Khát Vọng Và Lan Tỏa Của 4 Cô Gái Xương Thủy Tinh

*Nguyễn Phương Anh: Gương mặt tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật trên toàn thế giới năm 2013

Nguyễn Phương Anh sinh năm 1996 tại Hà Nội. Ngay từ khi sinh ra, bộ gen của Phương Anh đã bị khiếm khuyết khiến cấu trúc xương trở nên mỏng manh, dễ vỡ tựa như thủy tinh. Bản thân Phương Anh cũng đã bị gãy xương hơn 30 lần. Căn bệnh làm ức chế khả năng phát triển của cơ thể khiến Phương Anh buộc phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn để đi lại kể từ năm lên 8. Thế nhưng, Phương Anh đã không nản chí và tuyệt vọng. Thay vào đó, Phương Anh đã sử dụng món quà quý giá được cuộc sống ban tặng, đó chính là giọng hát đầy nội lực của mình để truyền cảm hứng đến mọi người.

Được các bạn cổ vũ, Phương Anh đã quyết định tới tham dự chương trình truyền hình thực tế “Vietnam’s Got Talent” (cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam) năm 2012. Với hình ảnh một cô bé cấp ba chỉ cao khoảng một mét ngồi trên xe lăn và phiêu với ca khúc tiếng Anh vui nhộn, Phương Anh đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng rất nhiều khán giả Việt Nam. Bài hát mà Phương Anh chọn khi đó là “Let’s Dance” (Hãy cùng nhảy múa) - một bản hit gắn liền với tên tuổi nữ ca sĩ trẻ người Mỹ Miley Cyrus. Một thành viên trong ban giám khảo đã đưa ra nhận xét rằng: “Em được sinh ra để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người”. Còn Phương Anh thì chia sẻ: "Việc tham gia vào cuộc thi Viet Nam Got Talent không phải để hát lên và trở thành nhà vô địch, mà tôi mong muốn khi tôi hát lên, mọi người sẽ nhìn được khả năng, được tâm hồn tôi, cũng như những người khuyết tật khác... Tôi không phải là đứa trẻ bình thường, nhưng tôi rất muốn được xã hội ghi nhận tôi là một đứa trẻ bình thường".

Năm 2013, Phương Anh được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) chọn làm một trong những gương mặt tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật trên toàn thế giới.

Tháng 10/2015, Nguyễn Phương Anh sang Australia du học với học bổng toàn phần của Đại học Curtin. Cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực là một trong những thí sinh xuất sắc đạt số điểm IELTS 8.0.

Nhận xét về Phương Anh, Bà Sandra Bisin, Giám đốc Truyền thông của UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Phương Anh là trường hợp độc đáo của người khuyết tật vượt qua các định kiến và kỳ thị trong xã hội. Với nghị lực của mình, cô đã khích lệ hàng ngàn, hàng triệu người trên khắp đất nước”.

*Vũ Thị Quyên, thành lập công ty tạo việc làm cho cả trăm người yếu thế

Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, Vũ Thị Quyên (sinh năm 1990) gắn bó cả thời thơ ấu cùng chiếc xe lăn, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống với ánh nhìn kỳ thị từ nhiều người.“Giữa lúc bế tắc, chán nản, mình đã được một người chú giới thiệu cho đi học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Ở đây, mình được đào tạo về công nghệ thông tin cơ bản, sau đó được chuyển sang học bán vé máy bay. Khi đó trung tâm mở đại lý bán vé, có người ở hãng hàng không đến dạy trực tiếp và mình may mắn được chọn qua làm. Những đồng lương đầu tiên của mình đến bây giờ mình vẫn nhớ rất rõ, đó là khoảng 500 nghìn đồng. Ngày nhận những đồng lương đầu tiên, mình cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Dường như nó đã thắp sáng lên một cái gì đó cho tương lai của mình, truyền cho mình niềm tin vào chính bản thân”, Vũ Thị Quyên xúc động kể lại.

Sau 4 năm gắn bó với công việc bán vé máy bay, Quyên đã chuyển hướng sang tìm kiếm một môi trường làm việc mới. Năm 2014, Vũ Thị Quyên đã ứng tuyển vào bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2016, Quyên được nhận học bổng đi Australia để học một khóa học ngắn hạn dành cho nữ lãnh đạo. Cũng nhờ khóa học này mà Quyên đã phát hiện ra được những khả năng tiềm tàng của bản thân, kể từ đó cô luôn thôi thúc mình phải làm một điều gì đó không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người bị khuyết tật giống như mình.

