chi đến một chiếc bàn phím cơ. Song song với những ưu điểm vượt trội kể trên thì bàn phím cơ vẫn còn tồn tại một số nhược điểm sau:
- Vì được tạo thành từ những thành phần tỉ mỉ, chất lượng cao và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên giá của bàn phím cơ cao hơn bàn phím thường từ kha khá đến rất nhiều lần.
- Và chính tính linh hoạt của bàn phím cơ cũng trở thành một trong số những nguyên nhân lớn khiến nhiều người dù tò mò nhưng sau một hai lần tìm hiểu đã nản lòng. Hiện nay chúng ta có quá quá nhiều tùy chọn cho mỗi một thành phần trong chiếc bàn phím cơ. Đầu tiên phải nói đến là switch. Sau đó là keycap, sau đó là các tính năng phụ. Điều này gây ra sự bối rối cho những người lần đầu tìm hiểu về bàn phím cơ, đặc biệt là những người mắc bệnh “sợ công nghệ”.
- Tiếng ồn: một số người vẫn hay phàn nàn khi dùng bàn phím cơ có cảm giác như quay lại với chiếc máy đánh chữ lọc cọc ở thập niên 80 vậy. Và việc này sẽ trở nên rất phiền trong không gian chung với những người khác. Âm thanh này đặc biệt to nếu dùng các bàn phím switch clicky.
- Vẫn có những bàn phím cơ bấm trơn tru và không tạo ra tiếng ồn, nhưng cũng có nghĩa là cảm giác bấm đặc trưng của bàn phím cơ sẽ khác đi ít nhiều. Được cái này thì lại mất cái kia.
- Việc tương thích hay chuyển qua chuyển lại giữa các hệ điều hành cũng là một phần trong những phiền toái của bàn phím cơ. Mặc dù các bàn phím hiện đại ngày nay đã giúp mọi thứ đơn giản đi rất nhiều và tương thích với hầu như các hệ điều hành, nhưng đôi khi trong lúc dùng bạn vẫn không tránh khỏi một số lỗi do không tương thích gây ra.
- Có dây hay không dây vẫn luôn là câu hỏi lớn với người dùng bàn phím cơ. Kết nối không dây rất tiện lợi và nhẹ nhàng cho việc di chuyển nhưng lại luôn đi kèm độ trễ nhất định so với kết nối có dây. Đây cũng được xem như là một hạn chế nhỏ của bàn phím cơ.
- Bàn phím cơ có xu hướng cồng kềnh và nặng hơn bàn phím thường, đặc biệt là khi so với các bàn phím thiết kế siêu mỏng. Người dùng vẫn có thể tìm tới các bàn phím cơ dùng low-profile switch để có được các thiết kế nhỏ gọn tinh tế hơn, nhưng lại một lần nữa chúng ta phải hy sinh ít nhiều cảm giác gõ đặc trưng của một chiếc bàn phím cơ truyền thống.
- Bàn phím cơ không thích hợp để di chuyển. Dù cuồng phím cơ đến đâu tôi cũng không thể nào phủ nhận được rằng nó thật sự rất cồng kềnh luôn mấy bạn ạ. Một bàn phím dù size gọn nhẹ có thể nặng trên dưới 1kg và dày tầm 4cm. Đó là bàn phím stock nhé, còn bàn phím custom dùng case nhôm và có tạ đồng thì còn nặng hơn nữa. Chỉ 1kg nghe có vẻ không nhiều nhưng để mang nó trong ba lô và di chuyển thì cũng là một vấn đề rất lớn, vì gần như bạn phải mang thêm khối lượng của chiếc laptop nữa trong ba lô. Chưa kể balo của bạn cũng có nhiều đồ khác nữa rồi.
- Bàn phím cơ chiếm chỗ bàn làm việc, sẽ phải sắp xếp khi bạn dùng laptop. Nếu bạn dùng desktop thì không nói làm gì rồi, vì bắt buộc bạn phải có bàn phím. Nhưng laptop thì khác. Việc dùng thêm một bàn phím rời đồng nghĩa với việc cần thêm một khoảng không gian trên mặt bàn để vừa chứa laptop vừa chứa bàn phím cơ. Chắc chắn cũng không thể để chồng bàn phím cơ lên bề mặt bàn phím laptop được, vừa không an toàn, vừa mất thẩm mỹ, chẳng ai làm vậy bao giờ.
Cấu tạo bàn phím cơ
Dù có nhiều biến thể khác nhau, nhưng về cơ bản, bàn phím cơ có cấu tạo gồm các thành phần như hình dưới đây:
Form factor & layout
Một bàn phím cơ bản sẽ có những phần như sau:
- Phím ký tự (alphas): những phím để nhập liệu văn bản.
- Phím chức năng (function keys): những phím chức năng được ký hiệu từ F1 – F12.
- Phím điều hướng (navigation keys): các phím mũi tên, phía trên sẽ có thêm các phím chức năng như: Insert, Delete, Home, End, Page Up, and Page Down
- Phím số (numpad hay numeric keypad): các phím giống như một chiếc máy tính, dãy phím này là thiết yếu cho các bạn làm công việc tính toán như ngân hàng, kế toán.
Sự xuất hiện và sắp xếp các phím này phụ thuộc vào form factor và layout của bàn phím. Thực ra hiện tại, hai khái niệm này hay được gọi chung là layout, tuy nhiên cách gọi như vậy hoàn toàn không chính xác.
Form factor là hình dạng vật lý và kích thước của bàn phím. Một số form factor phổ biến là: full size, tenkeyless, 75%, 60%. Ngoài ra còn một số form factor dị khác, tuy nhiên nó không phải dành cho số đông nên tôi không đề cập ở đây.
Layout là việc bố trí, sắp xếp các phím bên trong một form factor cụ thể. Các layout phổ biến hiện nay là: ANSI, ISO và JIS. Layout sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự xuất hiện của các phím cũng như số lượng phím trong một form factor. Vì vậy, thỉnh thoảng nhiều người gọi chung layout với nghĩa layout + form factor.
Form factor
Full size / Full-size
Đây là form phổ biến nhất, cũng là form quen thuộc nhất với hầu hết mọi người. Những ngày đầu tiên tôi tiếp xúc với máy tính là được dùng loại bàn phím này (không nhớ chính xác là bàn phím gì nhưng chắc là Mitsumi huyền thoại). Bàn phím full size thường có 104 phím (tăng giảm tùy layout). Đây là bàn phím đầy đủ nhất với tất cả mọi phím đều xuất hiện. Form bàn phím này thích hợp với những người cần sử dụng đến numpad và không có nhu cầu sử dụng chuột nhiều (do bàn phím to nên chuột ở vị trí khá xa), ví dụ những người làm kế toán hoặc tương tự (cần tính toán số liệu nhiều).
TKL / Tenkeyless / 80%
Tenkeyless là dạng thu nhỏ hơn từ form full size bằng cách bỏ đi phần numpad (cũng được gọi là tenkey) nhờ đó là bàn phím nhỏ gọn hơn khá nhiều. Form này thường có 87 phím (có thể tăng giảm tùy layout). Đây là form factor cân bằng giữa sự nhỏ gọn và tính năng.
75%
Đây là một form factor thu gọn hơn nữa của tenkeyless mà vẫn giữ được hầu hết các phím cũng như chức năng. Thực tế nó là sự thu gọn bằng cách bỏ đi phần numpad từ form factor 1800 compact nổi tiếng. Đây không thực sự là một form được đánh giá cao, do form này giữ hầu hết các phím của tenkeyless nhưng sắp xếp sát vào nhau hơn. Với nhiều laptop thì bàn phím đi kèm thường sử dụng form này.
Một vấn đề thường gặp với dạng form này đó là các phím quá dày sẽ khiến việc đánh máy khó chính xác hơn, đồng thời sự gọn nhẹ của nó không thực sự tốt hơn tenkeyless bao nhiêu. Một số bàn phím tách cụm phím mũi tên ra xa các phím còn lại (gọi là 75% expended) để giảm bớt khả năng bấm nhầm phím cho người dùng.
Với những người ưu tiên sự gọn nhẹ, form 60% dưới đây được yêu thích nhất. Tuy nhiên, xu hướng những năm gần đây đang thịnh hành form factor 75% kết hợp với núm vặn chỉnh âm lượng.
60%
Đây là form factor rất được những người yêu thích sự gọn nhẹ lựa chọn. Nó loại bỏ toàn bộ phần phím bên phải phím Enter (từ các phím điều hướng) và hàng phím chức năng (những phím này có thể sử dụng tổ hợp phím). Loại phím này thường có trên 60 phím tùy layout. Đây cũng là form factor dành cho những người thích cá nhân hóa bàn phím của mình và mang nó đi mọi nơi nhờ sự gọn nhẹ, cơ động (một phần nguyên nhân do quá ít phím, phải dùng tổ hợp phím nhiều nên bàn phím của ai người đó quen, người khác sẽ rất khó sử dụng).
Một form nhiều phím hơn của form này là 65% cũng được đánh giá cao. Form 65% có thể coi là dung hòa giữa 75% và 60% để có được một bàn phím gọn nhẹ và vẫn có đầy đủ các phím điều hướng.
Layout
Sau form factor thì layout chính là thứ ảnh hưởng đến sự sắp xếp các phím. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nói đến layout vật lý, còn visual layout thì bỏ qua. Vì hầu hết các bàn phím đều là QWERTY, và các visual layout khác chỉ là việc sắp xếp lại các phím từ layout này. Nếu người dùng muốn chuyển đổi layout thì rất dễ dàng vì chỉ cần thực hiện trên phần mềm (mà các OS đều đã support sẵn rồi).
Hiện tại, có 3 layout phổ biến cho bàn phím, đó là: ANSI, ISO and JIS. Ba layout chiếm phải đến 99% số bàn phím hiện có trên thị trường (số còn lại là một số layout dị dành cho thị trường ngách, ví dụ gamer).
Hình ảnh dưới đây là mô tả chuẩn xác nhất về các layout này, các vị trí khác biệt đã được highlight cho dễ nhìn.
Layout ANSI
Layout ISO
Layout JIS
Ngoài ra, thì tùy vào ngôn ngữ và layout có thể thay đổi đi đôi chút (base vẫn là ISO layout). Tuy nhiên, tôi không có nhu cầu tìm hiểu nhiều về những layout này, do tôi cũng không biết nhiều ngoại ngữ.
Một kiểu layout khác với các kiểu ở trên mà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, đó là layout WKL (winkeyless), và biến thể tương tự của nó là layout dùng trên bàn phím HHKB. Layout này chỉ liên quan đến hàng dưới cùng, đúng như tên gọi của nó, là không có phím Windows, thay vào đó sẽ là hai chỗ trống, đồng thời phím cách sẽ dài hơn bình thường (7u thay vì 6.25u như tiêu chuẩn).
Đây là layout rất cổ, trước đây phổ biến do Microsoft chưa ra mắt hệ điều hành Windows cùng với Start Menu. Hiện nay layout này đã ít phổ biến hơn nhưng vẫn tồn tại. Cá nhân tôi không dùng Windows mà dùng MacOS thì layout này vẫn thiếu thiếu.
Switch
Đây là phần làm cho chiếc phím cơ khác biệt với các loại phím các (và khác biệt lẫn nhau) và mang lại cảm giác “nghiện” cho người gõ. Một bàn phím được xem là phù hợp thì ngoài form factor, layout thì switch cũng phải tối ưu cho mục đích sử dụng.
Các loại switch
Ngày trước thì tôi hay nghe người ta nói switch dành cho người bình thường và gamer (và mỗi loại lại có nhiều loại nhỏ hơn). Sau tìm hiểu kỹ hơn thì switch không chia như vậy. Các switch được chia thành các loại như sau (và ai thấy phù hợp loại nào thì chọn loại đó). Các loại switch khác nhau (và hãng khác nhau) sẽ có cảm giác gõ, độ nặng, âm thanh khác nhau.
Linear
Không có khấc, nhấn phím trơn tuột. Âm thanh bình thường, tùy vào chất liệu mà trầm hay đanh. Nhiều nguồn nói rằng loại switch này cần nhấn hết hành trình mới nhận là không chính xác. Các switch cơ đều có điểm kích hoạt ở khoảng 50% của hành trình, có thể xê dịch một chút tùy hãng. Tuy nhiên, do đặc tính trơn tuột, người dùng không thể cảm nhận điểm kích hoạt nên thường xuyên gõ hết hành trình. Một số switch thường gặp: Tealios switch, HyperX Red Switches, Gateron Red/Yellow/Black Switches, Cherry MX Red/Black, Kailh BOX Black.
Linear switch là loại switch cho cảm giác nhấn mượt mà, ổn định mỗi khi nhấn. Linear switch phát ra rất ít tiếng ồn, cảm giác nhấn mượt mà trong cả hành trình phím. Đây là loại switch đặc biệt phù hợp với game thủ bởi sự nhất quán trong mỗi lần nhấn phím, cho phép làm tăng độ chính xác trong trận đấu. Không những vậy, linear switch cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những người nhập liệu thích gõ phím êm ái.
Tuy nhiên, đối với những người chuyển từ bàn phím thường sang bàn phím cơ, có thể sẽ mất một thời gian để làm quen. Hiện tượng nhấn phím đến mức chạm đáy cũng thường xảy ra đối với họ. Và điều này có thể làm các ngón tay bị đau và đôi chút không thoải mái.
Tactile
Có khấc, cho cảm giác gõ rõ ràng khi đến điểm kích hoạt, âm thanh tương tự như linear. Đây là loại switch dành cho ai yêu thích cảm giác gõ rõ ràng nhưng không muốn âm thanh quá ồn của clicky (ví dụ trong văn phòng đông người không muốn làm phiền người khác). Một số switch được dùng nhiều: Zealios V2 (làm bởi hãng ZealPC), Halo Clear switch, Cherry MX Clear/Brown switch và một số dòng switch clones của Kailh, Gateron và Outemu, Kailh Speed Copper switch.
Tactile switch là loại switch mỗi khi nhấn cho cảm giác có nấc và tương đối êm ái. Loại switch này mang đến một phản hồi tuyệt vời khi đánh máy. Vì thế người dùng rất dễ dàng nhận biết được phím đã được kích hoạt hay chưa.
Tactile switch cũng khá hay và cung cấp một phản hồi tuyệt vời mỗi khi nhấn. Tuy nhiên có một vài điều bạn cần biết trước khi mua bàn phím sử dụng tactile switch. Điều đầu tiên, tactile switch là loại switch dành cho những bạn lần đầu sử bàn phím cơ. Bởi đây chỉ là phiên bản nâng cấp của bàn phím thường, rất dễ làm quen.
Ai cũng có thể sử dụng tactile switch và tận hưởng phản hồi tuyệt vời mỗi lần gõ phím. Loại switch này không phát ra tiếng ồn lớn như clicky switch. Vì thế bạn có thể thoải mái sử dụng chúng ở những cần sự yên tĩnh.
Clicky
Có khấc, cho cảm giác rõ ràng, âm thanh ồn, do bổ sung thêm tiếng click khi kích hoạt. Tuy nhiên switch này không yêu cầu nhấn hết hành trình, có phản hồi cả xúc giác và âm thanh, do đó cho người dùng cảm giác gõ “cơ” nhất. Loại này lại không có nhiều lựa chọn switch như hai loại trên, một số loại trên thị trường hiện này là Kailh BOX White, Kailh BOX Jade, Kailh Speed Copper, NovelKeys Sherbet, Cherry MX Blue/White, và các dòng switch clones của Cherry MX Blue từ Kailh, Gateron và Outemu với cùng cấu tạo và cảm giác gõ na ná như Cherry Blue.
Clicky switch là loại switch cho cảm giác gõ có nấc rõ ràng và phát ra âm thanh lớn nhất. Loại switch này rất ồn nhưng bù lại cung cấp phản hồi rất tốt khi gõ. Mặc dù là loại switch cung cấp phản hồi tốt nhất tuy nhiên trước khi mua bàn phím clicky switch bạn cần lưu ý một vài điều.
