Khám Phá 8 Lợi ích Sức Khỏe Của Trái Khế - VOH

Mục lục
  1. Tìm hiểu về khế
    1. Đặc điểm của cây khế
    2. Phân bố
  2. Ăn khế có tác dụng gì?
    1. Tốt cho tim mạch
    2. Cải thiện hệ tiêu hóa
    3. Thúc đẩy hệ miễn dịch
    4. Kiểm soát đường huyết
    5. Tăng cường thị lực
    6. Bảo vệ răng miệng
    7. Tốt cho xương khớp
    8. Ngăn ngừa lão hóa
  3. Bà bầu ăn khế được không?
  4. Quả khế nấu gì ngon?
  5. Một số lưu ý khi sử dụng quả khế
    1. Không ăn quá nhiều
    2. Không ăn khi đói
    3. Hạn chế nếu có tiền sử bệnh thận
  6. Thành phần dinh dưỡng

Khế nằm trong nhóm cây ăn quả miền nhiệt đới ra hoa, đậu quả quanh năm, gồm hai loại: khế chua và khế ngọt. Dù độ chín cùng hương vị có đôi chút khác biệt song cả hai loại khế đều bổ sung đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng. 

1. Tìm hiểu về khế

Khế còn có tên gọi là Ngũ Liêm Tử, thuộc họ chua me đất (Oxalidaceae). Đặc biệt, quả khế gồm 5 múi, nếu cắt ngang sẽ có hình ngôi sao 5 cánh nên ở một số quốc gia khế được gọi là star fruit. 

1.1 Đặc điểm của cây khế

Cây khế thuộc dòng cây thân gỗ, chiều cao trung bình từ 3-7m, phân nhiều cành nhánh. Đáng chú ý là cành khế khá giòn và dễ gãy nên người làm vườn thường hạn chế leo trèo để thu hái quả, thay vào đó sẽ sử dụng dụng cụ cắt hái riêng biệt. 

8-ly-do-ban-nen-bo-sung-qua-khe-vao-thuc-don-va-luu-y-can-biet-voh-0
Quả khế, hoa khế hay lá khế đều có nhiều công dụng cải thiện sức khỏe (Nguồn: Internet) 

Từ đầu hè là thời điểm hoa khế nở rộ, tới cuối thu, sau khi quá trình thụ phấn diễn ra thì tới giai đoạn kết trái. Không chỉ quả khế cung cấp nhiều dưỡng chất mà hoa khế ở độ còn non, chưa nở nhiều cũng được tận dụng làm dược liệu.

Bên cạnh đó, lá khế cũng có hình dáng dễ nhận biết, hình trái xoan nhọn ở phía đầu, có lá dài tới 50cm. Để tập trung dinh dưỡng nuôi quả, phần lá được cắt tỉa và đem dùng điều chế một số bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lý. 

1.2 Phân bố

Khế vốn có nguồn gốc từ Sri Lanka, tuy nhiên hiện nay được canh trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, trong đó phải kể đến Việt Nam. Khế là loại cây ăn quả tương đối dễ chăm sóc, cây sinh trưởng tốt với điều kiện nhiệt độ từ 22 – 26 độ C, cho ra quả nhanh chỉ sau khoảng 1 năm gieo trồng. 

2. Ăn khế có tác dụng gì?

Khế vẫn luôn được đánh giá là một trong những thức quả rất bổ dưỡng, đem đến nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C, vitamin B hay các khoáng chất quan trọng bao gồm kali, photpho, natri. Nhờ vậy mà việc ăn khế đều đặn, hợp lý sẽ giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau: 

2.1 Tốt cho tim mạch

Theo phân tích, hàm lượng kali do khế cung cấp tương đương với 3% giá trị hàng ngày. Khoáng chất kali khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò cân bằng chất điện giải bên trong và bên ngoài tế bào, điều hòa huyết áp, đồng thời giảm áp lực lên thành mạch để bảo vệ sức khỏe tim mạch. 

