Khép Kín đường Vành đai 2 TP.HCM: Hơn 10 Năm Rồi, đừng Hứa ...

Điều này đã khiến dư luận không khỏi bức xúc trong suốt thời gian qua.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dù được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đã hơn 10 năm nay, dự án đường Vành đai 2 ở TP.HCM vẫn chưa được khép kín với 4 đoạn còn dang dở.Do công trình đã dừng thi công từ lâu nên sắt thép đã gỉ sét, xung quanh cây cỏ mọc um tùm

>>> Công trình đường Vành đai 2 TP.HCM hoá thành bãi chăn bò

Dù được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đã hơn 10 năm nay, dự án đường Vành đai 2 ở TP.HCM vẫn chưa được khép kín. Ghi nhận của phóng viên ngày 16/2 tại đoạn 3 của dự án, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) với chiều dài chỉ hơn 2,7 km, được động thổ từ cuối năm 2015, đến năm 2017 thì chính thức khởi công theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

Thế nhưng đến thời điểm này, công trình vẫn chưa được hoàn thành. Anh Trần Văn Sang, ngụ tại phường Tam Bình, Tp Thủ Đức tỏ ra khá bức xúc trước sự ì ạch của công trình:

“Làm 2, 3 năm trời nay mà làm cái đường gì kỳ quá, ở đây xuống dưới kia có 2 cây mấy số mà không thể nào làm. Nhiều người sống ở đây, người ta chết người ta muốn nhìn thấy cái đường mà cũng không được".

Công trường không một bóng công nhân, máy móc nằm ngổn ngang, sắt thép gỉ sét, cỏ mọc um tùm,... là những gì còn sót lại. Sự tang hoang này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở hành lang mà dự án đi qua.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Tam Bình, Tp Thủ Đức chia sẻ:

“Nói chung nó cũng ảnh hưởng tại vì đi thì không đi được, ở thì cũng không xong, cứ thấp thỏm suốt à. Đường sá ở đây cũng đâu có làm tới nơi tới chốn đâu, ngay đầu đường có một cái bãi rác rồi nó dơ dáy rồi ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Được biết thì cũng có nhiều nhà chưa được nhận đền bù, ai mà nhận đền bù thì họ đi thôi còn ai chưa nhận thì họ vẫn ở đây".

công trường không bóng công nhân, máy móc nằm ngổn ngang, sắt thép gỉ sét, cỏ mọc um tùm,... Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là dự án được đầu tư cả nghìn tỉ đồng của TPHCM
công trường không bóng công nhân, máy móc nằm ngổn ngang, sắt thép gỉ sét, cỏ mọc um tùm... Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là dự án được đầu tư cả nghìn tỉ đồng của TPHCM

Lý giải về việc chậm trễ trong công tác thi công, chủ đầu tư dự án Ông Lê Trung Nghĩa – Phó ban dự án BT, Công ty Cp Văn Phú, Bắc Ái cho biết do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án phải tạm dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.

“Khó khăn về phần giải phóng mặt bằng. Tuyến chúng em thực hiện là 2,7km nhưng hiện tại còn 800m chưa giải phóng mặt bằng, đồng thời những đoạn xô đỗ và những đoạn không liền mạch vẫn còn nằm rãi rác và đến này vẫn còn hơn 1km chưa thể thi công được. Mong muốn đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thứ 2 là về phía các sở ban ngành địa phương và UBND Thành phố mau chóng căn cứ quy định hiện hành thanh toán cho nhà thầu theo đúng hợp đồng đã ký kết”.

Trước những khó khăn của chủ dự án trong vấn đề giải phóng mặt bằng, bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến quỹ đất mà thành phố sẽ bàn giao cho phía công ty Văn Phú Bắc Ái theo điều lệ hợp đồng BT đã ký kết trước đây.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, phía sở cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND Thành phố sớm giải quyết các vấn đề tồn đọng của dự án, sớm đấu nối tuyến đường huyết mạch này:

“Thành phố cũng chưa bàn giao quỹ đất cho nhà đầu tư để hoàn vốn và có cơ sở để ngân hàng có thể tiếp tục giải ngân nguồn vốn. Hiện nay phía thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm để có thể triển khai hoàn tất những thủ tục này”.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật hiện hành Việt Nam, luật sư Nguyễn Vinh Huy cho biết, căn cứ theo quy định tại nghị định 15 năm 2015 của chính phủ về việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện xong dự án thì mới có thể yêu cầu thanh toán.

Thế nhưng tại bản hợp đồng mà phía UBND TP.HCM đã ký với Công ty Cp Văn Phú Bắc Ái thì vẫn còn nhiều điều khoản chưa đúng với pháp luật hiện hành:

"Theo nghị định 15 năm 2015 và quy định về thông tư 22 và thông tư 55 về vấn đề quyết toán chuyển giao của dự án thì vẫn chưa đúng theo quy định. Mặc khác về tiến độ thanh toán là sau khi chúng ta đã hoàn thành xong công trình thì lúc đó ta mới tiến hành thanh toán theo quy định chứ không phải như trong hợp đồng đã ghi là theo từng giai đoạn".