Yếu tố cần quan tâm nhất đó chính là âm thanh. Nếu làm việc trong môi trường đông người và cần sự yên tĩnh như văn phòng, hay kể cả nói chuyện qua micro thì âm thanh phát ra từ clicky switch có thể làm những người xung quanh mất tập trung.
Mặc dù âm thanh đó nghe có vẻ vui tai và bạn thích nó nhưng người khác thì chắc chắn là không. Nếu làm việc ở nhà hay ở một nơi nào đó riêng tư thì bạn có thể gõ phím một cách thoải mái.
Topre
Như đã nói ở trên, Topre không thực sự là cơ nhưng tôi vẫn cho thêm vào đây (do nhiều người chơi bàn phím vẫn coi đây là loại end game). Topre không yêu cầu di chuyển hết hành trình do vậy mang lại cảm giác thoải mái, không tốn sức. Độ bền hầu như là tuyệt đối, chất lượng và cảm giác gõ rất đặc biệt, mềm mượt mịn như tơ, kèm theo âm thanh kiểu tock tock rất riêng. Loại này chỉ có duy nhất công ty Topre của Nhật sản xuất.
Low-Profile
Đây là nhóm switch đặc biệt mới xuất hiện gần đây (khởi đầu là của Cherry MX). Nhóm switch này low profile, nghĩa là có độ cao thấp, hành trình ngắn giúp cho bàn phím cơ mỏng hơn, gọn gàng hơn và lịch sự hơn so với các bàn phím cơ truyền thống.
Không chỉ rút gọn về chiều cao, các switch Low profile còn nhạy hơn nhờ cho switch nhận lệnh sớm hơn cũng như hành trình phím được rút ngắn từ 4mm xuống 3.2mm (vẫn khá dài so với bàn phím laptop) cho độ phản hồi cũng như tốc độ gõ phím nhanh hơn.
Đây là nhóm switch có thể nói là phù hợp với tất cả mọi người, là một loại switch cực kì phù hợp với beginner. Hiện tại chỉ mới có Cherry MX ứng dụng loại switch này rộng rãi.
Silent
Thường đây là nhóm switch linear (Red và Black switch) nhưng được thêm vào một damper (đệm) giúp giảm âm thanh khi switch chạm đáy phát ra. Hoặc với switch Topre, loại này êm hoàn toàn chủ yếu do cấu tạo đặc biệt với các màng cao su thay thế cho lò xo và chạm đáy là tiếp xúc giữa cao su và mạch PCB thay cho nhựa và nhựa nên ít âm thanh hơn (không hoàn toàn silent như tên gọi).
Thậm chí switch Topre khi tối ưu chân keycap kèm một số giảm chấn nhỏ nữa làm cho bàn phím sử dụng switch này không phát ra âm thanh luôn.
Các hãng sản xuất switch
Hiện nay thị trường có rất nhiều hãng sản xuất switch khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người chơi custom ngày càng đông. Kể hết tên các hãng này thì gần như là không thể. Ở đây chỉ kể một số hãng hay được nhắc tên. Lưu ý rằng, tuy có nhiều hãng trên thị trường, nhưng không phải hãng nào cũng đáng chơi, và dù là hãng đáng chơi nhưng cũng có những dòng sản phẩm không ra gì.
Trên thị trường có rất nhiều hãng làm Switch và phổ biến nhất là các switch từ Cherry và Gateron. Hãng Cherry MX (Đức) đã sản xuất switch từ những năm 80 và được đánh giá rất cao về chất lượng. Hãng Cherry sử dụng màu để phân biệt các loại switch: blue, brown, red, black, silent red, clear, silver. Thế nhưng, gần đây vị thế của hãng này cũng khá lung lay khi các switch của các hãng Trung Quốc ngày càng tốt hơn.
Gateron là switch cơ học của tập đoàn điện tử Trung Quốc Huizhou Jia Dalong. Switch này có vẻ là clone của Cherry tuy nhiên chất lượng cũng rất tốt. Switch Gateron rất đa dạng về chủng loại, cũng được phân chia theo màu sắc tương tự như Cherry switch. Tuy không nổi tiếng như Cherry MX nhưng switch Gateron vẫn là một lựa chọn đáng để thử.
Ngoài ra, Kailh là một trong những nhà sản xuất switch rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay với nhiều mẫu mã khác nhau. Một trong số chúng có thể đến BOX Switch, Speed Switch, Low Profile, v.v… Switch của Kailh có một điểm yếu nổi tiếng là dễ xước, chỉ có một và ngoại lệ được đánh giá là ổn.
Gần đây thị trường xuất hiện rất nhiều switch của các hãng khác nhau (có vẻ là từ Trung Quốc), ví dụ Akko CS, Feker Holy Panda, MMD Panda, Oreo, SP Star, v.v… Mỗi hãng có một thế mạnh cho một (hoặc vài) dòng switch nhất định, nên rất khó để so sánh hãng này với hãng kia (so từng dòng switch cụ thể thì được). Thậm chí nhiều hãng được đánh giá cao hơn cả Cherry, đặc biệt là Cherry brown (cái này toàn thấy từ mấy tay bán bàn phím nên cần kiểm nghiệm).
Tôi tìm được một trang web tổng hợp thông tin chi tiết các loại switch: switches.mx. Lưu ý là dữ liệu này có thể cũng không đầy đủ bởi vì những năm gần đây switch mới xuất hiện liên tục (cần một thời gian nhất định để update lại danh sách).
Franken switch
Franken (có lẽ là nói tắt của Frankenstein) switch là một loại switch được tạo ra bằng cách kết hợp các bộ phận nhiều loại switch khác nhau. Các bộ phận này gồm stem, housing, lò xo, v.v… Bằng cách kết hợp các bộ phận này từ nhiều switch, bạn có thể tạo ra một loại switch mới mang nhiều ưu điểm từ các loại switch khác.
Franken switch bàn phím cơ không phải là một ý tưởng mới, mà đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng bàn phím cơ. Tuy nhiên, nó đã trở nên phổ biến hơn khi xuất hiện một loại franken switch tên là Holy Panda.
Holy Panda được tạo ra bằng cách kết hợp stem của Invyr Panda và housing của BSUN Panda. Invyr Panda v1 được đánh giá cao bởi stem, BSUN Panda lại được đánh giá cao bởi housing. Kết hợp 2 switch này là franken switch huyền thoại Holy Panda đã ra đời. Sau này, Drop phân phối và phổ biến rộng rãi loại switch này trong cộng đồng chơi phím cơ. Holy Panda đã thu hút sự chú ý của nhiều người dùng bàn phím cơ và trở thành một trong những loại switch đắt giá nhất trên thị trường.
Lý do chính để tạo ra franken switch bàn phím cơ là để thỏa mãn sự sáng tạo và khám phá của người dùng bàn phím cơ. Các loại switch sản xuất sẵn thường được cái nọ mất cái kia. Bằng cách thử nghiệm các sự kết hợp khác nhau, người dùng có thể tìm ra một loại switch phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình.
Ngoài Holy Panda, có rất nhiều loại franken switch bàn phím cơ khác được tạo ra và sử dụng bởi người dùng bàn phím cơ. Dưới đây là một số ví dụ:
- Creameron: Một loại franken switch được tạo ra bằng cách kết hợp stem của switch NovelKeys Cream với housing của switch Gateron. Loại switch này có âm thanh thấp và êm, cảm giác gõ mượt mà và nhẹ nhàng.
- Black Cherry Pie: Cũng là một trong những loại switch huyền thoại khi kết hợp stem của Novelkey Cream với top Cherry và bot housing của JWK. Switch này mang lại âm thanh tuyệt vời và một chút sạn nhẹ đặc trưng của top nhà Cherry.
- Creamsicle: Kết hợp stem của Novelkey Cream với housing của C3 Tangerine. Housing của tangerine nổi tiếng với độ mượt vượt trội tuy nhiên âm thanh lại khá nhỏ và “hiền”. Franken này mang lại trải nghiệm gõ siêu mượt mà nhưng lại cho âm thanh vượt trội hơn.
Vật liệu của switch
POM, nylon, polycarbonate là những vật liệu làm switch housing thường được sử dụng.
POM là vật liệu có độ ma sát rất lý tưởng để làm các chi tiết có sự ma sát như slider, stem. Nylon là vật liệu xuất hiện trên hầu hết switch hiện nay. Loại switch tiêu biểu nhất sử dụng loại vật liệu này là Cherry MX cho tất cả chi tiết nhựa trên switch (thông tin này có vẻ không chính xác, vì Cherry dùng các chất liệu khác nhau cho các thành phần khác nhau)
Polycarbonate thường thấy ở các dòng switch giá rẻ. Loại vật liệu này có một độ dẻo nhất định rất thích hợp để hấp thụ các va đập, vì vậy các bộ phận trên switch khi sử dụng vật liệu này bị va đập sẽ cho âm thanh đanh và gọn.
Tiếp đến là lò xo và chúng thường được làm bằng kẽm, mạ nickel hoặc vàng nhằm tránh bị rỉ sét ảnh hưởng đến tuổi thọ của switch.
Bộ phận tiếp theo là lá đồng giúp ghi nhận tín hiệu. Chắc chắn chúng sẽ được làm bằng đồng (thường là hợp kim đồng), nhưng mỗi hãng sẽ làm khác đi một chút (ở điểm tiếp xúc và gia công bề mặt)
Bộ phận cuối cùng, quan trọng không kém tất cả các bộ phận khác là stem. Hãng Cherry MX sử dụng nylon, các switch đắt tiền thường có stem làm từ POM với đặc tính ma sát thấp tự nhiên, với switch giá rẻ thì đó là polycarbonate với giá rẻ hấp thụ xung động cho âm thanh đanh gọn sắc.
Tuy nói như vậy, nhưng vật liệu cũng có this có that, ví dụ nylon cũng 5-7 loại nylon như nylon PA66, nylon PA12, v.v… và mỗi loại chất liệu lại có chất lượng khác nhau.
Âm thanh
Cảm giác gõ là điểm quan trọng nhất của một bàn phím cơ. Tuy nhiên, âm thanh cũng là phần quan trọng. Vì chỉ gõ sướng thôi thì chưa đủ, mà còn phải nghe sướng và nhìn sướng (đẹp). Nhất là hiện nay với rất nhiều hãng khác nhau, âm thanh của bàn phím là vô cùng đa dạng, bởi sự khác biệt về switch, keycap, phím khác. Thậm chí trong cùng một hãng, cùng một loại switch bên dưới, cùng một độ dày và chất liệu keycap thì âm thanh tạo ra khi gõ phím cũng sẽ khác nhau.
Nhiều người cho rằng clicky thì ồn còn linear thì im lặng hơn (nhưng đặc điểm chung là bàn phím cơ là ồn). Vậy bàn phím cơ ồn là do đâu? Theo nhiều nguồn khác nhau thì âm thanh của bàn phím cơ chủ yếu đến từ các nguồn sau (đều liên quan đến switch, vì đó là bộ phận chuyển động nhiều nhất):
- Âm thanh khi phím được nhấn hết cỡ (bottom out) và bật ngược trở lại. Nguyên nhân là khi nhấn hết cỡ và bật ngược lại, các bộ phận của keycap và switch sẽ va đập vào nhau (keycap đập và housing của switch, switch đập vào plate hay PCB, v.v…). Thường các switch linear sẽ có âm này lớn hơn cả (do trơn tuột nên rất dễ bottom out, ngoài ra do lực nhấn lớn nên khi bottom out sẽ kêu to hơn), còn các switch loại clicky hay tactile thì nhờ có khấc để cảm nhận điểm kích hoạt nên có thể gõ lướt được. Nhiều người vẫn nói rằng, switch Black của Cherry kêu còn to hơn Blue là vì thế.
- Ngoài ra khi nhấn phím, có rất nhiều ma sát được tạo ra trong suốt quãng đường di chuyển: các vòng lò xo cọ vào nhau, lò xo cọ xát và stem, hai lá đồng cọ vào nhau, stem cọ vào housing, v.v… Tất cả những cọ xát đó đều sinh ra âm thanh (lớn hay nhỏ còn tùy vào vật liệu). Tuy vậy, âm thanh này không quá lớn và nhiều người mới chơi khó cảm nhận được (chính xác hơn là khó cảm nhận sự khác biệt).
Không chỉ vậy, chất lượng build (các khớp nối có khít hay không, liên kết chặt hay không), vật liệu của case, plate và keycap, profile và độ dày của keycap, foam lót cũng ảnh hưởng ít nhiều đến âm thanh của bàn phím. Những yếu tố này không trực tiếp tạo ra âm thanh nhưng sẽ làm âm thanh to lên hay nhỏ đi, dày, đục hay mỏng, đanh hơn so với âm thanh gốc từ switch.
Các yếu tố khác về switch
Yếu tố quan trọng và cần quan tâm nhất đó chính là cảm giác gõ mỗi khi bạn đánh máy hay chơi game. Một vài yếu tố khác cũng khá quan trọng như độ bền, lực nhấn, độ cứng lò xo và hành trình phím.
Độ bền
Nếu đã quyết định bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để sở hữu một chiếc bàn phím cơ thì chắc chắn bạn muốn nó sử dụng được ít nhất là vài năm. Độ bền của bàn phím cơ dựa vào nhiều yếu tố như chất liệu, tần suất sử dụng,… Một trong số đó là switch.
Tuổi thọ của switch được tính theo số lần nhấn. Hầu hết các switch hiện nay đều hỗ trợ khoảng 50 triệu lần nhấn trở lên. Riêng switch của Cherry MX có tuổi thọ trung bình cao nhất lên đến 100 triệu lần nhấn. Và khi đã vượt qua con số đó thì bàn phím vẫn hoạt động bình thường, chỉ có điều là cảm giảm gõ không được như ban đầu.
Một vấn đề khác nữa cũng liên quan đến switch đó là key chatter. Tức là khi nhấn một lần nhưng bàn phím lại hiểu là bạn nhấn hai lần liên tiếp. Điều này sẽ làm bạn cực kỳ khó chịu. Vì thế hãy kiểm tra thật kỹ trước khi mua.
Độ cứng lò xo
Nếu là người có bàn tay to hay có thói quen gõ phím nặng thì bạn cần một switch có lò xo đủ cứng để đáp ứng nhu cầu của bạn.
Lò xo càng cứng thì bạn cần càng nhiều lực hơn để nhấn. Điều này sẽ giúp bạn ít gõ sai hơn, tuy nhiên nếu chưa quen thì có thể mỏi tay khi đánh máy trong một khoảng thời gian dài.
Mặt khác, nếu bạn có bàn tay nhỏ và đã quen gõ phím nhẹ rồi thì một chiếc lò xo mềm nằm trong switch sẽ phù hợp hơn. Dù sao thì cũng nên thử một vài loại switch mà bạn quan tâm trước khi mua bàn phím để không mất công đổi bàn phím sau này.
Hành trình phím
Hành trình phím là quãng đường ngón tay của bạn di chuyển mỗi lần gõ phím. Quãng đường này phụ thuộc vào loại switch cũng như bàn phím.
Chẳng hạn như speed và low-profile switch sẽ có hành trình ngắn hơn các loại switch khác. Lợi ích của loại switch này chính là sự nhỏ gọn của chúng, làm cho bàn phím nhẹ và đỡ cồng kềnh hơn. Và theo lý thuyết thì loại switch này có phản hồi nhanh hơn các loại switch khác, làm tăng hiệu suất khi chơi game.
Những switch bình thường thì có hành trình dài hơn, tuy nhiên lại cho cảm giác gõ quen thuộc và thoải mái hơn speed hay low-profile switch. Vì thế bạn sẽ phải đánh đổi cảm giác gõ và hành trình phím, tốc độ phản hồi.
Lựa chọn switch
Một câu hỏi nhiều người thắc mắc, nhưng rất khó để trả lời: thế nào là một switch tốt?
Lấy ví dụ là switch dạng tactile, rất nhiều người chê brown của Cherry, cho rằng nó là tactile không đúng chuẩn, chỉ như linear bị sạn. Thế nhưng switch nào là tốt? Thế nào là switch tốt? Thực ra không có cái nào là tốt nhất, chỉ có cái nào là phụ hợp nhất.
