Khi Chết Nên Chôn Hay Hỏa Táng? - .vn

Từ hình thức mai táng truyền thống đến hỏa táng hiện đại theo cách nhìn Phật giáo

Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa. Đó là nỗi niềm canh cánh, trăn trở rất lớn của hầu hết tất cả chúng ta khi ông bà, cha mẹ, người thân qua đời.

Thực sự, rất khó để có một chọn lựa duy nhất, làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi tùy theo niềm tin tôn giáo, niềm tin tâm linh, tùy theo nhận thức, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán của địa phương nơi mình sinh sống…mà mỗi người sẽ có một quyết định riêng. Người thì cho rằng hỏa táng là cách tốt nhất, tốt cho cả người mất và người sống, kẻ thì khăng khăng khẳng định, địa táng, cải táng mới là đúng đắn vì đó là phong tục lưu truyền tự ngàn đời, thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Hỏa táng là bất hiếu với tổ tiên, là giết chết cha mẹ lần nữa vì khi thiêu linh hồn sẽ rất nóng. Riêng tôi, với bề dày hơn 20 năm nghiên cứu, trải nghiệm về tâm linh, gần 10 năm nghiên cứu, tu tập, thực hành theo giáo lý đạo Phật, bằng cái thấy và thực chứng của mình, tôi vẫn khuyên mọi người nên hỏa táng. Vì sao?

Theo quan điểm của Phật giáo, khi con người chết đi, tức thần thức không còn trên thân xác này nữa. Ảnh minh họa.

Theo quan điểm của Phật giáo, khi con người chết đi, tức thần thức không còn trên thân xác này nữa. Ảnh minh họa.

Trước hết, bởi những hệ lụy không tốt, không hay mà việc địa táng, cải táng đem lại.

Hệ lụy thứ nhất, chi phí cho việc cải táng rất tốn kém. Để “thay áo mới” cho người quá cố, gia chủ phải bỏ tiền mua đất, mua tiểu, quách, thuê đón thầy cúng, phu bốc mộ, xây mộ…Sau đó là tổ chức tiệc tùng để cảm ơn anh em họ hàng hai bên nội ngoại, anh em bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng… Nhiều nhà làm đến 50 – 70, thậm chí cả trăm mâm cỗ. Tổng chi phí đến hàng trăm triệu đồng, tốn kém không khác gì so với việc tổ chức tang lễ lúc người thân vừa mất.

Hệ lụy thứ hai, rất nhiều gia đình hiện nay khi bốc mộ người thân sau 4-5 năm chôn sâu dưới lòng đất, thi hài vẫn còn nguyên da thịt như lúc còn sống khiến con cháu hoặc phải thuê phu mộ dùng dao sắc xẻ thịt, lột dao, đẽo xương, hoặc tháo khớp cắt rời từng bộ phận, cho vào nồi quân dụng ninh nhừ rồi dùng tay bóc từng lớp thịt, hoặc dùng xăng, củi, lửa để thiêu đốt…Cảnh tượng rùng rợn ấy gây nên nỗi đớn đau, ám ảnh, xót xa, đồng thời tạo tâm lý sợ sệt, hoang mang cho con cháu, không biết điều xấu gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Chính vì tình trạng thi hài không phân hủy diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi nên trước khi bốc mộ người thân vài tháng, thậm chí cả năm, gia chủ đã phải bắt tay chuẩn bị với ít nhiều lo âu, sợ hãi. Có người lo đến mất ăn mất ngủ. Trước tiên là đi gọi hồn, coi bói xem hài cốt đã sạch chưa? Có nhà cẩn thận, hai anh em đi xem hai thầy khác nhau. Thầy thì bảo đã sạch, bốc được rồi. Thầy lại nói vẫn còn thịt ở đùi, chưa bốc được. Xem ngày giờ bốc, mỗi thầy cũng phán một kiểu, thậm chí ngược nhau. Cùng một ngày, thầy bảo ngày đẹp, thầy bảo ngày xấu. Thế là về nhà, anh em cãi nhau um tỏi, thậm chí đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì không thống nhất được việc bốc hay không bốc? Bốc vào ngày nào, giờ nào?

