Khát Vọng Hoa Sơn - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Mưa đồng Cọ/ Gió Tu Hoa... Câu ca trên đã khắc họa phần nào về khí hậu của vùng đất thiếu mưa – thừa gió Tu Hoa ngày ấy – Tu Bông bây giờ.

Tu Bông, vùng đất nằm cực Bắc của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là dải đất dài hẹp gồm năm xã: Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Thọ và Đại Lãnh trải dài theo Quốc lộ 1 từ đèo Cả đến núi Tân Dân. Phía Tây của Tu Bông là dãy núi Tân Vân - một dãy núi của dãy Trường Sơn Nam, phía Đông là vịnh Vân Phong. Với địa hình như vậy đã tạo cho Tu Bông một vùng tiểu khí hậu. Hàng năm vào khoảng cuối tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch, gió Đông Bắc khô hanh thổi rát mặt. Mưa như trút nước bên Đồng Cọ tỉnh Phú Yên, còn lại gió vượt qua hẻm núi thổi rất mạnh như hiện tượng Phơn (gió Lào) ở Bắc miền Trung.

Nước... nước... và nước, có đủ nước dùng nhất là vào những ngày từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm của hàng vạn người dân khu vực Tu Bông này là niềm mơ ước. Bây giờ đây, mơ ước bao đời nay của người dân mới trở thành hiện thực. Kể từ ngày 7/3/2006, ngày khai sinh tên tuổi công trình hồ chứa nước Hoa Sơn. Từ đây mở ra cho người dân vùng Tu Bông có quyền mơ đến mùa vàng khi con sông Cạn, mùa mưa thì hung dữ, mùa cạn thì kiệt đến đáy sông đã bắt đầu được chinh phục của những cán bộ, kỹ sư, công nhân các Cty Xây dựng Thủy lợi đảm nhiệm thi công. Hôm khởi công, công trình thủy lợi hồ chứa nước Hoa Sơn, hàng ngàn người dân trống dong cờ mở kéo về dự lễ khởi công. Dự lễ khởi công, tôi bắt gặp niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt từ trẻ thơ đến người già.

Bác Năm, một cựu chiến binh ở xã Vạn Phước đã từng sống chiến đấu với quân thù ở vùng núi Hoa Sơn này, vui vẻ cho biết: “Những người lính từng chiến đấu ở Vạn Ninh không ai không biết đến địa danh như Dốc Mõ, sông Cạn; nó gắn bó máu thịt với chúng tôi. Hôm nay được chứng kiến lễ động thổ xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn, chúng tôi vui lắm! Có nước rồi cơn khát ngàn đời của người dân Tu Bông chấm dứt từ đây”.

Chúng tôi trở lại Tu Bông vào những ngày tháng Tám lịch sử. Từ Quốc lộ 1 nhìn vào con đập như một con đê khổng lồ ôm trọn cả vùng Hoa Sơn vào lòng. Mới hôm nào đây, tôi được tháp tùng Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát đến thăm công trình hồ chứa nước Hoa Sơn. Ngày ấy, cả công trình còn đang ngổn ngang, bề bộn, con đập chính mới đang làm phần chân khay. Vậy mà hôm nay đã hình thành một công trình đại thủy nông.

Vâng, chỉ gần có 2 năm thôi, kể từ ngày công trình mới được khởi công, vậy mà hôm nay đã hoàn thành được trên 98% khối lượng công trình. Sức mạnh kỳ diệu nào đã biến vùng đất sỏi đá này thành hồ chứa nước có dung tích gần 20 triệu mét khối, đưa dòng nước tưới mát cho 1360 ha lúa và cây màu, cấp nước cho 1000ha để nuôi trồng thủy sản, nguồn nước sinh hoạt cho 35.000 dân của vùng Tu Bông và phần lớn nước phục vụ cho khu kinh tế Vân Phong?

Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Huỳnh Quang Vân không dấu được niềm vui:

- Việc xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn đã biến ước mơ ngàn đời của dân Vạn Ninh chúng tôi mà nhất là các xã ở khu vực Tu Bông được hưởng lợi từ nguồn nước này thành sự thật. Từ đây người nông dân Tu Bông sẽ chủ động làm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu. Năng suất cây trồng và nhất là cây lúa sẽ được nâng cao và ổn định. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, nỗi lo ngàn đời của người dân ở đây sẽ đi vào dĩ vãng. Bên cạnh mục tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản thì hồ chứa nước Hoa Sơn đảm nhận chức năng hết sức quan trọng là nơi cung cấp nguồn nước chính để sử dụng cho khu kinh tế Vân Phong. Các anh biết đó, không có nước ngọt thì không thể phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch được...