Có thể thấy, tuyến đường Vành đai 2 chờ mãi vẫn chưa khép kín, không chỉ liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng mà còn liên quan đến hợp đồng đầu tư đối tác công tư giữa Thành phố và nhà thầu.

Trước những khó khăn này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tới đây Thành phố sẽ tiến hành rà soát ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2022 – 2025, trong đó có việc khẩn trương khép kín tuyến đường Vành đai 2.

"Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại để trong giai đoạn 2022 – 2025 chúng ta sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó trong năm nay chúng ta sẽ cố gắng khởi động lại để khép vành đai 2. Bên cạnh đó chúng ta cũng chuẩn bị pháp lý để khởi động xây dựng vành đai 3 và cũng chuẩn bị triển khai vành đai 4. Cơ bản trong tinh thần rất khẩn trương hoàn thiện".

Việc dự án Vành đai 2 bị đình chỉ kéo dài đã gây sức ép không nhỏ cho hạ tầng giao thông khu vực phía Đông thành phố

Đối với TP.HCM, các tuyến đường vành đai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với vai trò điều phối giao thông, hạn chế xe di chuyển vào nội thành. Đã có rất nhiều Nghị quyết của Thành phố yêu cầu phải khép kín đường Vành đai trong nhiệm kỳ nhưng đã mấy nhiệm kỳ trôi qua, hệ thống đường kết nối huyết mạch này vẫn ì ạch.

Trước sự hạ quyết tâm của thành phố trong việc khép kén đường Vành đai 2 và chuẩn bị khởi động vành đai 3, 4 thì liệu người dân thành phố sẽ sớm thấy được một diện mạo mới của các tuyến đường vành đai hay vẫn mãi là đường “vành khuyên” như hiện nay?

Góc nhìn của VOV Giao thông: “Khép kín tuyến đường Vành đai 2, đừng chỉ hứa suông”

Sau 15 năm quy hoạch, khởi công và triển khai xây dựng, dự án đường vành đai 2 TP.HCM có thể được xem là điển hình của khái niệm “lùi nữa, lùi mãi, lùi không biết đến bao giờ”.

Dù chỉ cần hoàn thành khoảng 14km nữa là toàn bộ dự án đã có thể khép kín, nhưng vì thiếu vốn, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng hay chưa thể hoàn thành các thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư…mà dự án liên tục lâm vào tình cảnh “chết lâm sàng”.

Nếu có dịp đi ngang qua khu vực thi công đoạn 3 của dự án (trên địa bàn phường Linh Đông và phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức), hẳn bất kỳ ai cũng sẽ ngỡ ngàng, chua xót bởi sự hoang tàn, xuống cấp đến đáng sợ.

Cỏ dại mọc quá đầu người, máy móc thiết bị gỉ sét không khác gì phế liệu, hay những lán trại trống hoác vì đã lâu không có người ở… tất cả gây nên một cảm giác nghi hoặc không nhỏ cho người dân, mặc dù mới đây người đứng đầu chính quyền TPHCM đã lên tiếng khẳng định sẽ tái khởi động dự án trong năm nay.

Nếu nhìn vào các công trình giao thông trọng điểm được khởi công và đưa vào sử dụng cùng thời điểm với Vành đai 2 như cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn hay đường cao tốc TP.HCM Long Thành Dầu Giây thì có thể khẳng định rằng nếu có hoàn thành đúng kế hoạch thì tuyến đường này cũng sẽ “quá tải”.

Tuy vậy như đã thấy, việc dự án Vành đai 2 bị đình chỉ kéo dài đã gây sức ép không nhỏ cho hạ tầng giao thông khu vực phía Đông thành phố.

---

Có ý kiến cho rằng việc thiếu vốn, thiếu mặt bằng hay thiếu cơ sở pháp lý để thanh toán cho nhà đầu tư đều không quan trọng bằng việc thiếu quyết tâm, thiếu sâu sát của lãnh đạo chính quyền thành phố. Và những gì diễn ra trên công trường thi công dự an đều chỉ ra rằng nhận định đó là hoàn toàn có cơ sở.

Nếu cứ tiếp tục tái diễn cách làm cũ, khuấy động hô hào cho có thì dự án này mãi mãi không thể về đích.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định tâp trung đầu tư hiệu quả đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nền kinh tế đất nước quay trở lại đà tăng trưởng.

Trong đó, cần dành nhiều sự quan tâm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông để vừa thu hút các nguồn lực trong xã hội vừa chuẩn bị đón đầu các cơ hội đầu tư quốc tế sau đại dịch.

Có thể nói ,chưa bao giờ TP.HCM dành nguồn lực lớn như vậy cho đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hạ tầng giao thông như nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng phải đi đôi với chất lượng, và vì thế chính quyền TPHCM nên tập trung giải quyết dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông còn dang dở trong đó có Vành đai 2.

Chỉ có vậy mới nâng cao được hiệu quả cho công trình, qua đó tạo ra được tiền lệ tốt cho công tác đầu tư các dự án trong tương lai.

Từ khóa » Khép Kín đường Vành đai 2