Có người thích khấc to (Holy Panda, Dark Jade, Holy Boba), có người thích khấc vừa (Zealios), có người lại thích khấc bé thân thiện gần gũi (như Brown), có người thích khấc ngay đầu hành trình (Holy Panda), có người lại thích có pre-travel rồi mới đến khấc (như Glorious Panda). Chính vì điều này nó phụ thuộc nặng vào sở thích cá nhân cá nhân chứ không hẳn là con nào hơn con nào cả, món ăn chơi này luôn là vậy.
Một nhược điểm của mấy con khấc to đó chính là khi gõ phím trong một thời gian dài (trên 8 tiếng) thì sẽ cảm thấy rất mệt ở ngón tay. Đó cũng là một trong những lý do vì sao nhiều người thích linear hơn và chọn một con linear board làm daily driver. Đến đây thì mấy con khấc bé như brown lại phát huy được cái điểm là dễ dùng hơn trong thời gian dài mà không bị mỏi.
Nói chung là cần trải nghiệm cho biết bản thân cần gì. Có điều kiện thì dễ rồi, cứ mua về dùng thử để biết cái nào hợp với mình. Nếu không có điều kiện như thế thì cũng có những showroom cho chúng ta trải nghiệm trước khi mua. Tuy nhiên cần bỏ thời gian đủ dài để “trải nghiệm” đàng hoàng. Đó là chưa kể không gian của showroom cũng khác với không gian mà của mỗi người.
Việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng là tốt nhưng cũng đừng chỉ lấy mỗi điều đó làm thước đo để đánh giá, đặc biệt là trên các mạng xã hội hiện nay người chơi và seeder lẫn lộn, rất khó phân biệt.
Keycap
Keycap là bộ phận quan trọng quyết định trải nghiệm gõ phím, bởi nó là phần mà tay người tiếp xúc trực tiếp. Không chỉ vậy, keycap cũng là phần đập ngay vào mắt mỗi người khi sử dụng bàn phím. Do đó, không lạ khi nhiều người chăm chút cho bộ keycap của bàn phím. Ngoài ra, keycap cũng là phần mà người dùng có thể dễ dàng cá nhân hóa (ai cũng làm được) với các bộ keycap mua rời rồi gắn lên.
Chất liệu của Keycap
Hầu hết keycap được sản xuất bằng phương pháp đúc khuôn, tức là nung chảy vật liệu rồi đổ vào khuôn, làm nguội. Các chất liệu phổ biến dùng làm keycap hiện nay là:
- ABS (Acrylonitrile Butadiene Styrene): màu sắc loại này tươi tắn nên các nhà sản xuất làm ra rất nhiều bộ keycap ABS bắt mắt. Nhựa ABS mềm, có tính đàn hồi nên rất bền, khó sứt mẻ, cảm giác gõ chắc chắn, âm thanh trong. Nhược điểm là bề mặt dễ bóng (càng dùng càng bóng), dễ bám mồ hôi và ngả vàng khi bị chiếu tia cực tím (ví dụ phơi nắng).
- PBT (polybutylene terephthalate): chất liệu cứng và bền, bề mặt nhám, màu sắc ít bị xuống sắc theo thời gian, âm thanh đục, nghe bụp bụp. Nhược điểm là màu sắc sẽ không tươi tắn như ABS, giá thành cũng cao hơn (vì bị co nhiều hơn dẫn đến tốn vật liệu hơn).
- Nhựa POM (Polyoxymethylene): có độ chống chịu rất tốt, chống trầy xước – chống hóa chất tẩy rửa. Thuộc dạng nguyên liệu cao cấp nên ít nhà sản xuất chọn loại nhựa này để làm keycap. Ưu điểm: chống trầy, không bị tác động mạnh bởi hóa chất tẩy rửa. Khuyết điểm: giá thành cao, độ bám bề mặt ít nên có cảm giác trơn trượt.
- Kim loại: sử dụng chủ yếu hiện nay là nhôm và kẽm, có thể đúc khuôn hoặc CNC. Tốn chi phí gia công hơn nhưng bù lại thành phẩm đẹp và lung linh hơn nhiều so với nhựa. Không chỉ in hình đủ thứ, keycap kim loại còn có thể tạo những loại hình nổi bật ra khỏi bề mặt làm cho bàn phím vừa độc vừa đẹp. Tuy nhiên, keycap kim loại có giá thành cao, ít khi sản xuất thành set và chỉ có keycap lẻ, tiếng ồn lớn khi gõ.
Công nghệ xử lý ký tự
- In nổi: phương pháp đơn giản nhất, màu sẽ được in trực tiếp lên keycap để tạo ra ký tự, kí tự được in bằng công nghệ này thường khá dễ bay màu.
- PBT Dye-sub là công nghệ dùng nhiệt để làm cho mực thấm sâu vào keycap, keycap được xử lý bằng công nghệ này sẽ khó bay màu. Công nghệ này chỉ áp dụng với chất liệu PBT do nó chịu được nhiệt độ cao khi dye-sub, đồng thời chỉ in được màu tối, khó tạo sự tương phản nếu keycap cũng có nền tối.
- Double shot: keycap sử dụng khuôn đúc 2 lớp. Thay vì in kí tự lên keycap, kí tự được đổ khuôn và đúc bằng nhựa màu, phần còn lại của keycap được đúc quanh kí tự đó bằng nhựa màu khác. Ưu điểm của phương pháp này là kí tự trên keycap sẽ không bao giờ có thể bị mờ, đồng thời double-shot keycap cũng tạo được độ tương phản màu cao do màu của kí tự không bị ảnh hưởng bởi màu của bề mặt keycap.
Profile của Keycap
Profile keycap là gì?
Profile keycap gọi chung là các nhóm hình dạng, đường cong, độ dốc và chiều cao khác nhau của keycap. Đôi khi keycap có sẽ có chiều cao rất thấp hoặc rất cao, mang lại cảm giác gõ và âm thanh khác nhau, tùy vào profile.
Profile khác nhau có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong trải nghiệm gõ, sự thoải mái và tốc độ cho người dùng. Vì vậy lựa chọn một profile tốt, phù hợp sẽ giúp bạn khai thác triệt để khả năng gõ của một bàn phím cơ.
Sau đây là 3 yếu tố tạo nên profile keycap:
Khác biệt giữa spherical vs cylindrical vs flat
Phân loại theo bề mặt của keycap được chia thành spherical, cylindrical, flat. Đây là sự phân loại dựa vào hình dáng bề mặt tương đối của keycap, nơi mà các đầu ngón tay của bạn trực tiếp chạm vào khi gõ phím. Trong đó:
- Spherical keycap: có hình cầu cong 3D tạo nên dáng lõm trên đỉnh keycap.
- Cylindrical keycap: có hình trụ, giống như hình một thung lũng 2D, trong đó đường cong chỉ theo một hướng, cao hơn ở cạnh phải và trái, thấp hơn ở phần trung tâm.
- Flat keycap: loại keycap này hoàn toàn không có bất kỳ đường cong nào trên bề mặt phím.
Sculpted vs uniform
Một số bộ keycap có chiều cao hoặc các góc khác nhau ở từng hàng. Kết cấu này mang lại độ cong cho bàn phím và giúp bạn gõ phím thuận lợi hơn. Đây gọi là các loại keycap sculpted.
Trong khi đó, các bàn bộ keycap kiểu uniform thì các hàng sẽ có chiều cao đồng đều nhau, không có khác biệt giữa các hàng, tạo nên vẻ ngoài đồng bộ về mặt thẩm mỹ nhưng gõ sẽ không thoải mái bằng dạng sculpted.
Chiều cao của các phím
Với các profile khác nhau, chiều cao của các keycap có thể sẽ khác nhau, từ thấp nhất là 2,3mm đến cao nhất là 16,5mm. Chiều cao của các keycap có thể giống nhau trên toàn bộ phím hoặc có thể khác nhau giữa các hàng.
Các profile phổ biến
Dưới dây là một số profile phổ biến (ngoài ra còn rất nhiều profile độc quyền của các hãng khác):
OEM
OEM (Original Equipped Manufacturer) hiểu đơn giản là dạng profile từ lúc xuất xưởng, được nhiều hãng sử dụng để lắp cho bàn phím ngay từ lúc sản xuất. Đây là profile quen thuộc, bất cứ ai cũng có thể thích nghi trong thời gian ngắn.
Đặc điểm:
- Các phím có độ cao vừa phải.
- Bề mặt keycap có độ cong hợp lý vừa ôm lấy các ngón tay nhưng cũng không quá lõm vào để gây cảm giác chật chội.
- Độ cong cũng được dàn đều theo chiều ngang và thẳng để phân bổ lực đều cho các đầu ngón tay, giúp gõ nhanh và chính xác mà không tốn quá nhiều sự tập trung
Cherry
Đây là profile do hãng Cherry sản xuất (Cherry không chỉ là trùm switch thôi đâu, họ còn làm phím cơ nữa). Profile này ban đầu được Cherry sản xuất ra để áp dụng cho các mẫu phím cơ riêng của họ. Nhưng mà về sau thì nhiều người thích quá nên một số hãng khác cũng học theo học, mang profile này lên bàn phím của mình.
Đặc điểm nổi bật:
- Phím dạng thấp với phần mặt trên phẳng đều.
- Riêng hàng cuối có độ nghiêng lớn để lấy lại thăng bằng và đỡ lại cảm giác mỏi nơi người dùng.
- Về kết cấu chung thì Cherry profile hầu như khá giống OEM, nhưng các phím thấp hơn và độ dốc được tinh chỉnh lại để phù hợp với toàn cục.
- Kiểu kết cấu được sắp xếp lại này giúp cho các phím Cherry profile cho cảm giác gõ nhẹ nhàng êm ái hơn hẳn so với OEM, âm thanh phát ra cũng rõ ràng sắc nét hơn nếu so sánh cùng chất liệu và trọng lượng.
SA
SA (Spherical All) ban đầu do hãng SP (Signature Plastics) sản xuất, tên nó nghĩa là tất cả các hàng đều có dạng cầu, dùng để chỉ hình dạng mặt trên của tất cả các keycap trong bộ SA profile (đều có hình cầu lõm xuống với độ nghiêng khác nhau theo dòng). SA cực kỳ được ưa chuộng bởi dân chơi phím cơ, chủ yếu là vì nó đẹp.
Đặc điểm nổi bật:
- Thường có độ cao ấn tượng và thường gây cảm giác mỏi tay khi dùng lâu (dùng profile này thường phải kèm theo kê tay).
- Chất liệu cao cấp chống ăn mòn và chịu lực, chịu nhiệt tốt, giúp cảm giác gõ của các switch bên dưới thăng hoa.
- Độ nghiêng và độ lõm mặt khác nhau. Khi hợp lại thành hàng đặt cạnh nhau sẽ tạo ra tổng thể đường cong rõ ràng, chắc nịch, hài hòa và đẹp mắt (thấy rõ nhất khi nhìn nghiêng).
- Độ lõm trên mặt của SA keycap giúp các ngón tay trụ vững trên bàn phím kể cả khi gõ nhanh, cảm giác chắc chắn và ôm tay.
- Ký tự in trên SA keycap thường nằm giữa, hoặc nên góc trái/ phải, nói chung là khá linh động về vị trí.
- Với hình dáng đặc trưng này, SA keycap thường được lắp chung với các switch cần lực nặng tay để cảm giác bottom out đã nhất.
- Lên hình bóng loáng, sang chảnh, chỉ nhìn đã thấy dày dặn và đắt tiền nên rất được các dân chơi bàn phím cơ ưa chuộng.
DSA
Cũng là một profile thiết kế bởi hãng SP. Nhưng không giống như SA profile, DSA profile có độ cao keycap thấp và tất cả các hàng là bằng nhau.
Đặc điểm nổi bật:
- Keycap dạng thấp và mặt keycap phẳng không có bất kỳ độ nghiêng nào.
- Bề mặt tuy phẳng nhưng lại có một độ lõm rất nhẹ, đủ để ôm lấy các ngón tay khi gõ phím.
- Bệ mặt rộng, cho cảm giác thoải mái không bị gò bó khi dùng.
- Ký tự trên DSA keycap thường nằm ở giữa để tương thích với độ lõm giữa nhẹ của bề mặt phím.
- Thiết kế profile DSA giúp người dùng đỡ mỏi tay hơn, ngón tay vừa vặn trên các phím. Nhưng vì phím thấp hơn nên đôi khi cảm giác gõ không “tôn” lên quá nhiều, đặc biệt với các switch dạng tactile và clicky.
- Thường đi kèm với đa dạng các loại switch, và case không quá to. Nói chung phù hợp với kiểu bàn phím cơ tinh giản, gọn nhẹ và kiểu dáng thanh lịch.
- Kết cấu keycap dễ làm quen, dễ dùng nhưng tổng hòa thì trông hơi chán, cả bàn phím trông nhạt không có điểm nhấn.
Theo bình chọn của nhiều dân chơi phím cơ lâu năm thì xếp hạng profile keycap chơi game sướng nhất nên là: CHERRY > OEM > SA > DSA.
Trên là các profile keycap phổ biến nhất, còn rất nhiều profile khác ít phổ biến hơn như: ASA, MDA, GK1, MT3, v.v…
Các yếu tố khác về keycap
Khi đã xem hết một loạt các thông số, thông tin trên trước khi chọn keycap thì hình như vẫn còn chưa đủ. Còn hai yếu tố nữa, không hẳn là quan trọng nhất, nhưng nếu bỏ qua, khi về tới tay, anh em có thể sẽ có nhiều phút giây hối hận vì đã không kiểm tra kỹ càng hơn.
Phần thường dễ bị bỏ qua khi chọn keycap chính là ký tự. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới ký tự về mặt thẩm mỹ, chứ không phải là cách hoặc kỹ thuật in ký tự lên keycap. Và yếu tố Ký tự này sẽ gồm nhiều yếu tố nhỏ hơn.
Đầu tiên là cần phải có một font chữ đẹp. Font chữ đẹp hay không đẹp một phần còn tùy vào thẩm mỹ riêng của mỗi người. Nhưng nhìn chung một bộ keycap đẹp, sang, chỉnh chu thường đi kèm với font chữ tối giản, kiểu chữ không chân, không uốn lượn phức tạo và có độ cứng, mềm hợp lý ở các đường nét. Thậm chí một số hãng còn tự thiết kế bộ font độc quyền để dùng cho loạt keycap của mình.
Để nhận diện được một bộ ký tự đẹp, cách tốt nhất là anh em xem cả bộ keycap. Cầm riêng một hai chiếc keycap rất khó để đánh giá được sự phù hợp, nhưng khi ráp cả bộ lại với nhau, sự tinh tế hay vụng về của font chữ lập tức lộ ra. Ví dụ trên các diễn đàn keycap, anh em vẫn hay nghe nói về các bộ keycap Tàu rẻ tiền thường có font chữ nhiều khi kỳ lạ không hiểu nổi.
Yếu tố tiếp theo là vị trí đặt ký tự trên mặt keycap. Tùy vào đặc trưng riêng hoặc dạng profile đang theo đuổi mà mỗi hàng sẽ có vị trí đặt để riêng cho ký tự trên mỗi keycap.
Kinh nghiệm cho thấy các bộ keycap cao cấp thường chuộng góc trên bên trái hoặc chính giữa. Việc đặt ký tự vào chính giữa thường là các bộ keycap tự tin phô diễn nét đẹp trong đường nét và sự hoàn hảo của ký tự. Còn góc trên bên trái thường vì hợp với quán tính tầm nhìn của người dùng.
Dạng ký tự in ở mặt trước, gọi là kiểu Ninja, được Filco giới thiệu lần đầu tiên với dòng bàn phím Filco Majestouch Ninja. Ưu điểm giấu ký tự giúp toàn bàn phím nhìn trên xuống tối giản như đang dùng blank keycap, khi gõ người kế bên hoặc các spyware sẽ không cách nào nhận diện được ký tự cho tới khi nó hiện lên trên màn hình. Ký tự nào cũng làm cho bàn phím ẩn hiện khá độc đáo.
