Khèn Bè Nét Văn Hóa Truyền Thống đặc Trưng Của Dân Tộc Mông

Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng.

Tây Bắc nói chung và vùng núi miền Tây Yên Bái nói riêng được thiên nhiên ban tặng cho những dãy núi trập trùng, những thác suối quanh năm nước chảy róc rách, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương, những tiếng chim rừng lúc trầm, lúc bổng ngân xa. Tô điểm vào bức tranh sơn thủy kỳ vĩ là màu xanh mượt của lúa, ngô, màu vàng óng trên những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa thu hoạch, là màu hoa mận trắng, hoa ban phơn phớt hồng và màu váy áo rực rỡ…

Vùng núi miền Tây Yên Bái không chỉ chinh phục du khách bởi vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, mà còn lôi cuốn bởi những sắc màu văn hóa của các tộc người anh em: H’Mông, Dao,Tày, Thái, … đang cùng sinh sống ở đây. Đặc biệt du khách sẽ được thưởng thức và khám phá những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông, một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông nơi đây.

Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin… tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui, tang ma.

Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà nó còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khoẻ mạnh với những giai điệu khèn hay kết hợp với những động tác múa khèn điêu luyện, sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.

Để làm được cây khèn như ý phải qua nhiều công đoạn cùng với sự tỷ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ. Cây khèn tốt khi thổi lên phải thấy được nỗi lòng của người thổi lẫn người làm ra nó. Phải thật sự yêu thích nó mới có thể làm ra một cây khèn ưng ý. Khèn Mông chỉ có 6 ống ngang nhưng thổi được 7 nốt trên khuông nhạc. Ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất có vai trò giữ nhịp. Các ống còn lại tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút như đang trên đỉnh núi.

Động tác múa khèn của người Mông nơi đây rất phong phú, đa dạng. Theo thống kê có khoảng 30 động tác, tổ hợp múa khèn như: nhảy đưa chân, nhảy lưới, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, quay di động, vờn khèn, quay cầu, quay gót, chọi gà... Trong đó chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc.

Chiếc khèn là một thứ văn hóa vật thể được gìn giữ bền vững qua nhiều đời cùng với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của người Mông nơi miền Tây Yên Bái. Trải qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đâu đó ở những bản người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc Mông. Tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy, tiếng khèn tìm bạn của những chàng trai Mông hôm nay vẫn khiến các cô gái khi nghe phải say đắm, nể phục mà những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của biết bao du khách từng đến với miền Tây Yên Bái.

Từ khóa » Khèn Dân Tộc