Thân xác hoại diệt, quan niệm về hỏa táng trong Phật giáo

Lại có những gia đình chuẩn bị bốc mộ cha thì mẹ mất, chuẩn bị bốc mộ ông thì cháu mất. Theo phong tục của người Việt, nếu chưa mãn tang ba năm mà trong gia đình dòng tộc có người chết thì người mất trước đó không thể bốc mộ. Việc thay áo đành phải hoãn lại chờ hết tang người chết sau khiến con cháu trong lòng lúc nào cũng áy náy, bứt rứt không yên. Và nhiều khi người đi sau chết không nhắm được mắt vì chưa kịp thay áo cho người đi trước. Đó là chưa kể những tổn thương về tinh thần. Nỗi đau mất người thân mới kịp nguôi ngoai. Sau 3 năm, giờ đào bới lên, nhìn người mình thương giờ chỉ là đống xương thịt bầy hầy, vết thương chưa kịp liền da lại sưng tấy, nhức nhối.

Hệ lụy thứ ba của việc cải táng là gây lãng phí đất đai, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Như đã nói, việc bốc mộ thường diễn ra vào những tháng cuối năm, cao điểm là tháng 11 và tháng 12 âm lịch. Đây là thời điểm rét nhất trong năm. Thời gian bốc mộ lại thường vào lúc 2-3 h sáng. Gặp phải đêm mưa phùn gió bấc giữa đồng không mông quạnh thì việc bốc mộ quả là một cực hình. Nó rất cực nhọc, mất vệ sinh, không an toàn cho cả người trực tiếp bốc mộ lẫn những người phụ giúp.

Theo tục lệ, hầu hết các làng quê thuộc Miền Bắc đều có một khu nghĩa trang chôn tạm (hay còn gọi là hung táng) thường nằm ở cánh đồng. Sau 3 năm hoặc lâu hơn, người ta sẽ bốc mộ, chuyển xương cốt người quá cố sang một chỗ đất khác. Việc mai táng rồi lại cải táng như thế sẽ khiến tốn thêm diện tích đất. Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám 1945, mỗi làng quê Việt Nam trung bình chỉ có khoảng 1.000 hộ dân sinh sống, thậm chí có làng chỉ vài trăm người với cả một khu nghĩa địa rộng lớn, người sống, người chết cách xa nhau, không ảnh hướng gì đến nguồn nước ăn uống, sinh hoạt thì ngày nay, do dân số tăng lên, người sống đang ngày càng tiến dần ra phía khu vực chôn người chết. Thậm chí, ở nhiều đô thị, người sống ở ngay cạnh người chết, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Thân tứ đại là đất, nước, lửa, gió, khi đã trút hơi thở cuối cùng thì cũng trở về với tứ đại, chẳng còn gì để suy viễn ở tương lai.

Thân tứ đại là đất, nước, lửa, gió, khi đã trút hơi thở cuối cùng thì cũng trở về với tứ đại, chẳng còn gì để suy viễn ở tương lai.

Vậy nếu hỏa táng thì có lợi gì so với địa táng?

Hỏa táng, theo tôi, có rất nhiều cái lợi.

Cái lợi thứ nhất, tiết kiệm tiền bạc. Tổng chi phí cho một ca hoả táng hiện nay hết khoảng 11-12 triệu đồng. Từ năm 2010, nhằm khuyến khích người dân hỏa táng, thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ đã hỗ trợ mức tối thiểu là 4 triệu đồng/ca từ ngân sách thành phố, 2 triệu đồng/ca từ ngân sách huyện. Nhiều xã cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/ ca nên thực tế người dân chỉ phải chi trả 4-6 triệu đồng. Mức chi phí này thấp hơn nhiều so với các khoản chi cho hình thức hung táng - cải táng.