Ngoài Font chữ, vị trí đặt để ra thì màu sắc ký tự thể hiện trên mỗi keycap cũng đóng vai trò lớn tạo nên sự xuất sắc và hợp nhãn của một bộ keycap. Điểm chung của các bộ keycap cao cấp chất lượng sẽ là màu sắc ký tự đơn giản, không cầu kỳ, nhất là không quá lạc tông với nền chung của keycap. Ví dụ trên nền trắng và nền màu của nhựa keycap thì ký tự sẽ có màu đen hoặc xám đậm nhạt. Vừa đủ rõ ràng vừa không quá nổi bật.
Phần thứ hai cũng thường bị sót khi chọn keycap là Cấu trúc chịu lực bên trong. Cụ thể, anh em đừng quên mua keycap lật luôn mặt sau để coi kỹ. Ý tôi đang muốn nói tới hai đặc điểm mà qua đó ta dễ dàng xác định được keycap đang cầm tốt hay không:
Đầu tiên là cấu trúc chịu lực mặt sau keycap. Trên một bàn phím cơ, dù cho luôn được hỗ trợ bởi các stab, nhưng các phím dài luôn dễ gặp vấn đề nhất về độ vững, ổn định và cảm giác bật lại không đồng bộ. Để góp phần khắc phục tình trạng này, các bộ keycap chất lượng thường luôn có một cấu trúc chịu lực bên trong mỗi phím, có khi cho các phím lớn, dài, có khi cho tất cả dàn phím.
Cấu trúc chịu lực này thường được thể hiện dưới dạng các thanh nổi ở mặt trong từng chiếc keycap, đi từ đầu này sang đầu kia của key, đi qua các phần chân chữ thập. Vừa giúp cố định phím vừa hạn chế bị lờn đầu tiếp xúc với switch. Quan trọng các thanh “cường lực” này cần có độ cao nhất định, nếu thấp quá thì cũng không đạt chuẩn đâu.
Khâu gia cường này nếu đúng cách, đủ nhiều, đủ dày dặn và đủ cao sẽ làm tăng độ đồng nhất về âm thanh khi ấn phím, vừa đảm bảo độ vững chãi của keycap. Và các keycap kiểu này hầu như không xảy ra tình trạng gãy, vỡ, toe đầu với những tác động nhỏ từ bên ngoài.
Yếu tố tiếp là độ tỉ mỉ, sắc nét của các đường, góc cạnh nhựa. Khi lật mặt trong của keycap, anh em sẽ thấy được luôn cách các ký tự được đưa lên keycap. Double shot là dễ thấy nhất. Quan sát mặt trong là cách tốt nhất để bạn nhận diện độ săn chắc cũng như cách ký tự được thể hiện bên ngoài trong trường hợp double shot.
Nhân tiện, đừng quên xem độ dày tổng quan của keycap. Trung bình một keycap đúng chuẩn sẽ dày từ 1 đến hơn 1,5mm một chút, tùy loại, tùy hãng. Khoảng tầm 1mm dày thì sẽ cho âm thanh trong, nhiều tiếng vang hơn. Còn ở mức 1,5mm thì tiếng phát ra sẽ trầm hơn, chuẩn xác hơn với từng loại switch.
Lật mặt sau quan sát, bạn sẽ nhận ra được nhiều thông tin hay ho từ bộ keycap mình định mua đấy. Nhưng xem xét công nghệ double shot, hay độ dày của mỗi keycap không chưa đủ. Các bạn nhớ coi kỹ từng đường nét góc cạnh trong keycap nữa. Các bộ keycap chất lượng hầu hết luôn được sản xuất kỹ càng, từng công đoạn đều chỉnh chu. Dẫn tới không có chi tiết thừa, các góc cạnh sắc sảo, không có tình trạng lem nhem, màu sắc loang lổ, dư miếng này hụt miếng kia.
Các hãng sản xuất keycap
Tôi tìm được một trang web tổng hợp các bộ keycap: matrixzj.github.io. Tuy nhiên là thông tin cũng không thực sự đầy đủ. Theo nhiều thông tin, thì các hãng sản xuất keycap có thể phân loại như sau:
- Tier chanh xả: GMK, SP (Signature Plastic) – chất lượng cao, hoàn thiện tốt, in đẹp. Tuy nhiên, những hãng này giá cả cũng rất cao (nhiều khi cao hơn cả bàn phím).
- Tier thách thức: KAT, Drop collab với Matt30, MITO – chất lượng tốt, giá cao nhưng hãng không nhiều tên tuổi bằng ở trên nên ít người chơi. Do cộng đồng người chơi vẫn có tâm lý chơi những sản phẩm dễ bán lại, ít bị mất giá (thậm chí còn có lãi).
- Tier p/p: Domikey, ePBT (enjoy PBT – tuy nhiên làm cả keycap ABS), Geekark, Maxkeys – giá trung bình nhưng chất lượng khá trở lên. Đây là những hãng được ưa chuộng do giá thành và chất lượng hợp lý.
- Tier không nên chơi: Các hãng ít tên tuổi, thường làm các bộ keycap clone từ các bộ của hãng nổi tiếng. Chất lượng gia công, in ấn không cao (nên giá rất rẻ).
Artisan Keycap
Đây là phần làm nhiều anh em mới chơi keycap ngạc nhiên khi lần đầu tiếp cận, chỉ một keycap giá bằng hoặc hơn cả bàn phím. Điều làm nên sự đặc biệt của keycap Artisan là chúng được chế tác thủ công và không bán đại trà. Artisan keycap thường làm bằng resin và đúc bằng khuôn silicone với các tạo hình độc đáo.
Hiện tại công nghệ in 3D đã rất hiện đại, có thể in keycap tuy nhiên người ta vẫn không ưa chuộng cách làm này, mà dân chơi vẫn thích cách làm truyền thống (đúc khuôn). Artisan keycap không phải là thứ được sản xuất số lượng lớn nên rất khó mua. Để sở hữu một keycap Artisan:
- Bạn phải mua ngay thời điểm nó ra mắt, vì nếu được bán hết thì sẽ phải chờ đợt sau hoặc phải mua lại giá cao.
- Có keycap bán theo event (gọi là raffle), người bán sẽ chỉ sản xuất 10 cái chẳng hạn và quay số trong những người đặt mua, ai được chọn thì trả tiền để mua sản phẩm.
Ngoài ra thì cần chú ý là giá artisan keycap rất cao, nhưng nhu cầu lớn nên giá bán lại còn cao hơn nữa. Thế nhưng nếu bạn là người đầu cơ sinh lời (mua xong bán ngay) thì khả năng sau này bạn không thể mua theo raffle được nữa.
Cá nhân tôi thấy có mùi marketing và nâng tầm quá mức ở đây, khi bản thân người làm artisan keycap cũng bán lấy tiền nhưng không muốn người mua cũng làm như vậy (kiểu hàng chỉ bán cho người có duyên 🤑), mà chỉ thích họ trao đổi lẫn nhau trong cộng đồng những người sưu tầm.
Hiện tại Việt Nam có nhiều team làm artisan keycap được đánh giá rất cao trên toàn thế giới (Dwarf Factory, Artkey, GSK, JellyKey). Thế nhưng mà phần lớn đều gia dịch bằng đồng USD qua PayPal 🙀 (chắc vì giao dịch quốc tế nhiều).
Kết nối
Có dây
Các loại phím cơ có dây có chuẩn kết nối khá đa dạng. Phổ biến nhất vẫn là kết nối qua cổng USB (type A hoặc C ở đầu PC hoặc cả hai đầu). Đây là những cổng kết nối phổ biến nên khá dễ dàng sử dụng hiện nay. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất sử dụng dây cáp rời giúp người dùng dễ dàng lựa chọn cổng kết nối và dây cáp phù hợp (type A-A hoặc A-C, C-C).
Một số nhà sản xuất khá bảo thủ vẫn sử dụng dây cáp liền (ví dụ Filco) với cổng USB-A hoặc PS/2 thì vẫn còn dễ sử dụng (tuy có phần hơi khó khăn do cổng USB-A đang dần biến mất). Cá biệt có một số bàn phím sử dụng cáp rời nhưng là kiểu kết nối USB A to mini-USB. Vì dùng mini-USB nên nếu muốn sử dụng trực tiếp cổng USB-C trên máy tính thì việc tìm mua cáp kết nối cũng là vấn đề rất đau đầu (hiện chỉ thấy Ugreen và Filco và có cáp loại này).
Sử dụng phím cơ có dây thì lợi ích là đảm bảo về tín hiệu (phản hồi nhanh, độ trễ thấp) và không cần quan tâm về pin. Tuy nhiên, với xu thế lược bỏ bớt cổng kết nối trên laptop hiện nay, sử dụng kết nối có dây sẽ làm bạn mất bớt cổng, thậm chí không còn cổng kết nối với các thiết bị khác.
Không dây (Bluetooth)
Hiện tại trên thị trường các dòng phím cơ hỗ trợ kết nối không dây (Bluetooth) đã phổ biến. Với những người yêu thích sự gọn gàng, thì kết nối không dây là lựa chọn tuyệt vời, vì đã bỏ được khá khá dây rợ lằng nhằng. Dòng phím này sẽ có hai loại là dùng pin sạc và pin tiểu với thời gian sử dụng khá dài nên vấn đề pin không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên độ trễ lại là vấn đề lớn với kiểu kết nối này.
Các bàn phím kết nối Bluetooth thường có độ trễ lớn, hay bị mất tín hiệu (thường gặp với các phím cơ giá rẻ). Các bàn phím dùng Bluetooth 5.1 đã cải thiện điều này (nghe nói thế) tuy nhiên chúng vẫn còn khá hiếm và đắt đỏ.
Không dây dùng receiver
Đây là kết nối sử dụng sóng radio (hình như dùng tần số 2.4GHz hoặc 5GHz – giống wifi). Kiểu kết nối này yêu cầu phải có một bộ nhận tín hiệu (gọi là receiver) đi kèm với bàn phím thì mới sử dụng được (mà một khi bị mất là to chuyện vì không thể mua cái khác thay thế được).
Riêng Logitech có một công nghệ gọi là unify cũng sử dụng sóng radio nhưng cho phép một receiver có thể kết nối đồng thời nhiều thiết bị (max là 6). Với công nghệ này thì nhiều thiết bị có thể dùng chung receiver được, tuy nhiên không phải thiết bị nào cũng tương thích.
Loại kết nối này mang lại sự gọn gàng nhờ kết nối không dây, giải quyết được vấn đề độ trễ của Bluetooth (vẫn trễ hơn so với có dây) tuy nhiên nó vẫn tiêu tốn của bạn một cổng (thường là USB-A) trên máy tính. Ngoài ra việc sử dụng tần số 2.4GHz hoặc 5GHz chung với nhiều loại thiết bị khác khiến nó có thể bị nhiễu, mất tín hiệu.
Việc lựa chọn kiểu kết nối chỉ cần suy nghĩ khi bàn phím chỉ có một loại. Hiện nay nhiều bàn phím đã hỗ trợ nhiều kiểu kết nối khác nhau (2 mode hoặc 3 mode) thì vấn đề này cũng không cần quá lo. Người dùng muốn kết nối kiểu gì thì chuyển sang kiểu đó là xong.
Chất liệu case
Case làm từ chất liệu khác nhau sẽ khác nhau thế nào?
Case nhựa
Nhựa là chất liệu làm case phổ biến nhất trên cả bàn phím nói chung và bàn phím cơ nói riêng. Ưu điểm của chất liệu này là dễ sản xuất và rẻ nhất trong tất cả các loại vật liệu. Vỏ bàn phím bằng nhựa thường có nhiều màu sắc khác nhau, có thể kết hợp với các kỹ thuật khác nhau để tạo hoa văn.
Case nhựa nếu làm từ các chất liệu nhựa không nguyên chất, pha trộn nhiều sẽ cho cảm giác ọp ẹp. Rất nhiều người mô tả trải nghiệm gõ trên bàn phím nhựa rất khó chịu hoặc không ổn định. Các phím bấm có độ nảy hơn và nhìn chung không có cảm giác cứng cáp.
Tuy nhiên, không phải nhựa là rẻ tiền. Nhiều bàn phím nhựa vẫn có thể cho cảm giác cao cấp nếu sử dụng nhựa nguyên chất. Cảm giác gõ sẽ chắc nịch hơn hẳn, cầm trên tay thử vặn vẹo không thấy uốn cong, độ bền tốt, âm thanh phát ra rõ ràng chính xác.
Thông thường, case bàn phím nhựa được làm từ nhựa ABS. Nhựa ABS được sử dụng vì nó tương đối rẻ và và dễ tạo hình. Điều này giúp cho việc ép phun và in 3d trở nên dễ dàng hơn. Quan trọng, nhựa ABS có khả năng chống lại sự ăn mòn của hóa chất và tác động vật lý.
Một loại nhựa khác thường được sử dụng để chế tạo vỏ bàn phím là polycarbonate (PC). PC cũng giống như ABS nhưng có độ dẻo dai tốt hơn, giúp nhựa chịu va đập tốt hơn. Rất nhiều vỏ bàn phím ngày nay là sự pha trộn giữa nhựa PC & ABS, tạo nên một vật liệu đáng tin cậy hơn khi kết hợp với nhau.
Vậy còn nhựa PBT nổi tiếng thì sao? Nhựa PBT thường được ưa chuộng cho keycap, nhưng đặc tính giòn khiến nó không thích hợp để chế tạo case. Khi chịu bất kỳ tác động nào, PBT sẽ nứt hoặc vỡ, trong khi ABS sẽ uốn cong để chịu tác động.
Case nhôm
Vỏ nhôm là một lựa chọn phổ biến khác trên các bàn phím cơ. Case nhôm có xu hướng nặng hơn và chắc chắn hơn. Đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn một bàn phím có cảm giác chắc chắn và ổn định. Cảm giác gõ vì thế cũng đã tay,ngắn gọn và có sức hút hẳn. Nhưng bù lại, nhược điểm của vỏ nhôm là kém linh hoạt, cứng và nặng nề hơn so với case nhựa.
Chất lượng của vỏ nhôm có thể rất khác nhau. Các vỏ nhôm càng cao cấp càng được đầu tư gia công tốt, tinh tế và tỉ mỉ hơn. Quá trình hoàn thiện của nhôm cũng quyết định chất lượng của sản phẩm. Anodization (mạ điện) và sơn tĩnh điện là những cách hoàn thiện phổ biến.
Vỏ nhôm là một lựa chọn vật liệu tuyệt vời cho vỏ bàn phím. Độ hoàn thiện sẽ là thước đo độ chất lượng và sự cao cấp của chất liệu nhôm đang được dùng. Lưu ý vỏ kim loại dẫn điện cao hơn và có xu hướng lạnh hơn vào mùa đông, vì vậy bạn có thể khó chịu khi chạm vào bàn phím của mình trong mùa lạnh.
Case thép
Case thép không phổ biến như case nhôm, vì chúng khó sản xuất và gia công hơn nhiều. Những mẫu bàn phím duy nhất mà tôi biết là dòng bàn phím Filco Majestouch Metal SUS của hãng Diatec.
Thép thường nặng hơn nhiều so với nhôm và là loại vỏ có khả năng chống va đập và uốn cong nhiều nhất trong số các chất liệu làm case. Đặc biệt thép có khả năng chống gỉ rất cao nên độ bền vượt trội hẳn.
Vỏ thép không gỉ sẽ làm cho các phím bấm có cảm giác cứng và ít bị nảy hơn. Đây là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn một cảm giác gõ hardcore thật sự, có trọng lượng, đòi hỏi sự chính xác của đôi tay. Vỏ thép không gỉ thường chỉ có các sắc thái bạc/xám khác nhau và thường sáng bóng và phản chiếu.