2.2 Cải thiện hệ tiêu hóa

Trong khế có chứa lượng vitamin C và chất xơ khá dồi dào, hai nhóm chất này đều góp phần quan trọng giúp cải thiện hoạt động của nhu động ruột, kích thích tiêu hóa và khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón, đầy bụng hay khó tiêu. 

Ngoài ra, hoạt chất saponin cùng flavonoid được tìm thấy trong khế còn tham gia vào quá trình ngăn chặn các vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa như Salmonella typhus hay E. Coli. 

Xem thêm: Chúng ta sẽ bị nhiễm vi khuẩn E.coli qua những con đường nào?

2.3 Thúc đẩy hệ miễn dịch

Bên cạnh việc hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, vitamin C còn có đặc tính tạo ra các loại oxy phản ứng và góp mặt trong danh sách các thành tố hình thành tế bào bạch cầu trung tính. Từ đó, giúp duy trì chức năng hệ miễn dịch của cơ thể, phòng chống các bệnh lý nguy hiểm. 

8-ly-do-ban-nen-bo-sung-qua-khe-vao-thuc-don-va-luu-y-can-biet-voh-1
Bổ sung vitamin C từ khế giúp duy trì chức năng của hệ miễn dịch, phòng chống các bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet) 

2.4 Kiểm soát đường huyết

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng khế là thức quả lành mạnh và an toàn dành cho người đang điều trị bệnh tiểu đường. Theo đó, tiếp nạp thêm chất xơ từ khế là cách làm chậm tốc độ hấp thu glucose từ thực phẩm vào máu, nhằm kiểm soát đường huyết ở mức độ an toàn. 

Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà

2.5 Tăng cường thị lực

Nhờ sự có mặt của beta – carotene (tiền chất vitamin A), khế được xếp vào nhóm trái cây thường được dùng bổ trợ để tăng cường sức khỏe của đôi mắt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất này có khả năng thúc đẩy sản sinh tế bào hình nón và hình que ở võng mạc, giảm nguy cơ xảy ra tổn thương ở giác mạc. 

2.6 Bảo vệ răng miệng

Không chỉ bổ sung thêm canxi cho sự phát triển của mầm răng, khế (đặc biệt là khế chua) còn được sử dụng để điều chế các bài thuốc điều trị nhiệt miệng, sâu răng hoặc viêm nướu. Hàng ngày, sau khi đánh răng, bạn có thể kết hợp súc miệng bằng nước quả khế chua. 

Xem thêm: Không cần đến bác sĩ nha khoa, có thể loại bỏ cao răng tại nhà bằng 4 cách sau đây

2.7 Tốt cho xương khớp

Có thể nói, các khoáng chất magie, canxi hay photpho được xem như thành phần thứ yếu trong khế. Những nhóm chất này có chức năng gia tăng mật độ khoáng xương, cải thiện hệ vận động và giảm tình trạng đau nhức.

8-ly-do-ban-nen-bo-sung-qua-khe-vao-thuc-don-va-luu-y-can-biet-voh-2
Các khoáng chất được tìm thấy trong khế đều tham gia vào quá trình hình thành mô xương khớp, hỗ trợ cải thiện hệ vận động (Nguồn: Internet) 

2.8 Ngăn ngừa lão hóa

Bổ sung khế trong thực đơn hàng ngày được đánh giá là phương pháp tăng cường các nhóm chất chống oxy hóa tự nhiên cho cơ thể, điển hình như polyphenol, axit galic và quercetin. Đây đều là những thành tố hỗ trợ chống lại tác động của stress oxy hóa, đẩy lùi tác động của gốc tự do gây lão hóa. 

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

3. Bà bầu ăn khế được không?

Khi mang thai, lựa chọn thức quả nào thêm vào thực đơn hàng ngày là một trong những ưu tiên hàng đầu của các mẹ. Trong thời kì dưỡng thai, tin vui là mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn thêm khế, loại quả có vị chua chua ngọt ngọt và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe: 

  • Cải thiện ốm nghén, giảm buồn nôn khó chịu 
  • Khắc phục chứng táo bón 
  • Duy trì huyết áp ổn định 
  • Tăng cường sức đề kháng 
  • Hỗ trợ điều trị tình trạng bí tiểu 
  • Phòng chống viêm nướu, sâu răng 

Xem thêm: Bà bầu siêng ăn khế nhưng có biết 7 lợi ích giúp an thai này chưa?

