Khám Bệnh Bằng Thẻ CCCD Gắn Chip: Tiện Lợi Nhưng Chưa đồng Bộ ...

Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu - Ảnh 1.

Người dân được hướng dẫn đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng giấy mà ngành y tế đã triển khai thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh cùng kỳ vọng sẽ mở đầu cho lộ trình thay thế dần các thủ tục giấy tờ cá nhân gây tốn kém thời gian và tiền bạc...

Tất nhiên, qua thời gian triển khai vừa qua cũng còn một số vấn đề và người dân mong được khắc phục sớm.

"Rất tiện lợi và nhanh chóng..."

Tại TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là nơi đầu tiên triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, bệnh nhân khi đi qua khu vực lấy số thứ tự đều nán lại trước tấm băngrôn ghi các thông tin khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip, một số người lấy ngay CCCD ra trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.

Trong dòng người đến khám tại bệnh viện sáng 5-4 có ông Ma Giáp (ngụ quận Bình Thạnh). Sau khi đọc các thông tin hướng dẫn, ông đến quầy lấy số rồi xuất trình thẻ CCCD và được nhân viên y tế quét mã QR.

Thấy mọi thông tin về BHYT của mình nhanh chóng được hiển thị đầy đủ trên màn hình máy tính, ông Giáp không khỏi vui mừng nói: "Trước đây khi đăng ký khám bệnh, tôi cần 3-4 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân. Giờ thì chỉ cần đưa CCCD cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong. Bệnh nhân đông đúc, việc áp dụng tích hợp như thế này tôi khỏi phải chờ lâu".

Cùng đến khám thận định kỳ, ông Trần Minh Tuấn (ngụ phường Tân Định, quận 1) chia sẻ đã từng sử dụng CCCD khi đăng ký khám một lần nên lần này mọi thủ tục đều trôi chảy tiện lợi. "Tôi lớn tuổi rồi, cứ mỗi lần khám là cầm theo đủ loại giấy tờ từ sổ khám bệnh, chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, các giấy tờ khác... Giờ thì rất tiện lợi và nhanh chóng" - ông Tuấn cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - trưởng khoa khám bệnh của bệnh viện này, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 3.000 - 3.500 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong giai đoạn đầu bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng phần mềm của BHXH, nhân viên y tế phải nhập tay khá nhiều thông tin tốn kém thời gian. Nhưng từ khi Bộ Y tế triển khai ứng dụng dữ liệu số, đơn vị đã nhanh chóng trang bị máy quét mã QR trên thẻ CCCD đặt tại khu vực đăng ký khám, từ đó việc tiếp nhận bệnh rất nhanh và thuận lợi.

"Khâu thủ tục hành chính đã đơn giản, thuận lợi hơn, nhân viên y tế sẽ xác định đúng người bệnh trên thẻ, cũng như tình trạng bệnh sử, thông tin các lần đi khám trước đó như một hồ sơ bệnh án điện tử" - bác sĩ Linh nói.

Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu - Ảnh 2.

Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu căn cước công dân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, Bệnh viện quận 11 là nơi ứng dụng cùng lúc 3 tiện ích gồm đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD, bằng ứng dụng VssID (ứng dụng BHXH số của BHXH VN) và VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an).

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng - giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho biết từ khoảng 1 tháng nay đơn vị đã thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD, tuy nhiên số lượng người đến khám bằng hình thức này chưa cao, có thể xuất phát từ thói quen khám bệnh lâu nay hoặc từ việc người bệnh có thẻ CCCD nhưng chưa phải loại có gắn chip.

Những hạn chế cần hoàn thiện

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chip tại TP.HCM đã được thí điểm triển khai ở nhiều bệnh viện công lập và tư nhân. Thống kê sơ bộ đến ngày 3-4 đã có 35/59 bệnh viện công lập áp dụng, bệnh viện tư nhân đã có 15/65 bệnh viện áp dụng. Tuy nhiên theo đánh giá, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT sử dụng thẻ CCCD chưa cao, mới chỉ chiếm khoảng 0,14% ở bệnh viện công lập và 0,07% ở bệnh viện tư nhân.

Trong vai người bệnh đến đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Phú Nhuận), chúng tôi được nhân viên quầy hướng dẫn thông tin về việc áp dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT giấy. Tuy nhiên có thẻ hiển thị thông tin, có thẻ lại không. "Với người bệnh lần đầu đến khám bằng CCCD tại bệnh viện vẫn cần phải mang theo thẻ BHYT kèm các giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID để bệnh viện nhập thông tin ban đầu" - một nhân viên hướng dẫn.