Case acrylic
Case acrylic cũng là một lựa chọn thú vị. Acrylic là một loại nhựa đặc biệt: nhựa nhưng trong suốt như thủy tinh. Acrylic thường trong suốt, cực kỳ bền và cứng, và chống bào mòn cực tốt theo thời gian. Nó có trọng lượng bằng một nửa thủy tinh nhưng có khả năng chống va đập tốt hơn nhiều.
Vỏ acrylic được làm bằng cách cắt laser các tấm acrylic thành hình dạng thích hợp. Chúng thường cần dày khoảng 4~5mm để đạt được độ cứng và độ bền thích hợp. Vì tính xuyên thấu, bàn phím cơ dùng case acrylic thường cho hiệu ứng ánh sáng tốt hơn hẳn so với các case ở trên. Bạn cần lưu ý case acrylic tuy gần như không bị bào mòn nhưng lại có thể dễ xước và có thể bị nứt nếu bạn làm rơi bàn phím. Khi dùng phải rất cẩn thận.
Case gỗ
Vỏ gỗ cho bàn phím cơ hơi bị hiếm. Chúng đòi hỏi nhiều công việc hơn một chút để chuẩn bị, chẳng hạn như cắt, chà nhám và hoàn thiện. Chất lượng của case gỗ chủ yếu phụ thuộc vào loại gỗ được sử dụng và cách chế biến.
Vỏ gỗ mang đến một số lựa chọn thẩm mỹ thú vị nhất, do các loại gỗ và cách sản xuất khác nhau. Một số lựa chọn phổ biến nhất là gỗ cẩm lai, gỗ ngựa vằn và gỗ óc chó. Nói chung, những case này chủ yếu xuất hiện cho bàn phím custom (thường được đặt riêng), rất hiếm mẫu stock keyboard dùng case gỗ như vậy.
Ưu điểm lớn của các case gỗ là mang lại cảm giác chắc chắn đẹp mắt, tính thẩm mỹ độc đáo. Nhưng gỗ lại dễ bị bòn mòn, bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, mối mọt và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Gỗ cũng sẽ bị giãn nở, co lại nếu đối diện với các nhiệt độ nóng, lạnh thất thường, lâu dần sẽ không tốt cho bàn phím.
Có thể đổi case bàn phím được không?
Việc đổi case bàn phím là có thể. Nhưng chuyện này không đơn giản, vì rất khó tìm được case rời từ bên thứ ba có thể sẽ vừa với bàn phím đang có. Thường thì muốn đổi case sẽ phải đặt CNC riêng với giá thành không hề rẻ.
Mạch (PCB) và plate
PCB (Printed Circuit Board) là bảng mạch chính của bàn phím. mọi hoạt động của bàn phím đều bắt đầu từ nó. Switch được gắp trên PCB và gửi xung điện đi sau mỗi lần nhấn.
Tấm plate được đặt trên PCB, giúp các phím được cố định và bàn phím chắc chắn hơn. Không phải bàn phím nào cũng được trang bị thêm tấm plate này.
PCB-mounted và plate-mounted
Đây là hai kiểu gắn switch và stabs vào bảng mạch.
Những switch có 5 chân được gọi là PCB-mounted switch. Các switch có thể được hàn hoặc gắn trực tiếp vào PCB giúp cho việc lắp đặt tương đối đơn giản. Nhìn chung, kiều gắn phím này cho cảm giác nhẹ nhàng và độ nảy của phím cũng tốt hơn một chút. PCB-mounted thường được sử dụng với các bàn phím nhỏ. Tính ổn định của switch chủ yếu dựa vào chất lượng hàn. Ngoài ra, các bàn phím ngày nay thường có thêm tấm plate để tăng cường tính chắc chắn và ổn định.
Plate-mounted switch cần có một tấm plate. Những loại switch này chỉ có 3 chân, chúng thiếu đi những chân giúp cố định switch. Tấm plate sẽ giúp switch ổn định và khó bị lung lay hơn sau mỗi lần nhấn.
Plate-mounting bao gồm việc gắn các switch vào một tấm plate (thường bằng kim loại) đặt trên PCB. Những tấm plate này thường được dùng ở những bàn phím có kích thước lớn. Bởi kích thước càng to thì khoảng cách giữa các phím sẽ càng lớn, dễ bị lung lay hơn mỗi khi nhấn. Ngoài ra tấm plate giúp tăng độ cứng cho bàn phím và phần nào đó cản trở sự xâm nhập của bụi cũng như nước.
Điểm khác biệt của những switch này với kiểu gắn PCB đó là chúng không cần thêm chân giữa ổn định. Thay vì hàn trực tiếp vào PCB thì chúng được lắp vào tấm plate. Một điều bạn cần biết thêm đó là một khi switch đã được hàn thì tấm plate rất khó để tháo ra. Bạn cần tháo switch ra để gỡ tấm plate và hàn lại từng switch một lên PCB. Vì thế, nếu bạn là người thích customize bàn phím của mình thì tốt nhất không nên chọn plate-mounted switch.
Về tổng thể, bàn phím plate-mounted thường có chất lượng cao và độ bền tốt hơn.
Hot swap hay không
Cách làm thường được các hãng sản xuất bàn phím lựa chọn là hàn switch trực tiếp vào bảng mạch. Cách làm này sẽ giúp switch được gắn chặt lên PCB, tuy nhiên với những người muốn thay đổi switch (sửa chữa khi bị hỏng hoặc muốn thay loại khác) thì bắt buộc phải rã hàn mới tháo được.
Hot-swap PCB được thiết kế để có thể thay thế switch luôn mà không cần tháo bàn phím ra. Chúng thường đến từ các thường hiệu như Gateron, Kailh và Outemu. Loại PCB này cho phép bạn lắp các switch mà không cần phải hàn. Vì thế bạn có thể trải nghiệm nhiều loại switch một cách rất dễ dàng. Đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những người mới bắt đầu bước chân vào thế giới bàn phím cơ custom và không muốn mất thêm một khoản tiền để đầu tư vào thiết bị hàn.
Một nhược điểm của hot-swap đó là chúng có thể bị bị hỏng do bạn không cần thẩn khi tháo và lắp switch. Và nếu muốn chúng hoạt động trở lại thì bạn phải hàn lại vào PCB. Hot-swap PCB hỗ trợ cả switch 5 chân hoặc 3 chân. Tuy nhiên, chúng luôn là plate-mounted bởi chỉ cắm switch vào PCB không đủ cho các switch được ổn định.
Mạch xuôi hay ngược
Vấn đề mạch xuôi hay ngược mới được quan tâm gần đây thôi (có lẽ do việc thay keycap càng ngày càng dễ dàng hơn và cherry profile ngày càng phổ biến). Mạch xuôi là chân cắm socket nó quay lên trên, mạch ngược thì quay xuống dưới. Nhiều hãng sản xuất mạch ngược (điển hình là Akko) bằng cách quay ngược switch và hàn vào bảng mạch nên nếu nhìn thấy sẽ hiểu ngay.
Vì stem của switch theo kiểu Cherry là dùng dấu + nên xoay xuôi hay ngược thì vẫn gắn keycap bình thường. Tác dụng của việc này được cho là giúp LED sáng đẹp hơn (mạch ngược thì LED ở trên, bị che bởi switch nên tỏa ra đẹp hơn, không gây chói mắt người dùng). Thế nhưng, vấn đề của nó là nếu dùng keycap profile cherry sẽ bị cấn (không ấn được xuống hết do keycap cọ vào switch giữa hành trình, chỉ bị với cherry profile, các profile khác không sao).
Các chất liệu của plate
Hai chất liệu phổ biến nhất là nhôm và đồng thau. Ngoài ra người chơi có thể chọn tấm plate với vật liệu khác để thay cho cái có sẵn. Chất liệu khác nhau cũng ảnh hưởng đến âm thanh và cảm giác gõ tổng thể của bàn phím.
Nhôm
Tấm plate làm bằng nhôm là phổ biến nhất và được thấy ở hầu hết các bàn phím trên thị trường hiện nay, kể cả là bàn phím custom. Mặc dù nhôm là vật liệu nhẹ và khá mềm nhưng khi làm nguyên liệu để sản xuất tấm plate, nó được các nhà sản xuất làm cho khó bị bẻ cong hơn.
Đồng thau
Chắc chắn rồi, đồng sẽ cứng hơn nhôm. Tuy nhiên nếu không được xử lý thì theo thời gian nó sẽ bị oxy hóa và chuyển màu. Tùy vào cảm nhận của mỗi người. Có người cho rằng đồng thau có âm trầm và lớn khi gõ. Những người khác lại không cảm thấy sự khác khác biệt nào đáng nói giữa nhôm và đồng thau.
Polycarbonate
Polycarbonate là một vật liệu nhựa. Tuy nhiên nó cũng có âm thanh trầm. Các tấm nhựa này cho phép uốn cong và tạo cảm giác nảy hơn.
Sợi carbon
Mặc dù sợi carbon có trọng lượng rất nhẹ nhưng lại có độ bền cao. Nó cho phép uốn cong trong quá trình sử dụng, đồng thời cũng mang lại cảm giác nảy khi gõ.
Tray mount, Sandwich mount, Gasket mount, v.v
Khác với phần trước, đây là các kiểu gắn PCB và plate vào case. Có rất nhiều phương thức với các biến thể khác nhau. Mỗi loại sẽ có ưu, nhược điểm riêng. Dưới đây là bảng tổng hợp lại các phương thức đó:
LED
Nếu bạn có nhu cầu sử dụng phím có LED để làm việc ban đêm thì đây là phần bạn cần lưu ý trong thông số của phím cơ khi mua, các tùy chọn cơ bản sẽ là: LED RGB, LED đơn sắc và không có LED. Những bàn phím có trang bị LED RGB thường sẽ có nhiều chế độ hiển thị LED khi chúng ta gõ.
Bàn phím custom
Khái niệm
Khi đã quá quen với những chiếc bàn phím dựng sẵn (stock keyboard), đôi tay đã quá nhuần nhuyễn với các cảm giác gõ cơ bản, dân chơi phím cơ luôn có xu hướng tự nâng lên một cấp độ mới: chơi bàn phím cơ custom.
Bàn phím cơ custom là chủ đề dân chơi phím quan tâm với nhiều thứ hay ho mà những chiếc bàn phím stock sẽ không có được như: thiết kế độc lạ, cảm giác gõ phím tốt, có thể tùy chọn switch, chất liệu bàn phím, v.v… Với nhiều ưu điểm như vậy, bàn phím custom là lựa chọn hàng đầu của những dân chơi phím lâu năm.
Nhưng một điều trớ trêu, dân chơi bàn phím lại không phải những người dùng bàn phím nhiều đâu. Cả ngày cứ ngồi custom, hết thay keycap, thay swich, lót foam, lube, độ dây, v.v… thì thời gian đâu mà sử dụng bàn phím để làm việc (hay làm gì khác).
Bàn phím custom là bàn phím mà có thể tùy biến các linh kiện một cách linh hoạt như switch, plate, case, keycap, foam, v.v… theo sở thích và phù hợp với nhu cầu cá nhân. Bàn phím custom có 2 dạng phổ biến:
- Bộ kit bàn phím đã bao gồm case, plate phím, foam tiêu âm, người dùng mua về chỉ cần sắm thêm switch, keycap và lắp ráp (xét theo nghĩa thì giống “bàn phím lắp ráp”).
- Người dùng build từ đầu đến cuối như: đặt in mạch PCB, case, plate phím theo layout mà người dùng mong muốn và còn nhiều thứ khác nữa (custom đúng nghĩa).
Bàn phím custom đúng là cho người ta khả năng tùy chỉnh hơn bàn phím pre-built rất nhiều. Thế nhưng cũng không nên thần thánh nó quá. Tôi gặp nhiều người còn như phát cuồng vì bàn phím custom, như kiểu bàn phím custom mới là bàn phím còn bàn phím khác thì không phải. Nếu xét về chức năng chính là để đánh máy, thì bàn phím membrane cũng chẳng kém gì cả. Nhiều khi tôi cũng nghi ngờ mấy người đó bị lậm thật hay cố tình để buôn đi bán lại.
Không phải chỉ riêng bàn phím custom, thú chơi nào cũng thế, những thành phần bị “thuốc”, bị “cuồng” cũng đông mà seeder lại càng đông. Vừa chơi vừa muốn buôn hàng, chơi chán rồi bán lại cho người khác, hype, seed đủ kiểu. Những người này không tính là người chơi, chỉ là giả làm người chơi để buôn bán thôi, tốt nhất cứ tránh xa.
Bàn phím custom đúng là tốt, nhưng nó ko phải là cái gì đó kinh hồn bạt vía hay đỉnh cao gì gì đó như tụi ảo phím thần thánh đâu. Những thứ như cấu trúc case, lót foam, nghe tiếng gõ thock hay clack gì đó y chang như con nít mới biết tới đồ chơi vậy. Cứ cho như thế là đỉnh hơn thằng khác dù thật ra nó có khác nhưng sự khác là ko đáng kể.
Kit bây giờ đẻ như lợn, switch như lợn con nhưng thực chất kỹ thuật hay yếu tố công nghệ thay đổi là không đáng kể. Thậm chí yếu tố “custom” ngày càng ít, sản phẩm không khác gì loại được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Chủ yếu là hoàn thiện tốt hơn, mạ đẹp hơn, chi phí thấp hơn rồi bôi ra đủ thứ để bán kiếm tiền thôi.
Các bước thực hiện
Dưới đây là một số bước cơ bản để build một bàn phím như thế. Tất nhiên trong mỗi bước lại là vô số công đoạn khác nhau, đòi hỏi phải tìm hiểu rất nhiều.
Chọn kit
Đầu tiên là chọn form factor và layout cho chiếc bàn phím của mình sao cho phù hợp với thói quen sử dụng và công việc của bạn và thiết kế của chiếc bàn phím. Bàn phím cơ custom có tất cả các form từ cơ bản (60%, 80%, 100%) đến những loại dị như 40%, 65%, 90%, v.v…
Tiếp theo là thiết kế và chất liệu của case. Với kit bằng nhựa thì form sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phím và khá dễ chơi nhưng với kit bằng nhôm, form càng nhỏ sẽ cho âm thanh các phím đồng đều hơn khi gõ.
Chọn switch và keycap
Việc chọn switch nào dựa trên khẩu vị của mỗi người và tốt nhất nếu có cơ hội thì nên thử qua trước khi quyết định chọn cho chiếc bàn phím của mình.
Keycap có rất nhiều profile khác nhau và mỗi profile sẽ cho cảm giác gõ đã nhất trên một số kiểu switch nhất định. Tuy nhiên các phím có thể mix với nhau vì bàn phím cơ custom hướng đến việc custom cảm giác và âm thanh gõ phím cho riêng từng người.
Mod
Lube switch là việc đầu tiên cần phải làm sau đó mới đến các mod khác tùy vào nhu cầu. Lý do là vì bạn cần những chiếc switch đã mod xong để test bàn phím trước khi lắp ráp hoàn chỉnh.
Chọn vật liệu làm plate
Nhôm, đồng, polycarbonate là 3 loại vật liệu dễ trang bị nhất cho bàn phím custom. Tùy theo loại switch mà bạn chọn, bạn có thể chọn plate cho phù hợp. Chẳng hạn với các loại switch đáy polycarbonate sẽ cho âm đanh và cao, bạn có thể chọn plate đồng hoặc nhôm để âm thanh trở nên clacky nhiều nhất có thể. Với switch có đáy nylon hoặc POM âm thanh trầm hơn sẽ hợp với plate polycarbonate. Hoặc bạn cũng có thể mix chéo để tìm ra thứ mà bạn thích nhất vì thú chơi bàn phím cơ custom không hề có giới hạn nào cả.
Lắp ráp
Trước khi lắp ráp hoàn chỉnh, chúng ta có thể test thử trước. Bạn có thể bỏ case foam, PCB foam để test âm thanh xem bạn thích như thế nào.
Sau khi đã thiết lập xong bàn phím, thì cuối cùng là cảm nhận thành quả.
Bàn phím custom pre-built
Nghe thì rất nhiều điểm mâu thuẫn, đã custom lại còn pre-built. Nhưng thực sự trên đời đang tồn tại một loại bàn phím như vậy.
