Khám Phá Xứ Sương Mù Đà Lạt - Kỳ 1: Đà Lạt Và Những Tên Gọi Khác

(QBĐT) - Cuối tháng 6-2013, đại diện lãnh đạo 19 cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”. Theo đó, hàng năm các báo Đảng trong khu vực sẽ tổ chức đoàn đến học hỏi kinh nghiệm của nhau về tổ chức thông tin tuyên truyền du lịch; đồng thời tạo điều kiện cho các bên cử phóng viên tác nghiệp trên các tour, tuyến xuyên qua địa phương nhằm thực hiện tác phẩm về du lịch liên vùng. Và chuyến công tác của chúng tôi đến với Đà Lạt lần này cũng xuất phát từ nguyên do đó...

Lâu nay, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Lạt, cảm nhận về Đà Lạt, và đã gọi mảnh đất này là thành phố ngàn thông, thành phố tình yêu, thành phố mộng mơ, thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, xứ sở sương mù, xứ sở hoa anh đào... Để hiểu rõ hơn vì sao ngoài tên gọi Đà Lạt, thành phố này lại có thêm khá nhiều những tên gọi khác, tôi đã bỏ công tìm hiểu. Đà Lạt tròn 120 tuổi

Những ngày có mặt ở Đà Lạt, dọc theo nhiều con đường, tuyến phố, chúng tôi bắt gặp khá nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung: “Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển”, “Festival hoa Đà Lạt năm 2013”...

Trước khi đặt chân tới Đà Lạt, tôi đã lục tìm nhiều tài liệu viết về mảnh đất này, theo đó: thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, phía Tây nam dãy Trường Sơn, ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, bên phải dãy núi Langbiang cao 2.163 m, cách bờ biển theo đường chim bay khoảng 90 km.

Nguồn gốc tên Đà Lạt theo từ điển Việt-K Ho (Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh Lâm Đồng xuất bản năm 1983) thì: Đà là quốc gia, hoặc là nước. Lạt là người Lát (một nhóm của dân tộc K Ho cư trú tại Lâm Đồng). Như vậy, có thể từ "Đà Lát" có nghĩa là quốc gia của người Lát. Người Pháp gọi là Dalat và ngày nay là Đà Lạt.

Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Lâm Đồng cũng giới thiệu thêm về một Đà Lạt tương đối kỹ lưỡng hơn: Ngày 21-6-1893, một người Pháp (gốc Thụy Sĩ)- bác sĩ Alexandre Emile Yersin (nhà khoa học thuần tuý), lần đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Langbiang, đã phát hiện được vùng đất huyền diệu này. Sau khi tìm ra Đà Lạt, người Pháp chủ trương xây dựng nơi đây trở thành một "vương quốc" du lịch và nghỉ dưỡng ở Đông Dương và cả khu vực Đông Nam Á.

Một góc thành phố Đà Lạt dưới chân núi Langbiang.
Một góc thành phố Đà Lạt dưới chân núi Langbiang.

Tháng 10-1897, căn cứ vào tờ trình và phân tích của Yersin đề nghị chọn Langbiang để xây dựng thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng (thay cho Ba Vì và Vũng Tàu), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cử phái đoàn lên cao nguyên để tìm con đường ngắn nhất đến vùng đất này. Năm 1898, một Trạm Nông nghiệp và Khí tượng đầu tiên được đặt trên đất Dakia. Tháng 3-1899, bác sĩ Yersin và Toàn quyền Paul Doumer lên cao nguyên Langbiang và quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, và công cuộc xây dựng thành phố Đà Lạt bắt đầu từ đó...

Như vậy, tính đến năm 2013, Đà Lạt đã chính thức tròn 120 tuổi. Và những tên gọi khác

Để tìm hiểu thêm vì sao Đà Lạt lại có rất nhiều tên gọi khác, Nguyễn Duy Danh - một đồng nghiệp Báo Lâm Đồng đã tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho đoàn chúng tôi trong suốt những ngày lưu trú tại mảnh đất này.

