Khỉ Mẹ Trơ Mắt Nhìn đồng Loại ăn Xác Con - VnExpress

Khỉ cái đầu đàn và con đực nhỏ tuổi tranh giành xác khỉ non. Ảnh: N. Ferrero/M. Nishikawa.

Khỉ cái đầu đàn và con đực nhỏ tuổi tranh giành xác khỉ non. Ảnh: N. Ferrero/M. Nishikawa.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Calgary (Canada) và Đại học Tulane (Mỹ) quan sát hành vi ăn thịt đồng loại ở khỉ mũ mặt trắng (Cebus imitator) sau 37 năm theo dõi đời sống của quần thể khỉ trong vườn quốc gia Santa Rosa, Costa Rica. Trong những năm đó, họ chưa bao giờ chứng kiến sự việc tương tự, nhưng tất cả thay đổi vào ngày 9/4/2019. Họ mô tả tai nạn trong báo cáo mới công bố trên tạp chí Ecology and Evolution.

Trong lúc quan sát một bầy khỉ nhỏ, các nhà khoa học nghe thấy tiếng kêu lớn vọng từ ngọn cây cao gần đó. Một con khỉ 10 ngày tuổi tên CT-19 rơi xuống đất và mẹ nó là CT bổ nhào xuống để lượm con. CT cố gắng mang con trở lại ngọn cây hai lần và CT-19 bám vào bụng nó, nhưng con non bị rơi liên tiếp và không đủ sức bám theo mẹ nữa. CT-19 nằm bất động trong vài phút và không lâu sau, những con khỉ khác vây quanh để kiểm tra xác nó.

Một con khỉ đực 2 năm tuổi đến gần và bắt đầu ăn xác khỉ non đã chết. Dù CT không cố gắng lượm xác con nữa, nó vẫn ở gần đó và tỏ ra đề phòng. Sau đó, khỉ cái đầu đàn 23 tuổi kéo cái xác ra xa khỏi con đực trẻ tuổi và gặm suốt nửa giờ. Con khỉ cái ăn gần hết xác của CT-19, trong khi con đực chưa trưởng thành cố gắng trộm mẩu đuôi còn sót lại. Xét về quan hệ, con đực này là anh em họ của CT-19, và khỉ cái đầu đàn là dì họ của nó.

Trước cái chết của khỉ non, giới nghiên cứu mới chỉ quan sát 8 trường hợp ăn thịt đồng loại ở linh trưởng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong số đó, phần lớn thường trùng với hiện tượng ăn thịt con non do cá thể trưởng thành không có họ hàng gây ra. Ở các trường hợp khác, cá thể có họ gần có thể ăn con non sau khi nó chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu cho rằng CT-19 là nạn nhân của hành vi ăn thịt con non cùng loài. Ngay sau những tiếng la hét và cú ngã xuống đất của khỉ non, con đực trưởng thành tên PW cũng bị một con khỉ cái đuổi khỏi khu vực. Các quan sát trước đó cho thấy khỉ cái thường đuổi thủ phạm đi sau khi chứng kiến hành động giết con non. Dù không biết rõ tại sao CT-19 bị ngã, nhóm nghiên cứu nghi ngờ con đực trưởng thành PW có thể đã đẩy hoặc tấn công khỉ non.

Khỉ mũ mặt trắng ăn cả thực vật và động vật nhỏ như thằn lằn, sóc và chim. Khi chúng bắt được con mồi, những con khỉ thường cắn vào mặt để bắt con mồi im lặng nhanh chóng và tránh bị cắn lại. Khỉ mũ luôn ăn toàn bộ con mồi một mình hoặc cùng cả bầy. Tuy nhiên, khi ăn thịt con non cùng loài, chúng hành động theo cách khác. Chỉ có hai con khỉ tham gia vào bữa ăn và chúng bỏ lại nửa thân trên. Phần lớn những con khỉ khác chỉ săm soi, hoặc có cử chỉ đe dọa, chứng tỏ đây là tình huống khác thường với khỉ mũ.

Các cá thể tham gia ăn thịt đồng loại có thể làm vậy vì nhu cầu dinh dưỡng. Khoảng hai tuần sau khi ăn CT-19, khỉ cái đầu đàn sinh con, có nghĩa nó đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ khi sự việc xảy ra. Con khỉ đực nhỏ tuổi cai sữa gần đây, đồng nghĩa nó bắt đầu phải tự kiếm ăn. Sự việc này cho thấy khỉ mũ có thể ăn thịt đồng loại khi cần bổ sung dưỡng chất, nhưng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây chỉ là một giả thuyết.

An Khang (Theo Live Science)

  • Lý giải hành vi ăn xác con non của khỉ mẹ trong khu bảo tồn Italy

Từ khóa » Khỉ Mẹ đánh Khỉ Con