Khi Nào Cần Khám Viêm Xoang Và Khám Viêm Xoang Như Thế Nào?

1. Khi nào nên đi khám viêm xoang?

Viêm xoang là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc một hoặc nhiều xoang cạnh mũi, làm tăng tiết dịch nhầy hô hấp gây nhiều triệu chứng khó chịu. Dấu hiệu bệnh viêm xoang đặc biệt ở giai đoạn đầu rất dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên nhiều bệnh nhân chủ quan, điều trị sai bệnh. Vì thế không ít trường hợp viêm xoang kéo dài tiến triển thành viêm xoang mạn tính, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.

Viêm xoang có thể xảy ra ở một hoặc đồng thời nhiều xoang

Viêm xoang có thể xảy ra ở một hoặc đồng thời nhiều xoang

Bệnh nhân có thể đang mắc viêm xoang cần đi khám nếu có các triệu chứng đặc trưng như:

  • Triệu chứng viêm xoang kéo dài dưới 12 tuần là dấu hiệu của viêm xoang cấp tính: tắc nghẽn đường thở trên, đau đầu, chảy nước mũi, giảm hoặc mất khứu giác.

  • Triệu chứng viêm xoang nếu kéo dài trên 12 tuần là tình trạng viêm xoang mạn tính, triệu chứng thường nặng và khó thuyên giảm bằng thuốc điều trị triệu chứng thông thường.

 Triệu chứng viêm xoang thường kéo dài dai dẳng, hay tái phát

Triệu chứng viêm xoang thường kéo dài dai dẳng, hay tái phát

Khác với cảm lạnh, triệu chứng hô hấp của viêm xoang thường kéo dài và nặng hơn, đặc biệt còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh gây mờ mắt, đau nhức đầu, choáng váng,…

2. Bác sĩ giải đáp chi tiết: Khám viêm xoang như thế nào?

Dưới đây là các hạng mục khám viêm xoang nhằm hiểu rõ các thông tin bệnh cũng như lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

2.1. Hỏi bệnh

Bệnh nhân cần cung cấp các thông tin về bệnh bao gồm:

  • Các triệu chứng mắc phải: hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, mỏi gáy, mờ mắt, khạc ra đờm, không ngửi được,… Các triệu chứng này có đặc điểm như thế nào, mức độ và thời gian xảy ra như thế nào cũng cần cung cấp đầy đủ để bác sĩ chẩn đoán bệnh.

  • Tình trạng nghề nghiệp có liên quan đến bệnh: làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại,…

  • Thời gian khởi phát bệnh, hiện trạng và các thuốc điều trị đang sử dụng.

2.2. Khám thực thể mũi

Khám thực thể mũi để kiểm tra tổn thương niêm mạc bên trong mũi để xác định nguyên nhân gây triệu chứng viêm xoang dễ dàng hơn. Các hạng mục khám bao gồm:

Khám ngoài mũi

Bác sĩ sẽ nhìn, sờ nắn vào sống mũi, gốc mũi, cánh mũi,… Dùng tay ấn mặt trước các xoang để kiểm tra có viêm nhiễm, đau đớn, biến đổi hay dị hình gì không.

Khám thực thể mũi giúp đánh giá vị trí và tình trạng viêm xoang

Khám thực thể mũi giúp đánh giá vị trí và tình trạng viêm xoang

Khám trong mũi

  • Khám tiền đình mũi: Dùng ngón tay nâng đỉnh mũi, quan sát vùng tiền đình mũi tìm điểm bất thường như viêm loét, nhọt,…

  • Soi mũi trước: Kiểm tra tổn thương, phù nề, ngoài ra còn giúp đánh giá sự đáp ứng của cuốn mũi với thuốc co mạch.

  • Khám cuốn mũi giữa: thường nhẵn, màu trắng hồng.

  • Khám vách ngăn mũi: thẳng, chân hơi phình, niêm mạc nhẵn, ướt, màu hồng nhạt.

