Khi Bị Sổ Mũi, Màu Sắc Của Dịch Mũi Nói Lên điều Gì?

Dịch mũi (nước mũi) có khi có màu trắng, có khi xanh hoặc vàng, có khi lẫn máu… vậy khi nào là nguy hiểm?

Dịch mũi biểu hiện “sức khỏe” của mũi

Mũi thế nào là khỏe mạnh? Bình thường cơ thể tiết ra khoảng 300ml dịch tiết mỗi 24 giờ để làm mềm và ẩm niêm mạc vùng mũi xoang, bảo vệ hệ thống niêm mạc. Dịch tiết này được tạo ra từ nước, protein, kháng thể và muối. Khi dịch tiết vận chuyển theo đường đi sinh lý để làm sạch hệ thống mũi xoang sẽ chảy xuống dạ dày và được hòa tan ở đây.

Khi mũi xoang bị viêm, tùy mức độ viêm mà lượng dịch tiết tăng trên 300ml. Các thành phần trong dịch tiết bị mất cân bằng, vì thế cơ thể không kịp hấp thu và sẽ bị chảy ra cửa mũi trước hoặc xuống họng. Lúc này, bên cạnh sự tăng tiết của dịch mũi (nước mũi), cơ thể cũng biểu hiện mệt mỏi kèm theo hiện tượng hắt hơi, ngứa mũi, ngạt tắc mũi, ho khan và quầng thâm dưới mắt đậm hơn.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ có thai ở tuần thứ 13 đến 21 cũng xuất hiện tình trạng này do sự thay đổi nội tiết gây tăng tiết hệ thống chất nhầy dưới biểu mô hô hấp và thường hết sau khi sinh 1 – 2 tuần.

Màu sắc của dịch chảy từ mũi cho ta biết điều gì?

Khi dịch mũi có màu trắng

https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2021-11/dich_mui_1.jpg

Dịch mũi có màu trắng kèm theo hiện tượng sốt, đau nhức đầu và toàn thân, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau rát họng: đây thường là hiện tượng cảm cúm thông thường do nhiễm vi rút. Mỗi người lớn trung bình một năm gặp hiện tượng này 2-3 lần. Ở trẻ em gặp nhiều hơn, có thể tới 6-10 lần/năm.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể điều trị triệu chứng như: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol, thuốc kháng histamin H1 như loratadin, xịt mũi bằng các thuốc có tính kiềm nhẹ và giảm đau rát họng bằng các thuốc xịt họng, thuốc súc họng…

Các biểu hiện thường hết sau 7- 10 ngày. Nếu sau 10 ngày các triệu chứng không mất đi, bạn cần đến bác sĩ tai- mũi-họng để được thăm khám và điều trị.

Khi dịch mũi màu vàng

https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2021-11/dich%20mui%202.jpg

Dịch mũi có màu vàng biểu hiện đang bị nhiễm khuẩn. Nếu không được điều trị dịch mũi sẽ dậm dần, đôi khi sẽ chuyển màu vàng nâu, có thể lẫn dịch máu kèm theo các triệu chứng như ho, đau rát họng, đau tai, đau vùng mặt… thì lúc này có thể tình trạng nhiễm trùng của bạn đã nghiêm trọng hơn, bệnh lý của viêm mũi xoang cấp đang hình thành và có thể sẽ dẫn đến viêm phế quản khi bạn thấy tiếng ho sâu kèm theo nặng ngực. Bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để được khám và điều trị ngay.

Khi dịch mũi màu xanh

https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2021-11/dich_mui_3.jpg

Dịch mũi màu xanh cũng là tình trạng nhiễm khuẩn nhưng do vi khuẩn tạo màu xanh. Dịch lúc đầu loãng sau đó đặc dần, kèm theo đau đầu, đau vùng mặt, đau tai… Bạn có thể đang bị nhiễm trùng xoang, tai.

Bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị, tránh các trường hợp đến muộn, bệnh tiến triển nặng hơn và có biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản phổi…

Khi dịch mũi lẫn máu

Dịch mũi lẫn máu thường thấy có màu hồng hoặc dây máu đỏ tươi.

Nguyên nhân thường gặp do bạn xì mũi nhiều, ngoáy mũi, mũi quá khô hay mũi đang bị viêm. Ở phụ nữ mang thai, cuốn mũi nề và mỏng hơn do thay đổi nội tiết tố cũng dễ chảy máu.

Để phòng ngừa, chúng ta có thể bôi vaseline hoặc thuốc mỡ vào mũi ba lần một ngày, hay sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi để bổ sung độ ẩm cho mũi. Nên cắt ngắn móng tay để ngăn thói quen ngoáy mũi và có thể bổ sung độ ẩm cho không khí bằng máy làm ẩm.

Trường hợp chảy dịch mũi có lẫn máu ở một bên, có mùi hôi ở người trên 40 tuổi, kèm theo các triệu chứng ở cùng bên như ngạt mũi, đau đầu, ù tai… một bên; có thể đây là biểu hiện sớm của khối u, ung thư.

Nếu bạn bị chảy máu mũi đỏ tươi, biểu hiện này thường do vỡ mạch. Có thể là vỡ mạch ở ngay vùng điểm mạch tại vách ngăn (thường do viêm hoặc chấn thương) hoặc chảy máu từ động mạch bướm khẩu cái (do tăng huyết áp), hoặc chảy máu từ các khối u mạch trong hốc mũi.

Bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây chảy dịch mũi lẫn máu hoặc chảy máu mũi để điều trị kịp thời.

Khi dịch mũi màu gỉ sắt

https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2021-11/dich_mui_6.jpg

Dịch mũi màu gỉ sắt có thể là kết quả của máu khô đọng lại sau khi bạn bị chảy máu mũi hoặc do dịch mũi ứ đọng khi bạn bị viêm xoang và do một số vi khuẩn tạo ra màu này.

Khi bạn bị nhiễm nấm xoang, dịch mũi cũng có màu gỉ sắt, chủ yếu ở một bên kèm theo các triệu chứng đau đầu, sưng đau vùng mặt, có thể gặp rối loạn thị giác ở một bên (nhưng rất hiếm)..

Dù nguyên nhân là gì bạn vẫn cần tới gặp bác sĩ để được khám và điều trị chính xác nhé!

Khi dịch mũi màu đen

Dịch ở mũi màu đen kèm theo các triệu chứng: nhức đầu, đau vùng mặt, sưng vùng mặt, rối loạn thị giác…các triệu chứng xảy ra ở một bên có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng. Mặc dù không phổ biến nhưng những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể dễ mắc loại bệnh này.

Những người hút thuốc hoặc sử dụng ma túy cũng có thể bị chảy dịch mũi đen.

Bạn cần thiết phải đến gặp bác sĩ tai – mũi- họng để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải nếu không điều trị kịp thời./.

(Nguồn: VOV)

 

Từ khóa » Hình ảnh Gỉ Mũi