Khí đường Ruột (ợ Hơi, đầy Hơi, Xì Hơi, Chướng Bụng) - Út Em Hạ Mến

Khí đường ruột là gì?

Khí đường ruột là loại khí có trong đường tiêu hóa của bạn. Loại khí này thoát ra khỏi cơ thể thông qua đường miệng khi bạn ợ hơi hoặc qua đường hậu môn khi bạn xì hơi.

Đầy hơi là tình trạng thừa khí trong dạ dày hoặc ruột của bạn, lượng khí thừa này có có thể gây ra chướng bụng và dạ dày đầy hơi. Hơi trong dạ dày, loại khí thoát ra khỏi cơ thể bằng con đường hậu môn, có thể chứa một ít khí sulfua. Hơi nào càng có nhiều sulfua thì càng nặng mùi.

Tìm hiểu về đường tiêu hóa và cơ chế hoạt động của nó ở liên kết này.

Mức độ phổ biến của khí đường ruột?

Ai cũng có khí đường ruột trong cơ thể. Người ta có thể cho rằng họ ợ hoặc xì hơi quá thường xuyên nên họ có quá nhiều khí đường ruột trong cơ thể. Nhưng cơ thể có quá nhiều khí đường ruột là một điều bất thường.

Đối tượng nào dễ nạp khí đường ruột vào cơ thể hơn?

Một số tình trạng nhất định có khả năng khiến cơ thể bạn nạp nhiều khí đường ruột hơn hoặc cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng hơn khi khí đường ruột của bạn ở mức bình thường. Những người nuốt vào nhiều khí hơn hoặc ăn những thực phẩm nhất định có khả năng có nhiều khí đường ruột hơn.

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng của khí đường ruột là gì?

Những triệu chứng thường thấy của khí đường ruột nạp vào trong cơ thể gồm có ợ hơi, xì hơi, chướng bụng, đau bụng và bụng khó chịu. Các dấu hiệu của khí đường ruột ở mỗi người mỗi khác.

Ợ hơi

Thỉnh thoảng ợ hơi, hay ợ nóng, đặc biệt là trong và sau bữa ăn là điều bình thường. Nếu bạn ợ nhiều, có thể bạn đang nuốt quá nhiều không khí vào cơ thể và thải khí ra bằng cách ợ hơi trước khi khí xâm nhập vào dạ dày của bạn.

Xì hơi/trung tiện

Bình thường thì con người trung tiện khoảng 13 đến 21 lần một ngày.

Chướng bụng

Chướng bụng là cảm giác no hoặc phồng bụng. Chướng bụng thường xảy ra trong hoặc sau bữa ăn.

Đau bụng hoặc bụng khó chịu

Có thể bạn sẽ cảm thấy đau bụng hoặc bụng khó chịu khi khí đường ruột của bạn không đi ra ngoài như bình thường.

Khi nào tôi nên trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng khí đường ruột của mình?

Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng khí đường ruột quấy rầy cuộc sống của bạn
  • Các dấu hiệu của khí đường ruột thay đổi đột ngột
  • Khí đường ruột có các dấu hiệu khác – như là táo bón, tiêu chảy hoặc sút cân

Nguyên nhân tạo ra khí đường ruột?

Khí đường ruột thông thường xâm nhập đường tiêu hóa khi bạn nuốt vào không khí hoặc được tạo ra trong quá trình vi khuẩn ở ruột già phân giải những thực phẩm chưa được tiêu hóa. Đường tiêu hóa của bạn có khả năng chứa nhiều khí hơn nếu bạn nuốt vào nhiều không khí hoặc ăn những loại thực phẩm nhất định.

Không khí bị nuốt vào cơ thể

Ai cũng nuốt vào một ít không khí khi ăn uống. Bạn nuốt vào nhiều không khí hơn khi bạn

  • Nhai kẹo cao su
  • Uống các đồ uống sủi bọt, hay đồ uống có ga
  • Ăn hoặc uống quá nhanh
  • Hút thuốc
  • Mút kẹo cứng
  • Đeo răng giả không vừa vặn và lỏng lẻo

Không khí nuốt vào không thoát ra khỏi dạ dày của bạn bằng con đường ợ hơi mà di chuyển vào ruột già và thoát ra khỏi cơ thể bạn qua con đường hậu môn.