4. Quả khế nấu gì ngon?

8-ly-do-ban-nen-bo-sung-qua-khe-vao-thuc-don-va-luu-y-can-biet-voh-2
Khế là một trong những nguyên liệu độc đáo, góp phần điều vị các món ăn hấp dẫn (Nguồn: Internet) 

Khế có hương vị rất đặc trưng nên ăn trực tiếp hay thêm vào các món ăn đều rất hấp dẫn. Tùy theo sở thích và khẩu vị của gia đình, bạn có thể dùng khế chua hoặc khế ngọt để làm nước ép khế, chế biến một số món ăn: 

  • Tép rang khế 
  • Cá diếc kho khế
  • Ốc xào khế 
  • Canh cá lóc nấu khế 
  • Thịt bò kho khế 
  • Mứt khế dẻo 

Xem thêm: Xem ngay 6 món ăn có vị chua ‘lạ miệng’ từ trái khế - thức quả vừa giúp điều vị vừa bổ sung dưỡng chất

5. Một số lưu ý khi sử dụng quả khế

Khế vừa là thức quả giàu dinh dưỡng, vừa là nguyên liệu giúp điều vị các món ăn. Thế nhưng nhằm giảm thiểu tỉ lệ mắc phải các dụng phụ cần thực hiện các lưu ý này:  

5.1 Không ăn quá nhiều

Ăn khế nhiều và liên tục trong thời gian dài là thói quen không có lợi cho sức khỏe. Nếu hấp thu hoạt chất neurotoxin từ khế với liều lượng vượt mức cho phép thì nguy cơ bị ói mửa, đau đầu, khó thở và thậm chí tử vong thường rất cao. Do đó, mỗi ngày chỉ nên ăn từ 1 – 2 trái, trong tuần tốt nhất ăn khoảng 2 – 3 bữa. 

5.2 Không ăn khi đói

Thời điểm tốt nhất bạn có thể ăn khế là sau bữa ăn khoảng 30 phút, lúc này dạ dày không còn rỗng và các tác động của axit từ khế lên niêm mạc dạ dày sẽ giảm xuống. 

5.3 Hạn chế nếu có tiền sử bệnh thận

Với người từng có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến thận như suy thận, sỏi thận hay sỏi mật được khuyến cáo nên hạn chế ăn khế. Trong khế có chứa hoạt chất axit oxalic – một trong những tác nhân xúc tác hình thành sỏi oxalate calcium. 

Xem thêm: Top 5 cách ‘đánh tan’ sỏi thận tại nhà cực hay, nhiều người đã áp dụng hiệu quả

6. Thành phần dinh dưỡng

Trung bình trong 100g thịt khế, hàm lượng chất dinh dưỡng được phân tích như sau: 

  • Nước: 93.5
  • Năng lượng: 16 Kcal
  • Chất đạm: 0.6 g
  • Chất béo: 0.3 g
  • Canxi: 10 mg
  • Sắt: 0.9 mg
  • Magie: 10 mg
  • Kali: 133 mg
  • Photpho: 8 mg
  • Natri: 2 mg
  • Đồng: 137 µg
  • Vitamin C: 30 mg
  • Vitamin B1: 0.05 mg
  • Vitamin B2: 0.04 mg
  • Vitamin PP: 0.4 mg
  • Vitamin B5: 0.391 mg
  • Vitamin E: 0.15 mg
  • Beta-carotene: 25 µg
  • Alpha-carotene: 24 µg

Vậy là với rất nhiều lợi sức khỏe mà khế đem lại, không khó để lý giải vì sao cho tới nay thức quả này vẫn luôn được tin dùng và yêu thích. Nếu muốn tìm một vị chua “lạ miệng” cho các món ăn thì đừng quên lựa chọn trái khế, nhưng hãy đảm bảo dùng với liều lượng hợp lý và đúng cách nhé.  

Từ khóa » Khế Kiểng ăn được Không