Tại mỗi địa điểm đến tham quan, tìm hiểu, Duy Danh đều thể hiện tài năng “quảng bá” Đà Lạt bằng sự am hiểu của mình: “Vì sao nhiều người lại “gán” Đà Lạt là thành phố của tình yêu-vì Đà Lạt có rất nhiều địa danh và những địa danh đó đều gắn với những truyền thuyết, những câu chuyện, tên gọi... liên quan tới những mối tình thủy chung son sắt...”.

Chỉ tay về đỉnh núi phía trước mặt, Duy Danh dẫn chứng, đây là ngọn núi Langbiang. Thuở xưa, tộc Lát (một nhánh của dân tộc K Ho) có một tù trưởng trẻ, khỏe mạnh, tên là K Lang. Chàng đã đem lòng yêu nàng H biang xinh đẹp, con của tù trưởng Jrềnh của bộ tộc Sre (một nhánh khác của dân tộc K Ho). Nàng H biang đã ưng bắt KLang làm chồng nhưng tù trưởng Jrềnh không chịu bởi giữa tộc Sre và Lát có mối thâm thù từ lâu. Đau khổ vì cha rẽ duyên, H biang đã băng qua nhiều cánh rừng, ngọn suối tìm Lang.

Khách du lịch rất thích thú khi được tận mắt xem loài hoa Móng Cọp ở thành phố Đà Lạt.
Khách du lịch rất thích thú khi được tận mắt xem loài hoa Móng Cọp ở thành phố Đà Lạt.

Họ ngồi trên một ngọn núi mặc cho đêm xuống, trăng lên, sương tan, nắng xế... Đôi tình nhân này quyết không rời nhau dù có phải chết và họ đã thể hiện được sự thủy chung của mình. Dãy núi Langbiang chính là biểu tượng của mối tình son sắt. Ngày nay, khi du khách đứng bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) nhìn qua sân Golf, mọi người rất dễ nhận ra ngọn Langbiang (với độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển).

Đến với hồ Than Thở, Duy Danh lại tiếp tục: Xa xưa, nơi đây từng gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi cây anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về.

Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự vẫn. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay và cũng là một biểu tượng cho mối tình chung thủy...

Dựa theo những tài liệu thu thập được và những thông tin mà Duy Danh bổ sung, cung cấp, chúng tôi đã tự tìm cho mình được các câu giải đáp về một số tên gọi khác của Đà Lạt. Chẳng hạn, thành phố này có hơn 70ha đất trồng hoa, với nhiều vườn hoa lớn như: Minh Tâm và Bích Câu... Hoa Đà Lạt có nhiều loại, riêng hoa hồng có 70 loại, hoa cẩm chướng có 37 loại, hoa lan cũng rất nhiều: địa lan, phong lan, ngọc lan, hoàng lan, lan chiếu thuỷ, lan tây, lan phi điệp... Với những tiềm năng và thế mạnh đó, năm 2000, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức sự kiện du lịch với chủ đề: "Đà Lạt - Thành phố hoa - Điểm hẹn năm 2000". Và những lễ hội hoa vẫn được địa phương này duy trì cho tới tận hôm nay.

Đặc biệt, trong năm 2013, Đà Lạt có 2 sự kiện lớn đáng chú ý, đó là “Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển” và “Festival hoa Đà Lạt 2013”... Có lẽ bởi lý do đó mà nhiều người đã gọi Đà Lạt là thành phố hoa. Tương tự, năm 1945, cả thành phố Đà Lạt có tổng số hơn 1.000 biệt thự, gồm 25.500 dân, trong đó người nước ngoài chiếm 23%. Năm 1993, Đà Lạt có 2.235 biệt thự và hiện nay có khoảng 2.500 ngôi biệt thự lớn nhỏ, có những biệt thự có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật, kiến trúc như dinh Bảo Đại, dinh Toàn quyền Đông Dương. Đây chính là nguyên do để nhiều người vẫn thường gọi Đà Lạt là thành phố biệt thự...

Được biết, ngoài những tên gọi khác về Đà Lạt mà chúng tôi vừa nêu trên, nhiều người trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Lạt, cảm nhận về Đà Lạt, họ đã gọi mảnh đất này là thành phố ngàn thông, thành phố mộng mơ, xứ sở sương mù, xứ sở hoa anh đào...

Văn Minh

Kỳ 2: Đến Đà Lạt học cách làm du lịch

Từ khóa » đà Lạc Là Gì