Với hung táng, các gia đình phải chi cho quan tài bằng gỗ tốt với giá hơn 10 triệu đồng. Tiền chi cho ban nhạc lễ, thầy cúng, cỗ bàn, ăn uống, cộng với chi phí cho lễ cải táng sau đó bao gồm: việc mua tiểu, quách, các loại nước rửa, thuê người bốc và ăn uống…Tổng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng - số tiền quá lớn so với hỏa táng.

Cái lợi thứ hai, tiết kiệm thời gian. Quy trình hỏa táng thường diễn ra như sau. Đầu tiên, quan tài được đưa vào trong buồng hỏa táng với nhiệt độ lên tới 760℃ - 1000℃. Cánh cửa buồng khép kín hoàn toàn giúp cho nhiệt độ không lan ra bên ngoài. Quan tài dùng để hỏa táng được làm bằng những vật liệu dễ bắt lửa, không chứa bất kỳ vật dụng kim loại nào để quy trình thiêu diễn ra dễ dàng. Sau khi quá trình thiêu đốt kết thúc, các mảnh xương còn lại được gọi là tàn dư hỏa táng được thu gom rồi được đặt vào lò đốt phụ, được tiếp tục đốt để tàn dư tan rã hoàn toàn. Nếu như không có lò đốt phụ, tàn dư hỏa táng được đặt vào một bộ vi xử lý để nghiền nát. Chúng thường được gọi là tro và được đặt vào trong bình đựng tro cốt. Kích thước bình đựng tro vừa phải, được niêm phong một cách cẩn thận. Toàn bộ quá trình hỏa táng mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, quá ngắn so với quãng thời gian dằng dặc kéo dài 3 năm, 5 năm của địa táng, cải táng.

Cái lợi thứ ba, tiết kiệm đất và tài nguyên. Người ta đã làm một phép tính: Ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, trung bình có khoảng 90.000 người chết. Nếu địa táng, với diện tích 1 huyệt chôn, xây và đường đi giữa các hàng huyệt, chiếm bình quân 6m2 (1,8 x 3,4m) thì trong vòng 10 năm, TP Hồ Chí Minh sẽ mất khoảng 90.000 m2 (90ha) đất làm nghĩa trang. Song nếu như hỏa táng, tro cốt gửi vào chùa hoặc rải xuống sông, xuống biển, sẽ giảm được chi phí xây dựng, bảo quản. Không phải xây cất 90.000 ngôi mộ là một khoản tiết kiệm rất lớn. Đó là chưa kể tiết kiệm được cả gỗ làm áo quan, góp phần tham gia vào công tác bảo vệ rừng…

Hỏa táng có ảnh hưởng đến vấn đề tái sinh và phước đức của con cháu?

Cái lợi thứ tư, không gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Trong lò thiêu, nhiệt độ lên tới 1000℃. Các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu huỷ hoàn toàn. Nhờ thế, không còn mầm bệnh lây lan ra môi trường hay ngấm sâu vào đất, phát sinh vào nguồn nước. Nếu chôn như truyền thống thì những loại vi khuẩn này sẽ có điều kiện lây cho những người xung quanh.

