Khái Quát Chung Về Thuế Xuất Khẩu, Nhập Khẩu - Luật Phamlaw

Khái quát chung về thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Thuế xuất nhập khẩu (import – export duty) đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại thương của mỗi quốc gia.

Đây là công cụ quan trọng trong việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và bảo hộ sản xuất trong nước. Về mặt lý luận có nhiều phương pháp tính thuế XNK, mỗi quốc gia có thể lựa chọn cho mình những phương pháp tính thuế xuất nhập khẩu. Các quốc gia ngoài công cụ thuế quan, còn có thể sử dụng hàng rào phi thuế quan (như hạn ngạch nhập khẩu, tài trợ xuất khẩu, thu chênh lệch giá nhập khẩu, dùng bảng giá tối thiểu để áp hàng nhập khẩu…) để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một khi đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thì về nguyên các rào cản phi thuế quan phải được thực hiện để loại bỏ. Trong tiến trình hội nhập, đòi hỏi các quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc ràng buộc về thuế nhập khẩu và phải xác lập lộ trình để thực hiện các cam kết đó. Theo quan niệm của các nhà xuất nhập khẩu thì thuế quan được xem như là một loại chi phí vận chuyển. Nếu việc đánh thuế quan bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giá giữa hai thị trường của hai nước thì sẽ không có việc vận chuyển hàng hóa từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

>>> Dịch vụ kế toán thuế

>>> Dịch vụ quyết toán thuế

1. Khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Xét về phương diện kinh tế, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quan niệm là khoản đóng góp bằng tiền của tổ chức, cá nhân vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, khi họ có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới của một nước. Với cách tiếp cận này, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quan niệm như là một quan hệ phân phối các nguồn lực tài chính, phát sinh giữa các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp thuế với người thu thuế là Nhà nước. Mặt khác, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn có thể được hiểu như là đòn bẩy kinh tế hay biện pháp kinh tế để Nhà nước điều tiết trực tiếp đối với quá trình sản xuất, tiêu dùng trong phạm vi mỗi quốc gia và chi phối một cách gián tiếp đối với hoạt động kinh tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Xét về phương diện pháp lý, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể hình dung như là quan hệ pháp luật phát sinh giữa Nhà nước (người thu thuế) với tổ chức, cá nhân (người nộp thuế), theo đó các bên phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý đối với nhau trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quan hệ pháp luật này phát sinh từ cơ sở pháp lý là đạo luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Quốc hội ban hành mà hậu quả pháp lý chủ yếu của việc áp dụng đạo luật đó trong thực tiễn là làm phát sinh quyền thu thuế cho Nhà nước và nghĩa vụ đóng thuế cho các tổ chức, cá nhân là người nộp thuế.

Việc tiếp cận khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ góc độ pháp lý có nhiều ý nghĩa thiết thực, trước hết là giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về bản chất của thuế nói chung và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng, thực chất là một quyết định hành chính đơn phương của quốc gia đối với người đóng thuế, hay là một “thỏa thuận” song phương giữa người thu thuế với người nộp thuế? Trên cơ sở lí thuyết đó, giúp cho Nhà nước hoạch định và thực thi chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp hơn với quyền lợi của quốc gia và của người đóng thuế, xét trong mối quan hệ lợi ích với các quốc gia khác trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đặc trưng cơ bản của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

So với các loại thuế nội địa thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có nhiều điểm khác biệt. Những khác biệt này bắt nguồn từ bản chất và chức năng của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Các đặc trưng này bao gồm:

Thứ nhất, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hóa được phép vận chuyển qua biên giới.

