Khi Gặp Sóng Gió, Những Lợi ích Và Giá Trị Của EU Là Kim Chỉ ... - EEAS

Cuộc khủng hoảng virus corona đang tạo ra một môi trường toàn cầu cạnh tranh hơn, với sự đối đầu gia tăng nhanh hơn cả sự hợp tác. Là Liên minh châu Âu (EU), chúng ta phải đương đầu với những vùng biển khắc nghiệt hơn và có nguy cơ bị cuốn vào dòng chảy của các cường quốc nói với chúng ta “hãy chọn một bên”.

Những thứ được coi là lĩnh vực kỹ thuật và không mang tính chính trị cao, chẳng hạn như đầu tư và thương mại, công nghệ và tiền tệ, giờ lại là một phần của cạnh tranh mở hoặc thậm chí là sự đối đầu. Những điều mà bạn có thể dựa vào một cách vững chắc, như thông tin thực tế và khoa học, hiện đang bị thách thức và là một phần của trận chiến về câu chuyện được kể, được phóng đại thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Đối với EU, không phải lúc nào cũng dễ dàng giữ được cân bằng khi các dòng chảy ngày càng mạnh hơn. Chúng ta nên sáng suốt, và không được ngây thơ hay luyến tiếc quá khứ, về cách chúng ta có thể ứng phó một cách tốt nhất. Những sự kiện trong tuần này là ví dụ tốt về ý nghĩa của điều này.

Giữ cân bằng trong quan hệ EU-Trung Quốc

Vào thứ Ba vừa rồi, tôi đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, một nhà ngoại giao rất giàu kinh nghiệm, tại cuộc Đối thoại Chiến lược EU-Trung Quốc. Cuộc đối thoại này đã diễn ra với ba giờ thảo luận căng thẳng, nhưng cũng thẳng thắn và hữu ích.

Trung Quốc đang đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trong chính trị toàn cầu và chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác cùng nhau trong nhiều vấn đề mà vai trò của Trung Quốc là thiết yếu, từ sự phục hồi sau đại dịch cho đến biến đổi khí hậu và kết nối bền vững. Tất cả những vấn đề này bên cạnh các nội dung khác đã hình thành nên một chương trình nghị sự lớn, tích cực cho hợp tác EU-Trung Quốc.

Chúng tôi cũng muốn làm việc với Trung Quốc trong các vấn đề mà hai bên còn có khoảng cách nhưng nếu có sự đàm phán thiện chí thì có thể tạo ra kết quả tốt cho cả hai. Lấy ví dụ về sự tiếp cận thị trường và các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư Toàn diện song phương. Các cuộc đàm phán này đã diễn ra trong nhiều năm và tôi hy vọng hai bên có thể kết thúc càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng mở cửa bất cân xứng hiện nay. Từ mua sắm công cho đến 5G rồi đến thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, chúng tôi thiếu một sân chơi bình đẳng và chúng tôi cần đảm bảo nguyên tắc có đi có lại.

Chúng tôi cũng cần phải có sự chuẩn bị của mình trong lĩnh vực này: bao gồm các biện pháp đang được áp dụng hoặc đang được xây dựng trong sàng lọc đầu tư, mua sắm có đi có lại, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc dự trữ các sản phẩm chiến lược. Mục đích tổng thể đó là trao quyền cho châu Âu nhằm đối phó với một bối cảnh địa chính trị mang tính cạnh tranh hơn.

Chúng tôi cũng thảo luận về vấn đề giảm nợ cho châu Phi, nơi mà chúng tôi cũng sẽ hoan nghênh nếu phía Trung Quốc có thêm các nỗ lực.

Đồng thời, có những khía cạnh mà quan hệ của chúng tôi về bản chất có tính cạnh tranh cao hơn do các giá trị và hệ thống chính trị của hai bên có sự khác biệt căn bản. Tôi cũng đã thảo luận điều này với Ngoại trưởng Trung Quốc. Về vấn đề Hồng Kông và rộng hơn là về quyền con người, mỗi bên đều nêu quan điểm của mình, tuy nhiên những khác biệt chính vẫn còn tồn tại.

Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không thể tránh khỏi những vấn đề phức tạp và đa diện. Cụm từ “đối thủ mang tính hệ thống” đã thu hút rất nhiều sự chú ý, có lẽ nó mang nhiều hàm nghĩa “đối thủ” hơn là “mang tính hệ thống” trong cách miêu tả này. Tuy vậy, nó không mang ý nghĩa rằng chúng tôi đang bước vào một sự đối đầu có hệ thống.