Là người gắn bó với Vạn Ninh và từng được tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội với cử tri huyện này nên tôi hiểu được nỗi bức xúc của cán bộ và nhân dân ở đây khi chưa xây dựng hồ chứa nước Hoa Sơn. Và hôm nay, khi công trình sắp hoàn thành thì tôi cũng như được chia vui với cán bộ và nhân dân Vạn Ninh. Bởi vậy khi nghe anh Vân nói đến đây, tôi nói thêm vào: Trước đây chưa có hồ Hoa Sơn nước ăn còn thiếu huống chi dùng cho việc khác?

- Đúng thế anh ạ. Năm 2005 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và thành lập khu kinh tế Vân Phong, khi mời gọi đầu tư thì nhà đầu tư họ hỏi nước ngọt lấy ở đâu? Quả thật lúc đó chúng tôi rất bí khi trả lời nhà đầu tư vì thời đó công trình hồ chứa nước Hoa Sơn vẫn đang nằm trên bàn. Nhưng nay thì khác rồi. Khi hoàn thành hồ chứa nước Hoa Sơn sẽ cung cấp một lượng nước khá lớn với công suất 9.500m­­3/ngày đêm. Theo quy hoạch toàn bộ khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha gồm diện tích mặt nước (biển) khoảng 80.000ha phần đất liền khoảng 70.000ha.

Khu kinh tế Vân Phong được chia làm hai phân khu: Bắc và Nam Vân Phong. Trong đó khu vực phía Bắc Vân Phong là khu chính, nòng cốt của cả khu kinh tế Vân Phong, tai khu này sẽ xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế, trung tâm thương mại – tài chính, du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh, khu công nghiệp được xây dựng tại xã Vạn Thắng, khu đô thị ở Tu Bông, Vạn Giã... Như vậy theo quy hoạch thì hồ chứa nước Hoa Sơn sẽ là nguồn cung cầp nước chính cho khu kinh tế Bắc vịnh Vân Phong. Nay mai khi khu kinh tế vịnh Vân Phong được xây dựng thì mới thấy hết được giá trị của nguồn nước Hoa Sơn. Nó như dòng sữa nuôi sống cho khu kinh tế vịnh Vân Phong.

Nhưng để có dòng nước ngọt lành như hôm nay, đã và đang tuôn chảy tưới mát cho mùa vàng bội thu của người dân Tu Bông, thì có biết bao nhiêu mồ hôi công sức của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân của các đơn vị thiết kế, thi công – họ từ những miền quê khác nhau, cùng trong đội ngũ những người thợ xây dựng thủy lợi, chung sức chung lòng để xây dựng nên công trình thế kỷ, hồ chứa nước Hoa Sơn.

Tôi có anh bạn đang công tác tại Xí nghiệp thiết kế tư vấn xây dựng thủy lợi 3 - là một trong những người tham gia khảo sát, thiết kế các hồ chứa nước không chỉ ở hồ Hoa Sơn mà nhiều hồ chứa nước khác ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Anh bảo: Cái nghề khảo sát thiết kế là nghề đi trước, người khác chưa đến thì mình đã phải đến. Trèo đèo, lội suối, vượt thác ghềnh, mưa rừng, muỗi vắt và cả thú dữ mà những người khảo sát gặp phải là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Để có được một bản thiết kế, cho ra đời một công trình thủy lợi không chỉ gặp những gian nan vất vả trên mà còn phải đến thâm sơn cùng cốc, đến từng con suối, quả đồi đó, rồi từ số liệu điều tra cơ bản như: thủy văn, địa chất, lượng mưa... phải tính toán làm sao cho công trình hiệu quả cao nhất, ít tốn kém nhất mà vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình. Mọi sai sót trong thiết kế đều phải trả giá đắt không chỉ tiêu tồn bạc tỷ mà còn có thể gây ra trận đại hồng thủy ở vùng đó nếu như đập chính bị vỡ. Chuyện về những người khảo sát thiết kế công trình hồ chứa nước Hoa Sơn còn phải kể dài dài – Anh có thể viết được một bài báo đó, nhưng để dịp khác nhé. (còn nữa)

Từ khóa » đập Hoa Sơn