Cái lợi thứ 5, giúp cho hương linh người mất dễ đầu thai, siêu thoát. Có lẽ, một trong những ước muốn chung, lớn nhất của tất cả mọi người khi có người thân ra đi là họ sớm được siêu thoát. Theo quan niệm tâm linh, con người có hai phần là xác và hồn, nhà Phật gọi đó là thân tứ đại và thần thức. Sau khi chết, xác thân sẽ hư hoại. Thần thức sẽ tùy theo nghiệp lực mà tái sinh vào 6 nẻo luân hồi, tương ứng với nghiệp quả mà họ đã gieo trồng khi sống. Đó là cõi trời, cõi thần, cõi người (dành cho chúng sinh có nhiều việc làm tốt) hoặc các cõi dưới là cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục (dành cho chúng sinh có nhiều việc làm xấu). Riêng các bậc giác ngộ như Đức Phật, các vị Bồ tát, các bậc A la hán sẽ không phải luân hồi vì đã giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Thân tứ đại do đất, nước, gió, lửa hợp thành, khi đã trút hơi thở cuối cùng thì cũng trở về với tứ đại, chẳng còn gì để suy viễn ở tương lai. Vì thế, nhà Phật coi thân xác là vật tạm bợ như chiếc áo. “Sinh như đắp chăn đông. Tử như cởi áo hạ”. Chết giống như là cởi bỏ bộ áo quần cũ, đi đầu thai chuyển nghiệp giống như mặc bộ đồ mới khác. Phật giáo chỉ chú trọng vào nghiệp thức nhằm khuyến cáo người đời lánh xa điều ác, năng làm việc lành để khi chết tái sinh vào cõi thánh thiện. Việc hung táng, cải táng rồi xây lăng to, mộ lớn cho người quá cố khiến cho linh hồn họ quyến luyến, dính chấp vào đấy thì siêu thoát làm sao? Hay muôn kiếp chỉ làm ma mường, ma xó?

Hỏa táng giúp cho người sống xem nhẹ thân này, thấy được thân này rất giả tạm, không bị chấp mắc vào cuộc đời. Sau này, khi chết, hỏa táng, vong linh sẽ không chấp trước vào thân xác, nhờ đó, rất dễ siêu thoát. Bên cạnh đó, có tro cốt ông bà, cha mẹ ở chùa, con cháu sẽ năng đến chùa. Ăn một bữa cơm chay, gặp người hiền, nghe các quý thầy giảng một bài pháp, suy ngẫm rồi phát tâm tu tập, làm lành tránh dữ. Việc hỏa táng, nhờ thế, không chỉ tốt cho người mất mà còn lợi cho cả người sống.

Người có tu coi việc xả bỏ thân này là quy luật vô thường (thường tình) nên tinh thần sau khi chết thường không bị dính mắc chấp vào xác thân.

Người có tu coi việc xả bỏ thân này là quy luật vô thường (thường tình) nên tinh thần sau khi chết thường không bị dính mắc chấp vào xác thân.

Bàn về hỏa táng, nhiều người đã thấy được những lợi lạc. Họ muốn sau này chết, họ cũng sẽ hỏa táng. Nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn còn chút lo lắng. Một số người đã băn khoăn hỏi tôi: “Hỏa táng linh hồn có bị nóng không? Chúng tôi nghe một số thầy cúng, thầy bói nói: nhiều linh hồn về khóc lóc kêu nóng, oán trách con cháu đã hỏa thiêu”. Tôi nghĩ, thầy nào nói thế, hoặc là do vô minh, thiếu hiểu biết. (Khi chết, hệ thần kinh ngừng hoạt động. Thân tứ đại bắt đầu phân hủy, tan rã. Người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh. Nếu hỏa táng thấy nóng thì việc vùi chôn thi hài xuống đất, vài hôm sau bụng trương phềnh, mắt nổ, ruột đứt, thịt da thối rữa, mùi hôi thối, vi khuẩn, giòi bọ rúc rỉa mỗi ngày…còn khủng khiếp, kinh hãi đến thế nào). Hoặc là vì lòng tham, mưu lợi, muốn giữ nguồn thu. Bởi hầu hết những ai có người thân mất đều phải đi hỏi thầy xem giờ liệm, giờ ra cửa, giờ hạ huyệt.. rồi vài năm sau, khi chuẩn bị bốc mộ, lại hỏi thầy lần nữa: giờ khai nấm, mở áo quan, bốc mộ, xem đất, hướng mộ… Mỗi lần hỏi thầy là tiền. Nên nếu hỏa táng, thầy sẽ mất một khoản thu không nhỏ.

