Kháng Sinh đồ Và Vai Trò Hạn Chế Sự Kháng Thuốc Hiệu Quả

1. Kháng sinh đồ là gì?

Kháng sinh đồ là phương pháp nhằm xác định loại kháng sinh có nhạy cảm với vi khuẩn và mức độ nhạy cảm đối với từng loại kháng sinh là như thế nào. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp bác sĩ nghiên cứu sự đề kháng của vi khuẩn với thuốc. Từ đó đưa ra cảnh báo phòng ngừa đối với những bệnh có khả năng lây lan cao trong cộng đồng.

Hình 1: Kháng sinh đồ.

Khi xác định được loại kháng sinh nhạy cảm và mức độ nhạy cảm đối với vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn được kháng sinh phù hợp cho phác đồ điều trị, tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

2. Kháng sinh đồ được thực hiện trong trường hợp nào?

Phương pháp kháng sinh đồ được yêu cầu thực hiện trong những trường hợp sau:

- Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn do nguyên nhân vi khuẩn, đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả. Khi đó cần phải xác định lại mức độ tác dụng của thuốc đối với vi khuẩn để có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phác đồ phù hợp.

- Những trường hợp vi khuẩn đã nhờn thuốc, cần phải kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc hoặc phải dùng kháng sinh mạnh hơn.

- Một số trường hợp bệnh nhân nhập viện có triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn và chưa sử dụng kháng sinh. Khi đó bác sĩ sẽ yêu cầu tìm ra kháng sinh phù hợp nhất để điều trị đích nhanh chóng và hiệu quả.

- Bên cạnh đó, phương pháp này còn được ứng dụng trong việc nghiên cứu sự nhạy cảm của một loại kháng sinh mới đối với vi khuẩn.

Hình 2: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày một gia tăng.

3. Cách thực hiện phương pháp kháng sinh đồ

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm tại trí tổn thương và tiến hành nuôi cấy. Đó có thể là máu, nước tiểu, dịch mũi họng, đờm, dịch vết thương, mủ, dịch màng phổi,...

Các bệnh phẩm được nuôi cấy trên môi trường thích hợp nhằm kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Sau đó bằng các kỹ thuật nhuộm soi, thử tính chất sinh vật hóa học, test định danh nhằm xác định được chủng loại vi khuẩn và tiến hành làm kháng sinh đồ đối với vi khuẩn đó.

Hình 3: Nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh.

Hiện nay phương pháp sử dụng khoanh giấy kháng sinh (hay còn gọi là Kirby Bauer) là đơn giản và được sử dụng rộng rãi nhất. Phù hợp với nhiều quy mô các phòng xét nghiệm thông thường.

Nguyên lý của phương pháp này đó là sau khi đặt khoanh giấy kháng sinh lên trên bề mặt thạch, kháng sinh sẽ khuếch tán vào trong thạch ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Khi đó sẽ tạo ra vòng tròn xung quanh khoanh giấy hay còn gọi là vùng ức chế. Độ nhạy của kháng sinh sẽ phụ thuộc vào đường kính của vòng tròn.

Quy trình tiến hành phương pháp này được thực hiện như sau:

- Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng thích hợp. Phân lập và định danh ra chủng vi khuẩn thuần gây bệnh.

- Lấy một lượng vi khuẩn pha với nước muối sinh lý với nồng độ theo quy định và dàn đều lên trên bề mặt thạch.

- Sau đó dùng panh kẹp hoặc đầu kim vô trùng để đặt các khoanh giấy kháng sinh tròn đã được tẩm sẵn hàm lượng kháng sinh nhất định vào đĩa thạch.

- Tối đa chỉ nên đặt 6 khoanh giấy trên đĩa thạch đường kính 9 - 10 cm, 12 khoanh cho đĩa đường kính 15 cm. Thông thường, nên đặt 6 khoanh kháng sinh cách đều nhau và cách gờ của đĩa thạch 15 mm.

- Các đĩa thạch sau đó được ủ trong tủ ấm 35 - 37 độ C.

Cách đọc kết quả

- Kiểm tra đĩa thạch thường xuyên sau khoảng 24 - 48h lấy ra và đọc kết quả.

- Dùng thước kẻ có chia vạch đến mm hoặc thước kẹp đo đường kính vùng ức chế hoàn toàn (bao gồm cả đường kính của khoanh giấy kháng sinh) tính theo mm. Đường kính vùng ức chế tỷ lệ thuận với mức độ nhạy cảm của vi khuẩn.

- Đường kính được tính theo mm và so sánh với tài liệu chuẩn để đánh giá mức độ vi khuẩn nhạy cảm, bình thường và kháng thuốc kháng sinh.

Hình 4: Dùng thước để đo đường kính vùng ức chế.

Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ tiến hành lựa chọn loại kháng sinh có độ nhạy cao với vi khuẩn để điều trị cho bệnh nhân.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả

- Các thao tác dàn bệnh phẩm và đặt kháng sinh không chuẩn dẫn đến sai lệch kết quả.

- Nhiệt độ ủ ấm và thời gian quá dài khiến cho vi khuẩn được nhân lên nhiều, làm giảm đường kính vùng ức chế, kết quả nhạy cảm có thể bị đọc nhầm thành kết quả đề kháng.

- Độ dày mỏng của đĩa thạch cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả.

- Môi trường có ảnh hưởng đến đường kính vùng ức chế do môi trường ảnh hưởng lên khả năng phát triển của vi khuẩn, khả năng khuếch tán của kháng sinh. Do vậy, việc sử dụng môi trường thích hợp cho từng phương pháp là rất cần thiết.

4. Vai trò, ý nghĩa của kháng sinh đồ

Kỹ thuật này giúp bác sĩ lâm sàng lựa chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất cho bệnh nhân về hiệu quả điều trị, phương thức sử dụng (uống, tiêm,…), hiệu quả kinh tế (lựa chọn loại kháng sinh còn tác dụng nhạy cảm với chi phí hợp lý nhất,…). Hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc một cách bừa bãi, tràn lan.

Ngoài ra, nó còn giúp giám sát tình hình kháng sinh, từ đó có các chiến lược cụ thể nhằm hạn chế tình hình kháng thuốc của vi khuẩn, giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các kháng sinh mới/dạng thuốc mới ít đề kháng hơn.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất trên thế giới. Đây là điều vô cùng đáng lo ngại, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian và khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

Chính vì vậy, kỹ thuật kháng sinh đồ được coi là giải pháp hiệu quả để góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay. Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, kỹ thuật này đang được triển khai rộng rãi, giúp hỗ trợ các bác sĩ sớm tìm ra kháng sinh tốt nhất cho bệnh nhân và điều trị bệnh hiệu quả.

Từ khóa » Hệ Thống định Danh Vi Khuẩn Và Kháng Sinh đồ