Khám Phá “hồ Nước Trời” Búng Bình Thiên ở An Giang Vào Mùa ...

“Hồ nước trời” – cái tên nghe thật gợi và thật lạ. Búng Bình Thiên có lẽ lại càng là một địa danh nghe lạ tai hơn nữa với nhiều du khách. Trong bài viết dưới đây, Viet Fun Travel sẽ cùng du khách khám phá “hồ nước trời” Búng Bình Thiên ở An Giang vào mùa nước nổi để cùng tìm hiểu về vẻ đẹp đặc sắc của địa điểm này nhé.

1. “Hồ nước trời” nằm ở đâu?

Được xem là hồ nước ngọt lớn nhất ở vùng Tây Nam Bộ, Búng Bình Thiên nằm ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Với diện tích rộng lớn, Búng Bình Thiên nằm trong địa phận của 4 xã là Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái và Nhơn Hội. Búng Bình Thiên nằm cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 35km và giáp với biên giới Campuchia.

Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt lớn nhất vùng Tây Nam Bộ (Ảnh sưu tầm)

Du khách từ thành phố Châu Đốc có thể đi đến thị xã Châu Đốc, rồi tới cầu Cồn Tiên. Du khách đi tiếp theo tỉnh lộ 956 tới thị trấn An Phú, qua cửa khẩu Khánh Bình, qua tiếp ngã tư Quốc Thái và đi thẳng khoảng 2km là tới Búng Bình Thiên. Cùng với rừng tràm Trà Sư, núi và hồ Tà Pạ, Cù Lao Giêng... Búng Bình Thiên đã làm phong phú thêm bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc ở An Giang, khiến nơi này trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Ý nghĩa tên gọi Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên nằm ở địa phận có nhiều người Việt lẫn người Chăm sinh sống. Do đó, văn hóa và ngôn ngữ nơi này cũng có sự giao thoa đầy đặc sắc. Tên gọi Búng Bình Thiên cũng nằm trong sự giao thoa ngôn ngữ đó. Theo tiếng địa phương, “búng” nghĩa là “hồ” hoặc “đầm”, “bình” nghĩa là “yên bình”, còn “thiên” nghĩa là “trời”. Do đó, Búng Bình Thiên có ý nghĩa là “hồ nước trời”.

Ngoài cách lý giải theo ngôn ngữ, Búng Bình Thiên còn có cách lý giải khác theo truyền thuyết địa phương. Truyền thuyết kể rằng vào thời Tây Sơn tức thế kỷ 18, một vị tướng tên là Võ Văn Vương dẫn quân đi qua vùng này vào mùa khô. Binh lính khát nước và mệt mỏi. Vị tướng thấy hồ nước rộng lớn mà chẳng có giọt nước nào, bèn dâng lễ vật cầu xin Thượng đế ban nước cho binh sĩ và dân chúng trong vùng.

Búng Bình Thiên có nghĩa là “hồ nước Trời ban” (Ảnh sưu tầm)

Sau đó, vị tướng cắm thanh gươm xuống hồ, bỗng từ chỗ thanh gươm đâm, một dòng nước lớn trào lên và chẳng mấy chốc hồ đã đầy nước. Từ đó, hồ có tên gọi là Búng Bình Thiên, nghĩa là “hồ nước Trời ban”.

Bên cạnh truyền thuyết thú vị trên, nhiều người còn cho rằng tên gọi Búng Bình Thiên ra đời từ đặc trưng đầy độc đáo của hồ nước này. Tuy rằng hồ có thông với sông Bình Di, phù sa từ sông cũng thường chảy vào hồ. Nhưng điểm độc đáo là bao nhiêu dòng phù sa đỏ ngầu chảy vào hồ đều biến thành nước xanh ngắt và nước hồ chỉ có dâng lên hoặc hạ xuống chứ không chảy đi. Vì thế, Búng Bình Thiên quanh năm một màu xanh thăm thẳm.

3. Vẻ đẹp của Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên bao gồm 2 hồ nước, hồ lớn là Búng Lớn, hồ nhỏ gọi là Búng Nhỏ. Búng Lớn có diện tích khoảng 193ha, trong khi Búng Nhỏ chỉ có diện tích khoảng 10ha. Do đó, khi nói về Búng Bình Thiên, đa phần người ta chỉ nghĩ tới Búng Lớn. Xung quanh Búng Lớn và Búng Nhỏ có các cửa thông với sông.

Hồ nước ngọt Búng Bình Thiên quanh năm xanh ngắt và không hề cạn nước, do đó đây là điểm cung cấp nước cho người dân trong vùng. Điểm kỳ thú là rất nhiều nước hồ nước, kênh rạch xung quanh Búng Bình Thiên đều trở nên đục ngầu vào mùa mưa lũ nhưng riêng Búng Bình Thiên vẫn luôn giữ được làn nước trong xanh và phẳng lặng. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa lý giải được hiện tượng này.

