Khi Heo Rừng Bị Săn đuổi - Báo Bình Thuận

                
Một con heo rừng bị dính bẫy.

 Một lần đi săn

“Hồi nhỏ em theo ba đi săn heo rừng. Khu rừng cạnh nhà em rất nhiều heo”. Có lần Chương kể vậy.  Hiện nay, Chương sống bằng nghề trồng thanh long, nhưng  vẫn đam mê đi rừng. Vì vậy, tháng 4 khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu, Chương đi bắt ếch òn; tháng 7 đến tháng 10 đi đào khoai mài… và thỉnh thoảng đi săn heo rừng…

“Ở Bình Thuận không còn nhiều heo rừng lắm đâu. Thỉnh thoảng  nghe thông tin bạn bè em bắt được vài con trong rừng Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến… giáp ranh với Lâm Đồng. Ở Hàm Thuận Nam, sát chân núi Ông, gần xã Mỹ Thạnh còn heo nhưng không nhiều.  Thế nhưng vào khu vực này không dễ, chưa kể chuyển thú săn được ra ngoài rất khó vì phải qua khu dân cư” - Chương nói. Tuy vậy, với những người coi săn bắt động vật hoang dã là một nguồn thu, nỗi ham thích như Chương thì khó lòng bỏ… trừ khi có lý do nào đó.

Chính vì vậy, một ngày mưa trong tháng 5, Chương gọi tôi, hỏi: “Anh có muốn theo em một đêm không?”. Linh cảm cho tôi biết, Chương sắp săn loại thú nào đó, có thể là những động vật hoang dã của núi rừng có thể bán ở quán nhậu đặc sản. Sự tò mò xui tôi nhận lời. Chương đón tôi tại điểm hẹn. Một chiếc Jeep lùn, loại xe thời chiến tranh còn sót lại là phương tiện chúng tôi  vào rừng. Trên xe,  ngoài tôi còn có Chương, lái xe và người anh họ Chương, tên Mỹ.  Từ Phan Thiết, chúng tôi theo quốc lộ 1A, vào cây số 14,  rồi đi về hướng Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). Tối đó, cả nhóm nghỉ lại nhà dân ở đầu thôn 2 xã Mỹ Thạnh, là người thân của lái xe. Chương bảo tôi: “Mưa cả ngày nay, em đoán heo  đi ăn. Chúng cũng sẽ không đánh hơi người được vì mưa gió đã làm tan đi, vì vậy sáng sớm mai, mình đi thăm bẫy”. Tôi ngạc nhiên: “Heo rừng đánh hơi người à?”. “Rất thính là khác”. Chương tiếp: “Rất ít khi đặt bẫy hôm trước, hôm sau “dính” heo. Thường là một tuần, vài ngày. Do vậy sau khi đặt bẫy, người săn cứ phải thăm chừng’’. Nhân đó Chương cho hay: Tuần trước, Chương lội vô những cánh đồng sắn (mì) của đồng bào dân tộc gần chân núi Ông, xem xét rồi mới quyết định bẫy. Sáng mai là lần thăm đầu tiên. Trong lúc chúng tôi nói chuyện bên chiếc bàn tròn, bên ngoài mưa bay bay. Cuộc nói chuyện vì vậy kéo dài, qua đó tôi học Chương được mấy chiêu gài bẫy. Thường có 3 cách đặt bẫy. Thứ nhất, đào hố rộng 1m, sâu hơn 1m, bên trên phủ lá cây, chờ heo đi ăn, rơi xuống. Thứ hai, dùng bẫy cặm do thợ cơ khí thiết kế, đặt trên đường heo đi. Thứ ba, dùng bẫy thòng lọng.  Chương quen với bẫy thòng lọng hơn cả. Người bạn trẻ mô tả cách gài bẫy thòng lọng như sau: Trước hết, đào 1 hố ngang 30cm, sâu 40cm. Dùng sợi dây cáp to bằng phần ba chiếc đũa, một đầu cột chặt vào nhánh cây rừng; đầu còn lại thắt thành thòng lọng. Tiếp theo, uốn nhánh cây sát xuống đất, cũng như để bề rộng thòng lọng phủ lên mặt hố, rồi dùng que tre nhỏ mấu nhỏ, gài nhánh cây để nó không bật lên, nếu không có lực tác động. Dùng vài đoạn tre vát mỏng cũng như phủ một lớp lá cây khô lên mặt hố, tạo thành mặt phẳng trên lối đi. “Heo rừng thường đi ăn theo lối mòn. Khi nó đạp chân vào những đoạn tre vát mỏng, lập tức tre sẽ sụp xuống, tác động vào mấu gài, nhánh cây sẽ bật lên làm thòng lọng rút lại, đồng thời treo chân con vật lên. Tuy nhiên, để heo đi vào bẫy thì các lối đi gần đó phải được ngăn lại. Bẫy đặt ở đâu, người săn phải nhớ kỹ nó khi đi thăm”. Chương nói.

                
Heo rừng trong rừng dưới chân núi Ông.

