Khám Phá Tổ Hợp “Buk Hải Quân” Shtil-1

Kế thừa truyền thống và hoàn thiện các công nghệ vũ khí phòng không từ thời Liên Xô, Nga đã phát triển dòng tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm tầm trung mới với tên gọi Shtil-1.

Xét về mặt công nghệ, tổ hợp Shtil-1 sử dụng nhiều công nghệ của dòng vũ khí phòng không lục quân nổi tiếng Buk nhưng được tùy biến để phù hợp để hoạt động trên hạm. Shtil-1 sử dụng thiết kế sử dụng ống phóng thẳng đứng dạng mô-đun 3S90E.1 cho tích hợp trực tiếp nó lên mọi chiến hạm với lượng choán nước đủ tải. Thiết kế này có nhiều nét tương tự như tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm Barak 8 của Israel.

Khám phá tổ hợp “Buk hải quân” Shtil-1

Kết cấu của bệ phóng thẳng đứng 3S90E.1. Ảnh: Topwar.ru

Thiết kế dạng ống phóng thẳng đứng 3S90E.1 rất tiết kiệm không gian (mỗi tổ hợp Shtil-1 với 12 ống phóng có diện tích cao 7,15 x rộng 1,75 x dài 9,5m) cho phép lắp đặt trên các chiến hạm hạng trung và tăng số lượng tên lửa có thể mang theo. Trong cùng một không gian, Shtil-1 cho phép chứa được 36 đạn tên lửa, còn tổ hợp phòng không thế hệ trước đó là Uragan chỉ là 24. Điều này có được nhờ việc loại bỏ hệ thống tiếp đạn và bệ phóng nghiêng áp dụng trong tổ hợp cũ.

Tính năng ưu việt tiếp theo của Shtil-1 là sử dụng ống phóng thẳng đứng làm giảm thiểu thời gian chờ giữa các lần tiếp đạn (Uragan mỗi lượt chỉ có 1 đạn trên bệ) và thời gian dừng giữa hai loạt phóng chỉ là 2 giây.

Khám phá tổ hợp “Buk hải quân” Shtil-1

Radar dẫn bắn của tổ hợp Shtil-1. Ảnh: Topwar.ru

Thành tố chính của tổ hợp Shtil-1 là đạn tên lửa 9M317ME vốn là phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa dùng trong tổ hợp tên lửa phòng không lục quân Buk. Cách thiết kế này giúp tiết kiệm chi phí phát triển và sản xuất đạn cũng như bảo dưỡng lâu dài. Đạn tên lửa 9M317ME dài 5,18m, sử dụng nhiên liệu rắn và nặng 580kg. Sức phá hủy của đạn tên lửa này nằm ở đầu đạn nổ phân mảnh 62kg, tốc độ tiếp cận cao 1.500-1.550m/giây và áp dụng phương thức tấn công nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu.

Sự khác biệt chính của 9M317ME so với vũ khí phòng không dành cho lục quân là việc đạn tên lửa này áp dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội (đạn tên lửa được đẩy khỏi ống phóng lên độ cao 10m rồi mới bật động cơ chính). Cơ cấu này yêu cầu đạn tên lửa phải có hệ thống cánh lái khác biệt và kết cấu thân vững chắc hơn. Cơ chế điều khiển đạn 9M317ME cũng tương tự như trên tổ hợp Buk là dẫn đường bán chủ động có hiệu chỉnh pha giữa.

Tầm bắn của tổ hợp Shtil-1 là 50km, trần cao đánh chặn từ 5 tới 15.000m. Tổ hợp này không có radar nhìn vòng độc lập mà nó sử dụng radar của chiến hạm để xác định tham số: Phương vị, góc tà và cự ly của mục tiêu để chỉ thị cho radar dẫn bắn tên lửa. Hệ thống dẫn bắn cải tiến giúp Shtil-1 có thể khai hỏa cùng lúc vào 2 tới 12 mục tiêu. Ngoài ra, tổ hợp cũng trang bị thiết bị quan sát quang-điện giúp khai hỏa vào mục tiêu kể cả trong điều kiện bị đối kháng điện từ mạnh khiến radar dẫn bắn không hoạt động ổn định.

Khám phá tổ hợp “Buk hải quân” Shtil-1

Đạn tên lửa đánh chặn 9M317ME. Ảnh: Topwar.ru

Thiết kế dạng mô-đun của Shtil-1 cũng giúp tích hợp dễ dàng lên hạm mà không thay đổi nhiều kết cấu, như trong các gói nâng cấp và sửa chữa; thích hợp để trang bị trên chiến hạm có lượng choán nước từ 1.500 tấn trở lên, Shtil-1 có tiềm năng rất lớn do hiệu quả phòng không tầm trung mang lại.

Trong thực tế tác chiến tại Syria, tổ hợp Shtil-1 đã thực hiện xuất sắc vai trò của mình trong tác chiến hạm đội của Hải quân Nga; hỗ trợ đối phó hiệu quả với các mối nguy cơ đến từ tên lửa, tổ hợp thiết bị bay không người lái của lực lượng khủng bố.

Khám phá tổ hợp “Buk hải quân” Shtil-1

Tổ hợp Shtil-1 khai hỏa tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: Topwar.ru

Hiện tại, tổ hợp Shtil-1 đang được tích hợp trên khinh hạm Đồ án 11356R, như chiến hạm Đô đốc Essen và Grigorovich của Hải quân Nga. Dòng vũ khí phòng không này cũng được tích hợp trên khinh hạm Đồ án 11356 phục vụ yêu cầu xuất khẩu.

Theo QĐND điện tử

Từ khóa » Các Loại Tên Lửa Phòng Không Của Việt Nam