Khảo sát tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện quận Gò Vấp cho thấy xảy ra hiện tượng các thẻ CCCD có gắn chip nhưng khi quét mã QR chưa tích hợp dữ liệu, nên buộc phải quay lại khám theo hình thức cũ hoặc số ít (đa số người trẻ) chuyển sang sử dụng ứng dụng VssID của BHXH.

Trường hợp cụ thể như chị Bích Ngọc (quận Gò Vấp) đến khám thai định kỳ tại Bệnh viện quận Gò Vấp, tuy khá háo hức xuất trình CCCD tại quầy lấy số nhưng khi quét mã QR hệ thống máy báo thẻ chưa được đồng bộ dữ liệu. "Cũng may sáng đi khám mình vẫn còn đem theo BHYT bằng giấy. Chỉ mong dữ liệu nhanh chóng được cập nhật để lần sau đi khám được tiện lợi hơn" - chị Ngọc chia sẻ.

Bác sĩ Hồ Văn Hân - giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp - chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn thì khi triển khai một giải pháp công nghệ ở giai đoạn đầu luôn có những khó khăn nhất định. Nhưng về mặt giải pháp kỹ thuật thì phải hoàn thiện dần thêm từ chất lượng đầu vào, sự thống nhất dữ liệu.

Theo ông, từ các hạn chế này, phía bệnh viện sẽ có những kế hoạch cải tiến. Đơn cử như sẽ đầu tư thêm trang thiết bị cùng đẩy mạnh việc truyền thông tư vấn cho người dân hiểu để đến khám bệnh một cách tiện lợi nhất.

Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu - Ảnh 3.

Bà Bích Nhung khám bệnh sau khi đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bên cạnh hệ thống công nghệ thông tin của một số bệnh viện như Hoàn Mỹ Sài Gòn, An Bình, Nguyễn Trãi, Nhi Đồng 1, Tai mũi họng, Bệnh viện quận 7... được đánh giá đáp ứng tốt các điều kiện để đọc dữ liệu CCCD có gắn chip, Sở Y tế TP.HCM nhận thấy nhiều bệnh viện chưa có thiết bị đọc được mã trên thẻ CCCD, hệ thống phần mềm chưa hoàn thiện nên cập nhật dữ liệu còn chậm; có thiết bị đọc được mã vạch nhưng chưa biết cách thực hiện và kết nối với cổng giám định để tra các thông tin thẻ bằng mã vạch; mã QR trên CCCD quá nhỏ, thiết bị không quét được hoặc khó quét để đọc thông tin...

Ngoài ra còn một khó khăn đang gặp phải là hệ thống dữ liệu chưa liên thông đồng bộ, do đó đa số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT của người bệnh; một số bệnh nhân lớn tuổi vẫn giữ thói quen làm thủ tục như cũ hoặc chưa xuất trình thẻ CCCD bởi lo sợ vấn đề bảo mật thông tin. Đặc biệt có hiện tượng một số bệnh nhân sau khi khám xong đã bỏ về và không hoàn thành quy trình khám.

Tuy vậy, theo đánh giá chung, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt nếu được triển khai đồng bộ dữ liệu thông tin BHYT, người bệnh sẽ không cần mang nhiều giấy tờ.

"Việc này khá thuận lợi cho người lớn tuổi vì hay làm lạc mất thẻ BHYT và không rành công nghệ, đặc biệt sẽ giúp hạn chế tối đa việc bệnh nhân mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh" - đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Trước mắt nên đem song song giấy tờ

Ông Đồng Văn Thành, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết việc sử dụng CCCD khi khám chữa bệnh sẽ giảm 2-3 bước trong quy trình 6 bước với các bệnh nhân BHYT.

Ông Đặng Việt Hùng, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế, cũng cho rằng lợi ích của việc sử dụng CCCD là thấy rõ nhưng khi áp dụng, các bệnh viện vẫn nên sử dụng song song các hình thức cũ và mới để thuận lợi cho người dân.

L.ANH

Cả nước mới có 39 triệu người đồng bộ dữ liệu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - phó giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết đến nay cả nước mới chỉ đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào thẻ CCCD có gắn chip khoảng 39 triệu người. Bên cạnh số người chưa được đồng bộ dữ liệu, còn khá nhiều người chưa làm CCCD gắn chip. Do đó, việc đồng bộ để tiến tới sử dụng thẻ CCCD có gắn chip thay thế cho thẻ BHYT cần một lộ trình hoàn thiện.

