Khám Lớn Cần Thơ – Wikipedia Tiếng Việt

Khám Lớn Cần Thơ
Di tích quốc gia
Di tích Khám Lớn Cần Thơ
Tên khácNăm 1886: Prison Provinciale Năm 1954: Trung tâm Cải huấn
Quốc gia Việt Nam
Vị tríSố 8, đường Ngô Gia Tự, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ
Thành phố gần nhấtThành phố Cần Thơ
Tọa độ10°02′10,4″B 105°47′18,5″Đ / 10,03333°B 105,78333°Đ / 10.03333; 105.78333
Diện tích ban đầu3.762 m²
Diện tích hiện nay2.046 m²
Diện tích mở rộng1.090 m²[1]
Diện tích sau mở rộng3.576,8 m²[2]
Chiều cao3,6 – 5m
Thành lậpNăm 1886
Người thành lậpThực dân Pháp
Xây dựng1876 – 1886[3]
Xây dựng bởiThực dân Pháp
Vật liệuXi măng, gạch, ngói, mảnh ve chai, kẽm gai, xà lim, vọng gác
Xây dựng choThực dân Pháp
Mục đích ban đầuTrại giam
Tổng mức đầu tưHơn 28,2 tỷ đồng[2]
Giai đoạn trùng tu2022 – 2024[2]
Mục đích hiện tạiDu lịch, tham quan, tìm hiểu
Phong cách kiến trúcKiến trúc độc đáo được xây dựng biệt lập
Thời gian tham quanTính đến ngày 17/02/2019[4]
Lượng tham quan2.200 lượt khách[4]
Cơ quan quản lýBảo tàng Thành phố Cần Thơ[5]
Di tích cấp quốc gia
Khám Lớn Cần Thơ
LoạiDi tích văn hóa – lịch sử
Ngày nhận danh hiệu28 tháng 6 năm 1996 (1996-06-28)
Quyết địnhSố 1460/QĐ-VH

Khám Lớn Cần Thơ hiện nay là một di tích, tọa lạc tại số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Việt Nam.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1876, hạt Cần Thơ được thành lập [6]. Kể từ đó, để phục vụ cho bộ máy cai trị, thực dân Pháp đã lần lượt cho xây dựng Tòa Bố[7], Dinh Chánh Tham biện (dinh của quan đầu tỉnh), Tòa án, nhà tù, v.v...

Theo bảng tóm tắt di tích Khám lớn Cần Thơ do Bảo tàng Cần Thơ biên soạn, thì nhà tù ấy có tên là Prison Provinciale (có nghĩa là "nhà tù tỉnh", nhưng người ta quen gọi là Khám Lớn Cần Thơ), được xây dựng năm 1886, trên diện tích 3.762 m2, nằm kế bên khu vực dinh Tỉnh trưởng thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa (nay là nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ).

Sau Hiệp định Genève (1954), tỉnh Cần Thơ đặt dưới quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa, và Khám lớn Cần Thơ được đổi tên là Trung tâm Cải huấn cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]
Dãy phòng giam tù nhân nam [8]

Khám được xây dựng kiên cố, có tường dày (cao 3,6 m đến 5 m, trên tường có cắm nhiều mảnh chai nhọn) và rào sắt bao bọc, có các vọng gác để kiểm soát (cao 6 m gắn, có đèn pha chiếu sáng), và biệt lập với khu dân cư bằng hai con đường (nay là đường Ngô Gia Tự ở mặt tiền khám, và đường Bà Triệu ở bên phải khám).

Thời Việt Nam Cộng hòa, Khám lớn Cần Thơ chia thành 2 khu, với 21 phòng giam tập thể (có sức chứa khoảng 30 người, nhưng có khi giam hơn trăm) cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam[9]. Từ cổng vào, khu giam tù nhân nữ ở phía trái, và khu giam tù nhân nam ở phía phải. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác là: nhà chùa, nhà thờ, nhà bếp, nhà giám thị, nhà hướng nghiệp,...

Năm 1995, Cần Thơ xây dựng trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, nên đã lấy một phần diện tích của khám lớn. Do vậy, khu trại giam giữ nữ tù, một số xà lim, khu phòng ở của giám thị không còn nữa (sau đó, một số đã được phục dựng trên phần diện tích còn lại). Diện tích được bảo tồn hiện nay là 2.046 m2.