Vi khuẩn trong ruột già

Dạ dày và ruột non không tiêu hóa hoàn toàn được một số chất carbohydrates – gồm có đường, tinh bột và chất xơ – trong thực phẩm bạn ăn. Những chất carbohydrates chưa được tiêu hóa này sẽ được đẩy xuống ruột già nơi chứa các vi khuẩn. Những vi khuẩn này phân giải những carbohydrates chưa được tiêu hóa và trong quá trình đó giải phóng khí đường ruột.

Những thực phẩm, thức uống hoặc sản phẩm nào tạo ra khí đường ruột?

Nhiều loại thực phẩm đồ uống và sản phẩm có thể tạo ra khí đường ruột. Xem ví dụ trong bảng dưới đây

Bảng 1. Ví dụ về thực phẩm, đồ uống và sản phẩm có thể tạo ra khí đường ruột
Thực phẩm
Rau củ măng tây a-ti-sô đậu đen súp lơ xanh cải brussels bắp cải súp lơ trắng đậu tây nấm đậu thận trắng/đậu hải quân hành tây đậu pinto Trái cây táo đào lê Ngũ cốc nguyên cám bran cám ngũ cốc lúa mỳ nguyên cám Chế phẩm từ sữa phô mai kem lạnh sữa chua Thức ăn đóng gói chứa Lactose bánh mỳ ngũ cốc ăn sáng sốt salad
Đồ uống
Nước táo ép nước lê ép Đồ uống có ga đồ uống có siro bắp nhiều fructose Đồ uống hoa quả (như là nước trái cây hỗn hợp) sữa tươi
Sản phẩm
Những sản phẩm không đường có chứa Sorbitol, Mannitol, hoặc Xylitol kẹo kẹo cao su Chất bổ sung trong ăn uống và chất phụ gia những loại chất xơ nhất định như là inulin và fructo-oligosaccharide, có thể được thêm vào những thực phẩm chế biến sẵn để thay thế những chất bổ sung đường, chất xơ, hay chất béo.

Trường hợp nào gây ra các triệu chứng thừa hơi hoặc tăng khí đường ruột?

Một số trường hợp có thể khiến bạn có nhiều khí đường ruột hơn bình thường hoặc gặp phải nhiều dấu hiệu hơn khi khí đường ruột trong cơ thể ở mức bình thường. Các trường hợp này gồm có:

Vi khuẩn tăng sinh quá mức trong ruột non

Vi khuẩn tăng sinh quá mức trong ruột non là khi số lượng vi khuẩn tăng hoặc thay đổi loại vi khuẩn cư trú trong ruột non của bạn. Những vi khuẩn này có thể sản sinh ra nhiều khí đường ruột hơn và có thể cũng gây ra tiêu chảy và sút cân. Tăng sinh quá mức vi khuẩn trong ruột non đa số thường là biến chứng của những bệnh khác.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS/Irritable bowel syndrome) là một tập hợp các triệu chứng – gồm có đau bụng hoặc bụng khó chịu và thói quen đại tiện thay đổi – xảy ra đồng thời. IBS có thể ảnh hưởng đến cách di chuyển của khí đường ruột trong cơ thể bạn. Bạn có thể cũng sẽ cảm thấy chướng bụng do mẫn cảm hơn với lượng khí đường ruột bình thường.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản GERD

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease / GERD) là một bệnh mãn tính xảy ra khi những thứ có trong dạ dày trào ngược vào trong thực quản. Những người mắc phải bệnh này có thể ợ nóng rất nhiều để làm giảm sự khó chịu.

Vấn đề tiêu hóa carbohydrates

Các vấn đề tiêu hóa carbohydrates mà có thể tạo ra khí đường ruột và gây ra chướng bụng gồm có:

  • Bệnh không dung nạp đường lactose (lactose intolerance) là tình trạng bạn gặp phải những triệu chứng tiêu hóa như là đầy bụng, xì hơi hoặc tiêu chảy sau khi ăn hoặc uống sữa tươi hoặc các chế phẩm từ sữa.
  • Bệnh không dung nạp đường fructose qua con đường ăn uống là tình trạng bạn gặp phải những triệu chứng tiêu hóa như là đầy bụng, xì hơi hoặc tiêu chảy sau khi ăn những thực phẩm chứa đường fructose.
  • Bệnh Celiac, một rối loạn hệ miễn dịch trong đó cơ thể bạn không thể dung nạp gluten, một loại protein có trong lúa mỳ, lúa mạch đen, đại mạch và một số sản phẩm như là son dưỡng môi và các loại mỹ phẩm. Nếu bạn mắc bệnh celiac, gluten vào cơ thể sẽ hủy hoại niêm mạc ruột non của bạn.