Thú chơi bàn phím custom đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Một số tên tuổi như Keychron hay Glorious đã tham gia thị trường này, và đưa ra những mẫu bàn phím, mà có thể nói những mẫu bàn phím này đã xóa bỏ khoảng cách giữa bàn phím custom và bàn phím pre-built. Gần đây, các “pháp sư Trung Hoa” liên tục đưa ra thị trường những mẫu bàn phím thuộc dạng này, khiến cho thú chơi bàn phím custom dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều.
Một bàn phím custom đúng nghĩa thì thường không được bán ở dạng đầy đủ mà bán dưới dạng kit, chỉ bao gồm case, PCB và plate. Những thứ này cũng có thể mua lẻ được, cho phù hợp với nhu cầu của từng người. Thế nhưng, mua kit là phương án đơn giản hơn, vì tìm 3 linh kiện rời có thể lắp vừa với nhau không phải chuyện dễ dàng.
Những thứ khác như switch, keycap, stab cần phải được mua riêng. Một số bộ kit có thể bàn kèm những thứ này luôn, cho người dùng có thể mua chúng thuận lợi nhất. Bàn phím custom thường phải mua dưới dạng group buy, một cách gọi khác của pre-order. Nghĩa là người dùng sẽ đặt trước sản phẩm và chờ nó được sản xuất. Thời gian nhận hàng sẽ kéo dài vài tháng, có lúc lên tới cả năm.
Bàn phím custom là những linh kiện rời và cần phải được lắp ráp (gọi là assemble). Tùy vào từng bàn phím cụ thể (có hot-swap hay không) mà việc lắp ráp này sẽ khác nhau. Với những bàn phím không có hot-swap thì bắt buộc phải hàn switch vào PCB.
Cũng vì là những linh kiện rời, sau khi mua về mới lắp ráp và bàn phím custom rất dễ mod. Người dùng hoàn toàn có thể mod hay tune bàn phím để cho ra âm thanh và cảm giác gõ theo đúng sở thích của bản thân. Đây là điểm vô cùng quan trọng, là điểm quan trọng nhất khiến người ta tìm đến thú chơi bàn phím custom. Vì “gu” của mỗi người một khác, và bàn phím custom có thể dễ dàng đáp ứng “gu” của người chơi.
Bàn phím pre-built thì không cần phải nói rồi, đây là loại bàn phím phổ biến nhất trên thị trường. Mua về và dùng luôn, không cần lắp ráp phức tạp. Các mẫu bàn phím pre-built có nhiều biên phản khác nhau về ngoại hình, switch cho người dùng lựa chọn.
Bàn phím pre-built thường rất khó mod hay tune. Những việc đơn giản như mod stab cũng trở nên phức tạp với bàn phím pre-built. Lợi ích lớn nhất của bàn phím pre-built là chúng luôn có sẵn, có thể mua bất cứ lúc nào. Nhiều người không thể chờ vài tháng cho đến cả năm để nhận bàn phím được, thì bàn phím pre-built là lựa chọn của họ.
Thế nhưng, có cầu thì sẽ có cung. Cùng với sự phát triển của thị trường, ngày càng nhiều bàn phím pre-built trang bị những tính năng của bàn phím custom.
Lấy ví dụ bàn phím Keychron Q1, nó là một bàn phím pre-built nhưng có đầy đủ đặc điểm của bàn phím custom. Không chỉ là gasket mount, nó còn có hot-swap, stab PCB screw-in và hỗ trợ VIA. Đây đều là những tính năng của bàn phím custom, và rất hiếm xuất hiện trên những bàn phím pre-built thông thường. Không chỉ vậy, về cấu tạo, bàn phím Q1 không khác gì một bàn phím custom đã được assemble và bán đến tay người dùng.
Đương nhiên, những bàn phím như vậy cũng rất dễ dàng để mod hay tune. Dù là bàn phím pre-built nhưng rõ ràng chúng được thiết kế để custom. Vì vậy, tôi tạm gọi chúng là những bàn phím custom pre-built.
Các cấp độ chơi bàn phím cơ custom
“Chiếu mới”
Đây là những chú ong mới vào nghề chơi, mới thử nghiệm vài bước căn bản để tự custom bàn phím bằng việc thay keycap lẻ, thay keycap set, chơi phím artisan cho bàn phím của mình.
Thật lòng mà nói thì đây chưa phải là custom keyboard, chỉ là mấy màn đổi màu đổi hình dạng bên ngoài cho vui thôi, còn tất cả những phần bên trong khác thì chưa hề đụng chạm gì. Nhưng để nuôi dưỡng đam mê và có căn cơ cho những bước đi tiếp theo thì khâu này hầu như ai cũng đã từng đi qua, thậm chí có thể kéo dài rất lâu.
Chuyên sâu
Dân chơi trong khu vực này sẽ có nhu cầu tự tạo ra chiếc bàn phím độc lạ cho riêng mình trên một nền tảng kit có sẵn. Từ đây họ có thể tùy ý gắn thêm plate, case, keycap, switch theo ý muốn của mình cùng những món chi tiết tùy chỉnh khác nữa như stab, lube, v.v…
Ai đi tới cấp độ này sẽ có ít nhất một chiếc bàn phím cơ hot-swap, giúp thay đổi, gắn gắp switch mà không cần hàn hay rã hàn.
DIY
Đây là mức độ đỉnh cao của dân chơi, là mức độ đúng nghĩa nhất của từ “custom”. Ở mức này, người chơi sẽ phải tự làm toàn bộ từ A~Z. Điều đó yêu cầu người chơi phải có kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm mọi thứ, kể cả những công việc về điện tử, bán dẫn vốn rất phức tạp và nhiều rủi ro.
Thành phẩm làm ra là một chiếc bàn phím không đụng hàng, có 1-0-2 từ kích thước, tới hình dáng, các chi tiết kết nối trong và ngoài. Thế nhưng, để đến được mức độ này phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Vì vậy, không phải dân chơi nào cũng chơi đến mức này.
Thực ra không có kỹ năng vẫn có thể sở hữu một chiếc bàn phím DIY kiểu này. Một số dân chơi ngoài việc tự làm cho mình để sưu tập thì còn có nhận đặt hàng làm bàn phím cơ theo ý muốn hoặc bán lại chính sản phẩm mình đang dùng. Điều quan trọng là làm sao để gặp được những người như thế 😂.
Các trường phái chơi bàn phím cơ custom
Trong giới chơi bàn phím cơ custom (từ mức chuyên sâu trở lên) thì lại có nhiều trường phái chơi khác nhau. Mỗi trường phái sẽ chọn quan tâm đặc biệt tới một thành phần lớn trên chiếc bàn phím.
Người chơi hệ gõ
Với bàn phím cơ dù dạng nào thì switch là quan trọng nhất. Rất nhiều người chơi bàn phím cơ custom luôn bị ám ảnh bởi switch. Đặc điểm nhận dạng của các cao thủ hệ gõ thường là: kit căn bản được rồi, không cần quá cao cấp, plate, case ổn là được, keycap đơn điệu cũng không sao miễn profile hợp, mấy thứ phụ kiện linh tinh khác mỗi thứ có một mẫu là ok không cần phải quá nhiều.
Nhưng, riêng switch là phải một kho: từ Cherry, cho tới cloned như Kailh, Gateron, Outemu, rồi tới các switch là lạ hơn nếu săn được thì phải thử hết, cho hết vào bộ sưu tập như switch Romer-G, Razer switch hay các kiểu switch dành riêng cho bàn phím custom chỉ có bán trên các trang taobao, alibaba, amazon như golden pink switch, v.v…
Và khi gắn switch, họ còn có thể sáng tạo bằng cách kết hợp mix match một vài loại switch khác nhau trên cùng một bàn phím theo dụng ý nào đó. Ví dụ như theo cụm lực khác nhau của các ngón tay hay đơn giản là theo phím ký tự yêu thích.
Niềm đam mê vô bờ bến này đến từ khao khát cảm nhận của đôi tay. Mỗi một loại switch đều ít nhiều cho cảm giác gõ khác nhau, chưa kể các loại không phải cơ thuần chủng thì còn khác nữa. Cho nên khi tay chạm vào một switch mới, cảm nhận cũng vì thế mà được đa dạng hơn, tạo thêm nhiều hưng phấn hơn trong quá trình làm việc và sử dụng.
Người chơi hệ nhìn
Nhóm này muốn chơi để biết bàn phím cơ custom như nào. Và mục đích cuối cùng là để trưng bày niềm đam mê của mình và đa dạng hóa bộ sưu tập ở nhà. Cho nên phần cứng sao cũng được, ổn là được. Nhưng bù lại, dân chơi thuộc nhóm này có một số chuyên custom bàn phím để dùng cho công việc thường ngày thì luôn đòi hỏi switch phải xịn và đi đôi với keycap cũng phải rất gì và này nọ, có tí màu sắc độc đáo càng hay.
Đặc điểm nhận dạng là các bàn phím làm ra rất độc đáo, đẹp lạ là tiêu chí đầu tiên, sau đó là cảm giác gõ (tùy người). Họ sẽ có thể sở hữu hàng chục bộ keycap khác nhau, còn keycap lẻ thì khỏi nói, switch thì có thể vài bộ thôi, nhưng cái nào đáng cái đó.
Người chơi hệ tổng thể
Nhóm này có đặc trưng là chuyên lùng các plate, case và PCB có chất liệu và thiết kế độc lạ. Plate thì thay vì dùng loại đồng, nhôm họ sẽ tìm tới gỗ, kim loại nặng loại chế tạo máy bay, hoặc chất liệu phi kim như nhựa cao cấp và mica.
Case thì không dừng lại ở loại nhôm hay nhôm pha đồng mà sẽ tìm tới case mica, case nhựa, độc lạ và thiết kế mới mẻ. PCB thì lùng vài loại có đèn rồi không đèn, rồi plateless thay vì thông qua một tấm plate để xem cảm giác gõ khác biệt thế nào.
Nói chung đây là dân chuyên chỉnh đổi phần cứng của toàn bộ bàn phím.
Mod (độ bàn phím)
Bàn phím cơ dựng sẵn (gọi là pre-build hoặc stock) không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Nhiều người muốn bàn phím trở nên “ngon” hơn (gõ sướng hơn, nhìn đẹp hơn), nên đã độ (mod) lại bàn phím của tôi. Chính những việc này giúp bàn phím trở nên phù hợp hơn, gõ tốt hơn và cũng gây nghiện hơn.
Thay keycap
Đây là một việc tương đối dễ và ai cũng có thể làm được. Tất cả những gì bạn cần là một bộ keycap tốt và dụng cụ tháo keycap.
Thay switch
Switch đi kèm không thực sự tốt, hoặc bạn muốn thay đổi riêng một vài phím, thì thay switch là việc bạn cần làm. Tuy nhiên việc thay switch có thể sẽ khá là khó khăn nếu như bàn phím không có hot swap và cần phải rã hàn và hàn lại (không phải ai cũng biết làm việc này).
Nêu như bàn phím hỗ trợ hot swap thì đơn giản rồi, việc thay chắc chỉ mất 30 phút. Trên thị trường có vô số hãng sản xuất switch với chất lượng khác nhau, nếu bạn có budget tốt thì có thể nhắm đến những dòng cao cấp của ZealPC, Kailh, Gloriuos hay Cherry MX.
Lube switch
Lube switch chính là giải pháp được nhiều người áp dụng để nâng cấp switch đang có (mà không phải mua thêm). Lube là việc bôi mỡ (grease) chứ không phải dầu (oil) hoặc pha trộn giữa mỡ và dầu và switch giúp nó trơn tru hơn, mượt và ổn định hơn. Thực ra không hãng sản xuất switch nào lại thiết kế switch của mình cần lube, nên không có cách lube nào là chuẩn, cũng không có loại mỡ nào là chuyên dụng dùng để lube bàn phím cả.
Đây hoàn toàn là do dân chơi tự nghĩ ra. Mỡ dùng để lube hầu hết là loại PTFE an toàn cho nhựa, đây là loại mỡ thường dùng cho máy móc có độ chính xác cao, máy móc ngành thực phẩm yêu cầu an toàn khi sử dụng. Theo nhiều người, lube sẽ thay đổi hoàn toàn cảm giác gõ và cả âm thanh. Một khi đã quen lube rồi thì khó mà dùng switch không lube được nữa.
Dưới đây là những loại dầu/mỡ được cộng đồng đánh giá cao khi lube switch. Các loại khác nhau sẽ khác nhau về độ nhớt. Sử dụng loại nào hoàn toàn theo cảm nhận của mỗi người, chứ không có công thức nào là hoàn hảo.
- Tactile: nên sử dụng loại dầu ít nhớt, lube mỏng như Krytox 105.
- Linear: Các loại mỡ có độ nhớt cao như Krytox 205G0 hoặc pha trộn giữa Krytox 205G0 và Krytox 105 theo tỉ lệ nhất định sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Tỉ lệ này không thống nhất, người thì 2:1, người thì 1:1 tùy cảm nhận và cũng tùy vào switch.
- Clicky: thông thường thì clicky không nên lube.
- Lò xo: nên chọn một loại nhớt chỉ số cao như permatex.
Một số hãng chạy theo thị hiếu người dùng đã lube sẵn bàn phím của họ (gọi là pre-lube). Tuy nhiên, việc lube mang tính chất công nghiệp như vậy được đánh giá có chất lượng không cao, và người dùng vẫn phải tự lube lại (thậm chí còn mất công hơn không lube vì phải rửa chỗ mỡ đã lube sẵn rồi mới lube lại được).
Hiện trên thị trường có rất nhiều những người đam mê phím cơ (hay gọi thô thiển hơn là thợ) cung cấp dịch vụ lube switch nếu như bạn không muốn tốn kém thời gian của mình hay bạn không có đủ dụng cụ để làm việc này. Vì cũng giống như thay switch việc đầu tiên của lube switch là bạn phải tháo switch ra khỏi bàn phím. Nó cũng sẽ khá đơn giản nếu như bàn phím bạn hot swap còn nếu không thì cũng phải rã hàn và hàn lại.
Dán film
Việc sản xuất hàng loạt (nhất là với các dòng giá rẻ) thì sản phẩm sẽ có chất lượng không đều. Những switch được sản xuất sai lệch một chút, dù rất nhỏ nhưng khi lắp vào sẽ khiến nó không được khít và rung lắc rất mạnh khi gõ. Việc dán film vào switch sẽ giải quyết vấn đề này.
Cũng giống như lube switch việc dán film vào switch cũng đòi hỏi một lượng lớn thời gian và bạn cũng cần phải tháo switch ra để có thể đặt film vào giữa 2 housing.
Stabilizer Mod (Clipping, Cân wire, Band aid)
Những phím dài (spacebar, backspace, enter, shift) để không bị cập kênh khi gõ đều được lắp thêm stabilizer (gọi tắt là stab). Thế nhưng không phải stab nào cũng đủ tốt ngay từ đầu (mà phần lớn là cần mod). Mod stab là một trong những điều đầu tiên bạn nên làm trước khi đưa bàn phím vào sử dụng, nó không những tạo cảm giác gõ tốt hơn mà âm thanh của cá phím dài cũng hay hơn.
Mod này khá đơn giản, bạn chỉ cần cắt phần chân thừa của stem stab, sau đó dán band aid vào những vị trí stab tiếp xúc với PCB và Plate. Cân wire là nắn lại thanh sắt cho nó thẳng, wire không thẳng sẽ dẫn đên tình trạng những phím dài khí gõ nhẹ lên sẽ có tiếng sắt và chạm kêu cạch cạch.
Lưu ý rằng, những kiểu mod này áp dụng cho stab của Cherry và các biến thể của nó. Hiện tại trên thị trường còn có stab của Costar với cấu tạo khác đi nhưng tôi không tìm được hướng dẫn hay chia sẻ nào về cách mod stab loại này.
