Khất Thực - Pháp Tu Cao Quý Của Mười Phương Chư Phật
Có thể bạn quan tâm
Mục Lục [Ẩn]
- Khất thực là gì?
- Ý nghĩa của việc khất thực
- Đối với người tu hành
- 1. Làm cho tâm trí được rảnh rang, ít phiền não
- 2. Kết duyên cho chúng sinh gieo trồng các phúc lành
- 3. Rèn luyện đức nhẫn nhục
- 4. Đoạn trừ được lòng tham
- 6. Thấy cảnh khổ để hun đúc chí tu hành cho người xuất gia
- Đối với người cúng dường
- 1. Được tăng trưởng phước báu
- 2. Được kết duyên với Tam Bảo
- 3. Biết sống biết đủ để được hạnh phúc an vui
- 4. Khởi lên lý tưởng giải thoát, dứt trừ phiền não
- 5. Có duyên được nghe chư Tăng thuyết Pháp
Khất thực là phương pháp nuôi thân mà Đức Phật truyền dạy cho người xuất gia. Khắp mười phương ba đời chư Phật, từ quá khứ đến tương lai đều ôm bát đi khất thực. Phương pháp này đem đến nhiều lợi ích lớn cho người xuất gia cũng như những người cúng dường:
Đối với người xuất gia thì được ít phiền não, rèn đức nhẫn nhục, hun đúc ý chí tu hành, đoạn trừ tâm tham và tâm kiêu mạn.
Còn đối với người cúng dường thì được tăng trưởng phước báu về hình tướng, tài sản, danh tiếng,...
Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích của khất thực, lý giải cho những điều đặc biệt nói trên.
Khất thực là gì?
Khất thực dịch nghĩa là xin ăn. Thời Đức Phật tại thế, tất cả chư Tăng đều nuôi sống thân mạng bằng việc ôm bình bát đi khất thực. Mỗi buổi sáng, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn đi vào các ngõ xóm, làng mạc, phố phường khất thực nuôi mạng.
Tuy nhiên, Đức Phật đi khất thực không phải chỉ vì miếng ăn. Bởi Ngài xuất thân từ địa vị Thái tử của một đất nước giàu có, thân mạng của Ngài cũng không phải đi xuống phố để biểu diễn cầu danh. Mục đích của việc khất thực là bỏ đi cái “tôi”, sự ham danh để dành tâm vô ngã trên đạo lộ giải thoát sinh tử luân hồi.
Tăng đoàn khất thực tại nhà nào sẽ đứng trước nhà đó, người trong nhà mang thức ăn ra dâng cúng (gọi là sớt bát). Sau đó, các Ngài trở về tịnh xá hoặc một trú xứ để thọ trai (dùng cơm) vào giờ ngọ (khoảng từ 11 giờ đến 13 giờ). Một ngày chỉ ăn một bữa như vậy, thời gian còn lại, các Ngài nghe Phật giảng Pháp hoặc tọa thiền, kinh hành.
Điều này đã được ghi nhận trong kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3, phẩm Phóng ngưu (chăn trâu), trang 443 như sau: “Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Ta chỉ ăn một bữa, các Thầy cũng nên ăn một bữa. Nay các Thầy ăn vào giờ Ngọ, không được ăn quá thời”.
Và kinh Trường A Hàm, tập 2, kinh A Ma Trú, trang 36 - 37 có nhắc đến như sau: “Tỳ kheo có Thánh giới như vậy, nếu được các Thánh căn, chỉ ăn vừa đủ, đầu đêm cuối đêm tinh cần tỉnh giác, thường niệm nhất tâm, không có tán loạn, thích ở nơi vắng vẻ, hoặc dưới gốc cây, hoặc bãi tha ma, hoặc trong hang núi, hoặc giữa đồng trống, hay tại đống rơm, đến giờ thì đi khất thực, ăn xong rửa sạch tay chân, thâu xếp y bát, bèn ngồi kiết già, thân ngay thẳng, ý chân chánh, giữ niệm trước mặt, loại bỏ xan tham, tâm không bị ràng buộc, dứt trừ tâm sân hận, không có oán kết, trụ tâm thanh tịnh, thường đem lòng thương xót chúng sanh, loại trừ sự ngủ nghỉ, giữ cho ý tưởng luôn sáng suốt và niệm không tán loạn, dứt trừ, trạo hối, tâm không bị ràng buộc, nội hành tịch diệt, dứt trừ tâm trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc để dứt lưới nghi, tâm phải chuyên nhất với các thiện pháp”.
