Khi Nào Chứng Chỉ CPA Của Việt Nam được Các Nước Thừa Nhận?

Khi nào chứng chỉ CPA của Việt Nam được các nước thừa nhận? (kiemtoann.gov.vn) - Khi nào chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán của Việt Nam (CPA Việt Nam) được các nước trong khu vực thừa nhận, để người Việt Nam có thể dễ dàng làm việc tại các nước trong khu vực là sự quan tâm và mong muốn của những người làm nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam. Theo cam kết quốc tế, năm 2015 Việt Nam phải mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, trong đó có việc thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề. Việt Nam đã chuẩn bị gì cho việc này và làm thế nào để đạt được điều đó?

Uy tín của Việt Nam cao hơn khi CPA được các nước thừa nhậnNgày 26/4/2011, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Hiệp định khung nêu rõ, các nước ASEAN có thể thừa nhận lẫn nhau về  chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán được cấp bởi các nước ASEAN khác. Lộ trình thực hiện Hiệp định khung này được tiến hành theo từng bước bởi trình độ các nước trong khu vực còn chênh lệch nhiều, bắt đầu từ việc từng nhóm nước tự thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sau đó mở rộng dần ra cả khu vực. Năm 2012, tại Thông tư 129/2012/TT-BTC về việc thi và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán, Bộ Tài chính đã chính thức thừa nhận chứng chỉ ACCA của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và CPA Australia. Những người đã có chứng chỉ này chỉ phải tham gia kỳ thi chuyển đổi (sát hạch) kiến thức về pháp luật Việt Nam và sẽ được cấp chứng chỉ CPA Việt Nam. Trước đó, Bộ Tài chính đã chấp nhận cho những cá nhân có chứng chỉ ACCA, CPA của Mỹ, Australia, Hồng Kông, Singapore,… tham gia các kỳ thi chuyển đổi. Ngược lại, ACCA cũng đã thừa nhận từng phần CPA Việt Nam như: khi thi ACCA, người có chứng chỉ CPA Việt Nam được miễn 4/14 môn thi (gồm môn kế toán trong kinh doanh, kế toán quản trị, kế toán tài chính và luật kinh doanh). CPA Australia cũng thừa nhận từng phần đối với CPA Việt Nam, miễn 3/12 môn thi.Một số người có CPA Việt Nam sau một số năm làm việc, đạt trình độ và kinh nghiệm nhất định cũng được CPA Autralia thừa nhận và cấp chứng chỉ CPA Autralia. Từ cuối năm 2012 và năm 2013, trên cơ sở Hiệp định khung đó, các nước ASEAN đã bàn đến việc thành lập Hội đồng có đại diện của các nước để kiểm tra sát hạch và cấp chứng chỉ ACPA (Kiểm toán viên ASEAN). Khi đó, người có chứng chỉ ACPA đủ điều kiện hành nghề ở tất cả các nước ASEAN không phải xin phép, không phải thi sát hạch mà chỉ cần đăng ký hành nghề theo quy định của nước đó. Tuy nhiên, các nước chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng do còn nhiều vấn đề chưa thống nhất như: trụ sở Hội đồng đặt ở đâu, kinh phí ai trả, kinh phí thi, quản lý thế nào?…Các chuyên gia về tài chính cho rằng: tham gia Hiệp định khung và đạt được sự thừa nhận lẫn nhau về Chứng chỉ hành nghề thì danh tiếng của Việt Nam sẽ cao hơn trên thị trường quốc tế; phạm vi hoạt động và thị trường rộng mở, các kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp sẽ rất thuận lợi trong quá trình hành nghề. Còn nhiều việc phải làmÔng Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) rất trăn trở về việc làm thế nào để CPA Việt Nam được các nước thừa nhận. Ông Mai cho rằng cần phải đổi mới toàn diện từ chính sách đến tổ chức thực hiện; từ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi đến số môn thi, nội dung thi, cách thức tổ chức thi...; chuẩn mực của chương trình đào tạo và thi phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế; trình độ tiếng Anh của người được cấp Chứng chỉ CPA Việt Nam phải cao hơn nhiều nữa… thì mới được quốc tế thừa nhận. Bên cạnh đó, khi thừa nhận lẫn nhau, các nước trong khu vực cũng rất quan tâm đến việc quản lý suốt đời nghề nghiệp của các cá nhân sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề. Ở các nước, người có Chứng chỉ hành nghề phải là hội viên của các hiệp hội nghề nghiệp để đảm bảo nguyên tắc trình độ, kinh nghiệm phải đạt yêu cầu bắt buộc suốt đời – phải thực hiện cập nhật kiến thức hàng năm và chịu sự kiểm tra chất lượng của hiệp hội.  Theo ông Mai, những vấn đề trên thực sự còn khó khăn, không thể thực hiện trong một sớm một chiều nhưng không phải vì khó mà không làm, mà cần có lộ trình, định hướng và chiến lược để thực hiện theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó thì mới đạt mục tiêu Việt Nam đã ký kết trong Hiệp định khung. Về phần mình, VACPA đã xác định lộ trình cụ thể, rõ ràng và tổ chức, hoạt động của VACPA trong 8 năm qua đã và đang hướng tới mục tiêu hội nhập, mở cửa và được quốc tế thừa nhận. Đặc biệt, VACPA đang xây dựng phần mềm quản lý hội viên hai chiều để theo dõi cả quá trình hoạt động của hội viên từ khi có chứng chỉ CPA theo đúng yêu cầu quốc tế. VACPA cũng đang nâng cấp chương trình cập nhật kiến thức, tăng cường chất lượng kiểm soát chất lượng hội viên, quản lý đạo đức nghề nghiệp… Từ góc độ hiệp hội quốc tế, bà Lê Thị Hồng Len - Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tại Việt Nam cho rằng, để được các nước thừa nhận CPA của Việt Nam thì điều quan trọng nhất là chương trình đào tạo phải gần với chuẩn mực quốc tế và khắc phục được những bất cập trong việc tổ chức thi hiện nay. Muốn được thừa nhận, muốn tham gia cuộc chơi chung, Việt Nam phải bắt tay ngay từ bây giờ, bắt đầu từ việc học hỏi, vận dụng kinh nghiệm của các nước. ACCA có thể hỗ trợ tương tự cho Việt Nam nếu có yêu cầu từ cơ quan quản lý./.Theo Báo Kiểm toán số 43/2013

Từ khóa » Chứng Chỉ Cpa Và Acca