Khai Thác Chế Biến đá Vôi ở Hà Nam - Thực Trạng Và Giải Pháp

Khai thác chế biến đá vôi ở Hà Nam - Thực trạng và giải pháp

Mỏ khai thác đá vôi tại tỉnh Hà Nam.

Ảnh hưởng của khai thác đá vôi tới môi trường

Đá vôi khu vực Hà Nam có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất xi măng. Hiện tại, khai thác đá vôi ở Hà Nam chủ yếu phục vụ nguyên liệu cho sản xuất xi măng. Tuy nhiên, việc khai thác chế biến đá vôi ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường khi có quá nhiều dự án trong một diện tích nhỏ hẹp, có nhiều cơ sở sản xuất xi măng, lò vôi, khiến tình hình ô nhiễm môi trường (ONMT) diễn biến ngày càng phức tạp. Trên diện tích không lớn, tập trung ở một số xã như: Hồng Sơn, Thanh Thủy, Bút Phong, Kiện Khê, Thanh Nghị, Thanh Tân (huyện Thanh Liêm), Liên Sơn, Thanh Sơn, Khả Phong, Ba Sao (huyện Kim Bảng) có đến hơn 80 cơ sở khai thác và hơn 10 nhà máy sản xuất xi măng, gần 30 cơ sở sản xuất vôi sẽ làm biến đổi cảnh quan bình yên của làng quê vùng đồng bằng. Hoạt động khai thác trải dài trên phân diện lộ của dải đá vôi, dọc theo tuyến giao thông, đường sông sẽ làm mất cảnh quan dãy đá vôi. Tính ra, tổng công suất khai thác các mỏ sẽ đạt hơn 5,5 triệu tấn đá/năm (tương ứng gần 2 triệu m3 đá nguyên khai/năm), hàng năm, khu vực này mất đi (san bằng) một diện tích núi đá vôi đáng kể, làm thay đổi bề mặt địa hình, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, hùng vĩ, được thay vào đó là hàng loạt các công trường khai thác đá nham nhở, các nhà máy, lò vôi tỏa khói bụi hàng ngày. Sự mất diện tích nhanh sẽ tạo điều kiện cho phát tán bụi, ô nhiễm với tốc độ nhanh hơn, xa hơn và mạnh hơn. Trong khu vực phân bố đá vôi ở Hà Nam, có nhiều thắng cảnh nổi tiếng mang đặc sắc dạng karst như: Hồ Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Kẽm Trống, Bát Cảnh Tiên,... Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển Hà Nam trở thành trung tâm du lịch sinh thái - tâm linh - nghỉ dưỡng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ các dải đá vôi là cấp thiết. Ô nhiễm lớn nhất trong hoạt động khai thác đá là khói, bụi trong các moong khai thác và khói từ các nhà máy sản xuất xi măng và lò nung vôi, tiếp đến là khói, bụi từ các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin về việc tại thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) có tới 4 nhà máy xi măng công suất lớn, hàng ngày phát tán những làn khói mù đặc, u ám bao trùm toàn thôn xóm gây ONMT, là tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch cho cộng đồng dân cư và hệ động vật trong khu vực. Trong khí thải phát tán có chứa các thành phần độc hại như Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội,... khi thâm nhập tầng bình lưu là tác nhân phá huỷ tầng ô - dôn, tạo nên hiệu ứng nhà kính; ở tầng đối lưu, các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hoà tan vào nước mưa, là tác nhân làm chai đất, phá huỷ rễ cây, hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng.