Ý nghĩa của việc khất thực
Đức Phật ba đời đều khen ngợi pháp khất thực vì pháp này mang đến rất nhiều lợi ích cho chính người tu hành và thí chủ cúng dường.
Đối với người tu hành
Trong kinh “Đại thừa bản sinh tâm địa quán”, quyển V, phẩm 4: Vô cấu tánh, trang 314 - 316 có ghi lại bài kệ Đức Thế Tôn chỉ dạy về lợi ích của khất thực như sau:
Như Lai ba đời đều khen ngợi
Công đức khất thực có mười lợi:
Riêng gọi hạnh này là tối thắng
Ra vào tự tại không ràng buộc.
Trước khiến thí chủ phát sơ tâm
Dốc hướng Bồ đề, sau mới ăn.
Vì trừ xan tham nói pháp mầu
Nên khởi đại xả tâm vô lượng.
Theo Đại sư dạy đi khất thực
Tăng trưởng vô lượng các phạm hạnh.
Bảy mạn, chín mạn tự trừ diệt
Được các trời, người, thường cung kính.
Đảnh tướng Như Lai không thể thấy
Chuyển xe pháp diệu độ mười phương.
Tận đời vị lai truyền pháp này
Khiến không dứt tuyệt giống Tam Bảo.
Bài viết này làm rõ một số lợi ích chính của hạnh khất thực đối với người tu hành như sau:
1. Làm cho tâm trí được rảnh rang, ít phiền não
Người xuất gia đi khất thực xin ăn thì tùy thí đắc thọ (ai cho gì ăn đó), không phân biệt thức ăn ngon dở, không chọn lựa món ăn. Đời sống chư Tăng không phải bận rộn chuyện ăn uống nuôi thân mạng bởi khi đã dấn thân vào đường tu thì không còn xem trọng thân nữa.
Nếu đi khất thực không ai cho thì chư Tăng vẫn vui vẻ, nhịn đói mà ra về. Nhờ vậy, các Ngài không bị bận tâm, phiền não.
Trong kinh Mi Tiên vấn đáp, câu 179: Về con gà, trang 766 cũng nói đến việc này như sau:
"Điểm thứ ba, khi ăn vật thực, gà rất chăm chú, rất cảnh giác. Nó lấy chân khều vật thực, bươi vật thực ra rồi mới ăn; ngon cũng ăn, dở cũng ăn, nhưng chỗ này một chút, chỗ kia một chút.
Vị Tỳ-khưu cũng như thế nào có khác gì? Khi ăn cũng phải chánh niệm, tỉnh giác. Ngon cũng ăn mà dở cũng ăn. Vật thực kiếm được chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Khi ăn cũng phải “khều”, phải “bươi” vật thực ra mà quán tưởng: “Vật thực này có gì đâu, nó là đất, nước, lửa, gió đấy thôi; thích thú mà làm gì, thỏa mãn mà làm gì! Ta ăn là để duy trì sức khỏe và sự sống mà tu hành; chẳng nên ăn để trang điểm cái thân, dưỡng cái thân cho mập mạp; chẳng nên ăn để mà chơi, để nô đùa, lêu lổng… Ăn để giảm trừ thọ khổ do đói gây nên, để khỏi ảnh hưởng đến việc tu tập”.
2. Kết duyên cho chúng sinh gieo trồng các phúc lành
Chư Tăng ôm bình bát khất thực là đang gieo duyên với chúng sinh; còn người sớt bát cúng dường vào đó là gieo hạt giống vào ruộng phước điền.
