​Khăn Trắng Cho Cây - Tuổi Trẻ Online

Minh họa:  Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Bốn dải khăn trắng được xé thêm, nhưng không dành cho lũ cháu chắt đi bằng hai chân như người ta tưởng, mà để buộc vào mấy cái cây ngoài vườn. Xóm giềng chưng hửng, hỏi sao lại đặt tên cây y như người vậy?

Những đứa trẻ trong nhà đã từng hỏi một câu giống hệt. Sao vú sữa thì tên Khuyên còn Đường là một cây cau già nằm lẻ trên liếp giữa, sao cây me Hớn lại phải gọi cây mù u Hậu đứng ở miệng đìa bằng anh. Bà nội mơ màng ờ thì thằng Hậu sinh ra trước…

Đó là tên của những đứa trẻ yểu mệnh từng nằm khoanh trong lòng bà nội, từng đạp méo cả vách bụng, làm bà ốm nghén thèm ăn cả lá dừng vách. Có trẻ đẻ non, có trẻ chỉ vài ba ngày, hoặc non tháng tuổi. Cuống rún chưa khô, thịt da còn oi mùi than củi, chúng ra đi khi bà nội còn chưa biết mắt đứa nhỏ hai mí hay chỉ là mí lót, giống bà. Ở cái xóm nhỏ bên sông Bến Lá cách thị xã nửa ngày chèo xuồng, người ta qua đau ốm chỉ bằng đánh gió, lá thuốc hái ngoài vườn, cao đơn hoàn tán của mấy gánh sơn đông, thầy chà ban hay nhà nào khá giả hơn thì kêu cửa thầy thuốc bắc, sinh mệnh những đứa trẻ gần như mặc cho trời định. Không khu vườn nào trong xóm Nhơn Thành lại chẳng có ít nhất một nắm đất gói trẻ sơ sinh. 

Giống như những người đàn bà quê khác, bà nội sinh con đàn đống vì không biết sẽ hao hớt bao nhiêu đứa trong bầy. Cuộc chia tay thường báo hiệu bằng mụn rộp mọc đầy trong miệng trẻ, bằng làn da sơ sinh ửng dày ban đỏ, bằng tiếng khóc ngằn ngặt không cách nào dỗ nín. Rồi một bữa bà mẹ tiễn đứa trẻ ra vườn, gởi nó lại trong vòng tay cỏ.

Không biết buổi tối đó bà nội khóc nhiều không khi bầu sữa chảy tràn căng nhức, khi nằm một mình trên chiếc giường ấm sực lửa than, khi dạ con vẫn còn co thắt ẩm ê. Bà nội không kể nỗi đau đớn mất con của mình, tuồng như mùa màng, con cái và việc nấu nướng giặt giũ đã cuốn bà đi khỏi cái gò đất còn tươi. Nên bà không tỏ ra buồn rầu mỗi khi ai đó hỏi về nắm đất sau vườn, “ờ mà con nhỏ Khuyên đó có ngộ gái không?”. 

“Con nhỏ trắng như bông bưởi, hồi cấn bầu nó tôi toàn uống nước dừa xiêm thay cơm”, bà nội nhoẻn cười, mặt mũi tươi giống hệt như người bên xóm khen thằng Lễ con bà học giỏi nhất trường. “Tên con nhỏ cũng đẹp nữa, nguyên xóm này không ai có”.

Từng theo học giáo làng, quen biết một ít chữ, bà nội rất chăm chút tên cho con cái. Những cái tên không kêu vang như của đào kép cải lương, cũng không quá tầm thường. Lễ, Hậu, Tím, Liếng, Khuyên, tên mát như nước sông và giống đất, rất hiền. Nên bà không tin vào tình thương của những bậc cha mẹ nào trong xóm tùy tiện gọi con là Tí Tèo, Mun, Mực, kể cả khi nhìn thấy họ dầm mưa bắt ếch bồi bổ cho đám nhỏ còi xương. 

Mỗi mùa mưa trút xuống xóm Nhơn Thành, mấy nắm đất thấp dần đến không còn dấu vết, chìm lỉm dưới lá cây và cỏ, chan bằng với mặt vườn. Lòng người cũng không còn chút ký ức nào về những đứa trẻ từng đi phớt qua cuộc đời. Chẳng còn ai nhắc tới tụi Hậu Hớn, nên bà nội mấy khi được kể bàn chân thằng Đường rất dài, còn rún con Khuyên thì phải rắc tiêu vô mới chịu khô. 

Đến ông nội còn không nhớ những đứa trẻ từng ngo ngoe trong căn buồng ở cữ tối om, nên có bữa định đào trùn làm mồi câu cá ngay chỗ từng vùi thằng Đường. May mà bà nội kịp kêu trời, tránh xa thằng nhỏ ra. Đứa trẻ sinh non ấy ông nội còn chưa được bồng lần nào. Nhưng bà nội thường nói Đường khôn nhứt đám con mình, hồi còn là bào thai nó luôn ngưng gò khi nghe kêu “đau má!”.

Nghĩ, trước sau gì nắm đất cũng bị người ta quên tuốt, bà nội đem trồng cây lên chúng, sau khi chắc chắn là tụi nhỏ đã tiêu hết thịt xương, thành bụi thành nước.   

Chú Quý hay gân cổ cãi, “anh con không phải cây me”, khi bà nội sai ra anh Hớn hái ít trái vô nấu canh chua. Bà nội đút thêm mấy cây củi vô lò, nói “oằn nhánh thấp mà bẻ, đừng trèo lên anh mầy khéo té”. Chú vẫn cắm cẳn, cây me sao làm anh con được. “Mà mùa này anh mầy coi bộ sai trái, mới đây thôi mà cao bộn rồi”, nội lại mơ màng, để mặc cái xoong nước sắp sôi nghiêng phè trên miệng bếp.   

Có chút gì bất chấp, bà nội dần khiến cho người nhà quen với chuyện gọi cây bằng cái tên của đứa trẻ yểu mệnh nào đó, dù không dấu vết nào cho thấy chúng từng tồn tại trên đời. Lần nào thấy cha tè vô gốc mù u, bà kêu “chắc anh Hậu này nín thở”. Cứ vài ba tháng bà nội lại quét vôi gốc vú sữa một lần, “cho con Khuyên khỏi bị sâu đục thân”. Có lần ông nội lấy gang tay đo cây mù u, nói cỡ này cưa làm thớt là hết sảy. “Ông tính bằm thịt trên mặt thằng con mình ?”, bà nội hỏi, tỉnh bơ.

Một tuần sau cái buổi sáng nắm cỏ ngoài đồng chính thức mang tên của bà nội, “thằng Đường” gãy ngọn trong một cơn dông nhỏ, còn “con Khuyên” đổ lá sạch cành. Trên thân cây trắng một dải khăn. 

Từ khóa » Buộc Khăn Tang Vào Cây