Sử dụng Desk Pad
Sử dụng Desk Pad cho bàn làm việc một phần nào đó cũng sẽ giúp bạn giảm bớt phần âm vang cũng như cải thiện âm thanh mỗi khi bạn gõ phím. Vì được đặt trên một tấm đệm nên bàn phím của bạn sẽ ít rung hơn dẫn đến ít vang hơn. Ngoài ra Desk Pad cũng một phần giúp bảo vệ phần gôm cao su của đáy bàn phím và làm đẹp cho bàn làm việc của bạn.
Tape Mod
Tape mod có thể nói là một trong những mod dễ làm nhất để thay đổi âm thanh cho bàn phím (thường theo hướng trầm hơn, to hơn). Tất cả bạn cần chỉ là một cuộn băng keo giấy 3M (nhất định phải là loại này, dùng loại khác sau một thời gian keo chảy ra gây hỏng bảng mạch), loại bảng lớn càng tốt, dán băng keo giấy che toàn bộ mặt đáy của PCB là xong. Tape mod giúp cản ẩm thanh đi xuống phần bottom case, khiến âm bị dội ngược lên trên (nên sẽ vang hơn, to hơn) thêm vào đó nó cũng làm giảm dư chấn khi lo xo stem đẩy ra.
O-ring
Gắn thêm O-ring vào keycap là một trong những cách tốt nhất để cải thiện âm thanh cũng nhu giảm độ ồn của bàn phím. Bạn đơn giản chỉ cần nhét O-ring vào trong lõi keycap rồi gắn keycap vào switch là được. Cũng có người không thích sử dụng loại mod này vì nó có thể sẽ tạo cảm giác keycap bị lắc, hành trình bị rút ngắn gõ không sướng và âm không được nét.
Foam tiêu âm
Sử dụng foam tiêu âm cho bottom case là một trong những phương án để cách âm hiệu quả nhất. Bạn chỉ cần tháo PCB ra khỏi keyboard, lót một lớp foam (nhanh nhất là lấy tấm xốp bọc khi giao hàng cắt ra) dầy khoảng 2-3mm vào dưới bottom case, vậy là xong.
Tuy nhiên mod này cũng có nhiều biến thể dựa trên nhiều vật liệu cách âm khác nhau. Có người lót foam đáy, lót foam PCB, có người sử dụng foam mềm, có người sử dụng foam PE, có người sử dụng tấm cao su, hay thậm chí trên Youtube còn có những modders sử dụng silicone lỏng (không khuyến khích làm theo).
Sử dụng USB Cable custom
Nếu như bạn muốn keyboard của mình đóng một vai trò quan trọng trong setup bàn làm việc thì một sợi USB Cable custom là một sự lựa chọn hoàn hảo. USB Cable custom có nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau giúp cho việc kết nối màu sắc các thành phần trên bàn làm việc cũng trở nên liền mạch hơn.
USB Cable hiện được chia theo 2 dạng là dạng dây thẳng hoặc dạng xoắn (như dây điện thoại bàn ngày xưa). Tuỳ theo sở thích và không gian mà bạn lựa chọn phù hợp. Loại xoắn hay được dân chơi chọn vì nhìn đẹp hơn, thường có giá đắt hơn tuy nhiên sau một thời gian dài sử dụng nó có thể sẽ bị giãn ra và không còn được bắt mắt như ban đầu.
Các thương hiệu bàn phím cơ
Các thương hiệu bàn phím cơ thì rất nhiều, không thể kể hết ra được. Ở đây chỉ kể ra một số tên tuổi tiêu biểu.
Realforce
Realforce là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ hiệu đến từ Nhật Bản (hãng Topre sản xuất switch cùng tên). Realforce mang đầy đủ những gì mới nhất, tốt nhất mà switch Topre có lên mỗi sản phẩm của mình. Từng phím bấm trên bàn phím Realforce đều sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung (elestrostatic capacitive) không chạm (contactless) nên cảm giác nhấn trên loại switch này khó mà tìm thấy trên các loại switch cơ thông thường. Cơ chế độc đáo trên các switch của bàn phím Realforce nên chúng rất khó hư hoặc gặp một số vấn đề như double click, nhảy phím, v.v…
Các hãng bàn phím Nhật Bản có hệ phụ kiện tương thích nhau. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng kê tay Filco hoặc nắp đậy bụi của Filco cho bàn phím Realforce và nhìn rất hợp lý, sử dụng cũng thoải mái nữa.
Leopold
Leopold là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ đến từ Hàn Quốc. Thương hiệu bàn phím cơ này luôn đáp ứng trọn vẹn những mong chờ của khách hàng khi không những sản phẩm chất lượng hoàn thiện mà còn mức giá siêu phải chăng. Làm mưa làm gió trong ngành game bởi những tính năng, công dụng vô cùng hữu hiệu. Bàn phím cơ Leopold sở hữu trong mình tính năng tốt và cũng rất chịu khó cải tiến.
Kiểu dáng phong phú, đặc biệt keycap luôn làm bằng chất liệu PBT tốt nhất hiện nay, áp dụng công nghệ keycap PBT double shot. Keycap Leopold được đánh giá là keycap stock (keycap đi theo bàn phím) tốt nhất hiện nay và rất được săn đón mỗi khi có người tách ra bán riêng.
Vào thời điểm năm 2023, thì có vẻ bàn phím tách ra từ Leopold đã không còn được đánh giá cao nữa rồi, khi mà các bộ phím clone ngày càng có chất lượng cao hơn.
Mistel
Là thương hiệu đến từ Đài Loan. Hãng luôn cố gắng tạo ra trải nghiệm sử dụng sản phẩm thoải mái hơn cho khách hàng nhờ chất lượng build sản phẩm độc đáo. Mistel là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ cao cấp ngang tầm Leopold hay Filco.
Filco
Filco là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ đến từ Nhật Bản (sản xuất ở Đài Loan). Các bàn phím cơ Filco rất bền và ít bị hư hỏng vặt trong thời gian sử dụng. Về phụ kiện, Filco có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ bạn gõ phím thoải mái hơn như kê tay và keycap. Ngoài ra cũng có một số phụ kiện giúp bạn giữ vệ sinh bàn phím của mình như bộ vệ sinh, keypuller, cọ, v.v… giúp trải nghiệm của bạn với bàn phím cơ thêm phần thoải mái và an tâm với xuất xứ Nhật Bản.
Varmilo
Một thương hiệu bàn phím mới trên thị trường đến từ Trung Quốc, tuy nhiên chất lượng được đánh giá tương đương Leopold hay Filco. Hãng đang rất nổi bật với các bàn phím chất lượng cao, keycap PBT và thiết kế hoa văn độc đáo mà không hãng nào khác có.
Akko
Akko là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ đến từ Đài Loan. Phân khúc giá sản phẩm của hãng này là phân khúc thấp và trung cấp. Sử dụng switch đa dạng (Cherry và Akko), thiết kế bắt mắt, nhiều form factor phù hợp với mọi đối tượng. Vậy nên chính ngay tại Việt Nam đây là hãng bàn phím cơ phù hợp nhất với túi tiền của nhiều người.
Logitech
Logitech là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ nổi tiếng có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ. Trên thị trường công nghệ, Logitech chiếm thị phần khá lớn về các thiết bị ngoại vi. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của thương hiệu này đã có mặt ở rất nhiều nước khác nhau với mẫu mã phong phú. Tuy nhiên riêng lĩnh vực phím cơ từ Logitech lại không được đánh giá cao (bàn phím membrane của Logitech lại rất tốt) do quá ưu tiên những tính năng thừa (như LED) trong khi chất lượng build lại thấp (so với giá).
Steelseries
Steelseries là thương hiệu chuyên sản xuất gaming gear nổi tiếng đến của Đan Mạch. Thao tác cực kỳ chính xác, nhẹ nhàng, êm ái, độ bền bàn phím cao hơn rất nhiều so với những loại bàn phím thông thường. Tuy nhiên bàn phím này được cho là dành cho game thủ (hoặc những người thích LED màu mè) chứ không dành cho đại chúng. Cùng với số tiền bỏ ra cho bàn phím gaming, người dùng có thể có rất nhiều lựa chọn tốt hơn khác.
Corsair
Corsair là thương hiệu sản xuất gaming gear đến từ Mỹ. LED là một truyền thống của Corsair khi các sản phẩm của họ luôn hướng đến sự màu mè nhất có thể. Đèn nền RGB có mặt trên tất cả sản phẩm giúp bạn thoải mái phô trương góc chơi game siêu ngầu của mình. Cũng như Steelseries, sản phẩm của Corsair không phải dành cho số đông, đặc biệt switch không lắp vừa các bộ keycap phổ biến trên thị trường.
Keychron
Keychron là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ đến từ Trung Quốc. Với phân khúc giá rẻ, Keychron đang hướng đến danh hiệu bàn phím cơ giá rẻ dành cho người mới tìm hiểu về bàn phím cơ. Chất lượng hoàn thiện, cảm giác gõ không thật sự đặc sắc lắm nên hãng hay được gọi với tên là Keytroll 🤩 hay key chuông.
Fuhlen
Fuhlen là thương hiệu sản xuất bàn phím cơ hiệu đến từ Trung Quốc (thương hiệu này nổi tiếng với chuột sử dụng switch quang bất tử). Fuhlen nhắm tới việc mang đến cho khách hàng những phụ kiện máy tính có thiết kế đẹp, đảm bảo chất lượng nhưng có giá thành hợp lý. Công ty sở hữu một đội ngũ R & D chuyên nghiệp và có đủ khả năng cung cấp các giải pháp công nghệ mạnh mẽ cho lĩnh vực bàn phím và chuột.
Tôi đã mua bàn phím nào
Filco Majestouch Ninja (Blue switch)
Filco là thương hiệu tôi chọn vì nhiều yếu tố khác nhau.
Đầu tiên là tôi đang ở Nhật, nên mua một thương hiệu Nhật (tuy sản xuất ở Đài Loan) là lựa chọn đúng. Đồ điện tử của Nhật từ xưa đã nổi tiếng có chất lượng tốt và độ bền tuyệt vời. Ngoài ra, khác với thị trường Việt Nam, Filco ở Nhật có giá rất hợp lý và thấp hơn nhiều các thương hiệu khác.
Tiếp nữa là tôi thích bàn phím cơ cổ điển với các switch Cherry bên dưới. Dù có rất nhiều seeder cũng như người chơi khen nhiệt tình switch của các hãng Trung Quốc, thì tôi vẫn có niềm tin rằng, bản gốc luôn tốt hơn clone. Hơn nữa, có nhiều ý kiến nói rằng các switch lắp cho bàn phím Filco được lựa chọn kỹ từng switch một nên chất lượng về cơ bản là tốt.
Ngoài ra thì bàn phím Filco về thẩm mỹ rất hợp với tôi: một bàn phím với thiết kế tiêu chuẩn, rất đơn giản và không màu mè. Hơn nữa, Filco vẫn được đánh giá là “ăn chắc mặc bền”. Và một bàn phím bền với thời gian thì rất đáng để đầu tư.
Dòng Majestouch của Filco chỉ có 2 form để lựa chọn là full size và TKL. Tôi đã chọn TKL vì cần sự nhỏ gọn trong khi dãy phím số hầu như không dùng tới. Ngoài ra, thì dù ở Nhật nhưng không chọn layout JIS mà vẫn chọn layout ANSI. Vì công việc của tôi chủ yếu là lập trình, mà layout ANSI có cách sắp xếp các ký tự đặc biệt, nhất là dấu nháy ' làm tôi gõ thoải mái hơn.
Tôi vẫn phải gõ tiếng Nhật, nhưng gõ kiểu Romaji nên layout ANSI là đủ. Tôi không gõ kiểu Kana nên không có lý do gì phải hy sinh sự thoải mái để đổi lấy một layout nhiều hơn vài phím mà không để làm gì. Thực ra thì layout JIS vẫn có tác dụng là có phím chuyển đổi nhanh giữa kiểu gõ tiếng Anh và tiếng Nhật, nhưng tôi đã đặt phím tắt để gán việc đó cho các phím khác nên cũng tiện chẳng kém gì cả.
Tôi chọn Blue switch vì nó phù hợp với nhu cầu lập trình (do nhiều người bảo clicky hoặc tactile thích hợp với việc đánh văn bản hơn). Và đúng là Blue rất thích hợp. Nó cho phản hồi chính xác khi nào phím đã nhận, cả ở cảm giác tay lẫn âm thanh. Thế nhưng âm thanh của nó lại là vấn đề với tôi.
Lúc đầu tôi nghĩ tiếng clicky của nó chỉ ngang tiếng click chuột, thế nhưng tôi đã nhầm. Nó to hơn nhiều, và hơn nữa, khi gõ thì hàng trăm tiếng click mỗi phút lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tôi đã từng gõ thử Blue nhưng hoàn toàn không nhận ra vấn đề, vì không gian khi gõ thử và thật hoàn toàn khác nhau.
Nếu dùng bàn phím này ở văn phòng công ty thì không vấn đề gì. Vì văn phòng công ty tôi không quá yên tĩnh. Thế nhưng do dịch bệnh nên tôi làm việc ở nhà là chính. Và tiếng lạch cạch từ bàn phím sẽ vang khắp cả nhà. Tôi không muốn làm phiền vợ con nên dù rất thích cảm giác gõ của Blue nhưng vẫn phải đổi sang loại khác.
Một vấn đề khác nữa tôi nhận ra sau khi dùng Blue đó là dùng nhiều sẽ rất mỏi tay, đặc biệt những lúc nhiều việc phải gõ liên tục. Nguyên nhân có lẽ là do khấc clicky khiến tôi phải ấn mạnh hơn để vượt qua điểm đó, nếu ấn liên tục cũng không dễ chịu lắm.
Một khuyết điểm nữa của Blue là tốc độ gõ của nó sẽ bị giới hạn. Tôi cảm thấy rằng, ở tốc độ gõ bình thường (khoảng 60-70 từ/phút) thì gõ Blue rất sướng. Nhưng những lúc cần gõ nhanh và liên tục thì Blue lại là một cản trở. Tôi cảm thấy phím nảy lên không đủ nhanh (có lẽ cũng do cái khấc), đặc biệt là khi phải gõ phím nào hai lần (ví dụ cần gõ tiếng việt các chữ cái â, ô, ê) thì tôi thấy bàn phím không đáp ứng được yêu cầu.
Tất nhiên là nhu cầu về việc gõ nhanh và liên tục như vậy không nhiều, chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Và kể cả trong những lúc như thế, gõ chậm lại một vài nhịp cũng có thể chấp nhận được nên đây không phải là vấn đề gì quá lớn.
Ngoài những vấn đề đó thì những điểm khác của bàn phìm hoàn toàn tốt đối với tôi. Cảm giác gõ tốt, keycap chạm vào thích hơn hẳn các bàn phím mà tôi đã từng dùng. Dù cho nhựa ABS sẽ bóng lên sau một thời gian sử dụng, thế nhưng tôi vẫn chưa đến giai đoạn đó nên chưa biết thế nào, nhưng hiện tại thì tôi không thấy vấn đề gì cả.
Kiểu in ký tự Ninja rất lạ mắt cho cảm giác độc lạ. Lúc đầu trông khá nguy hiểm, khi mới nhìn vào sẽ có cảm giác người dùng rất pro vì bàn phím đen hết, không có một ký tự nào. Thế nhưng đó chỉ là cảm giác ban đầu thôi, chứ về cơ bản bàn phím chỉ có tôi dùng chứ có ai nhìn vào đâu mà cần cool ngầu.
Filco Majestouch 2 (Black switch)
Khó mà tiếp tục dùng Blue switch nên tôi quyết định đổi sang linear. Nguyên nhân là theo nhiều ý kiến của dân chơi lâu năm thì linear phù hợp để end game. Nhiều người mới chơi cũng dùng clicky rồi dần dần đổi sang linear hết. Tôi thì không thể nào cứ thử hết bàn phím này đến bàn phím khác được nên mua luôn linear.
Tôi mua luôn Black switch chứ không phải Red 😄 vì nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Black là switch đầu tiên của Cherry, được sản xuất từ năm 1984 nên có tính “lịch sử” hơn hẳn. Trong khi đó, red mới xuất hiện từ năm 2008 (sau cả Blue và brown).