Bệnh tác động đến cách di chuyển của khí đường ruột

Những bệnh tác động đến cách di chuyển của khí đường ruột có thể gây ra các vấn đề về xì hơi và chướng bụng. Những bệnh này gồm có hội chứng Dumping (dumping syndrome), chứng dính bụng (abdominal adhesions), thoát vị bụng (abdominal hernias) và các bệnh gây ra chứng tắc ruột (intestinal obstruction) như là ung thư kết trực tràng (colon cancer) hay ung thư buồng trứng (ovarian cancer) .

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra khí đường ruột bằng cách nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân thừa hơi hoặc các triệu chứng tăng khí đường ruột thông qua tiền sử bệnh của bạn và khám sức khỏe trực tiếp.  .

Nếu bác sĩ cho rằng có thể bạn đang mắc phải loại bệnh gây thừa hơi hoặc các triệu chứng tăng khí đường ruột, họ sẽ có thể yêu cầu bạn làm thêm xét nghiệm ,

Tiền sử bệnh

Với tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về:

  • Các triệu chứng bạn gặp phải
  • Thói quen ăn uống của bạn
  • Những loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn mà bạn sử dụng
  • Bệnh bạn đã và đang mắc phải

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ghi chép lại những thực phẩm bạn ăn và thời gian các triệu chứng xì hơi xảy ra. Nhật ký ghi chép của bạn có thể chỉ ra những thực phẩm cụ thể tạo ra khí đường ruột. Việc kiểm tra nhật ký của bạn có thể cũng giúp bác sĩ biết được liệu bạn có nhiều khí đường ruột hơn hay là cơ thể bạn mẫn cảm hơn với lượng khí đường ruột bình thường.

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ thường:

  • Kiểm tra xem bụng bạn có bị chướng (bloating) hoặc phồng không
  • Dùng ống nghe để kiểm tra âm thanh trong bụng bạn
  • Gõ lên vùng bụng của bạn để kiểm tra độ mềm của bụng hoặc mức độ đau bụng

Điều trị

Tôi có thể giảm hoặc phòng tránh thừa khí đường ruột bằng cách nào?

Để giảm hoặc phòng tránh thừa khí đường ruột và các triệu chứng của tình trạng đó, bác sĩ có thể đề xuất bạn nên làm những điều sau:

Nuốt vào ít không khí hơn

Bác sĩ có thể sẽ đề xuất bạn thực hiện theo các bước để nuốt vào ít không khí hơn. Ví dụ như, ăn chậm hơn, tránh ăn kẹo cao su và kẹo cứng, và không dùng ống hút. Nếu bạn đeo răng giả, kiểm tra với nha sĩ để chắc rằng hàm răng giả đó vừa vặn với miệng của bạn. Nuốt vào ít khí hơn có thể làm giảm bớt các triệu chứng của khí đường ruột, đặc biệt là khi bạn ợ hơi nhiều.

Bỏ hút thuốc

Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ đi. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm cách bỏ thuốc. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người được hỗ trợ giúp đỡ bỏ thuốc có xác suất bỏ thuốc thành công cao hơn.

Thay đổi chế độ ăn uống

Để giảm khí đường ruột, bác sĩ có thể đề xuất bạn ăn bữa nhỏ hơn và chia thành nhiều bữa cũng như ăn ít những loại thực phẩm tạo ra khí đường ruột trong cơ thể bạn. Tìm hiểu thêm về vấn đề thay đổi chế độ ăn uống để giảm khí đường ruột ở phần dưới.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể giảm lượng khí đường ruột cũng như các triệu chứng của tình trạng này [lưu ý của biên tập viên: tất cả các loại thuốc cần phải được sự cho phép của các bác sĩ]:

  • Alpha-galactosidase (Beano, Gas-Zyme 3x) chứa loại enzyme cơ thể thiếu để tiêu hóa đường có trong đậu hạt, hạt ngũ cốc và nhiều loại rau củ. Bạn có thể uống enzyme này trước khi ăn để phân giải những loại đường mà sản sinh ra khí đường ruột. Bác sĩ khuyến cáo enzyme này dành cho người trưởng thành và trẻ từ 12 tuổi trở lên.
  • Simethicone (Gas-X, Mylanta Gas) có thể làm giảm chướng bụng (bloating) do khí đường ruột và đau bụng hoặc bụng khó chịu bằng cách giúp khí thoát qua đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng thuốc này cho trẻ sơ sinh và trẻ em.
  • Thuốc viên và thuốc uống dạng giọt Lactase dành cho những người mắc chứng không dung nạp đường lactose. Enzyme lactase tiêu hóa đường lactose có trong thức ăn hoặc thức uống và giảm khả năng mắc phải những triệu chứng như là chướng bụng, xì hơi hoặc tiêu chảy. Những loại sữa tươi và các chế phẩm từ sữa không chứa lactose và đã giảm hàm lượng lactose đều có bán tại đa số các siêu thị và có dinh dưỡng tương tự các loại sữa tươi và chế phẩm từ sữa thông thường. Kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng các sản phẩm có đường lactose. Một số đối tượng như là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và phụ nữ có thai và đang cho con bú có khả năng không được sử dụng những sản phẩm này.

Vì lý do an toàn, hãy tư vấn với bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc bổ hay bất cứ loại thuốc thay thế hoặc bổ sung nào khác.

Bác sĩ có thể sẽ kê đơn các loại thuốc giúp giảm lượng khí đường ruột hoặc các triệu chứng của tình trạng này, đặc biệt là nếu vi khuẩn tăng sinh quá mức trong ruột non của bạn hay bạn bị hội chứng ruột kích thích.

Ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng

Tôi nên tránh ăn gì để giảm lượng khí đường ruột?

Bạn có thể giảm lượng khí đường ruột bằng cách tránh hoặc ăn ít những thực phẩm tạo ra khí đường ruột trong cơ thể bạn. Bạn có thể làm nhật ký theo dõi những thứ bạn ăn để tìm ra loại thực phẩm nào tạo ra nhiều khí đường ruột cũng như là bạn có thể ăn mức độ nào các loại thực phẩm đó.

Bạn có thể thử tránh hoặc giảm:

  • Các thức uống sủi bọt hoặc có ga
  • Những thức ăn chiên rán và nhiều chất béo
  • Những thực phẩm nhiều chất xơ (fiber) trong vài tuần và sau đó tăng từ từ lượng chất xơ nạp vào cơ thể
  • Đường

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc bệnh celiac họ sẽ khuyến nghị bạn nên thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten. Đa số những người mắc bệnh celiac khi thực hiện chế độ ăn kiêng này đều ghi nhận triệu chứng của khí đường ruột thuyên giảm rõ rệt.

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc bệnh không dung nạp đường lactose (lactose intolerance), có thể bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn hạn chế lượng đường lactose mà bạn ăn hoặc uống vào cơ thể. Nhiều người có thể giải quyết được những triệu chứng không dung nạp đường lactose bằng cách thay đổi chế độ ăn uống của họ.

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc hội chứng ruột kích thích, có thể bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn thử một chế độ ăn kiêng đặc biệt – gọi là chế độ ăn kiêng, ưu tiên chọn các loại thực phẩm có FODMAP thấp (Low FODMAP) hay FODMAP. Nếu bạn thực hiện chế độ ăn kiêng này, bạn tránh hoặc ăn ít đi một số loại thực phẩm nhất định – những thực phẩm có FODMAP cao  – chứa những chất carbohydrates khó tiêu hóa. Ví dụ về những thực phẩm có FODMAP cao gồm có những loại trái cây và rau củ nhất định, các chế phẩm từ sữa, các chế phẩm từ lúa mì và lúa mạch đen, và những thực phẩm chứa những loại chất tạo ngọt nhất định.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

More from my site

  • Các thuật ngữ y tế trong nghiên cứu sức khỏeCác thuật ngữ y tế trong nghiên cứu sức khỏe
  • Những bệnh truyền nhiễm khi mang thai cần lưu ýNhững bệnh truyền nhiễm khi mang thai cần lưu ý
  • 13 lợi ích của tinh dầu bạc hà (peppermint)13 lợi ích của tinh dầu bạc hà (peppermint)
  • Làm sáng tỏ sự thật về chất béoLàm sáng tỏ sự thật về chất béo
  • Tổng hợp các tác dụng của Dầu dừa cho sức khỏe và vẻ đẹp của bạnTổng hợp các tác dụng của Dầu dừa cho sức khỏe và vẻ đẹp của bạn
  • Tập thể dục khi mang thai: Bé con, hãy cùng vận động nào!Tập thể dục khi mang thai: Bé con, hãy cùng vận động nào!

Từ khóa » đầy Bụng Muốn Xì Hơi