Là một Phật tử, thực hành thiền quán mỗi ngày, hiểu về thuyết vô thường, vô ngã, tin vào Luật Nhân quả, Luân hồi, từ nhiều năm trước, tôi đã quyết định hiến tạng của mình cho y học. Bởi tôi hiểu, khi sống, thân xác này là của mình. Nhưng khi chết, nó chỉ là một đống bầy nhầy hôi thối, rời xa nó càng nhanh càng tốt. Cho nên, khi mình mất đi, nếu đôi mắt này, trái tim này, quả thận này, lá gan này, còn mang lại sự sống cho ai đó thì tại sao mình không hiến tặng? Hạnh phúc biết bao. Cũng vì lẽ đó, từ nhiều năm trước, tôi đã dặn người thân của mình: “Nếu một ngày, em từ giã cõi đời, hãy hỏa táng em và rải tro cốt xuống sông, xuống biển. Đừng xây mộ làm gì. Em không ở đó đâu. Em sẽ thong dong làm bạn với mây ngàn, gió núi”. Cũng vì lẽ đó, từ nhiều năm trước, khi cha mẹ tôi mất, tôi đã quyết định hỏa táng. Gia đình tôi là một trong những người thực hiện hỏa táng đầu tiên ở quê. Sau một thời gian dài quan sát, thấy gia đình tôi vẫn bình an vô sự, cuộc sống vẫn hạnh phúc, ấm êm, tốt đẹp mỗi ngày, dân quê tôi mới đua nhau hỏa táng. Hầu hết các gia đình ở quê tôi có người thân qua đời đều hỏa táng.

Nhân nói chuyện về hỏa táng, tôi nhớ đến một chia sẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Năm 2013, khi theo chân thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ, tôi có hỏi thầy: “Thưa thầy! Nếu một ngày thấy rời bỏ cõi này ra đi, thầy sẽ về Việt Nam chứ ạ?”. Thầy cười hiền hậu: “Về chuyện này, thầy đã dặn các đệ tử của thầy rồi: Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung. Vui lắm”.

Hồng Kông: Cư sĩ Kim Dung hỏa táng tại Bửu Liên Thiền Tự

Với góc nhìn Phật giáo, việc xả bỏ xác thân như một điều tất yếu nhẹ nhàng đối với người tu theo đạo Phật.

Với góc nhìn Phật giáo, việc xả bỏ xác thân như một điều tất yếu nhẹ nhàng đối với người tu theo đạo Phật.

Hỏa táng và lưu tro cốt người đã mất: Những điều cần lưu ý

Có một đệ tử của thầy ở Hà Nội, vì quá thương thầy, đã xây sẵn cho thầy một cái tháp trong khuôn viên chùa. Thầy bảo: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám pháp địa xúc là có thầy! Cho nên không được nhốt thầy, bỏ thầy vào trong cái hũ nhỏ rồi đặt thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư thầy Đàm Nguyện đã xây cho thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là: “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn”. Đó là điều Thiền sư Thích Nhất Hạnh căn dặn các học trò của mình ở chùa Đình Quán, Hà Nội và ở Tổ Đình Từ Hiếu (Huế). “Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho thầy. Đó không phải là điều thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của thầy như cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức thì tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy”.

Lắng nghe lời tâm sự của thầy, tôi bỗng ứa nước mắt. Ước gì ở Việt Nam, ai cũng có giác ngộ ấy như Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì những thành phố, những cánh đồng Việt Nam không bị ngày càng thu hẹp bởi sự bành trướng ngày càng rộng của những nghĩa trang – những thành phố “chết” với những lăng mộ nguy nga, bề thế.

*Trích trong tập phóng sự "Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu" tập 3 dự kiến ra mắt đầu Xuân 2021.

Từ khóa » Nó Chết Rồi Hỏa Thiêu