Trở về Việt Nam sau khóa đào tạo ngắn hạn, Vũ Thị Quyên cùng hai người bạn có chung lý tưởng đã thành lập Công ty TNHH We-Edit Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp đồ họa mảng bất động sản chuyên nghiệp cho các khách hàng quốc tế. Công ty được thành lập với mong muốn giải quyết việc làm cho nhóm yếu thế.Hiện tại, We-Edit đang là nơi làm việc của gần 100 người với mức thu nhập từ 7 đến 20 triệu mỗi tháng. Đó là mức lương trong mơ kể cả với những người lao động bình thường trong khi đa phần ở đây là người yếu thế và NKT trong xã hội.

*Nguyễn Thị Thu Thương, gây dựng doanh nghiệp Thương Thương Handmade trở thành mái ấm cho nhiều NKT

Nguyễn Thị Thu Thương sinh năm 1983 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ngay từ khi sinh ra, Thương đã bị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Chị không thể ngồi hay đứng mà chỉ nằm và lăn tròn như đứa trẻ. Chỉ cần va đập mạnh, xương của chị sẽ bị gãy và phải nằm bất động nhiều tháng.

Không thể theo chúng bạn cắp sách tới trường, nhưng Thương không đầu hàng số phận. Chị được mẹ dạy chữ để biết đọc, biết viết và được các anh chị tình nguyện viên đến dạy cho học thêm văn hóa.

Năm 2005, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu Thương là xin mẹ học lấy một nghề phù hợp để có thể phụ giúp thêm cho gia đình bởi nhà còn hai đứa em đang tuổi ăn học. Thương nhớ lại, năm đó mẹ chở đến Trung tâm “Vì ngày mai” ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, lần đầu tiên Thương được tiếp xúc học nghề với cách làm những chiếc lọ hoa, đèn bàn bằng khuy áo, đan những túi đựng điện thoại, những chiếc khăn bằng len.

Sau 5 tháng học việc tại trung tâm, Thương đã tự tay mình hoàn thành được một số sản phẩm theo ý muốn. Từ ngày học được nghề, Thương như lạc quan hơn, cả ngày làm bạn với những cuộn chỉ, vải vóc, kéo và giấy…

Để sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng biết đến, dù không qua một lớp đào tạo nào về tin học, nhưng Thương đã tự mày mò, học hỏi để rồi năm 2009 cho ra đời trang web có tên là thuongthuong.net nhằm quảng bá sản phẩm của mình rộng khắp hơn. Thông qua trang web này, nhiều khách hàng đã biết đến Thương. Không chỉ có khách trong nước, những bạn hàng, những vị khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ cũng tìm đến với chị. Cũng chính từ đây, Thương ngày càng có nhiều khách hàng.

Điều đáng nói là website thuongthuong.net trở thành nhịp cầu miễn phí cho NKT quảng cáo sản phẩm và là diễn đàn chia sẻ niềm tin cuộc sống. Đến nay, website đã thành nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng do NKT làm ra.

Ngày 16/3/2014, chị thành lập Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm Thương Thương tại thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nhằm tạo việc làm cho NKT. Sản phẩm của công ty là những món quà tặng lưu niệm trang trí thủ công làm bằng giấy, những bức tranh phong cảnh đất nước, con người Việt Nam, hộp đựng trang sức, hộp đựng danh thiếp. Đến nay, Trung tâm đã giúp cho 20 NKT có việc làm, hỗ trợ ở miễn phí, với thu nhập trung bình là 3 triệu đồng, thậm chí có người được trên 5 triệu đồng/tháng.

Để bán sản phẩm, chị Thu Thương đã mở thêm Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Thương Thương Handmade. Những món đồ nhỏ xinh đậm nét văn hóa Á Đông của Thương Thương Handmade đã có mặt ở nhiều nơi và còn được Văn phòng Chính phủ lựa chọn để làm tặng phẩm đối nội và đối ngoại. Công ty bước đầu đã nhận được một số đơn hàng từ Czech, New Zealand, Ấn Độ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Thương Thương Handmade vẫn tìm ra hướng đi mới để tồn tại. Cụ thể, lá chắn chống giọt bắn là sản phẩm được chị lựa chọn để sản xuất, kinh doanh, vì sản phẩm này phù hợp với khả năng, sức lao động của các bạn trong xưởng. Hơn hết, họ muốn làm ra những sản phẩm hữu ích cùng cộng đồng chống dịch. Điểm đặc biệt nhất của những tấm lá chắn Covid-19 này là được làm từ chất liệu thân thiện môi trường và bán với giá bằng giá thị trường. Sản phẩm do xưởng Thương Thương Handmade làm ra đã được nhiều người mua về sử dụng và chị cũng đã gửi tặng các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch 2.500 khẩu trang y tế và 120 chai xịt khuẩn.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV, giai đoạn 2020 – 2025, chị Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