Khái niệm “hàng hóa” là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể hiểu theo nghĩa thông thường, bao gồm các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng do con người sản xuất ra và được lưu thông trên thị trường bằng cách chuyển vào hoặc chuyển ra khỏi biên giới của một nước. Trong xã hội hiện đại ngày nay, xuất hiện ngày càng nhiều loại hàng hóa vô hình được chuyển vào hoặc ra khỏi biên giới một nước nhưng không phải bằng phương thức thông thường mà cơ quan Hải quan có thể kiểm soát được. Ví dụ điển hình cho những loại hàng hóa này chính là những sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin được giao dịch hàng ngày qua mạng máy tính toàn cầu (Internet). Ngoài ra, điểm rất đáng được lưu ý là những “dịch vụ” tuy cũng được xuất khẩu và nhập khẩu trên thực tế giữa các quốc gia nhưng hầu như pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước đều không quy định là một phần trong “đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. Có lẽ điều này xuất phát từ sự khó khăn của các cơ quan công quyền trong việc kiểm soát hành vi xuất, nhập khẩu đối với đối tượng là “dịch vụ”.

Thứ hai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không hoàn toàn là thuế trực thu hoặc thuế gián thu

Điều này thể hiện ở chỗ, khi một nhà nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu và tự tiêu dùng số hàng hóa nhập khẩu đó chứ không bán ra bên ngoài thì khi đó khoản thuế nhập khẩu đã nộp có tính chất là thuế trực thu, vì chính người nhập khẩu vừa là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Ngược lại, khi nhà nhập khẩu đã nộp xong thuế nhập khẩu và bán lại số hàng hóa đó cho người khác thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mua hàng chịu và do đó, khoản thuế nhập khẩu này lại có tính chất là thuế gián thu, bởi lẽ người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một.

Thứ ba, bảo hộ sản xuất trong nước và điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu

Chức năng này thể hiện sự khác biệt căn bản giữa thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với các loại thuế nội địa khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, trải qua thời gian, dưới sức ép của trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, chức năng bảo hộ nền sản xuất trong nước của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có xu hướng ngày càng giảm sút, để nhường chỗ cho chức năng tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngày nay, do chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước có xu hướng cắt giảm dần các mức thuế suất nhằm đáp ứng yêu cầu tự do hóa thương mại quốc tế nên có thể trong tương lai, ranh giới để phân biệt giữa thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế nội địa sẽ trở nên rất mong manh và thậm chí có thể bị “xóa nhòa” hoàn toàn, khi mà tự do hóa thương mại đã trở thành xu hướng tất yếu và mang tính hiện thực trên toàn thế giới.

3. Vai trò của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu  thể hiện ba vai trò cơ bản:

Một là, đối với hàng hóa nhập khẩu, do bị đánh thuế nhập khẩu nên về lý thuyết, giá cả của loại hàng hóa này trên thị trường nước nhập khẩu sẽ tăng lên, trong khi đó các hàng hóa được sản xuất trong nước, do không phải chịu thuế nhập khẩu (hoặc chỉ phải chịu thuế nhập khẩu cho phần nguyên liệu hay máy móc nhập khẩu) nên giá thành sản phẩm của loại hàng hóa này có xu hướng rẻ hơn và do đó có sức cạnh tranh lớn hơn đối với hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy việc đánh thuế nhập khẩu thực chất là một biện pháp để bảo hộ nền sản xuất trong nước, khi Chính phủ nhận thấy những bất lợi nghiêng về phía các hàng hóa được sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, đối với hàng xuất khẩu, do bị đánh thuế xuất khẩu nên việc tiêu thụ các hàng hóa này ở thị trường nước ngoài trở nên khó khăn hơn so với thị trường nội địa và khi đó, các hàng hóa này có xu hướng sẽ được tiêu thụ trong nước. Bằng cách này, Nhà nước đã bảo hộ một cách hữu hiệu cho thị trường tiêu thụ trong nước. Mặt khác, khi Nhà nước muốn khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa do nước mình sản xuất khi chúng được tiêu thụ trên thị trường nước ngoài thì thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ được quy định giảm đi, thậm chí là bằng không. Việc Nhà nước giảm thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn cho loại hàng hóa này trên thị trường quốc tế, so với hàng hóa cùng loại của những nước khác đang lưu thông trên thị trường.

