Khi “cây Si” Thành “cây Gai” | Báo Dân Trí

Khi “cây si” thành “cây gai” - 1
“Nó mà không yêu tao thì đừng hòng có thằng nào mong bước chân vào cái ngõ này” - Thu Hằng (20 tuổi, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) mất ăn mất ngủ mấy đêm liền vì lời dọa nạt trên của Đức, “anh trai làng” nổi tiếng đầu gấu đang theo đuổi cô suốt một thời gian dài.

Còn Lê Dung (Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại có nỗi khổ tâm khác bởi “cây si” của cô nàng lại là “đại gia”, đồng thời cũng là sếp của... bố.

Một kỳ nghỉ hè, Dung lên Tây Nguyên thăm nơi bố công tác. Ở nơi xa lạ lại chỉ có núi rừng nên Dung chỉ quen bác giám đốc (sếp của bố Dung) và vài người khác. Tối nào bác giám đốc cũng lái xe hơi đưa Dung và một số người bạn đi ăn hoặc đi hát, có hôm tới tận sáng. Mỗi lần như vậy, tiêu tốn rất nhiều tiền, Dung tỏ vẻ ngần ngại nhưng bác giám đốc xua tay coi như chuyện nhỏ.

Sau kỳ nghỉ ấy, Dung ra Hà Nội tiếp tục học tập, bác giám đốc cũng thường xuyên gọi điện cho Dung. Dung tâm sự: “Lúc đầu, vẫn xưng hô là bác cháu nhưng sau đó bác ấy yêu cầu xưng hô là “bạn - mình” cho… thân thiện. Mặc dù bác ấy còn lớn tuổi hơn cả bố của mình!”.

Suốt một thời gian dài “cây si già” này còn liên tục đề nghị được lên Hà Nội thăm Dung, được đưa Dung vào shop mua quần áo hoặc tặng Dung một số tiền “nhỏ” trị giá hàng chục triệu đồng. Cũng chính vì tình trạng bị bám đuôi ấy mà Dung thường rơi vào sự lo sợ, hoảng hốt mỗi khi có chuông tin nhắn hoặc cuộc gọi.

Độc chiêu đeo bám gây hoảng hốt

Nguyễn Thu Nga (Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) không quá xinh đẹp nhưng tài năng và cá tính nên có khá nhiều anh chàng theo đuổi. Trong số đó, Nga có quý một anh chàng tên Thành. Lúc đầu, Nga tỏ ra khá có thiện cảm nhưng khi nhận được hàng loạt những tin nhắn mang tính kiểm soát của anh chàng này thì Nga hoàn toàn... “ớn lạnh”.

Nga bức xúc: “Lúc đầu mình có nhận lời đi chơi với anh ấy, nhưng nhất quyết không cho nắm tay. Rồi từ đó ngày nào anh ấy cũng nhắn tin, gọi điện hỏi những câu: em đi đâu, đang làm gì, ăn cơm chưa, anh nhớ em quá… khiến cho mình chán ngấy. Từ đó mình chuyển từ quý sang ghét rồi lảng tránh luôn. Ấy vậy mà không biết làm cách nào anh ấy vẫn dò ra được mình đi đâu và đến đó trực sẵn, quyết tâm đeo bám đến cùng”.

Cùng chung tâm trạng bị “cây si” gửi những tin nhắn quan tâm quá đà, Minh Hòa (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) còn đưa hẳn bài lên diễn đàn cho mọi người bình luận: “Em từng bị một anh chàng giật tay kéo đi bắt nói chuyện bằng được (lúc đó đã gần 11 giờ đêm): “Xin em, em nói chuyện, tâm sự với anh đêm nay đi”. Anh ta hành động như vậy ngay trước mắt bảo vệ nên bị ông ta quát cho một trận. Em mếu máo chỉ muốn khóc. Đã vậy, em còn luôn nhận được những tin nhắn mùi mẫn và ướt át, kiểu như:

“Em có biết mấy ngày hôm nay anh sống khổ sở thế nào không? Anh đang phải tập cảm giác không có em”, “Em có hiểu được yêu là gì không? Anh nhớ em phát điên lên”... Và cũng giống như kết cục của anh chàng Thành nói trên, anh chàng này bị Minh Hòa cho... out ngay lập tức.

Thục Quỳnh (Đại học Hà Nội) thì lại bị “cây si” khủng bố bằng thư tình. Đều như vắt chanh, ngày nào Quỳnh cũng nhận được thư tình của anh chàng với những lời lẽ... có cánh. Lúc đầu Quỳnh cũng thử đọc xem sao nhưng đến khi thấy nội dung đều là những từ ngữ sáo rỗng thì Quỳnh chán hẳn.

Cả một tập thư dày đều bị cô nàng ngó lơ: “Thật không hiểu nổi anh ta nghĩ gì mà thư tay không được đáp trả thì lại chuyển sang thư điện tử. Mỗi lần mở mail là kiểu gì cũng thấy thư mới từ mail của anh ta. Ngán ngẩm đến nỗi mình vừa nhìn thấy là đã delete luôn. Trồng cây si kiểu anh ta khiến đầu óc mình thêm bấn loạn”.

Để có được tình yêu là điều không hề dễ. Sự xuất hiện của các “cây si” quyết bám trụ để giành lấy tình yêu cho mình cũng là điều đáng được trân trọng. Nhưng quan trọng chính là cách thức mà các bạn nam “trồng si”. Đừng cố tình biến mình từ một “cây si” thành một “cây gai” mà bất kỳ cô gái nào cũng muốn nhổ bỏ.

Theo Đinh Thùy

VietnamNet

Từ khóa » Trồng Cây Si Trong Tình Yêu Là Gì