Đối với môi trường nước, nguồn gây ô nhiễm nước chủ yếu do nước mưa. Mỗi khi trời mưa, nước mưa góp phần rửa sạch bụi bẩn bám tại khai trường mỏ, dọc đường vận chuyển và các khu vực xung quanh nhà máy xi măng, lò vôi,... nhưng trong nước mưa đã chứa vật chất bẩn và hàm lượng axit tăng, khi chảy tràn trên bề mặt kéo theo lượng chất lơ lửng, bùn đất, gây nên ô nhiễm, bẩn đục nguồn nước mặt. Khi nước mặt nhiễm bẩn, đặc biệt nhiễm bẩn hóa học sẽ ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn nước ngầm tại khu vực. Các mỏ đá vôi ở Hà Nam được khai thác bằng phương pháp lộ thiên. Với số lượng lớn mỏ khai thác hàng năm sẽ làm mất đi đáng kể phần diện lộ núi đá, chưa kể đến các công trình phụ trợ, kho bãi, nhà công vụ, đường vận chuyển chiếm dụng đất. Các dải đất dưới chân núi bị bồi lắng, khô cằn không thể canh tác được. Các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất vôi, lò nung vôi cần sử dụng một diện tích đất khá lớn cho sản xuất như nhà xưởng, kho bãi, văn phòng, nhà điều hành,... Ngoài ra, trong khu vực cần xây dựng các tuyến đường vận chuyển, bến cảng có nhu cầu diện tích đất khá lớn. Quá trình sản xuất thải ra chất thải, nước, khói bụi, góp phần làm ô nhiễm, làm khô cằn, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất, ảnh hưởng đến chất lượng đất. Như vậy, khu vực có dự án khai thác, chế biến đá vôi ở Hà Nam không những làm mất khá lớn diện tích đất trồng, núi đá mà còn làm biến đổi chất lượng đất.

Trong các khu vực khai thác mỏ đá vôi, các khai trường làm mất thảm thực vật tự nhiên của vùng núi, đồng thời tiếng ồn, chấn động do vật liệu nổ, khói bụi, chất thải làm ảnh hưởng đến môi trường sống của động vật hoang dã. Các chất thải của quá trình khai thác đá, sản xuất xi măng, lò nung vôi như bụi, khí thải, chất thải rắn cũng có ảnh hưởng tới hệ thực vật xung quanh khu vực. Bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm giảm năng suất cây trồng. Nguồn nước trong các sông suối, ao hồ bị ô nhiễm chứa bùn đất, cặn lơ lửng và các kim loại nặng làm vẩn đục, thay đổi độ pH của nước,... ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống các loại thuỷ sinh, thậm chí dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật sống trong nước. Người dân, bao gồm cả trẻ em, người già trong các khu vực khai thác, chế biến đá vôi là người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các tác nhân ô nhiễm như khí độc hại, bụi, tiếng ồn, nhiệt độ, gây nên các bệnh nghề nghiệp, mãn tính như: Bụi phổi, tim mạch, giảm thính lực,...

Đề xuất giải pháp

Hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đá vôi ở Hà Nam đã đóng góp đáng kể cho phát triển KT-XH địa phương, quốc gia, nhưng với số lượng dự án đầu tư quá nhiều, công suất hoạt động lớn, lại tập trung ở diện tích nhỏ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cảnh quan và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cần có giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm gắn với BVMT, phát triển bền vững. Để hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng đá vôi ở Hà Nam đúng pháp luật, hiệu quả, đề xuất các giải pháp như sau:

Thứ nhất, điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố núi đá vôi, trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH địa phương, các di tích, di sản lịch sử, văn hoá, tâm linh tiến hành khoanh định, điều chỉnh khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản đã có, khoanh định khu vực khai thác khoáng sản, đưa vào diện dự trữ tài nguyên.

Thứ hai, rà soát quy hoạch phát triển xi măng, dự án sản xuất vôi công nghiệp, căn cứ tiềm năng tài nguyên đá vôi và đá sét cho sản xuất xi măng tại địa phương, cần kiến nghị không bổ sung hoặc mở rộng thêm các dây truyền sản xuất xi măng. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT. Đối với các dự án chưa đầu tư thì dừng đầu tư. Các dự án đã sản xuất (xi măng và nung vôi công nghiệp) phải đảm bảo có nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài và hợp pháp.

Thứ ba, rà soát nhu cầu sử dụng đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương và khu vực để đề xuất điều chỉnh quy hoạch khai thác hợp lý, tránh tình trạng khai thác tràn lan, sử dụng sản phẩm phục vụ cho sản xuất xi măng. Đối với giấy phép khai thác hết hạn phải thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục môi môi trường theo quy định.

Thứ tư, nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng ONMT do hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng đá vôi tại khu vực Kim Bảng, Thanh Liêm, làm cơ sở đề xuất giải pháp ngăn ngừa. Xây dựng các trạm quan trắc tại các điểm nóng, điểm tập trung nhiều dự án khai thác, chế biến để có số liệu đánh giá tổng thể.

HOÀNG NAM

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Từ khóa » đá Vôi ở Việt Nam