Du khách đến với Búng Bình Thiên sẽ thấy một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Hồ nước rộng lớn, trong xanh tỏa rộng trước mắt du khách. Mặt hồ tràn ngập các loài hoa dại, hoa súng, hoa sen khiến hồ nước càng thêm sắc xanh tươi mát. Trên mặt hồ còn có những con thuyền, những ngôi nhà sàn nằm lặng yên giữa vùng nước mênh mông, khiến khung cảnh càng mang vẻ đặc trưng của vùng sông nước.

Hoa sen nở rộ trên Búng Bình Thiên

Xung quanh hồ là cây cối, những vách đá, những cồn đất... tất cả tạo nên những điểm nhấn đầy nổi bật cho bức tranh Búng Bình Thiên. Vào mùa hoa nở, sắc màu rực rỡ của hoa sen, hoa súng, rau nhút, bông điên điển... càng làm cho cảnh sắc Búng Bình Thiên thêm say lòng du khách. Với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời như vậy, Búng Bình Thiên càng ngày càng thu hút khách du lịch từ khắp nơi tìm đến và trải nghiệm.

4. Búng Bình Thiên mùa nước nổi có gì đặc sắc?

Búng Bình Thiên quanh năm xanh trong, nhưng riêng vào mùa nước nổi, hồ nước này trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn. Lý do là vì khi mùa nước nổi đến, hệ động vật dưới nước của Búng Bình Thiên phát triển và sinh sôi mạnh mẽ, do đó hoạt động đánh bắt thủy sản và thu hoạch sản vật thiên nhiên ở đây trở nên rất sôi nổi.

Đa phần đều là người Chăm thực hiện các hoạt động này. Du khách có thể thấy các hoạt động như chèo xuồng gõ nhịp giăng lưới, hái bông điên điển, chèo xuồng hái rau nhút, đặt câu, đặt lợp, thả bóng bắt cá linh, câu tôm, câu ếch, nhổ bông súng, hái hoa sen... Không khí trên hồ Búng Bình Thiên trở nên thật sinh động.

Vào mùa nước nổi, Búng Bình Thiên trở nên sôi động hơn với các hoạt động đánh bắt và thu hoạch sản vật thiên nhiên

Ngoài các hoạt động đánh bắt, trên Búng Bình Thiên còn có các lễ hội dân gian như đua thuyền, nơm cá, bắt ếch, bơi lội, chống xuồng đua... Ban đêm, một sân khấu nổi được dựng lên ngay tại Búng Bình Thiên và du khách sẽ được thưởng thức nhiều màn trình diễn dưới nước đầy thú vị của người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, du khách còn có thể thưởng thức những đặc sản mùa nước nổi của người dân Búng Bình Thiên như cà ri và lạp xưởng bò, lẩu cá linh bông điên điển, bông súng bóp gỏi, chuột đồng chiên xả ớt, chả cá linh, lẩu hoa súng... Du khách cũng có thể thuê thuyền để đi du ngoạn trên Búng Bình Thiên với mức giá từ 150.000đ – 300.000đ/ người để ngắm cảnh hồ nước này được trọn vẹn hơn.

Xung quanh Búng Bình Thiên có nhiều người Chăm sinh sống (Ảnh Dân Việt)

Một điểm hấp dẫn khác khi đến Búng Bình Thiên là du khách có thể tìm hiểu đời sống, văn hóa đầy đặc sắc của người Chăm tại đây. Từ Búng Bình Thiên, du khách có thể vào làng người Chăm để khám phá. Du khách sẽ thấy ngôi thánh đường của người Chăm đầy sắc màu mới lạ, những cô gái Chăm trong trang phục truyền thống rất xinh đẹp, những ngôi nhà sàn đã có tuổi đời hàng trăm năm...

Du khách có thể xin ngủ nhờ trong các ngôi nhà của người Chăm, thuê nhà nghỉ gần đó hoặc cắm trại bên Búng Bình Thiên để trải nghiệm sâu sắc hơn về không khí nơi đây. Chắc chắn du khách sẽ thu hoạch được nhiều điều thú vị về cuộc sống và văn hóa của người Chăm ở Búng Bình Thiên.

Mùa nước nổi thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Du khách có thể lên kế hoạch để đến Búng Bình Thiên vào khoảng thời gian này để trải nghiệm các hoạt động sôi nổi trên, hoặc có thể đến Búng Bình Thiên ở An Giang vào bất cứ thời điểm nào trong năm để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời nơi đây.

Mong rằng bài viết này của Viet Fun Travel sẽ giúp du khách lên kế hoạch khám phá Búng Bình Thiên dễ dàng hơn. Chúc du khách sẽ có chuyến du lịch đến Búng Bình Thiên thật ưng ý và nhiều niềm vui.

Du lịch Việt Vui tổng hợp

Từ khóa » Búng Bình Thiên ở An Giang