Như trong trong kinh Thuận Quyền Phương Tiện, Quyển Thượng, Phẩm 1: Pháp Sa-Môn, trang 821 - 827, Đức Phật dạy:
“Nếu có chúng sinh cúng dường thực phẩm cho Đức Như Lai, nhiều hay ít, thô hay tế, ngon hay dở đều kính dâng Như Lai thì đều vun trồng được cội rễ công đức và tạo được phước lành không thể suy lường, không thể tính kể, huống nữa là cúng dường rộng lớn bằng cả cõi trời, người, phước đức không thể cùng tận, sẽ đạt được diệt độ. Vì thế mà Đức Như Lai đi khất thực.
Đức Như Lai luôn luôn thực hành khất thực với sự tự tại của bậc Thánh hiền, không hề có tâm tham lam, ganh ghét, cũng không vì sự ăn uống. Ngài vì những người có lòng tin mà giảng nói pháp, khiến cho họ được xuất gia học đạo và để giáo hóa các thiện nam, thiện nữ, nên Ngài đi khất thực”.
3. Rèn luyện đức nhẫn nhục
Khi đi khất thực, có thể xảy ra rất nhiều chuyện như: đi vào vùng người dân không theo đạo Phật, họ có thể mắng chửi, ném đất đá hoặc những thứ dơ bẩn vào trong bình bát của chư Tăng. Cho nên, việc trì bình khất thực giúp người tu hành rèn luyện đức nhẫn nhục; chịu đựng sự nhục mạ, những điều trái ý nghịch lòng.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, chương 8: Gieo gió gặt bão, có câu chuyện về Tôn giả Xá Lợi Tử. Vì muốn giáo hóa độ sinh mà Ngài luôn thực hành hạnh nhẫn nhục. Một ngày nọ, khi Tôn giả đang đi khất thực, có một vị Bà la môn đi phía sau và chửi nhiếc Ngài thậm tệ.
Tuy vậy, Tôn giả Xá Lợi Tử vẫn nhẫn nhục, im lặng. Người Bà La Môn này lại đấm vào lưng Ngài thật mạnh nhưng Tôn giả vẫn nhẫn nhục không phản ứng, không giận ghét. Cuối cùng, vị Bà la môn đã ăn năn sám hối và thỉnh Ngài về nhà để cúng dường.
Trong một lần khất thực khác, Tôn giả bị một vị trưởng giả keo kiệt khạc nhổ vào bình bát nhưng Ngài vẫn an nhiên nhẫn nhục, không chút phiền giận, trách móc. Cuối cùng vị trưởng giả ấy đã được Ngài cảm hóa.
Trong kinh Mi Tiên vấn đáp có kể lại câu chuyện về Tỳ kheo Rohana rèn luyện hạnh nhẫn nhục qua việc trì bình khất thực. Chuyện kể rằng: Do nhận thấy còn yếu kém trong thực hành tinh tấn và nhẫn nại nên Tỳ kheo Rohana đã nhận từ đại trưởng lão Assagutta một công hạnh. Đó là đi gieo duyên, trì bình khất thực tại nhà Bà la môn Sonuttara đủ 7 năm 10 tháng để độ cho con trai của vị ấy đi xuất gia.
Sau khi tìm hiểu dân tình, Tỳ kheo Rohana biết rằng, nơi gia đình Bà la môn Sonuttara ở là xứ sở ngoại giáo rất thịnh hành. Muốn sống được ở đây, hóa đạo ở đây thì ngài phải kiên trì tinh tấn và nhẫn nại bất thối chuyển.
Quả đúng như vậy, khi Ngài đi khất thực tuần tự từ nhà này sang nhà kia cho đến gia đình Bà la môn Sonuttara, ở đâu cũng người ta cũng đóng cửa hoặc đưa mắt nhìn hờ hững, khinh thị, chối từ.
Những ngày sau đều như vậy, Ngài đi khất thực với khuôn mặt từ bi, hiền hòa; với bước đi thanh thoát, trầm tĩnh nhưng nhận lại là những đôi mắt thiếu thiện cảm, vài lời nói xa gần chỉ trích, phỉ báng,...