 Vào rừng

Dường như người đi săn nào cũng sống trong trạng thái thấp thỏm chờ kết quả đặt bẫy. Bởi vậy, sáng hôm sau, trời còn tối đất,  Chương  đánh thức tôi. Chúng tôi rời nhà và không đánh thức người lái xe. Chương không muốn lái xe biết nhiều về chuyện đặt bẫy ở đâu, và đặt thế nào. Ba chúng tôi đi bộ khoảng 20 phút, rồi rẽ vào con đường đất đỏ,  dẫn tới  một rẫy mì. Trong rất nhiều con đường mòn  gần rẫy, tôi nhận thấy có con đường dẫn đến  khu rừng gần đó. Theo tôi biết: Đây là khu rừng dưới  sườn Đông núi Ông, trên phần đất phía Bắc huyện Hàm Thuận Nam. Chương dẫn đầu đi ngược con đường mòn. Đường mỗi lúc mỗi hẹp cho đến lúc không còn nhận ra nữa. Đúng lúc ấy, Chương dừng lại, bảo tôi đợi vài phút rồi chậm rãi bước về phía trước. Chừng 20 thước, tôi nghe Chương kêu nhỏ: “Một con anh ơi!”. Quả thật vậy,  cách nơi chúng tôi đứng không xa, có vũng đất nhỏ, ngang chừng 3 thước, bị cày nát; đất và lá cây rừng  trộn vào nhau. Giữa vũng, một con heo rừng đen đủi, mõm dài, lấm lem đất, đang bị dây thòng lọng rút chân treo lên cành cây. Có lẽ do con vật vùng vẫy, cày xới đất, mong thoát ra nên mõm của nó, chỗ có hai chiếc răng nanh, đỏ tươi. Chương nói: “Đừng tới gần. Nó hung dữ lắm. Để em xem nó đuối chưa?”. Nói xong, Chương chặt một cành cây nhỏ, dứ dứ trước mặt con vật. Con heo rừng lập tức lồng lên, miệng chộp ngay đầu khúc cây, giật mạnh. Chiếc cây trên tay Chương văng đi, nhưng chàng trai trẻ  quen cảnh ấy không hề tỏ ra lo sợ. Chương chặt đoạn cây dài khác, phân công: Anh và anh Mỹ dùng cây đè đầu nó xuống để em xử lý nhé! Con này còn sức đó. Nhớ đè thật chặt không cho vùng vẫy”. Kinh nghiệm đi săn dạy Chương xử lý nhanh bằng cách chặt mấy sợi dây rừng gần đó, vặn thành hình số 8, cột  bốn chân heo, dùng đòn xỏ ngang để con vật không còn vùng được. “Nhanh lên các anh. Khiêng ra bìa rừng càng sớm càng tốt”. Chương nói như ra lệnh.  Khi ra gần tới bìa rừng, Chương gọi điện thoại cho lái xe, dặn  đừng quên mang theo chiếc bao tải rộng để sẵn sau xe. Con vật được trùm  bao tải ngay sau đó, rồi xe quay đầu về Phan Thiết theo ngõ Hàm Cần. Trên đường đi, Chương  gọi cho một người là chủ  nhà hàng đặc sản và cho giá là 120.000 đồng/kg thịt. Ở đầu kia, người mua đồng ý mua trọn con khoảng 30 kg thịt hơi.

 Lời cuối

Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp hành vi săn bắn  động vật hoang dã bị nghiêm cấm, đặc biệt là săn bắn động vật nằm trong sách đỏ. Hiểu vậy, cũng như lường trước những rắc rối nếu tiếp tục săn thú, mới đây, Chương nói với tôi em bỏ nghề. “Đi cắt thanh long, tuy nhọc nhằn cũng được 300.000 đồng/ngày mà không lo ai bắt bớ, lo bị phạt; không phải ban đêm, ban hôm rúc vô rừng sâu, theo dấu con vật…”.

Hiện nay, Chương là một trong những thanh niên  chủ động tuyên truyền bạn bè mình bỏ nghề săn. Em nói với tôi: “Với nhiều lý do, không ít người hiện nay vẫn săn bắt động vật hoang dã một cách lén lút. Trên các con đường vào rừng ở Bình Thuận, đội ngũ thợ săn thú  áp dụng nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng bảo vệ rừng nói chung. Vì vậy, để cảnh báo, anh cũng nên nói rõ các thủ đoạn của những người săn bắt  động vật hoang dã, qua đó, lực lượng chức năng có thể giám sát tốt hơn. Điều đó tốt hơn là không nói, hoặc nói một cách lấp lửng.  Đây cũng là sự thành tâm của em, bởi em nghĩ:  “Nếu ai cũng săn bắt, không bao nhiêu lâu nữa các loại thú sẽ không còn”.

Tâm sự của Chương được tôi đồng tình. Đây cũng là lý do giải thích  vì sao chuyện này được viết ra, cũng như nhân vật chính của câu chuyện này được giấu tên. Con người hãy thôi săn bắt động vật hoang dã… là thông điệp của câu chuyện này.                            

Phóng sự: Hà Thanh Tú

Từ khóa » Cách Làm Bẫy Bắt Heo Rừng