Khán Giả Chê Kết Thúc Của 'Tiếng Sét Trong Mưa' - VnExpress Giải Trí

Tối 2/11, tập 54 khép lại bộ phim của đạo diễn Phương Điền sau hai tháng phát sóng. Tập cuối xoay quanh việc Khải Duy (Cao Minh Đạt) bị kết án tử hình sau nhiều việc làm tàn bạo - trong đó có vụ nổ mìn làm chết 100 công nhân. Thị Bình (Nhật Kim Anh) và Khải Duy hội ngộ trong nhà tù. Hải (Lâm Minh Thắng) - con trai Khải Duy - và Thị Bình đau khổ nhìn Khải Duy bị đưa ra pháp trường xử bắn.

Khán giả chê kết thúc của 'Tiếng sét trong mưa' Khán giả chê kết thúc của 'Tiếng sét trong mưa'

Cảnh Khải Duy gặp Thị Bình trước giờ ra pháp trường. Video: THVL.

Bà Hội (Diệu Đức) - mẹ Khải Duy - thay đổi tâm tính, trả hết giấy tờ bán thân cho gia nhân, tặng ít tiền để họ về quê sinh sống. Bà định nương nhờ nơi cửa Phật, nhưng con trai cả Khải Văn (Khương Thịnh) giữ bà lại, tha thứ cho mẹ và chăm sóc bà lúc tuổi già. Thị Bình và Hải về quê gặp bà Hội, thông báo về việc Khải Duy đã qua đời. Ôm mẹ chồng, Thị Bình hứa sẽ thay Khải Duy chăm sóc bà suốt quãng đời còn lại. Hạnh Nhi (Thảo Trang) sau thời gian chữa trị vẫn nửa mê nửa tỉnh. Xuân (Bạch Công Khanh) được Phượng (Oanh Kiều) chăm sóc sau khi may mắn thoát chết trong đêm bị sét đánh.

Nhiều khán giả cho rằng phim không giải quyết triệt để các mâu thuẫn. Một số nhân vật có cái kết chưa thỏa đáng. Trên fanpage đơn vị chiếu bộ phim, khán giả nhận xét Khải Duy nhận phải kết thúc bi thảm quá mức so với những việc ông từng làm. Nhiều người đánh giá bản án dành cho Khải Duy còn để lại nhiều bỏ ngỏ. Khải Duy bị kết án vì âm mưu cho nổ tàu để được đền tiền bảo hiểm, khiến 100 công nhân chết oan. Tuy nhiên, ở tập 53, ông khẳng định với con trai sự cố đó do đám phiến loạn làm. Ở tập cuối, tình tiết này bị bỏ lửng, khiến người xem thắc mắc về nguyên nhân thực sự Khải Duy bị tử hình.

Ngoài nhân vật chính, cái kết cho nhiều vai phản diện cũng chưa thỏa mãn người xem. Dù bi kịch trong phim có nguồn cơn từ sự độc ác của bà Hội, về cuối phim, bà lại được con trai lẫn con dâu tha thứ. Hai nhân vật cai Tuất và Hùng - hai kẻ hãm hại Khải Duy - lại bị bỏ lửng về kết cục. "Tôi ráng đến tập cuối để xem hai kẻ ác này bị trừng trị ra sao, tuy nhiên đạo diễn có vẻ quên các nhân vật này", khán giả Hoàng Lan nói.

Cảnh bà Hội nhận lá thư của Khải Duy trước khi chết Cảnh bà Hội nhận lá thư của Khải Duy trước khi chết

Cảnh bà Hội nhận lá thư của Khải Duy trước khi chết. Video: THVL.