Thế nhưng, dù nắng nóng nung người, mưa gió bão bùng hay đông hàn tuyết rơi; Tỳ kheo Rohana vẫn tinh tấn, chuyên cần, nhẫn nại, xuất hiện trước cửa mọi nhà như một chiếc đồng hồ chính xác nhất. Ngài không hề bỏ một ngày trong suốt 7 năm 10 tháng ròng rã như thế. Và rồi, cả dân làng đều được Ngài cảm hóa, thỉnh thoảng có vài gia đình thỉnh Ngài về nhà để bát và xin được nghe pháp.
Tuy nhiên, gia đình Bà la môn Sonuttara vẫn đóng kín cửa trước bước chân của Ngài suốt 7 năm 10 tháng. Ngài không nhận được từ gia đình này dù chỉ một lời nói dễ nghe, một biểu hiện thân thiện, một sự kính trọng xã giao hay một vá cơm, một muỗng cháo, một cái bánh. Thay vào đó, chỉ là những lời chửi chó, mắng mèo; lời rầy la con cái; lời thô lỗ cộc cằn; lời nói đâm xóc, cạnh khóe, chửi mắng, phỉ báng,...
Dẫu vậy, Tỳ kheo Rohana vẫn kiên trì hàng ngày đến khất thực và điềm đạm đáp lại sự mỉa mai của Bà la môn Sonuttara. Cuối cùng sự nhẫn nhục, khiêm hạ của Ngài đã cảm hóa đến Sonuttara và độ được cho con trai ông đi xuất gia, trở thành Tỳ kheo Na Tiên.
Trong lịch sử Phật giáo còn rất nhiều những tấm gương, những câu chuyện như vậy. Qua đó, chúng ta thấy được lợi ích rất to lớn của việc trì bình khất thực đối với sự thực hành nhẫn nhục của người xuất gia này.
4. Đoạn trừ được lòng tham
Vị Tỳ kheo ôm bát khất thực đoạn trừ được lòng tham. Bởi khi đi khất thực, vị ấy không biết hôm nay mình được cúng cho vật thực gì, ít hay nhiều, ngon hay dở. Vì vậy, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều được.
Và trong luật Phật cũng quy định về khất thực rằng, khi khất thực đã đầy bát, các thầy Tỳ kheo phải đậy nắp, không được phép khất thực thêm. Ngoại trừ hai trường hợp sau đây:
- Thứ nhất, trường hợp khất thực thay: Nếu trong Tăng đoàn có người vì ốm bệnh,… không đi khất thực được thì những chư Tăng khác sẽ vừa khất thực cho mình, vừa khất thực thay những người không đi được.
- Thứ hai, trường hợp khất thực để bố thí: Khi có nhiều người cúng dường, vị Tỳ kheo thấy có sự cần bố thí thì khất thực vừa đủ cho mình và được nhận thêm để bố thí.
Đối với trường hợp này, khi nhận xong, chư Tăng phải bỏ các vật đã nhận ra ngoài bình bát. Sau đó, chư Tăng được khất thực tiếp và được nhận cho đến khi thấy vừa đủ để dùng và vừa đủ để bố thí.
Trong Đại tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ kinh tập 1, kinh Tập, chương Một, Phẩm Rắn, kinh “Con tê ngưu một sừng”, trang 23 viết:
“Không tham đắm các vị,
Không tác động, không tham,
Không nhờ ai nuôi dưỡng,
Chỉ khất thực từng nhà”
Vậy nên, pháp khất thực giúp cho vị Tỳ kheo giảm trừ được tâm tham.
5. Đoạn trừ tâm kiêu mạn, tu tâm khiêm hạ
Người ôm bát khất thực trừ được tâm kiêu căng, ngã mạn; đồng thời tăng trưởng tâm khiêm hạ. Bởi người đó biết rằng, mạng sống của mình là nhờ vào sự bố thí của mọi người.
Trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập 162, Đại Thừa Nghĩa Chương số 1851, quyển 11, phần “Nghĩa bốn thánh chủng” có nói về việc lìa tâm kiêu mạn khất thực như sau: “Lúc khất thực nếu gặp người nghèo hèn không khởi ý coi khinh, cũng đúng thời khất thực không sinh kiêu mạn”.