Thông tin sai lệch và thách thức đối với các xã hội dân chủ

Một lĩnh vực khác trong đó những sự khác biệt mang tính cạnh tranh chiếm ưu thế đó là thông tin sai lệch. Vào thứ Tư tuần trước, cùng với Cao ủy Jourová, chúng tôi đã đưa ra một thông cáo chung về thông tin sai lệch.

Không gian thông tin ngày càng trở thành một chiến trường nơi mà các chiến binh sử dụng bàn phím thay vì dùng kiếm. Đại dịch virus corona đã đi kèm với một sự lây lan về thông tin quy mô lớn. Chúng tôi đã chứng kiến ​​một làn sóng thông tin giả và sai lệch cùng các hoạt động gây ảnh hưởng có chủ đích của các chủ thể nước ngoài, nhằm mục đích gây tổn hại cho EU và các quốc gia thành viên.

Cơ quan Đối ngoại Châu Âu đã đấu tranh chống lại thông tin sai lệch đến từ nước ngoài kể từ năm 2016. Ban đầu, các nguồn thông tin này chủ yếu liên quan đến Nga. Giờ đây, Trung Quốc bên cạnh những quốc gia khác cũng đã bước vào không gian này - và chúng tôi đã nói ra điều này. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các hệ thống dân chủ của mình trước mối đe dọa kiểu này.

Kiên định với hướng đi trong tam giác quan hệ EU-Mỹ-Trung

Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận và làm việc về những vấn đề này với Hoa Kỳ. Vào thứ Hai này, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tham gia cuộc họp với các vị Bộ trưởng Ngoại giao EU thông qua hội nghị trực tuyến. Cả hai khía cạnh là Trung Quốc và thông tin sai lệch chắc chắn sẽ là chủ đề nổi bật.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn có vai trò quan trọng đối với chúng tôi ở châu Âu và với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ tạo nên nền tảng của mối quan hệ này. Nhưng mối quan hệ này cũng phải đối mặt với những áp lực và căng thẳng. Chính quyền Trump đã đưa ra các quyết định đơn phương mà chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý.

Nhưng một số thay đổi cơ bản không chỉ là vấn đề của chính quyền Mỹ hiện tại. Chẳng hạn, quan hệ Mỹ-Trung đã được đặt trên một con đường cạnh tranh toàn cầu, cho dù ai sẽ điều hành Nhà Trắng vào tháng 1 tới. Và cuộc đối đầu này sẽ định hình trật tự thế giới trong tương lai.

Trong bối cảnh này, EU phải định vị chính mình. Khi căng thẳng Mỹ-Trung là trục chính trong chính trị toàn cầu, áp lực đối với việc “lựa chọn một bên” đang gia tăng. Đã có nhiều những bình luận của truyền thông xung quanh cả cuộc Đối thoại Chiến lược và gói biện pháp ứng phó với thông tin sai lệch.

Không có gì phải giấu giếm rằng 27 quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về một cách tiếp cận tối ưu đối với vấn đề này. Một số thúc đẩy sự liên kết, một số nước khác lại ủng hộ cho việc giữ khoảng cách. Là Đại diện Cấp cao trong việc tìm kiếm một Chính sách Đối ngoại và An ninh chung, tôi hiểu rất rõ những vấn đề mang tính động này.

Chúng tôi nên áp dụng một cách tiếp cận chiến lược, nghĩa là chúng tôi phải thượng tôn và bảo vệ những lợi ích và giá trị của chính mình. Kim chỉ nam mà chúng ta sử dụng không phải là những kỳ vọng hay áp lực từ bên ngoài, mà là những gì EU chúng ta muốn và cần có.

Có một cách để suy ngẫm về tất cả những điều này đó là nghiên cứu về ‘học thuyết Sinatra’, như một số phương tiện truyền thông đã mô tả về học thuyết này (mời xem liên kết bên ngoài). Chúng tôi, những người châu Âu, phải làm điều đó ‘theo cách của mình’, cùng với tất cả những thách thức mà nó mang lại. Cách làm của châu Âu chắc chắn bao gồm cả việc hợp tác với những đối tác cùng chí hướng nhằm duy trì hệ thống đa phương như một không gian hợp tác, ngay cả khi các cường quốc ngày càng sử dụng hệ thống đó như một chiến trường.

Chờ đợi cơn bão đi qua không phải là một phương án. Đặc điểm về sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu là chúng tôi cùng nhau chèo lái con thuyền. Chúng tôi cần giữ cho con thuyền của mình luôn vững chắc, lấy những lợi ích của mình làm kim chỉ nam cho hành trình.

Một số người có thể nói rằng những con thuyền an toàn nhất khi ở trong bến cảng. Nhưng đó không phải là nơi mà những con thuyền đó được tạo ra để hoạt động.

More blog posts by EU High Representative Josep Borrell

Từ khóa » Eu Là Một Liên Minh Hợp Tác Về Gì