Khẩu độ - Tốc độ - ISO Và Các Mối Tương Quan - Shop Nhiếp Ảnh

1. KHẨU ĐỘ ỐNG KÍNH

Khẩu độ điều khiển độ mở của ống kính máy ảnh (ký hiệu là "f"). Khẩu độ thông thường trên ống kính có các nấc sau: 1.0 - 1.4 - 2 - 2.8 - 4 - 5.6 - 8 - 11 - 16 - 22 - 32. Số càng nhỏ thì độ mở của khẩu độ càng lớn. Mỗi nấc thường được gọi là 1 khẩu. Xoay vòng từ 5.6 -> 8 gọi là khép 1 khẩu và lượng sáng giảm 1/2, xoay từ 5.6 -> 4 gọi là mở 1 khẩu và lượng sáng tăng gấp đôi. Khẩu độ lớn (f nhỏ) thì ánh sáng đi qua nhiều, và ngược lại khép nhỏ khẩu độ (f lớn) thì ánh sáng đi qua ít. Một vấn đề quan trọng nữa liên quan đến khấu độ là hiệu ứng DOF (depth of field - độ sâu trường anh). DOF quyết định diện tích vùng ảnh rõ. Khẩu độ khép càng nhỏ (f càng lớn) thì vùng ảnh rõ càng sâu; khẩu độ mở càng lớn (fcàng nhỏ) thì vùng ảnh rõ càng cạn.

2. TỐC ĐỘ MÀN TRẬP

Tốc độ điều khiển thời gian cảm biến máy ảnh hứng (phơi) ánh sáng đi vào. Với một tốc độ nhanh sẽ hứng được ít ánh sáng, còn khi tốc độ chụp chậm cho nhiều ánh sáng đi qua. Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s - 15s - 8s - 4s - 2s - 1s - 2 - 4 - 8 - 15 - 30 - 60 - 125 - 250 - 500 - 1000 - 2000 - 4000 - 8000 ... Tốc độ chụp cũng là thời gian chủ thể chuyển động, khi chụp ở tốc độ 1/1000 là với khoảng thời gian cực ngắn này thì chủ thể gần như đóng băng. Khi chụp ở tốc độ 1s hay chậm hơn thì chủ thể có thể xê dịch tạo nên vệt nhòe.

Tốc độ 1/800 có thể bắt dính cánh quạt đang quay, 1/500 đóng băng được vận động viên thể thao, chụp sinh hoạt bình thường chỉ cần 1/60 là không bị rung tay, chụp 3s bắt trọn khoảng thời gian pháo hoa bắn lên và nổ tung trên trời.

Để không bị rung tay khi chụp: Tùy tiêu cự mà có những tốc độ giới hạn khác nhau. Lấy tiêu cự ống kính nhân cho 1,2 để ra giới hạn an toàn. Ví dụ tiêu cự 50mm sẽ là 50x1,2 = 60 (1/60), tiêu cự 85mm sẽ là 85x1,2=102 (lấy 1/125) Nếu bạn tay yếu hay bị rung thì có thể x1,5 luôn cho chắc chắn.

3. ISO

ISO là độ nhạy của cảm biến máy ảnh đối với ánh sáng đi vào (trước đây hay gọi là ASA hoặc DIN). ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng cao, giúp giảm thời gian phơi sáng mà vẫn mang lại hình ảnh rõ ràng, nhưng kèm theo đó là hình cũng sẽ bị nhiễu hạt (noise) nhiều hơn. ISO càng thấp thì ảnh sẽ càng mịn càng đẹp Các trị số ISO truyền thống là: ISO 100, ISO 200, ISO 400, ISO 800, ISO 1600, ISO 3200, ISO 6400 ... Khi bạn chụp ảnh ở một buổi tiệc đêm, với chiếc máy DSLR và ống kính 50mm f 1.8. Bạn đã mở khẩu độ lớn nhất ống kính là 1.8 và tốc độ thấp để không bị rung tay là 1/60, nhưng hình ảnh vẫn tối thui. Đó là lúc bạn cần đẩy ISO lên cao 1600, 2000, 3200 hoặc cao hơn nữa tới khi nào ảnh sáng rõ thì thôi.

Hình so sánh giữa ISO 100 và ISO 3200

Với điện thoại khi chụp đêm, máy sẽ tự động tăng ISO nên các bạn cũng sẽ thấy hình bị nhiễu hạt rất nhiều.

Bản tóm tắt về khẩu độ - tốc độ - ISO

Vị trí các thông số trên máy ảnh

3 yếu tố nêu trên gồm khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh và các hiệu ứng hình ảnh khác. Chúng liên quan mật thiết với nhau, khi đổi giá trị một yếu tố thì phải đổi luôn các yếu tố còn lại. Bạn hãy mang máy ảnh của mình ra và chụp thử với nhiều thay đổi khác nhau để trải nghiệm sự khác biệt. Nhiếp ảnh là môn cần thực hành, và thực hành nhiều mới mang lại kiến thức vững chắc nhất. Nguồn tin: EazyPhoto tổng hợp và biên soạn

Từ khóa » Tốc độ Khẩu độ Là Gì