4. Mục đích thực hiện chính sách thuế xuất nhập khẩu là nhằm

– Huy động nguồn lực tài chính cho Ngân sách nhà nước. – Hạn chế xuất khẩu các mặt hàng cần thiết và những loại vật tư, nguyên liệu quý hiếm để phát triển nền kinh tế trong nước, thỏa mãn nhu cầu thị trường hoặc bảo vệ môi trường sinh thái. – Thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nội địa. – Tăng cường hoặc hạn chế hàng hóa ra vào thị trường trong nước. – Thông qua công cụ thuế Nhà nước khuyến khích và thu hút đầu tư từ nước ngoài. Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu. – Góp phần hướng dẫn tiêu dùng trong nước. – Góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế.

5. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Theo điều 2 Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Điều 1 Nghị định 134/2016/NĐ-CP: Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm:

– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

– Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào thị trường trong nước.

– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩuthực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP  ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

– Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định của pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư.

6. Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

6.1. Người nộp thuế

Trong quá trình thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, việc xác định một cách chính xác ai là chủ thể nộp thuế có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Việc xác định đúng đối tượng nộp thuế không chỉ có tác dụng nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn góp phần tránh được các vi phạm pháp luật về thuế hoặc những tranh chấp trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể xảy ra giữa người nộp thuế với cơ quan thu thuế, vốn không phải khi nào cũng có thể giải quyết một cách dễ dàng.

Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:

1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:

a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;

c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;

d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;

đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;

e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.

6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.

7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 Trước đây, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 quy định người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là “tổ chức, cá nhân có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. Quy định này dù có tính khái quát nhưng trên thực tế có thể hiểu đó chính là người đứng tên làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa với cơ quan hải quan tại cửa khẩu.

 6.2 Người thu thuế

Về phương diện lý thuyết, tuy người có thẩm quyền thu thuế là Nhà nước nhưng trên thực tế, thẩm quyền này thường được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước khác nhau do Nhà nước thành lập ra để thực hiện vai trò là cơ quan thu thuế.

Trong lĩnh vực hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là Tổng cục hải quan (Điều 12 Luật Hải quan năm 2014, Khoản 1 Điều 17 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016).

Để thực hiện chức năng hành thu thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu một cách hiệu quả, Nhà nước không chỉ trao quyền cho Tổng cục hải quan với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính, mà còn trao quyền rộng rãi cho một số cơ quan hữu trách khác cùng phối hợp với Tổng cục hải quan trọng việc hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chẳng hạn như Bộ tài chính; Kho bạc nhà nước; Tổng cục thuế; ủy ban nhân dân các cấp… Trên nguyên tắc, do các cơ quan này cũng tham gia ở những mức độ khác nhau và với tư cách khác nhau vào quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên cũng được xem như là các chủ thể của quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Khái quát chung về thuế xuất khẩu, nhập khẩu? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (2 bình chọn)Có thể bạn quan tâm
  • Chém thuyền trưởng vì mâu thuẫn cá nhân
  • Xét nghiệm ADN vạch mặt những ông bố chối bỏ con
  • Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệpThủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp
  • Xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất ởXử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất ở
  • PhamLaw hướng dẫn thủ tục thông báo phát hành hóa đơn lần 2PhamLaw hướng dẫn thủ tục thông báo phát hành hóa đơn lần 2
  • Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013
  • Giải Thể Công Ty Tại Bắc Ninh Trọn Gói Nhanh Đúng LuậtGiải Thể Công Ty Tại Bắc Ninh Trọn Gói Nhanh Đúng Luật
  • Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đaiXử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đai
  • Thủ tục xét xử phúc thẩm đối với vụ án Dân sựThủ tục xét xử phúc thẩm đối với vụ án Dân sự
  • Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27 tháng 01 năm 2011Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27 tháng 01 năm 2011

Bài viết cùng chủ đề

  • Mẫu giấy ủy quyền thừa kế đất đai
  • Thủ Tục Giải Thể Công Ty Tại Đắk Nông Giá Rẻ Uy Tín Nhất
  • Thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề
  • Tìm hiểu về Hiến pháp
  • Thẩm quyền của văn phòng đăng ký đất đai
  • Cách chi trả cổ tức trong công ty cổ phần
  • Công chứng đối với hợp đồng thế chấp tài sản
  • Mã số dự án đầu tư là gì?

Từ khóa » Khai Khẩu ý Nghĩa Là Gì