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật căn dặn các Thầy Tỳ kheo: “Tỳ-kheo các ông! Khi tự xoa đầu nhớ rằng đã xả bỏ những món trang sức đẹp, mặc áo hoại sắc, ôm giữ ứng khí lấy việc xin ăn mà nuôi sống. Tự thấy như vậy, nếu khởi tâm kiêu mạn thì hãy mau trừ bỏ đi. Người thế tục còn chẳng nên để lòng kiêu mạn tăng trưởng, huống chi là những kẻ xuất gia nhập đạo đã vì muốn được giải thoát mà tự hạ mình đi xin ăn?”
6. Thấy cảnh khổ để hun đúc chí tu hành cho người xuất gia
Khi đi khất thực, các Thầy Tỳ kheo sẽ có nhân duyên thấy được những thực trạng khác nhau trong cuộc sống, phần nhiều là cảnh khổ, như: cảnh bất hòa giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái; cảnh tai nạn trên đường,… Đó là nhân duyên để các Thầy giác ngộ lời Phật dạy về sự khổ của cuộc đời, giữ vững lý tưởng giải thoát của người xuất gia.
Đối với người cúng dường
Pháp khất thực không chỉ mang lại lợi ích cho người khất sĩ mà còn đem lại lợi ích cho người sớt bát cúng dường như sau:
1. Được tăng trưởng phước báu
Hành vi bố thí, cúng dường các Thầy Tỳ kheo đi khất thực giúp tâm chúng ta được mở ra và phước báu tăng thêm.
Như trong kinh Phân biệt thiện ác báo ứng, Đức Phật dạy:
“Lại nữa, nếu có người bỏ các thứ vật dụng vào bình bát đem cúng dường Phật và Tăng, sẽ được mười thứ công đức. Những gì là mười?
- Hình sắc tươi đẹp;
- Vật dụng đầy đủ, mặc ý thọ dụng;
- Xa lìa các sự đói khát;
- Của cải dồi dào;
- Xa lìa đường ác;
- Trời, người đều hoan hỷ;
- Phước tướng viên mãn;
- Được tôn quý, tự tại;
- Thường được sanh lên các cõi trời;
Mau chứng đắc Niết-bàn
Công đức như vậy là do cúng dường các vật dụng trên mà có được”.
Trong bài kinh Lâu đài của người cúng trái cây có đề cập đến phước báu của người cúng dường. Chuyện kể về một người làm vườn, nỗ lực làm cho cây xoài có quả trái mùa theo ý muốn của vua Bình Sa. Khi các quả xoài đã chín, ông hái xoài đem dâng vua. Nhưng vừa thấy Tôn giả Mục Kiền Liên, người làm vườn đã dâng cúng dường những trái xoài đó lên Ngài; mặc cho việc làm này, có thể khiến ông bị nhà vua giết chết hay trừng phạt.
Sau khi biết chuyện, nhà vua rất hài lòng vì sự can đảm của người làm vườn, liền ban cho ông một ngôi làng, y phục, tư trang. Khi từ trần, người làm vườn được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng rộng dài mười sáu dặm.
Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Nhân duyên của giàu nghèo, Đức Phật dạy: “…có người đàn bà hay đàn ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà La môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa… Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sanh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn”.
Trong kinh Tạp Bảo Tạng, bài “Chuyện con mèo vàng”, có câu chuyện kể về thời mạt Pháp của Đức Phật Tỳ Bà Thi. Khi ấy, các vị Tỳ kheo đã dựng lên một tòa (tháp) cao lớn ở ngã tư đường và đặt bình bát của mình lên đó.
Họ nói rằng, trên thế gian, nếu có người nào có thể đối với trong kho tàng giáo Pháp của Đức Phật, với các Tỳ kheo thì hãy mang những đồng tiền vàng bỏ vào bình bát này và phước quả sẽ tăng. Từ việc cúng dường này mà phát sinh ra nhiều tài sản và sẽ không bị mất đi bằng bất cứ nhân duyên nào, kể cả nước trôi, lửa cháy, cướp giật,...
