Khi Con Bị U Máu Sơ Sinh, Nên Làm Gì?

U máu có tỷ lệ mắc là 1-5% trên số trẻ sinh ra. 80% trẻ mắc u máu không gây vấn đề gì bất thường, u máu tự ổn định không cần điều trị. Một số ít có thể gây sẹo hoặc biến dạng vĩnh viễn như u ở mặt, gây suy giảm chức năng nếu ở gan hoặc đường thở, gây loét hoặc các bất thường nếu nằm ở mạch máu lớn. U máu ngay trên da thì màu đỏ, ở sâu hơn thì màu xanh xám.

U máu ở trẻ sơ sinh thường gặp ở: Trẻ gái nhiều hơn, trẻ da trắng gặp nhiều hơn; Trẻ sinh non; Trẻ sơ sinh nhẹ cân; Trẻ sinh đôi, sinh ba và sinh bốn... Không có yếu tố di truyền.

Dấu hiệu để sớm phát hiện ra con bị u máu

U máu bề mặt: Trẻ bị u máu bề mặt thường là có vùng da đỏ, nổi lên trên bề mặt da thường. Sờ tay lên vùng da đỏ này sẽ cảm thấy khá ấm vì các mạch máu bất thường ở gần sát bề mặt u. Ban đầu u máu có thể xuất hiện dưới dạng một vùng da nhợt nhạt, trên đó xuất hiện đốm đỏ.

U máu sâu: Có thể trông vùng da có màu hơi xanh vì các mạch máu bất thường nằm sâu hơn trong da. U máu không phải lúc nào cũng gây được sự chú ý trong vài tuần đầu tiên ở bé sơ sinh, có thể chỉ xuất hiện dưới dạng một cục hơi nổi trên da.

Sự phát triển của u máu

Phần lớn u máu ở trẻ sơ sinh hình thành trước 4 tháng tuổi, lớn dần đến hết 12 tháng, đa phần u máu đạt kích thước lớn nhất lúc trẻ 5 tháng tuổi.

Phần lớn trường hợp sau 12 tháng các khối u máu thoái triển và biến mất sau 5-7 tuổi.

Khi con bị u máu sơ sinh, nên làm gì?U máu ở trẻ em có thể biến mất khi trẻ lớn.

Chăm sóc  vùng da bị u máu

U máu có thể bị chảy máu nếu trầy xước, do đó cần cắt ngắn móng tay và chà mịn đầu móng để tránh bé gãi gây xước.

Nếu không may bị chảy máu, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể lấy gạc sạch đè lên tổn thương khoảng 5 phút, máu có thể cầm, không nên sốt ruột mở ra xem máu đã cầm chưa khi chưa đủ thời gian này vì sẽ làm máu chảy tiếp. Sau 5 phút nếu không ổn - máu vẫn chảy - hãy cho bé đi khám bác sĩ.

Bề mặt của u máu rất mỏng và có thể bị khô, nên tránh tiếp xúc với xà phòng, khi tắm rửa cho bé, chỗ u máu nên được thấm khô nhẹ nhàng, nên thoa kem vaseline hai lần/ngày để bề mặt không bị khô.

Nếu u máu nằm trong vùng mặc tã, da nơi này hay bị ẩm ướt, nên thoa kem vaseline sau mỗi lần thay tã, sử dụng bông gòn ẩm để vệ sinh sẽ tốt hơn lấy khăn lau.

Giống như tất cả vùng da khác, u máu cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Cần dùng đồ che nắng và kem chống nắng khi cần thiết.

Khi nào cần  điều trị?

Hầu hết các u máu sẽ ổn định sau 5-7 năm, tuy nhiên nếu có biến chứng hoặc ở một số vị trí đặc biệt phải điều trị sớm như:

1. Biến chứng chảy máu đe dọa tính mạng (u máu nằm ở gan, đường thở...).

2. Gây suy giảm chức năng hoặc gây ra rủi ro (rối loạn thị giác, ảnh hưởng đến ăn uống do u máu nằm ở môi miệng).

3. Loét hoặc nguy cơ gây loét, nhiễm trùng.

4. Gây bất thường các cấu trúc liên quan quan trọng ( não, tim, mạch máu lớn...).

5. Nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn hoặc biến dạng các mốc giải phẫu (mặt, cổ, cơ quan sinh dục...).

Lời khuyên của bác sĩU máu đa phần là tự ổn định trừ các vị trí đặc biệt, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá về rủi ro mà chúng có thể mang lại và cân nhắc điều trị. Việc điều trị không chỉ dựa trên vấn đề y khoa mà còn phụ thuộc nhu cầu thẩm mỹ, tránh cho trẻ bị mặc cảm hay tự ti và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.Một số u máu có kích thước lớn có thể tiếp tục nhỏ đi sau 8-10 tuổi. Đôi khi vùng da bị ảnh hưởng có thể nhạt màu hơn hoặc còn các đường màu là các mạch máu nhỏ. Cha mẹ cũng không nên lo lắng quá - Chúng có thể xử lý bằng laser. Một số các biến dạng do u máu lớn có thể được cải thiện bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

Từ khóa » Nốt U Máu ở Trẻ Sơ Sinh