*Nguyễn Thùy Trang – Cô gái cao 70cm đã có 11 năm đi làm thiện nguyện

Nguyễn Thuỳ Trang sinh năm 1999 ở ấp An Ninh, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ khi lọt lòng mẹ. Khi chào đời, Trang chỉ nặng khoảng 2kg. Căn bệnh quái ác này đã làm Trang gãy xương liên tục, khoảng cách giữa 2 lần gãy có khi chỉ cách nhau vỏn vẹn vài tháng.

Không thể tự đi đến trường học nhưng khát khao con chữ vẫn luôn cháy bỏng trong Trang. Thấy con gái nằng nặc đòi đi học, cha mẹ Trang mủi lòng thuê giáo viên về nhà dạy chữ riêng cho con gái. Nhờ vậy, Trang có thể đọc thạo, tìm hiểu kiến thức qua mạng xã hội, báo chí, sách vở. Những tri thức tiếp thu qua sách vở đã giúp Trang xác định được hướng đi cho mình và muốn làm những điều có ích cho bản thân và xã hội. Những việc đơn giản, nằm trong khả năng Trang luôn tự làm, không trông cậy ai. Ngày nhỏ, Trang học cách tự ăn, tự đi lại. Đến khi trưởng thành, Trang học cách hạn chế gãy xương, học sử dụng kéo cắt tỉa, thiết kế concept chụp ảnh...

Từ nhỏ Trang đã có tình yêu đặc biệt với cây cỏ, hoa lá và luôn muốn sở hữu cho mình một khu vườn xanh ngát. Do đi đứng, vận động khó khăn nên Trang không thể tự tay trồng, chăm sóc chúng mỗi ngày. Từ đó, Trang nảy sinh ý định làm một khu vườn cỏ cây bằng giấy. "Bằng cách này hoặc cách khác, em cũng quyết tậu cho mình một khu vườn như thế. Ý tưởng khởi nghiệp bằng các sản phẩm handmade bằng giấy và cái tên Vườn nhà Mộc cũng xuất phát từ đó" - Trang chia sẻ.Để thực hiện được ý tưởng khởi nghiệp trên, Trang đặt mua nguyên, phụ liệu trực tuyến rồi lên YouTube, mạng xã hội học hỏi cách làm hoa giấy. Thời gian đầu, do đôi tay yếu ớt không quen cầm kìm, kéo nên Trang có phần lúng túng, vụng về. Những sản phẩm ban đầu phần lớn đều thô kệch, kém mềm mại. Không bỏ cuộc, Trang cứ miệt mài với những công đoạn làm hoa giấy handmade như cắt giấy, tạo gân, uốn kẽm, ráp nhụy, tô màu... Hiện tại, cô đã có thể thực hiện thuần thục, làm một chậu hoa giấy đơn giản chỉ trong vài ngày.

Những sản phẩm làm ra, Trang đăng lên mạng xã hội cá nhân để "khoe" với bạn bè. Thật bất ngờ, đơn hàng đầu tiên cũng xuất phát từ đây. Đó là một đóa hoa mặt trời xinh xắn, giá chỉ vài chục ngàn đồng. Từ đóa hoa đầu tiên, đến nay hàng trăm sản phẩm đã đến với khách hàng mọi miền đất nước. Có những ngày Trang mỏi nhừ đôi tay, tê buốt đôi chân vì ngồi một chỗ làm hoa giấy. Nhìn đôi tay khéo léo uốn nắn từng cánh hoa, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn có thể thấy Trang đã đặt trọn say mê cho công việc mình lựa chọn.

Ngoài việc, say mê làm hoa giấy, Trang còn tham gia làm trưởng nhóm thiện nguyện “thấu hiểu để yêu thương”. Suốt 11 năm qua, Trang đã cùng với những thành viên trong nhóm tổ chức nhiều chuyến trao quà ủng hộ cho các hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật. Lần đi Trà Vinh trao quà, Trang bị té gẫy xương nhưng sau đó vẫn tiếp tục với hành trình trao đi yêu thương./.

Từ khóa » Nguyễn Phương Anh