  • Khám cuốn mũi dưới: màu hồng nhạt, nhẵn, co hồi tốt.

  • Khám mũi sau: Soi vùng vòm họng, cửa mũi sau, loa và miệng của vòi nhĩ.

  • Khám ngách mũi giữa, dưới và sàn mũi: sạch, không ứ đọng dịch, mủ, niêm mạc không bị sưng tấy.

Khám thực thể xoang

Khám thực thể xoang bằng các hạng mục khám:

  • Nhìn: quan sát bằng mắt tìm kiếm sự phồng nề, biến đổi xoang thông qua kiểm tra mặt trước xoang, rãnh mũi má, gốc mũi, hố nanh,…

  • Sờ: sờ để kiểm tra các biến dạng mặt trước các xoang, dùng tay ấn để tìm điểm đau chính xác.

  • Soi bóng mờ: Phương pháp này hiện không được áp dụng nhiều trong khám chẩn đoán viêm xoang do không cho kết quả chính xác.

  • Chọc xoang hàm: Bác sĩ sẽ dùng kim chọc qua vách ngăn xương mũi xoang để vào kiểm tra xoang hàm và thu thập dịch nhầy, chất ứ đọng trong xoang. Từ dịch thu thập được, bác sĩ có thể phân tích loại vi khuẩn gây bệnh cũng như mức độ viêm.

 Nội soi là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại được dùng trong khám và điều trị viêm xoang

Nội soi là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại được dùng trong khám và điều trị viêm xoang

Khám nội soi

Ngày nay, nội soi là phương pháp chẩn đoán hiện đại được áp dụng phổ biến trong khám chữa bệnh, trong đó có các bệnh lý mũi xoang. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi nhỏ đưa vào các xoang, camera nhỏ sẽ thu thập đầy đủ hình ảnh về niêm mạc trong xoang trên đường đi của ống nội soi.

Khám chức năng

Bên cạnh khám, phát hiện các bất thường về tổn thương thực thể, dịch mủ do viêm xoang, sẽ cần khám kiểm tra chức năng của mũi xoang bao gồm:

  • Khám chức năng thở: Có thể dùng khí mũi kế đo áp lực thở của hốc mũi hoặc khám dùng gương Gladen.

  • Khám chức năng ngửi: Bác sĩ sẽ khám chức năng ngửi của mũi xoang bằng cách đưa lượng không khí có nồng độ mùi nhất định để tìm ngưỡng ngửi của mũi.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường dùng cho bệnh nhân kiểm tra viêm xoang, chủ yếu chụp ở tư thế Blondeau và Hirtz để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm, phù nề, tích tụ dịch mủ hoặc có dị vật, u, polyp bất thường vùng xoang.

Nếu hình ảnh X-quang không đủ điều kiện chẩn đoán, chụp CT Scan có thể đánh giá bệnh rõ ràng và chính xác hơn.

 Chụp X-quang để chẩn đoán viêm xoang

Chụp X-quang để chẩn đoán viêm xoang

Qua các hạng mục khám viêm xoang trên, thông tin bệnh lý đầy đủ đã được thu thập, có thể chẩn đoán bệnh chính xác và các thông tin bệnh lý liên quan. Dựa trên thông tin chẩn đoán này để chỉ định phương pháp điều trị, theo dõi hiệu quả.

Hi vọng qua bài viết này mà MEDLATEC tổng hợp, bạn đọc có thể hiểu khám viêm xoang như thế nào để chủ động phối hợp khám với bác sĩ. Điều trị viêm xoang sớm có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, bệnh càng kéo dài thì nguy cơ tái phát bệnh sau điều trị cao hơn. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đáp ứng đầy đủ các danh mục khám viêm xoang trên. Nếu cần giải đáp thêm về thông tin bệnh lý và điều trị, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Từ khóa » Xét Nghiệm Xoang