- Dù có rất nhiều người khen switch Tàu và chê Cherry nhưng tuyệt nhiên không ai chê Black cả, mặc dù tôi thấy Black và Red chỉ khác nhau lò xo. Thế nên tôi chọn Black cho lành.
- Lực ấn của Black nặng hơn, nhưng không phải vấn đề với tôi vì lực kích hoạt cũng chỉ ngang Blue. Hơn nữa, lực mạnh hơn thì nảy lên nhanh hơn, sẽ cho tốc độ gõ cao hơn. Đây là vấn đề tôi đã gặp với Blue nên chọn Black là hợp lý.
Lần này tôi chọn bàn phím với kiểu in ký tự bình thường. Filco dùng kỹ thuật in laser, cũng không phải công nghệ tiên tiến gì cho lắm. Tôi chưa biết sau này nó bị bay màu hay không, nhưng trước mắt thì mọi thứ rất ổn. Font chữ đẹp, chi tiết in sắc nét, rõ ràng.
Bàn phím vẫn cho cảm giác bề mặt quen thuộc và tôi rất thích cảm giác này. Sau khi đổi sang kiểu truyền thống, tôi lại thấy thích kiểu này hơn kiểu Ninja. Biết nói sao nhỉ, kiểu kia cho cảm xúc nhất thời lúc ban đầu thôi chứ về sau lại không thích lắm, còn bàn phím này tôi thấy nó đẹp, đẹp kiểu truyền thống.
Tuy nhiên, chuyển từ Blue sang Black tôi mất một thời gian hụt hẫng ban đầu. Các phím gõ trơn tuột, chỉ có thể nhận biết các phím được kích hoạt dựa trên các ký tự hiển thị trên màn hình. Đã có lúc tôi nghĩ, đúng là linear không thích hợp để gõ văn bản thật.
Thế nhưng khi đã làm quen rồi thì gõ Black lại rất thích. Dù lực bottom out nặng (lên đến hơn 80g) nhưng tôi không gặp vấn đề gì, dù tay thuộc loại thư sinh. Tôi ít khi gõ bottom out mà chủ yếu gõ lướt, lực kích hoạt của Black cũng là 60g tương đương Blue, nhưng mà lực này được phân phối hợp lý hơn, nặng dần lên chứ không phải nhẹ rồi tăng đột ngột.
Bàn phím Filco dùng stab Costar. Đây có lẽ là một trong số rất ít bàn phím sử dụng stab loại này. Tôi thì không có nhu cầu mod gì nên cũng không quan trọng lắm. Mà tôi gõ thử thì các phím dài dùng stab của tôi đều ổn, không thấy lọc xọc gì cả.
Một điểm tôi nhận ra là các nhận xét về switch của Cherry sạn là rất đúng. Tôi chưa dùng switch nào khác nên khó so sánh, nhưng lúc mới mua về đúng là tôi có thể cảm nhận rõ ma sát cùng âm thanh của nhựa cọ xát vào nhau. Thế nhưng sau khoảng một tháng sử dụng, thì những thứ đó đã biến mất từ lúc nào (cũng chẳng rõ là hết sạn thật hay vì tôi đã quá quen rồi nữa 😂).
Nói chung tôi hoàn toàn hài lòng với những gì bàn phím này mang lại.
So với bản Ninja, thì bản này có một vài điểm khác biệt:
- Logo Filco màu xám chứ không phải đen.
- Đèn LED báo CapsLock và ScrollLock màu đỏ chứ không phải xanh.
- Bàn phím không có key puller tặng kèm, và đương nhiên cũng không có phím thay thế nào đi kèm. (Nếu mua trực tiếp trên trang của Diatec thì vẫn có nhưng sẽ đắt hơn một ít.)
Ngoài ra, thì đặc điểm chung của bàn phím Filco (có thể nói là nhược điểm) là nó không chịu đi theo các công nghệ mới. Ví dụ các bàn phím không dây Convertible vẫn dùng cổng micro-USB còn bàn phím của tôi thì vẫn dùng dây liền, trong khi rất nhiều hãng đã chuyển qua dùng dây rời và cổng USB-C rồi.
Ngoài lề: Cherry MX Black
Vì tôi đã mua một bàn phím dùng Cherry Black switch, nên cũng đã tìm hiểu qua về nó.
Khái quát
The Cherry MX Black switch là switch linear, lực ấn vừa thuộc dòng sản phẩm Cherry MX. Một phiên bản nặng hơn của switch này là Cherry MX Linear Grey có thể được sử dụng làm switch cho dấu cách trong những bàn phím sử dụng Cherry Black.
The Cherry MX Black là một trong những switch đầu tiên được sản xuất hàng loạt. Ra mắt năm 1984, loại switch này đã tạo được dấu ấn sâu sắc ngay khi vừa phát hành. Đặc trưng là cho cảm giác trơn phím ấn mượt mà từ trên xuống dưới (theo nhiều người chơi thì kèm với sạn) và âm thanh không lẫn vào đâu được.
Mặc dù được xếp vào loại lực ấn trung bình, Cherry MX Black vẫn thuộc loại tương đối nặng tay trên thị trường hiện nay với lực kích hoạt 60g (60cN) và lực bottom out lên tới hơn 80g. Và cũng chính vì cần lực bấm mạnh để gõ phím, nên nhược điểm của Cherry Black là dễ gây mỏi khi sử dụng trong thời gian dài.
Các loại Cherry MX Black
Với một lịch sử lâu đời, Cherry MX Black đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau, có cả cải tiến và cải lùi. Dưới đây là các phiên bản khác nhau của Black.
Vintage Black
Đây là phiên bản đầu tiên được sản xuất từ năm 1984. Thời điểm đó, việc “bảo vệ môi trường” chưa được marketing như bây giờ nên vật liệu được sản xuất thời đó chứa nhiều teflon nên mượt mà hơn bây giờ. Hơn nữa, các switch này đã được burn in trong mấy chục năm nên cảm giác gõ mượt mà là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, đến đầu những năm 90 (không có thời gian chính xác, nhiều người cho là khoảng năm 92-93) thì hãng Cherry đã thay đổi vật liệu cũng như khuôn đúc. Vì vậy, thường mọi người đều coi Vintage Black là những switch Black được Cherry sản xuất trước năm 1990.
Old Black
Old Black có thể định nghĩa là các switch Cherry được sản xuất từ 1990 đến năm 2000. Giai đoạn này, Cherry đã thay đổi chất liệu và khuôn đúc, khiến switch không còn mượt như trước. Tuy nhiên, một switch Old Black được bấm đi bấm lại cả chục năm chắc chắn là cũng rất đáng để thử, và cũng mang lại cho bạn cảm giác bấm phê không thể tả.
Trash Black
Giai đoạn 2000-2016, có vẻ Cherry lại thay đổi chất liệu và khuôn đúc một lần nữa. Switch Cherry sản xuất trong giai đoạn này có chất lượng “không thể chấp nhận được”. Cộng đồng gọi là sạn vương, chúa tể sột soạt, kẻ hủy diệt máy burn-in. Cho dù có burn, có mod kiểu nào vẫn sạn khó chịu.
Việc phân biệt Old Black và Trash Black tương đối khó khăn nếu dựa vào năm sản xuất. Vì không có một dấu hiệu nào về ngoại hình để có thể biết được Cherry sản xuất switch đó vào năm nào. Thường người ta dựa vào độ mượt khi gõ để phân biệt. Nếu switch cherry được burn tay từ lâu, mượt thì gọi là Old Black, sạn thì gọi là Trash Black. Kể cả những switch sản xuất từ những năm 90 mà sạn thì vẫn là Trash Black.
Do đặc trưng của chất liệu, switch của Cherry luôn có độ “sạn”, không thể mượt được như các switch dùng chất liệu POM, kể cả Vintage Black. Vì vậy “sạn” hay “mượt” ở đây là lấy theo tiêu chuẩn của switch Cherry. Thế nhưng, chính độ sạn cùng âm thanh đặc trưng là thứ khiến cho nhiều người vẫn yêu thích và sử dụng các switch của Cherry.
Retooled Black
Sau khi nhận nhiều gạch đá từ người dùng và sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ các hãng Trung Quốc, Cherry đã cho ra đời một phiên bản Black mới. Loại switch này xuất hiện từ đầu năm 2017, trên một số loại bàn phím stock như Filco. Tiền tố Retooled là do người dùng tự thêm vào, chứ bản thân hãng vẫn chỉ dùng tên là Cherry Black thôi nhé.
Người dùng ngay lập tức cảm nhận được switch mới này có cảm giác gõ đã hơn hẳn so với các loại trước đó, hẳn là Cherry đã thực sự nghiêm túc trong việc R&D. Stem Black đã được cải tiến mới hoàn toàn (thế nên mới được gọi là Retooled), thành phần nhựa sản xuất có lẽ cũng được thay đổi kết quả là 1 sản phẩm cực kì thú vị đã được ra đời.
Có thể nhận biết switch Retooled khá đơn giản nhờ phần viền vát cạnh, so với dạng “bậc thang” của thiết kế cũ, ngoài ra ở trên đỉnh stems, chỗ phần chữ thập cũng có 1 vết lõm nhỏ hình giọt nước. Ngoài ra những switch retooled mới nhất cũng có logo chữ Cherry rất mảnh.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn, Retooled Black có chất lượng không đồng đều, và thường là sạn hơn theo từng lô. Nguyên nhân được đồn đoán là do khuôn đúc không được bảo dưỡng tốt.
Hyperglide Black
Năm 2020, Cherry công bố một công nghệ mới được gọi là Hyperglide cho phép tăng tuổi thọ các switch lên gấp đôi (từ 50 triệu lần bấm lên 100 triệu lần bấm). Cherry Hyperglide Black sử dụng khuôn mới giúp nó mượt mà hơn và quan trọng là chất lượng đồng đều hơn.
Tuy là nói thế, nhưng tôi đã tham khảo nhiều nguồn nhưng không chỗ nào chỉ ra được sự khác biệt của Retooled Black và Hyperglide Black, có lẽ switch vẫn dùng thiết kế cũ, chỉ là khuôn và cách thức đúc khác biệt mà thôi.
Các biến thể khác
Nixie
“Nixie” là từ mà dân chơi gọi loại switch Chery sản xuất cho hãng Nixdorf Computer. Đây là loại switch hiếm chỉ xuất hiện trên một vài mẫu bàn phím như Nixdorf CT06-CT07/2M Softkeys.
Nixdorf Computer là một hãng máy tính được thành lập tại Tây Đức từ năm 1952, đến giờ vẫn còn hoạt động (tái cơ cấu nhiều lần và giờ tên là Wincor Nixdorf). Sản phẩm của Nixdorf chủ yếu là các máy tính tiền siêu thị. Có một thời gian dài các loại bàn phím sử dụng trong máy tính Nixdorf được đặt hàng sản xuất bởi Cherry, nhưng có một sự khác biệt là phần top switch sử dụng nhựa màu trắng mờ, không phải màu đen như Cherry truyền thống.
Switch Nixie có cảm giác gõ giống với Vintage Black, nhưng do hiếm và nhìn bắt mắt (do phần top màu trắng mờ), nên có giá thành khá cao. Giá trung bình trên thị trường hiện nay là $7/switch, và đã có lúc vọt lên hơn $10/switch.
Clear-Top
Ngày 3/11/2022, Cherry tuyên bố sản xuất lại loại switch “Nixie” kinh điển, với tên gọi Cherry MX Black Clear-Top. Nó có lực ấn nặng hơn Cherry Black (63.5g) với phần top housing màu trắng đục và ít trong suốt hơn Nixie.
Theo nhiều đánh giá trên Internet (chủ yếu là đánh giá bản prototype) thì phiên bản Clear-Top tốt hơn các dòng switch khác của Cherry: ít rung lắc hơn, mượt hơn, lò xò ít bị ping hơn và được lube sẵn. Một vài người dùng bản thương mại lại đánh giá Clear-Top không khác gì Black, lực nhấn nặng hơn một chút nhưng không đáng kể.
Hirose
Hirose Cherry Precision (còn được gọi là Cherry Japan) là một công ty Nhật Bản sản xuất switch dưới sự đồng ý của Cherry. Các loại switch do Hirose sản xuất về cơ bản là giống Cherry Black, nhưng có nhiều màu sắc khác nhau, đặc trưng là màu nhựa hơi trong trong, màu phổ biến nhất là màu cam, ngoài ra còn có trắng, xanh, vàng, nâu.
Switch của Hirose hoàn toàn tương thích với Cherry MX, tuy nhiên chân stems có chút khác biệt nhỏ, rất thốn mỗi khi tháo/lắp keycap. Các loại switch này cũng đặc biệt hiếm, vì chỉ được dùng trong một vài loại phím được sản xuất tại Nhật như NCR20, Xerox 1109, Yamaha QX3.
Do hiếm nên giá loại switch này cũng đặc biệt cao. Đã có người bỏ ra $11 (chưa kể chi phí vận chuyển) để mua đúng 1 switch về trưng.
Cherry MX Super Black
Cherry MX Super Black là loại switch cực kỳ nặng, yêu cầu lực kích hoạt lên tới hơn 150g thay vì 60g như Black thông thường. Đây là phiên rất hiếm, chỉ xuất hiện trên khoảng 5 mẫu bàn phím khác nhau của chính hãng Cherry (ví dụ G80-1600, G80-2100), mỗi mẫu cũng chỉ xuất hiện 1~2 phím mà thôi.
Phiên bản rất nặng tay này được sử dụng cho các phím như chuyển đổi layer, các phím modifier để phòng tránh việc người dùng bấm nhầm nút. Nó không phải là nút được dùng trong các thao tác thông thường (thông thường, Cherry MX Dark Grey với lực kích hoạt khoảng 80g sẽ được dùng cho các nút cần lực nhấn nặng hơn, ví dụ dấu cách).
Về mặt hình thức hay cấu tạo, Super Black rất giống Black, chỉ khác nhau về lò xo. Hiện tại phiên bản đã ngừng sản xuất từ lâu, nhưng người hâm mộ cũng có thể mua phiên bản Black thông thường và thay lò xo (không chắc có loại lò xo nào như thế không) là cũng có thể có được cảm giác gõ tương tự Super Black.
Từ khóa » Board Mạch Bàn Phím Cơ Bluetooth
-
Board Mạch Bàn Phím Cơ Bluetooth | Shopee Việt Nam
-
Bộ Kit PCB/ Plate Bàn Phím Cơ GK64s (Bluetooth, RGB ... - Shopee
-
Bộ Kit PCB/ Plate Bàn Phím Cơ GK64s (Bluetooth ... - Mechkeyshop
-
Board Mạch Bàn Phím Cơ Bluetooth - BeeCost
-
Mạch Bluetooth Bàn Phím Chất Lượng, Giá Tốt 2021
-
Board Mạch Bàn Phím Cơ Bluetooth | Nông Trại Vui Vẻ - Shop
-
Mạch Bluetooth 5.0 Dùng Cho Bàn Phím Cơ NJ68 - Phong Vu PC
-
Nơi Bán Mạch Bàn Phím Giá Rẻ, Uy Tín, Chất Lượng Nhất - Websosanh
-
Tự Làm Bàn Phím Cơ đầu Tiên - Tân Một Nắng Blog
-
Bộ KIT GK61s DIY (Bluetooth)
-
TopList #Tag: Board Mạch Bàn Phím Cơ Bluetooth - Tôi Hướng Dẫn
-
Top 9 Mod Bluetooth Cho Bàn Phím 2022 - Cùng Hỏi Đáp
-
Sửa Mạch Bàn Phím Cơ Anne Pro 2 - YouTube
-
Tìm Hiểu Về Các Loại Plate Trên Bàn Phím Cơ - AKKO Gear
-
[TUTORIAL] Hướng Dẫn Cách Tự Build Một Bộ Bàn Phím Cơ Hoàn ...
-
Keyboard From Scratch: Từ A Tới Z - Huy's Blog