Nơi giam giữ

[sửa | sửa mã nguồn]
Mô phỏng cảnh tù nhân nữ bị giam cầm

Thời Pháp thuộc, nơi đây từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng ở tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Trong số ấy có những người rất trẻ như Trần Đóng (14 tuổi), Nguyễn Ngọc Trai (16 tuổi); và những cán bộ cao cấp như Lê Văn Nhung (tức Lý Hồng Thanh, Bí thư Tỉnh Ủy Cần Thơ năm 1940), Ngô Hữu Hạnh (tức Ngô Văn Khoẻ, Thường vụ Tỉnh Ủy Cần Thơ năm 1940), Quản Trọng Hoàng (Bí thư Tỉnh Ủy Cần Thơ bị bắt giam cuối năm 1939 [10], v.v...

Ngay trước cổng Khám lớn Cần Thơ, ngày 4 tháng 6 năm 1941, lúc 9 giờ 30 phút sáng, quân Pháp đã xử bắn ông Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh [11].

Bên cạnh một số khu nhà cũ còn tồn tại, nơi đây cũng còn lưu giữ được một số các dụng cụ tra tấn, các hiện vật do tù nhân làm ra, cùng một số tranh ảnh, tư liệu quý...

Di tích cấp Quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 28 tháng 6 năm 1996, Bộ Văn Hóa-Thông tin đã ký Quyết định số 1460/QĐ-VH xếp hạng khu nhà tù ấy là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia [12].

Ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Một ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở giữa sân [13]. Một ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở giữa sân [13].
  • Khu biệt giam. Khu biệt giam.
  • Nhà bếp. Nhà bếp.
  • Bia ghi dấu nơi nhà thờ từng tọa lạc[14]. Bia ghi dấu nơi nhà thờ từng tọa lạc[14].
  • Trong nhà trưng bày các hiện vật. Trong nhà trưng bày các hiện vật.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lê Dân (26 tháng 5 năm 2022). “Đề xuất trùng tu, mở rộng di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
  2. ^ a b c Duy Khôi (12 tháng 12 năm 2021). “Ðầu tư dự án trùng tu Di tích Lịch sử quốc gia Khám Lớn Cần Thơ”. Báo Cần Thơ. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
  3. ^ “Hậu Giang: Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ”. Ban chỉ huy lực lượng Thanh niên xung phong Trung ương. 15 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
  4. ^ a b Đăng Huỳnh (17 tháng 2 năm 2019). “Lượng khách tham quan, tìm hiểu Di tích Khám Lớn Cần Thơ tăng vọt”. Báo Cần Thơ. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
  5. ^ Bài, ảnh: Đăng Huỳnh (26 tháng 10 năm 2022). “Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá”. Báo Cần Thơ. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
  6. ^ Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Soái phủ Sài Gòn ra nghị định lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập nên hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Năm 1889, họ lại cho đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi lại là quận (nguồn từ Cổng thông tin điện tử thành Phố Cần Thơ [1] Lưu trữ 2013-07-25 tại Wayback Machine).
  7. ^ Cơ quan cai trị của viên chức Pháp đứng đầu một tỉnh Nam Bộ, thời Pháp thuộc. Nguồn: [2].
  8. ^ Dãy phòng giam nữ có kiểu dáng tương tự, nhưng cách một khoảng sân, và ở phía đối diện.
  9. ^ Xà lim là phòng hẹp và tối dùng để biệt giam tù nhân.
  10. ^ Trong khi bị giam, ông Quản Trọng Hoàng đã tìm cách thoát được, rồi tiếp tục hoạt động ở Cần Thơ. Nguồn: Bảng tóm tắt di tích Khám lớn Cần Thơ do Bảo tàng Cần Thơ biên soạn (đang treo trong nhà trưng bày di tích), và Cổng thông tin điện tử Thành phố Cần Thơ (website Canthopho dẫn lại) [3] Lưu trữ 2012-06-29 tại Wayback Machine.
  11. ^ Căn cứ bia di tích dựng tại cổng Khám lớn Cần Thơ.
  12. ^ Ngày 20 tháng 11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp lại và đổi tên là Di tích Quốc gia. Nguồn: Bằng xếp hạng di tích đang trưng bày tại di tích Khám lớn Cần Thơ.
  13. ^ Để cho tù nhân theo đạo Phật có chỗ cầu nguyện.
  14. ^ Để cho tù nhân theo đạo Thiên Chúa có chỗ cầu nguyện.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Di tích Khám lớn Cần Thơ trên website Livecantho.com Lưu trữ 2012-09-21 tại Wayback Machine

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử Khám Lớn Cần Thơ