"Ban đầu tuy còn có một số trục trặc nhưng về lâu dài việc sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT mang đến rất nhiều thuận lợi, thời gian, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc những người thường làm hư hỏng thẻ, mất thẻ và không rành công nghệ" - bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, hình thức khám chữa bệnh này sẽ giúp Nhà nước không còn tốn kinh phí để in thẻ BHYT hằng năm, đặc biệt việc áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip sẽ góp phần chấm dứt tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám bệnh để trục lợi quỹ BHYT.

Liên quan đến một số khó khăn như hệ thống máy không đọc được mã QR, quét thẻ CCCD không ra dữ liệu, bà Hằng cho biết tới đây BHXH TP.HCM sẽ có văn bản đánh giá, từ đó khuyến cáo người dân khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip cần bảo quản cẩn thận, tránh bị trầy xước hư hỏng.

Tạm thời nhập thông tin thủ công

Tại Đà Nẵng, việc thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD đã được triển khai ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Bệnh viện 199 (Bộ Công an) hơn một tháng nay.

Tuy vậy, bà Dương Thị Hương - phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 199 - cho biết do thời gian đầu triển khai thí điểm, đơn vị chưa triển khai kịp máy quét mã QR nên hiện nay bệnh nhân đến khám, trình CCCD sẽ được nhập số CCCD vào phần mềm khám chữa bệnh. Bà Hương cũng nhìn nhận có việc nhiều người dân chưa được phổ biến nên số bệnh nhân sử dụng còn ít bên cạnh việc CCCD chưa đủ thông tin.

Ông Nguyễn Hùng Anh, phó giám đốc BHXH Đà Nẵng, cho biết đến nay hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh tại Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón tiếp và thực hiện việc khám chữa bệnh bằng CCCD. Thời gian tới sẽ thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm tổ chức đối với hai đơn vị thí điểm để triển khai nhân rộng.

TR.TRUNG

7-4 CCCD DA NANG - THI DIEM TAI 2 CO SO TRUOC KHI NHAN RONG2 1(Read-Only)

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện 199 chỉ cần nhập mã CCCD vào phần mềm khám chữa bệnh là có thông tin về thời gian tham gia BHYT - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Mới chỉ 300/500 bệnh nhân đủ dữ liệu

Bác sĩ Nguyễn Thành Lập - trưởng phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay sở đã có công văn triển khai thực hiện đến tất cả các bệnh viện, đơn vị có khám bệnh BHYT bằng CCCD từ tháng 3-2022. Người dân muốn đi khám chữa bệnh BHYT, chỉ cần có thẻ CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID.

Tuy nhiên do mới triển khai thí điểm, hiện chỉ mới có một số bệnh viện tại TP Cần Thơ thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD, các cơ sở còn lại đang trong quá trình bổ sung trang thiết bị, đồng bộ hệ thống dữ liệu...

Ông Phạm Việt Hải - trưởng phòng giám định BHXH TP Cần Thơ - nói qua quá trình triển khai thí điểm từ giữa tháng 3 đến nay, mới chỉ có 300/500 trường hợp đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD thành công do chưa tích hợp thông tin đầy đủ.

T.LŨY

"Còn đợi hạ tầng công nghệ thông tin"

Là bệnh viện lớn có hàng ngàn người đến khám và điều trị nội trú mỗi ngày, nhưng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn chưa triển khai sử dụng CCCD. Ông Đồng Văn Thành, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, nói bệnh viện rất muốn triển khai nhưng đang đợi hạ tầng công nghệ thông tin.

"Chúng tôi đang cố gắng để có thể triển khai từ tháng sau, nếu làm được chúng tôi vẫn áp dụng song song các hình thức", ông Thành nói.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, một trong số đơn vị sớm cho sử dụng CCCD có gắn chip, ông Trần Minh Điển - giám đốc bệnh viện - cho biết đến nay mới có 3 bệnh nhi có CCCD sử dụng hình thức này khi đến bệnh viện khám do đặc thù là bệnh viện cho trẻ em, nhiều trẻ chưa đến tuổi làm CCCD.

L.ANH

Đà Nẵng giảm thủ tục khám bệnh với CCCD Đà Nẵng giảm thủ tục khám bệnh với CCCD

TTO - Đà Nẵng là một trong những nơi đầu tiên trên cả nước triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Từ khóa » Gắn Chip Vào Cccd