Khai Thác Và Phát Triển Thành Công Nguồn Gen Vật Nuôi Bản địa Vào ...

Giống bản địa - nguồn gen quý cần được khai thác và chuyển giao vào sản xuất

Bảo tồn, khai thác và phát triển các giống bản địa có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ cân bằng hệ sinh thái, đồng thời cung cấp một nguồn thực phẩm chất lượng cao cho con người. Trong những năm qua, do nhu cầu phát triển đời sống của người dân cần số lượng thực phẩm lớn nên nhiều giống ngan, vịt nhập nội cho năng suất cao đã được nghiên cứu nhân giống, phát triển trong sản xuất. Tuy vậy, các giống vật nuôi bản địa vẫn có những ưu thế đặc trưng không thể thay thế về chất lượng thịt, trứng thơm ngon, gắn liền với văn hoá vùng miền, mặc dù năng suất của các giống này còn hạn chế.

Ngan Trâu được nuôi nhiều ở vùng trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung. Giống ngan này có màu lông đen tuyền, chất lượng thịt thơm ngon, có hương vị đặc trưng riêng, khả năng kháng bệnh tốt, chịu đựng được điều kiện chăn nuôi kham khổ, bản năng ấp nở và nuôi con rất khéo, phù hợp với chăn nuôi nông hộ.

Vịt Minh Hương có nguồn gốc tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang với các đặc điểm ưu việt như: sức đề kháng cao, khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu và phương thức chăn nuôi quảng canh, tận dụng của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Vịt có chất lượng thịt, trứng thơm ngon phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn quỹ gen vật nuôi giai đoạn 2015-2017, Viện Chăn nuôi đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thực hiện dự án bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi bản địa đặc hữu, quý hiếm, trong đó có nguồn gen ngan Trâu tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và vịt Minh Hương tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, nhiệm vụ nuôi giữ bảo tồn ngan Trâu và vịt Minh Hương được thực hiện với số lượng không nhiều tại các hộ gia đình, chưa áp dụng các kỹ thuật để tiến hành chọn lọc, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng giống. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện chuồng trại và trình độ kỹ thuật chăn nuôi còn nhiều hạn chế, đàn giống không có sự chọn lọc nên năng suất thấp và không ổn định.

Để phát huy hiệu quả khi chuyển giao đàn ngan Trâu, vịt Minh Hương sinh sản và thương phẩm trong sản suất thì việc chọn lọc xây dựng đàn hạt nhân, đàn sản xuất đủ tiêu chuẩn giống là cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện Dự án “Sản xuất thử nghiệm ngan Trâu và vịt Minh Hương tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ”. Kết quả của dự án đã góp phần quan trọng vào khai thác và phát triển có hiệu quả nguồn gen của loài 2 thủy cầm bản địa này.

Những kết quả đạt được

Dự án đã xác định được đặc điểm ngoại hình đặc trưng của ngan Trâu, vịt Minh Hương, phương thức, quy mô, tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi và một số chỉ tiêu kỹ thuật về khả năng sản xuất, làm cơ sở cho việc chọn lọc đàn hạt nhân. Trên cơ sở đó, dự án đã xây dựng được đàn sản xuất để cung cấp giống thương phẩm cho các trang trại, nông hộ ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Nam Trung Bộ. Đồng thời, xác định được phương thức nuôi nhốt có sân chơi và phương thức nuôi bán chăn thả là phù hợp với 2 giống gia cầm này theo hướng sinh sản và thương phẩm. Ngoài ra, dự án đã xây dựng được các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú y phòng bệnh cho ngan Trâu, vịt Minh Hương sinh sản và thương phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Cụ thể:

Ngan Trâu trưởng thành.

Đàn ngan Trâu sản xuất.

Chọn lọc được đàn hạt nhân ngan Trâu: quy mô 200 mái sinh sản, năng suất trứng/mái/năm đạt 86,8 quả; tiêu tốn thức ăn/10 trứng 7,0 kg. Tỷ lệ phôi đạt 96,7%; tỷ lệ nở/tổng trứng ấp 81,3%. Chọn lọc được đàn hạt nhân vịt Minh Hương: quy mô 300 mái sinh sản, năng suất trứng/mái/năm 224,3 quả, tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 4,13 kg, tỷ lệ trứng có phôi đạt 92,9% và tỷ lệ nở/trứng ấp là 82,7%.

Xây dựng được đàn sản xuất ngan Trâu: quy mô 400 mái sinh sản. Năng suất trứng/mái/năm đạt 80,72-81,59 quả; tỷ lệ trứng có phôi đạt 95,1-95,2%. Xây dựng được đàn sản xuất vịt Minh Hương: quy mô 600 mái sinh sản. Năng suất trứng/mái/năm đạt 215-216 quả; tỷ lệ trứng có phôi đạt 91,7-92,1%.

Trên cơ sở kết quả chọn lọc giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi, dự án đã xây dựng thành công 2 mô hình nuôi ngan Trâu và 2 mô hình nuôi vịt Minh Hương thương phẩm. Đàn ngan Trâu thương phẩm có quy mô 500 con/mô hình, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 96%, khối lượng cơ thể lúc 12 tuần tuổi của ngan trống đạt hơn 3,5 kg và ngan mái đạt gần 2,2 kg; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 3,33-3,35 kg. Đàn vịt Minh Hương thương phẩm có quy mô 1000 con/mô hình, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 94%, khối lượng cơ thể lúc 12 tuần tuổi của vịt trống và mái đạt 1,8 kg, tiêu tốn thức ăn/ kg tăng khối lượng 2,96-3,02 kg.

Vịt Minh Hương trưởng thành.

Mô hình vịt Minh Hương tại Ninh Bình.

Dự án đã tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về công tác giống, kỹ thuật chăn nuôi ngan Trâu, Vịt Minh Hương sinh sản và thương phẩm cho các công ty, trang trại, hộ chăn nuôi; tổ chức các buổi hội thảo nhằm tuyên truyền kết quả và nhân rộng mô hình ở các địa phương, góp phần phát triển chăn nuôi thủy cầm ở khu vực triển khai dự án nói riêng, cả nước nói chung.

Từ khóa » đàn Thương Phẩm Nguồn Gốc