Nhiều nhân vật có diễn biến tâm lý thay đổi nhanh chóng với tình tiết không hợp lý. Ở cuối tập, Thị Bình vừa bước vào nhà đã gọi bà Hội là "má", xưng là "con dâu". Tình tiết này còn khiên cưỡng, khi trong tập trước, nhân vật vẫn đang là vợ của ông Quý (Thanh Nam) và khẳng định tiếp tục sống với ông. Tương tự, Phượng - con gái Thị Bình - vốn yêu Thanh Bình (Quốc Huy) và đau khổ khi biết anh là anh trai cô. Sau khi được Xuân cứu thoát khỏi cột thu lôi, cô liền nói yêu Xuân khi anh vừa tỉnh dậy. Nhiều khán giả đánh giá chi tiết này khiến mối quan hệ của cả hai bị gượng ép. "Có thể đạo diễn muốn phim có cái kết tươi sáng hơn, vì trong kịch bản gốc, nhân vật Phượng lẫn Thanh Bình đều qua đời. Tuy nhiên, phim cần tạo ra nhiều bước đệm hơn thay vì thúc đẩy chuyện tình Phượng - Xuân quá nhanh", Huy Trần đánh giá.

Thị Bình - nhân vật chủ chốt của phim cũng nhận nhiều lời chê ở những tập cuối. Ở cảnh hội ngộ Khải Duy trong tù, gặp lại bà Hội, Thị Bình đều giữ chung một biểu cảm: khóc lóc bi thảm. Tâm lý của nhân vật này cũng bị xem là thiếu logic, khi bà luôn giữ im lặng dù chứng kiến các tình tiết mấu chốt trong phim. "Bi kịch của bộ phim chủ yếu là do Thị Bình. Nếu Bình chịu nói ra thân phận từ đầu thì đã không có cảnh cha con tương tàn, anh em loạn luân", Thu Trang nhận xét.

Thị Bình đau khổ khi Khải Duy bị đưa đi xử bắn. Ảnh: THVL.

Thị Bình đau khổ khi Khải Duy bị đưa đi xử bắn. Ảnh: THVL.

Nhiều khán giả tiếc cho phim vì nội dung về sau không kết nối như nửa đầu tác phẩm. "Phần sau phim trở nên lê thê không cần thiết. Nhân vật nhiều khi hành động khó hiểu, mất đi tính kịch tính và hấp dẫn. Nếu rút lại còn 30-35 tập có lẽ sẽ hợp lý hơn", khán giả Vũ Quỳnh Như bình luận.

Đạo diễn Phương Điền cho biết trong phim phản ánh câu chuyện nhân - quả, có vay - trả, nhân vật ác phải chịu quả báo. So với kịch bản gốc - vở cải lương Lôi Vũ, Phương Điền chọn một cái kết nhân văn hơn, giảm bớt số nhân vật hứng chịu bi kịch. Anh bỏ ngỏ một số tình tiết vì muốn triển khai thêm ở phần hai, dự tính được thực hiện khi anh quay xong phim Vua bánh mỳ.

Phát sóng từ đầu tháng 9, Tiếng sét trong mưa tạo được nhiều hiệu ứng. Nhiều trích đoạn lọt vào top thịnh hành trên Youtube, tên phim trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều ở Google. Có thời điểm, phim đạt rating (tỷ suất người xem) là 26.0 - kỷ lục cho phim bộ của Đài truyền hình Vĩnh Long những năm gần đây.

Phim được phóng tác từ vở cải lương Lôi Vũ (soạn giả Thế Anh, Thế Châu). Lôi vũ là tác phẩm sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc, do Tào Ngu sáng tác năm 1933. Tại Việt Nam, vở được dựng thành phiên bản cải lương, với các nghệ sĩ: Minh Vương, Lệ Thủy, Tô Kim Hồng, Diệp Lam, Thanh Nguyệt... Năm 1986, nhà hát 5B Võ Văn Tần chuyển thể tác phẩm thành kịch nói với các diễn viên: Việt Anh, Hồng Vân, Thành Lộc, Minh Trang, Quốc Thảo, Hữu Châu...

Tam Kỳ

Từ khóa » Cậu Ba Thị Bình Tập Cuối