Khi ấy, có một người nghèo nghe được như vậy liền sinh tâm hoan hỷ và thành tâm phát nguyện, đặt vào bình bát 3 đồng tiền. Đi mãi tới 5 dặm và trở về nhà, người này vẫn hướng tâm lên nơi quý Thầy mà phát nguyện. Người nghèo đó chính là vua Ác sinh, nhờ kiếp xưa dâng cúng chư Tăng 3 đồng tiền mà đời sau được làm vua, giàu sang phú quý, thường được 3 lớp bình đựng tiền. Hơn nữa, khi xưa từng bước đi đều hoan hỷ trong 5 dặm sau khi cúng dường nên kiếp này được những bình tiền vàng trong khắp 5 dặm như vậy. Ông vua này không phải hư cấu mà đã được ghi lại trong lịch sử của nước Ấn Độ.
Qua lời Phật dạy và những câu chuyện có thật trong Phật giáo, chúng ta thấy được rằng: người cúng dường chư Tăng đi khất thực sẽ có được những phước báu rất tốt đẹp.
Cho nên, Đức Phật dạy các Thầy Tỳ kheo phải ôm bát đi khất thực, tuy là xin ăn để nuôi mạng sống nhưng lại đang giúp cho chúng sinh được gieo trồng ruộng phước.
2. Được kết duyên với Tam Bảo
Nhờ chư Tăng đi khất thực mà thí chủ được kết duyên với Tam Bảo. Bởi oai nghi tề chỉnh cảm hóa và khiến rất nhiều người khởi tâm tín kính Tam Bảo. Đồng thời, hình ảnh chư Tăng đi khất thực khiến mọi người khởi được tâm hoan hỷ, cung kính cũng sinh ra phước báu cho người đó.
Như trong kinh Lâu đài do sự đảnh lễ có câu chuyện: Một Phật tử nữ nhìn thấy Tăng đoàn trang nghiêm đi trên đường, cô quỳ rạp mình xuống lễ dưới chân các Ngài với một tâm vô cùng trong sạch, cung kính. Sau khi chết, cô được tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Ở đó, cô có thân hình xinh đẹp, nhiều oai lực, hào quang rực rỡ tỏa khắp mọi nơi như một ngôi sao sáng, hưởng đầy đủ các thứ của cải quý báu.
Chúng ta biết rằng: để được sinh Thiên phải trọn đời tu tập mười thiện nghiệp nhưng cô gái khởi tâm trong sạch, thành kính đảnh lễ trước Tăng đoàn lại đủ phước báu sinh Thiên, ở đó hàng vạn ngàn năm, có nhiều oai lực, phước báu. Cho nên, hình bóng Tăng đoàn trang nghiêm, giới đức thực sự đem lại lợi ích cho thế gian.
Còn đối với những người khi thấy Tăng đoàn mà mắng chửi, sỉ vả,... thì họ cũng được kết duyên với Phật Pháp. Như trong Tích truyện Pháp cú, bài “Ông trưởng giả keo kiệt” có nói về việc Đức Phật hóa độ cho một ông trưởng giả giàu có nhưng tham lam, bỏn sẻn, không biết chia sẻ, giúp đỡ hay cúng dường cho ai.
Một lần, Đức Phật nhập định thấy nhân duyên hóa độ cho ông đã đến, nên Ngài vận thần thông, vào thẳng nơi bàn tiệc của gia đình ông để khất thực. Ông trưởng giả thấy thế liền quát lớn: “Sa môn tu hành mà chẳng biết xấu hổ, nhà của người ta mà tự nhiên đi vào chẳng thèm hỏi ai hết”.
Đức Thế Tôn ôn tồn đáp lại và vận thần thông cho ông thấy kiếp quá khứ và giải bày rõ cho ông nghe. Sau đó, vị trưởng giả liền tỉnh ngộ, ăn năn hối hận, quỳ xuống xin sám hối và phát tâm quy y Tam Bảo.
Như vậy, dù là thiện duyên hay nghịch duyên thì pháp khất thực của chư Tăng giúp họ được kết duyên với Tam Bảo, được gặp Phật Pháp.
3. Biết sống biết đủ để được hạnh phúc an vui
Hình ảnh chư Tăng ôm bát đi khất thực là tấm gương sống giản dị, giúp cho người tại gia bớt tham đắm tài vật. Bởi các Thầy gần như là “vô sản”, tài sản không có gì nhiều, ngoài tấm y trên thân để mặc, một bình bát để xin ăn, cùng mấy đồ nhỏ như tăm, kim chỉ để khâu vá y. Ấy vậy mà các Thầy vẫn sống an vui. Điều này tiếp thêm động lực cho chúng ta vui sống.
Còn những ai đang trong cảnh tiêu cực, chán đời mà nhìn thấy chư Tăng còn “khổ” hơn, “nghèo” hơn, “đói” hơn thì họ có thể xoay lại mình, thấy mình không có gì phải tuyệt vọng nữa. Cho nên, việc chư Tăng đi khất thực rất đáng quý!
4. Khởi lên lý tưởng giải thoát, dứt trừ phiền não
Khi nhìn thấy tướng oai nghi, giải thoát của chư Tăng đi khất thực, chúng ta có thể khởi lên ước muốn một ngày nào đó, mình cũng được thanh thoát như các Ngài. Đó là ý tưởng, ý muốn giải thoát.
5. Có duyên được nghe chư Tăng thuyết Pháp
Đức Phật, chư Tăng đi khất thực là cơ duyên thuyết Pháp cho thí chủ. Khi một vị thí chủ thỉnh mời các Ngài vào trong nhà để cúng dường thì sẽ được nghe thuyết Pháp. Nhờ vậy mà thí chủ được giác ngộ, an vui.
Như trong Trường bộ kinh, kinh Đại Bát Niết Bàn có câu chuyện về cô kỹ nữ Ambapali đã thỉnh mời Đức Phật cùng Tăng đoàn đến vườn xoài nhà mình để cúng dường.
Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu. Sáng hôm sau, Ngài đắp y, đem theo y bát, cùng với chúng Tỳ kheo đến tại túc xá của Ambapali, sau khi đến liền ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Ambapali tự tay mời Đức Phật và chúng Tỳ kheo dùng các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi cô dâng cúng cả khu vườn cho Tăng đoàn. Thế Tôn nhận lãnh khu vườn và thuyết Pháp cho Ambapali làm cô cho phấn khởi và tâm đầy hoan hỷ.
Trên đây là những chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về pháp khất thực cao quý, đem lại lợi ích to lớn cho người xuất gia cũng như những người cúng dường. Nếu còn điều gì thắc mắc về khất thực, quý Phật tử có thể để lại bình luận, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!
Bài liên quan Bình bát là gì? Tại sao bình bát Sa môn lại là bát phước vô lượng của chúng sinh? 5 hạng người ăn từ bình bát Khất thực trên phố Bangkok | Bước chân người khất sĩ tự tại chốn thành đô Phật tử sớt bát cúng dường Sư Phụ cùng chư Tăng trong 3 ngày diễn ra pháp đàn Lương Hoàng Bảo SámTừ khóa » Hình ảnh Người Khất Thực
-
Vẻ đẹp Người Khất Sĩ Và Những Dấu Chân Còn Mãi Giữa Trăng Ngàn
-
Nét đẹp Của Truyền Thống Khất Thực - .vn
-
Khất Thực - Chùa Ba Vàng
-
Gặp Vị Sư Khất Thực, Phật Tử Phải Làm Sao Cho đúng?
-
Chùm ảnh: Uy Nghi Khất Thực Của Chư Tăng Tỉnh Hàng Châu, Trung ...
-
Người Khất Thực - Thư Viện Hoa Sen
-
Chùm ảnh: Các Nhà Sư đi Khất Thực ở Huế | VOV.VN
-
Sức Hấp Dẫn Của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam | Đại đoàn Kết
-
Hình ảnh - Chư Tăng, Ni Khất Sĩ Trì Bình Khất Thực Tưởng Niệm Tổ Sư
-
Giải Pháp Nào để Chấm Dứt Nạn Giả Sư Khất Thực?
-
Tại Sao Những Tu Sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy Lại Mang Bình Bát đi Khất ...
-
Truyền Thống Khất Thực - Chùa Ông Tề
-
Sư Trì Bình Khất Thực Và Cách Phân Biệt Thật Giả